32.4 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025

Đời nến

K ý ức con người là một thứ...

Những ánh trăng quê

N hìn ánh trăng chảy tràn trrên...

Chỗ dựa mang tên ba

Ba tôi có một thói quen lạ....
Trang chủ Blog Trang 66

Kiếp tượng nhà mồ

Kiếp tượng nhà mồ. Tượng được gửi tặng nguyên cho người chết chứ không chôn, không hóa. Làm tượng mồ là gửi cho người chết những niềm vui sống.

Giữa bãi tha ma

Thú thực, tôi không phải là người cứng bóng vía. Tin vào tâm linh, tôi cũng tin có cõi âm, có hồn ma. Nghe/đọc/xem chuyện/phim ma, chỉ gai gai chút thôi. Còn ra nghĩa địa, thì chưa bao giờ hết rờn rợn.

Bước trong bãi tha ma, lần nào cũng như lần nào, tôi không sao thoát khỏi ý nghĩ đây là nơi ma ở. Chốc chốc lại giật thót, ngoái sau, như có ánh mắt lạnh ngắt vừa liếm suốt sống lưng. Ấy thế mà, lần vào Tây Nguyên vừa rồi, dại dột thế nào, tôi đã mò ra nghĩa địa của người Bahna, một nghĩa địa bỏ hoang ở giữa rừng già.
Mà bấy giờ, chiều đã muộn, mưa lại tầm tã. Cái bóng âm u cố hữu của đại ngàn bỗng chốc thành một manh áo ướt sũng, rách bươm, giăng mắc khắp các xó xỉnh. Âm khí kéo về, lạnh toát, quẩn đặc quanh chân. Mưa hắt từ mặt lá lên mặt mình mùi cứ tanh tanh. Từ mấy nhà mồ xiêu vẹo, có tiếng gì cứ “khư khư… khừ khừ…”, chả biết gió hú, ma hù, hay người rên rẩm nữa. Nghe ghê ghê ơn ớn khắp cả người… Tôi đã tự trách mình vớ vẩn. Tự dưng lại đi dấn thân vào chốn thê lương ấy! Lại rước lấy cái hãi hùng vào mình!

Nhưng, còn biết làm sao! Chả nhẽ đến Tây Nguyên, lại chỉ vào bảo tàng hay ghé quầy souvenir để xem tượng nhà mồ ! Phải ra tận nghĩa địa chứ. Không được đêm trăng suông thì cũng phải chiều mưa dầm. Có thế mới đủ vị. Chả biết có cái mê nào kì quặc như mê tượng nhà mồ không nữa? Vừa thích vừa sợ. Càng sợ càng thích. Mà lạ. Âm khí càng phiêu, tượng lại càng ám. Cứ như có hồn ma chập chờn trong thớ gỗ. Càng những tượng mà thịt gỗ đã mòn mủn đi, trơ ra các đầu lũa nhọn hoắt, xanh rì những rêu, lại càng cuốn hút.

Mỗi cột tượng vừa như một vong linh mượn gỗ để hiện hình. Lại như một sinh mạng lưu luyến dương gian cố ngụ mình trong gỗ. Đó là cái sống cải dạng hay cái chết hiện hình? Là chốn dừng lại của cái sống hay nơi bắt đầu của cái chết? Hay cái sống và cái chết ẩn tàng trong nhau? Càng cố phân biệt càng chỉ phân vân. Tôi không còn định rõ cái mê trong mình là được thích thú hay bị thôi miên nữa.

Ngôn ngữ tượng

Đứng trước tượng nhà mồ, tôi đã nghĩ về cuộc chiến cuối cùng mà cũng là cuộc chiến cam go, dai dẳng nhất của con người: cuộc chiến với hư vô. Hư vô hiện ra nhỡn tiền trong hình thù cái chết. Ứng xử với cái chết là một phương diện lớn của văn hóa nơi nơi. Và tượng nhà mồ là cách ứng xử của nền văn hóa rừng ở cao nguyên này. Tượng được làm cho lễ bỏ mả. Nghi lễ cuối cùng đối với người chết. Chấm dứt mọi vướng bận nơi dương thế để họ về cõi khác. Tôi mới nhận thấy : không giống người dưới xuôi nghĩ con người từ cát bụi lại về cát bụi, người Tây Nguyên xem con người đến từ rừng rồi lại về với rừng. Rừng là chốn nguyên sinh cũng là chốn siêu sinh.

                                       Kể từ lễ bỏ mả, người chết sẽ về hẳn với rừng. Nên lễ bỏ mả cũng là lễ chia của nả cho người chết mang sang thế giới bên kia. Trong của nả ấy, đáng kể nhất là những niềm vui sống. Và đó là tượng nhà mồ. Thì ra, về chức năng ma thuật, tượng nhà mồ cũng phần nào như hình nhân giấy mã của người miền xuôi. Nhưng, người miệt rừng không dùng giấy, mà dùng gỗ, không thiêu, mà để nguyên. Tượng được gửi tặng nguyên cho người chết chứ không chôn, không hóa. Làm tượng mồ là gửi cho người chết những niềm vui sống.

Đứng trong nghĩa địa chiều mưa ấy, tôi mới nhận ra tượng nhà mồ là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của sự sống nói vọng sang cõi chết. Một ngôn ngữ bằng gỗ. Sát sạt hơn: một triết ngôn bằng gỗ. Cái chết cuốn con người vào sự tàn hủy của hư vô. Thì con người cưỡng lại bằng tượng nhà mồ. Dàn tượng quanh mỗi nhà mồ khác nào một vũ khúc của sự sống. Cái chết mang đi từng mạng riêng. Thì con người tạc tượng theo cặp. Lẻ là buồn, thì cặp là vui. Cặp là ý thức chống đối cái chết của người Tây Nguyên.

                                           Từ tượng người đến tượng chim thú trên hàng rào nhà mồ, tất tật đều theo cặp. Mà phổ biến nhất là cặp trai gái đương độ cặp kè. Chết là chấm dứt sự sống trên dương gian. Thì trình hiện lại việc sinh thành sự sống trần giới là lời đối thoại nôm na với cái chết. Mỗi cặp tượng như một cái mốc của chu trình tạo sinh. Dường như, mở đầu là tượng trai gái hẹn hò, trai gái giao hoan, đến tượng người mang thai, bào thai, rồi tượng hài nhi… và cuối cùng là tượng người ôm mặt. Trên hàng rào nhà mồ, các cặp tượng ấy được dựng như quân hình trên đèn kéo quân.

Chẳng rõ hữu ý hay vô tình mà một chu kì sống của mỗi sinh mệnh với thành trụ hoại diệt đang được tái hiện bằng ngôn ngữ tối giản của tượng gỗ. Hư vô phủ lên người thân của mình nỗi buồn chết. Thì người sống tặng cho người chết những sinh thú cốt lõi nhất của sự sống. Chả thế mà, trong các tượng nhà mồ, bao giờ cũng có cặp tượng trai gái đứng “khoe hàng” trông rất ngộ. Toàn hàng “khủng” cả. Nàng thì thỗn thện cặp núi đôi phì nhiêu. Chàng thì quả tên lửa đại cương căng rướn hết cỡ đang chực chờ phụt lửa. Có cặp tạc lúc lâm chiến, cứ giao hoan thế suốt cả một đời tượng trên hàng rào. Toàn những sinh thú và dáng điệu ở vào lúc căng mẩy nhất, hoan lạc nhất.

Có thể thấy rõ người tạc, khi làm tượng, cũng đang tràn ngập một niềm tin chất phác vào sự sống phồn thực. Tôi hết sức ngỡ ngàng, khi biết, trong lễ bỏ mả trước đây, trai gái còn được tự do giao hoan nữa. Bằng cái nhìn hôm nay, dễ thấy việc đó thật kì quặc. Nhưng, tập tục này hẳn có triết lí của nó.

                 Phải chăng giao hoan trong cái giờ phút thê lương ấy trên mặt đất cô liêu này, là một hành vi an ủi, hành vi chống lại sự chết? Là lời tuyên chiến tức thì của cái sống với cái chết? Là cách ăn miếng trả miếng với cái chết? Phải chăng bằng cách ấy, người xưa muốn chống lại quyền uy ngang ngược của hư vô? Rằng hư vô cướp đi sinh mạng này thì con người sẽ khởi tạo ngay những sinh linh khác? Hư vô giáng xuống chốn này cái buồn chết thì con người sẽ tạo sinh những niềm vui sống?

Có phải họ muốn nói : đại ngàn không phải là cõi chỉ có hư vô ngự trị, mà còn là cõi con người ngự trị? Thật hoang sơ mà cũng thật thâm thúy. Riêng việc chống đối bằng gửi ân ái giao hoan vào tượng gỗ dựng quanh nhà mồ thì vẫn là tập tục bền gốc, truyền mãi đến ngày nay. Kết nối cõi hữu hình với chốn vô hình, như thế, đâu phải là con đường một chiều!

Tượng buồn tượng vui

Một lần, đến nơi làm tượng, hỏi một nghệ nhân trẻ đang đẽo tượng với tất cả niềm thành kính, tôi mới vỡ lẽ : ngay cả những người làm tượng chuyên nghiệp cũng không xem việc tạc tượng nhà mồ như làm thứ hàng để bán, mà xem đó là một thực hành tâm linh. Dù thô sơ thì tượng cũng là linh vật. Hèn chi, để làm tượng, người Tây Nguyên phải cất công vào rừng chọn những gỗ thật tốt. Có khi phải mất cả năm trời mới tìm được cây ưng ý. Loài cây dùng đẽo tượng thường là cà chít, gỗ rất săn, dai và bền. Không thể nói chắc cây được chọn là nhờ may mắn hay do sứ mệnh nữa.

                                  Trút xong đời cây vào dòng nhựa cuối cùng, thắp xong đời xanh vào hạt diệp lục cuối cùng, cây sang một kiếp mới: kiếp tượng. Làm xong bổn mạng tạo hóa trao cho cũng là trọn hiếu với mẹ Tự nhiên, cây được con người ban cho một mạng khác: mạng tượng; được con người phú cho một hình hài khác: hình hài tượng. Thế là những cột tượng được khai sinh dưới bàn tay đẽo tạc của con người. Chúng cứ tượng hình qua mỗi nhát đục đẽo. Cứ sống dần lên qua mỗi nhịp vót gọt, bào mài, sang sửa. Đời cây chết, đời tượng sinh. Một người của rừng nằm xuống, thì một quần thể tượng của rừng được sinh ra, dựng lên. Cây được hiển sinh vào đời mới. Tượng mồ là đài kỉ niệm của cái sống.

Nhưng, những cây cà chít đâu chỉ hóa thân thành tượng vui. Còn một phía lớn của sinh tử là nỗi tiếc thương mà. Dầu gì, cái chết vẫn là một sự chia rẽ ngang trái. Tình cảm sinh li tử biệt vẫn là tình cảm sâu nặng bậc nhất giữa mọi sinh linh trên cõi này. Được gắn bó trong cùng một cõi sống mới thực là thứ hạnh phúc trần thế. Đong đếm được. Cảm nhận được. Có phải vì thế mà trong lễ bỏ mả nào, trên hàng rào nhà mồ nào cũng không thể thiếu một cột tượng buồn, là tượng người ôm mặt đó chăng?

               Với tôi, tượng người ôm mặt bao giờ cũng ám ảnh nhất trong mỗi bãi tha ma. Tôi từng thấy mặt vui. Nhưng hiếm. Hầu hết là mặt buồn. Mà có vui, thì những nét vui mờ nơi khóe miệng, khóe mắt chẳng đủ xua cái buồn thấm hết cả thân mình. Dáng ngồi co gối. Hai tay tì gối tự bưng mặt mình. Thân thì ngập trong âm. Mặt cố nhoài về dương. Tượng khóc thương cho người chết? Khóc than cho phận người? Hay khóc than cho chốn đời? Một dáng tượng thôi có thể gồm tất cả. Tượng ôm mặt ở nghĩa địa này cũng thế. Mưa chiều làm cho mặt tượng nặng phù. Nước từ hai hố mắt khoét sâu cứ ràn rụa ra đôi gò má đã xơ lũa, tràn xuống bàn tay đang bưng lấy mặt, rồi cứ thế ròng ròng như thạch nhũ trong hang tối, nhỏ xuống đôi đầu gối còm nhom mà thịt gỗ đã thâm mủn tự bao giờ rồi. Đã thế, đúng lúc tôi nhìn, thì từ cằm tượng còn lả tả rụng xuống đến mấy miếng lũa nữa. Kinh hãi. Y như xương rời thịt rụng.

Vốn nhát ma, tôi rủn hết cả người. Nhưng, khi cảm xúc nhát sợ qua đi, nhìn lâu dáng tượng, thấy hiện rõ cả tủi sầu cùng bi hận, những nông nỗi trần ai luôn đeo đẳng mỗi kiếp người, thì trong tôi chỉ còn tràn ngập một nỗi buồn. Nỗi buồn như nỗi chết ngấm ngầm vây khốn. Nỗi buồn từ mưa? Từ bóng tối? Từ những vô hình đang xâm lấn quanh đây ? Hay tất cả từ tượng? Tôi không phân định nổi. Tôi chỉ thấy rõ rệt đến ghê lạnh cả người rằng mình đang đứng trên biên giới của cái sống và cái chết. Nỗi chết đang ngấm vào làn da ơn ớn hơi mưa của mình, làm lạnh dần cả tâm tư mình.

Nỗi sống và nỗi chết cứ chập chờn chen nhau ngay trong mỗi nhịp đập cứ chực run lên của cơ thể mình lúc ấy. Và tại khoảnh khắc đó, nhìn dãy lều mộ xập xệ tiêu điều chìm lút trong màn mưa tối sẫm, tôi bỗng thấm thía đến tận tâm can sự hoang liêu hun hút của cõi này. Càng nhìn vào đôi mắt âm u, trân trối, ràn rụa, thăm thẳm của tượng người ôm mặt, tôi càng chìm ngợp trong một cảm nhận tê tái : mình đây cũng như tượng mồ kia, chẳng qua chỉ là những hình kiếp, vai đổi vai trong cái thoáng chốc được làm sinh linh trên chốn trần ai này thôi.

Rời nghĩa địa

Mưa mỗi lúc một nặng, trời đã tối hẳn rồi. Nhìn quanh, tôi cứ nghĩ chỉ có mình tôi mò ra chốn này. Nào ngờ, khi quay ra, thì bắt gặp một vài bóng vụng trộm, vội chồm lên chiếc Minkhơ, phóng vụt vào rừng. Té ra, hòa giải với hư vô đến từ âm giới đã là điều nặng nề. Giờ đây, lại thêm một hư vô khác đang rình rập quanh tượng nhà mồ. Thứ hư vô này đến từ cõi dương, từ đô thị, từ tham vọng mù lòa của kẻ sống.

Người đứng canh chừng trên biên giới của sống chết đang bị săn đuổi. Đám đại gia sẵn sàng phạm thánh đang ráo riết săn lùng tượng nhà mồ. Không hiểu từ đâu, họ tin rằng tượng nhà mồ là một thứ thần đèn, thần tài. Có thể sai khiến thần trong những phi vụ làm ăn. Họ trả giá hậu cho những ai kiếm được tượng lâu đời. Để kiếm bằng được tượng quí, người ta đã đào bới, phá bỏ, lừa gạt, cướp đoạt bao nơi trên Tây Nguyên. Vậy là, từ nay, tượng nhà mồ phải đối mặt với một cái chết khác.

Người sống đưa tượng đến biên giới âm dương để tiễn người thân về cõi khác. Nạn săn lùng trộm cắp cũng lùng sục đến tận đường biên này cuỗm đoạt tượng từ tay người âm đem về dương bán cho kẻ đầu cơ. Biến tượng từ những phúc thần thành ác thần. Bắt tượng làm ma cô, làm nô lệ dẫn tiền, canh tiền, làm thần giữ của. Đến ranh giới của sống chết rồi, còn biết chạy đâu. Tượng có chui xuống đất cũng bị quật lên thôi. Đời lại có cái lối làm tiền xuyên qua cả loại biên giới này nữa sao ? Nghe người đồng bào kể về những cột tượng thân yêu bị ném lên xe tải, bí mật đưa về thành phố trong những chuyến hàng mờ ám, mà thấy nặng lòng.

Bao đời rồi, những niềm vui người sống tặng cho người chết để linh hồn của họ bớt côi cút khi phải rời cõi sống. Nay thì niềm vui cuối cùng ấy cũng bị chụp giật, cũng bị trấn lột nốt bởi những linh hồn chết của kẻ sống. Nhưng, tượng mồ vốn chỉ sống trong dưỡng khí huyền bí của đại ngàn. Sự sống của tượng là nơi nghĩa địa. Giờ kẻ đầu cơ cả thánh thần ma quỉ hòng đoạt tượng về, muốn biến công sở thành ngục tù giam tượng, biến văn phòng thành nghĩa địa bày tượng, biến tư dinh thành nhà mồ chăng?

Không biết tượng người đang ôm mặt kia chiều mưa này mới khóc thế, hay vẫn như thế tự bao giờ? Bóng tối trầm nặng của đại ngàn đã sập xuống rồi. Tượng vẫn cứ ngồi nguyên đấy. Tượng có nghe những đợt sóng âm lạnh lẽo từ cõi chết xô tới chân mình? Có nghe những cuộc săn lùng của kẻ sống đang rình mò vây ráp quanh đây?

Rời nghĩa địa về lại thành phố, thỉnh thoảng tôi lại giật thót, như có cái gì lạnh toát vừa lướt dọc sống lưng. Mỗi lần ngoái lại, vẫn chỉ thấy cột tượng ấy. Vẫn tự bưng mặt mình thui thủi trong mưa. Vẫn cái nhìn từ đôi mắt tượng. Ràn rụa. Trân trối. Âm u. Thăm thẳm…

Về làng

Cũng trong lần vừa rồi, chúng tôi có đến một làng cổ của người Bahna. Đây là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch của Tây Nguyên. Khi qua chiếc cầu dây văng khá bề thế, mô phỏng cầu Cổng vàng của nước Mỹ, bắc qua sông Dakbla, dẫn sang ngôi làng ấy, tôi dự cảm về một làng xưa đang được hiện đại hóa. Tôi sắp được gặp một làng khang trang, ánh sáng văn minh đang làm rạng rỡ thêm bản sắc bao đời. Nhưng, càng đến gần,  lại càng xa điều dự tưởng. Hình như, qua lại chiếc cầu ấy mỗi ngày, luôn có một cái gì đang tìm về cũng có cái gì đó đang ra đi thì phải?

Nghe bảo, mấy năm trước hồn vía làng xưa vẫn còn khá nguyên vẹn trong cảnh quan. Bây giờ làng chưa đến nỗi như một người đẹp bị tàn phế, mà chỉ như một người đẹp dao kéo chưa xong ca phẫu thuật thôi. Khắp làng, nhà sàn gỗ cổ truyền đang bị lấn bởi nhà trệt bê tông. Lẽ nào do người bản thổ muốn học theo người Kinh mà bỏ lối sống xưa, kiến trúc xưa? Lẽ nào do gỗ ngày một hiếm đi, gỗ không được bền? Hay do một áp lực nào không cưỡng lại được chăng? Tôi chợt liên tưởng đến những nhân vật người bị nguyền cứ dần dần hóa đá trong các câu chuyện cổ mà lo âu. Chẳng nhẽ, để sinh tồn, cái này cứ phải chèn ép thôn tính cái kia, tựa bê tông với gỗ trong mỗi nếp nhà, mỗi ngôi làng?

Cũng chiều muộn, tôi được dẫn đến một ngôi nhà thờ đẹp. Tuy không được như ngôi nhà thờ cổ nổi tiếng nằm giữa thành phố Kontum. Nhưng nó vẫn xinh xắn với dáng vẻ cân xứng giữa tháp chuông và dàn mái, giữa hành lang và lòng nhà nguyện, nhất là giải pháp hoa văn gỗ vừa đơn giản vừa tinh tế, hiện đại mà vẫn Tây Nguyên. Nhưng, cứ như một người bị o ép vậy. Phần đất dưới chân nó quá hẹp. Chẳng có lấy một khoảng nào đáng gọi là khuôn viên bao quanh. Nó đứng khó khăn như một người cứ phải cả đời trong thế kiễng chân. Giống như một hành khách rủi ro trên chuyến tàu chợ của sự sống, chỉ kiếm đủ chỗ để đặt một bàn chân và cứ đứng kiễng mình thế giữa chen chúc xô bồ cho đến tận ga cuối.

Tôi đi quanh làng rất lâu, ngắm hết góc này đến góc khác mà nghe gió quẩn trong lòng. Tôi đã tìm tới bãi sông rìa làng, nơi vẫn được gọi là bãi tắm Mộng Mơ. Nghe bảo, trước đây người ta vẫn ra tắm tiên. Mà giờ vãi đầy rác rưởi xú uế. Đã qua những vườn cây trước ngay ngắn sum suê, giờ hàng rào đã xiêu vẹo cả. Chỗ nào cũng thấy đám trẻ con nhem nhuốc, xốc xếch. Chúng đùa nghịch giữa đống cát sỏi trộn lẫn rác rưởi. Chúng giành nhau những que củi mục, bao ni lông và vỏ đồ hộp làm đồ chơi. Khi ra đến sát bờ sông, tôi giật mình, vì chợt thấy cả ngôi làng như nghiêng hết về phía bờ dốc. Chẳng hiểu do tôi chưa nhìn đúng góc, hay làng bị xiêu, mà cái thế của làng cứ y như cái thế của một người bị dồn đuổi đã chạy ra đến sát bờ sông, đang chới với, cố bấm chân vào bờ nước. Chỉ cần một cú hẩy nhẹ thôi là làng sẽ sa cả xuống sông.

Nhưng, buồn nhất vẫn là hình ảnh một bà già. Trong căn nhà gỗ còn sót lại giữa làng, một bà già ngồi trên sàn lặng lẽ. Bà ngồi đó từ trước khi chúng tôi đến. Chúng tôi đi thăm hết chỗ này chỗ kia, quay lại, vẫn thấy bà ngồi nguyên đấy. Giữa xó tối của nhà sàn, một đôi mắt ngó mông lung, bất động. Đôi bàn tay tì gối, bưng lấy khuôn mặt nhăn nheo. Mỗi nếp nhăn như giấu một nếp đời lam lũ. Trong lúc ấy, tôi sực nghĩ, có lẽ, bà đã ngồi đó từ bao ngày trước rồi. Thậm chí, bà đã ngồi như thế từ thời trẻ cho đến giờ cũng nên. Tôi đã bước thêm đến một vài nơi nữa của làng để tham quan, nhưng chốc chốc vẫn cứ phải ngoái lại. Lạ. Đôi mắt ấy có nhìn tôi đâu ! Nhưng sao tôi luôn thấy như nó dán vào lưng mình.

Ớn lạnh suốt cả xương sống. Chẳng biết bà có nhìn lũ trẻ nhem nhuốc đang mải mê chơi quên cả bóng chiều không? Có nhìn thấy những đoàn khách sang trọng đang mải theo các tour guide hết chốn này đến chốn khác nghe giới thiệu về văn hóa làng không? Có thấy bóng chiều quanh mình đã sẫm lại ngay từ lúc hãy còn nắng không? Có thấy bê tông đã dâng đến ngang ngực của làng không? Tôi không rõ. Bà cứ ngồi thế. Một mình. Bất động. Như đá. Như gỗ lũa. Đôi mắt ràn rụa bóng tối. Lạ nữa, nhìn bà, sao tôi cứ thấy có cái gì quen quá. Hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Mà gặp chưa lâu, thì phải. Vừa bước đi, tôi vừa cố kiểm lại xem, nhưng lần dở mãi, mà chịu, chẳng ra bóng dáng quen nào.

Cho đến phút sắp sửa rời làng, sực nhớ ra, thì tôi hoảng hồn : chẳng phải dáng ngồi của tượng nhà mồ đây sao ! Tức thì, tôi thấy gió mưa ở nghĩa địa hoang hôm nào bỗng réo rít. Tiếng rên “khư khư… khừ khừ” bỗng vọng về. Chao ôi, đây là nguyên mẫu  sao? Là tiền kiếp của tượng nhà mồ sao? Khi câu hỏi ấy nhói lên, tôi thấy bóng tối quanh làng, quanh bà như cái bóng ảm đạm vây phủ phận người trên bãi đời mênh mông này. Dường như, không phải cây cà chít nào kia đang được đẽo thành tượng mồ. Mà chính bóng tối đó mang trong lòng muôn lưỡi rìu chìm đang từng ngày từng giờ đẽo bà thành tượng. Có lẽ nào, chính thứ hư vô nhỡn tiền đó đang biến người thành tượng ngay khi họ còn sống? Biến họ thành tượng nhà mồ ngay trên sàn nhà họ?

Khi đã nhá nhem, đoàn chúng tôi phải rời làng về lại thành phố. Đi đến quãng nào, ngoái lại, tôi vẫn thấy bà già ngồi đấy. Nhọ hẳn mặt người rồi, vẫn thấy bà ngồi nguyên đấy. Vẫn đôi bàn tay tự bưng mặt mình. Vẫn đôi mắt mông lung. Ràn rụa. Trân trối. Thăm thẳm. Âm u …

Nên bị gai đâm

Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa…

Núi lửa nào hay mình làm đau trái đất. Sóng thần nào hay mình làm đau những đại dương. Bão tố nào hay mình làm đau những cánh rừng. Đá ghềnh nào hay mình làm tổn thương những dòng suối. Mỏ neo níu giữ con thuyền đâu hay đã làm rách tướp những lòng sông.

Trái rụng đâu hay mình làm đau lòng vườn. Nắng chói đâu hay mình làm đau những giọt sương đậu hờ trên mép lá. Bụi bay đâu hay mình làm đau những làn hương. Con ong đâu hay tiếng đập cánh vụng về làm giật mình nụ hoa út ít. Lá rơi nào hay mình làm tổn thương giấc mơ của cánh chuồn kim thiêm thiếp sau ngọn cỏ góc ao.

Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm.

Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ. Giọng ca trơn làm tổn thương điệu nhạc say đắm. Ngón tay bấm bâng quơ làm tổn thương bao âm giai ẩn trong mỗi phím đàn.

Lần lỗi hẹn làm đau điểm hẹn. Cái bắt tay ơ hờ làm đau nhịp tim sâu. Nụ cười tắt mau làm tổn thương những thắc thỏm mong cầu. Tiếng thở dài làm tổn thương ánh nhìn ngân ngấn. Thoáng chau mày làm đau giọt mồ hôi lau vội lúc cuối ngày.

Ảnh: Shykhman

Thế giới cần nâng niu quá đỗi. Ta sống đời lại thô tháp làm sao. Ta làm tổn thương những dòng sông. Ta làm tổn thương những mặt đầm. Ta làm tổn thương những mảnh vườn. Ta làm tổn thương những mùa hoa trái. Ta làm tổn thương những bình minh yên ả. Ta làm tổn thương những canh khuya trong vắng. Ta làm đau những niềm người quá đỗi mong manh…

Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa…

Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình : tổn thương là rỉ máu. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm.

Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình : tổn thương là rỉ máu. Núi lửa nào hay mình làm đau trái đất. Sóng thần nào hay mình làm đau những đại dương. Bão tố nào hay mình làm đau những cánh rừng. Đá ghềnh nào hay mình làm tổn thương những dòng suối. Mỏ neo níu giữ con thuyền đâu hay đã làm rách tướp những lòng sông.

Trái rụng đâu hay mình làm đau lòng vườn. Nắng chói đâu hay mình làm đau những giọt sương đậu hờ trên mép lá. Bụi bay đâu hay mình làm đau những làn hương. Con ong đâu hay tiếng đập cánh vụng về làm giật mình nụ hoa út ít. Lá rơi nào hay mình làm tổn thương giấc mơ của cánh chuồn kim thiêm thiếp sau ngọn cỏ góc ao.

Ảnh: DreamPixer

Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm.

Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ. Giọng ca trơn làm tổn thương điệu nhạc say đắm. Ngón tay bấm bâng quơ làm tổn thương bao âm giai ẩn trong mỗi phím đàn.

Lần lỗi hẹn làm đau điểm hẹn. Cái bắt tay ơ hờ làm đau nhịp tim sâu. Nụ cười tắt mau làm tổn thương những thắc thỏm mong cầu. Tiếng thở dài làm tổn thương ánh nhìn ngân ngấn. Thoáng chau mày làm đau giọt mồ hôi lau vội lúc cuối ngày.

Thế giới cần nâng niu quá đỗi. Ta sống đời lại thô tháp làm sao. Ta làm tổn thương những dòng sông. Ta làm tổn thương những mặt đầm. Ta làm tổn thương những mảnh vườn. Ta làm tổn thương những mùa hoa trái. Ta làm tổn thương những bình minh yên ả. Ta làm tổn thương những canh khuya trong vắng. Ta làm đau những niềm người quá đỗi mong manh…

Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa…

Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình : tổn thương là rỉ máu. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm.

Giấc mơ của gió

Tôi mải miết đi tìm giấc mơ của gió, một đời tôi, nhiều đời ai. Tôi vươn vai hát lời của sóng một đời tôi vạn đời ai. Tôi thênh thang đi tìm khát khao của biển để nghe gió thầm thì ngày xưa.

Biển mênh mông biển chẳng vô bờ
Con sóng nhỏ vu vơ đời phiêu lãng
Dã tràng đa mang xe cát vào vô hạn
Cánh buồm mơ tìm mãi bến thời gian

Đó là bốn câu thơ tôi cảm thán trong một chiều thơ bé, lang thang dọc triền đê, con đê biển vạm vỡ bao bọc lấy quê tôi Thụy Trường – Thái Thụy – Thái Bình. Buổi chiều hôm ấy, giống như bao buổi chiều hoa mắm, hoa vẹt chan chát ngọt ngọt mời gọi bầy ong, nhìn ngọn thủy triều len lỏi dâng đầy trong những con lạch luồn lách ra phía khơi xa, tôi hình dung về một cánh buồm mà thủy tổ của tôi đã căng từ làng Quỳnh – Nghệ An để đến nơi đây gửi gắm ước mơ. Tôi gọi đó là giấc mơ của gió.

                             Giấc mơ của gió, đời người ai không một lần gửi những khát khao. Biết bao nhiêu câu hỏi cứ mông lung nhảy nhót trong trí não ngây thơ của một đứa trẻ: phía xa kia là gì, đằng sau những con sóng, đằng sau những cánh buồm, đằng sau những cơn gió, làm thế nào để vượt những đại dương… Mỗi một ngày giấc mơ về đại dương, về những bờ bến xa mờ cứ xanh thẳm hiện hữu và lớn dần trong tôi và nó trở thành thứ tôn giáo của riêng tôi mà tự khi nào tôi không nhận ra.

Mùa hè năm ấy tôi được đi chơi trên một chuyến tàu của gia đình, con tàu xuất phát từ cảng Hải Phòng và cảng đích là Cam Ranh – Khánh Hòa. Ra khỏi luồng Hải Phòng tàu bắt đầu bươn mình vào Vịnh Bắc Bộ, bờ bến sau lưng nhạt dần, lần đầu tiên con mắt tôi được thỏa thê nỗi niềm vô cực. Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm ấy với tôi đã là một đại dương đầu đời cho tôi hình dung và cảm nhận được câu mà nhiều người đi biển từng nói: ra đến biển con tàu cũng chỉ như chiếc lá tre mà thôi…

                                       Thuyền viên trên chuyến tàu buổi ấy ai cũng nói với tôi rằng số tôi đỏ, đi biển đúng vào dịp biển không còn thể êm hơn, lại đúng vào mùa trăng. Buổi chiều lịm dần trên vịnh, con tàu bình thản như đang trườn trên một đĩa thạch màu xanh khổng lồ, mặt trời ngẩn ngơ nhấp nhổm rồi giấu đi chút hào quang cuối ngày vào thâm cung thủy tận. Tôi như một chú ếch xanh bợt da thiếu nắng thiếu gió một ngày bỗng nhảy ra khỏi chiếc giếng sâu đời mình, cuộc sống ngoài kia còn có cả mặt trăng tròn hơn và trong hơn cái vòm giếng bấy lâu tôi ngồi. Vành trăng hôm ấy chẳng phải là một thứ ánh sáng dối lừa đã dẫn dụ tôi vào dạo chơi cuộc đời. Cuộc dạo chơi ấy có tên giấc mơ của gió.

Tôi đã từng nghe nói về hải đăng nhưng thú thật chưa thể hình dung cảm giác khi nhìn thấy hải đăng từ phía biển nó ra sao. Đêm ấy, qua một cơn mưa, trăng trốn vào trò chơi thị giác, biển tối đen và ẩm ướt, bầu trời thêm một lần nữa đẩy tôi vào những bí mật. Khi chúng tôi vừa bắt được tín hiệu: ” Đà Nẵng radio gọi các đài tàu…” cũng là lúc tôi thấy le lói hải đăng mũi Sơn Trà. Quả thật lúc đó tâm trạng của tôi khác hẳn tâm trạng của một người nhìn thấy ánh hải đăng từ phía đất liền, dường như ngọn đèn biển mà tôi đang thao thức đã có một linh hồn. Sau này sau này và sau này cùng biết bao nhiêu trải nghiệm những tuyến đường trên biển, đi qua biết bao những chớp sáng linh hồn, nhưng mỗi lần tôi đều có những tâm trạng khác biệt. Tôi gọi nó là mắt biển.

 

Qua chuyến đi biển ấy, giấc mơ của gió, hình dung về thủy tổ của tôi một ngày đã vượt sóng làng Quỳnh để ra khơi cứ nhen nhóm và thôi thúc tôi về một ước mong thủy thủ. Tôi cần phải làm gì đó, tôi cần phải đi xa hơn, tôi muốn ngắm nhìn thế giới này bằng con mắt của chính mình chứ không phải là con mắt của người khác. Nhưng để làm được điều đó thì phải là kỹ sư điều khiển tàu biển, phải theo học đại học hàng hải, trong khi tôi lại học khoa quốc tế học trường đại học khoa học xã hội và nhân văn. Quả là một sự thật trớ trêu.

                                           May mắn thay, mấy năm sau tôi đã có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của một người đi biển chuyên nghiệp, với bằng cấp và những chứng chỉ quốc tế giúp tôi có thể làm việc trên những con tàu lớn và đến bất kỳ một hải cảng nào trên thế giới. ” Không có mảnh đất nào xa lạ. Chỉ có kẻ lữ hành là người lạ” – Robert Louis Stevenson. Tôi luôn tâm niệm điều đó.

              Có hai bài hát về biển về thủy thủ đã ảnh hưởng rất lớn tới sự trưởng thành và nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Ấy là Tâm tình người thủy thủ của nhạc sỹ Hoàng Vân và Xa khơi của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Có nhiều hải trình đằng đẵng sóng gió và hiểm nguy hay ở những phương trời xa lạ, nỗi cô đơn làm cho tôi thấy mình trở nên bé nhỏ, khi ấy cây guitar luôn mang theo bên mình vỗ về bầu bạn:

“… Nhổ neo ra khơi, anh biết rằng dẫu ở cuối trời
Dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu
Hay có người thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô
Cũng không thể làm anh xa được em yêu
Nhưng em ơi, nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió
Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao
Có lẽ nào xứng với tình em.”

Hay có những kỳ nghỉ trở về nhà, biển và vô vàn sắc màu lại dập dềnh trong nỗi nhớ, tôi lại như một người cuồng chân ngứa cẳng, chỉ muốn bật dậy đi ngay, âm hưởng Xa khơicủa Nguyễn Tài Tuệ làm trái tim tôi muốn vỡ:

“Nắng tỏa chiều nay
Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ươm chân trời
Biển lặng sóng thuyền em dong khơi
Khoan giọng hò thương anh cách vời
Kìa biển rộng con nục, con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi
Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ
Nhớ thương anh ơi …”

                Duyên nợ với Nghệ An như một thứ tình thân mến thương cứ đeo đẳng vấn vít lấy cuộc đời tôi. Chuyến đi biển quốc tế đầu tiên của tôi xuất phát từ cảng Hải Phòng nhưng lại ghé qua cảng Cửa Lò để tiếp nhiên liệu. Khi tàu rời cảng, rời đất mẹ yêu thương tôi hăm hở như một cánh buồm ngoan gió và tất nhiên hình ảnh tổ tôi trong tâm can dòng tộc lại bừng sáng trở về. Khát vọng ra khơi và giấc mơ của gió…

Cảm xúc cần phải luôn mới mẻ, nếu cảm xúc không tìm đến thì hãy nghĩ cách để gọi mời nó đến. Cuộc sống của một người thủy thủ đã tự vinh danh nó với những cung bậc cảm xúc, đi và đi, đến và đến, tâm hồn bạn như những dòng hải lưu mà hồng cầu nuôi dưỡng nó là khao khát và đam mê. Tôi đã dừng chân ở bao nơi, đã đi qua bao con đường vô danh, ai mà nhớ được chỉ biết rằng tôi là một người giàu có.

                        Biết bao kỷ niệm rối rít hoan hỷ ùa về, băng qua Malacca, buổi chiều réo rắt, đàn cá voi bày tiệc ở Vịnh Bengal, chúng chổng mông nhào lộn rồi phun những cột nước thân thiện lên bầu trời phóng khoáng. Lại nhớ những ngày nhạt mồm nhạt miệng, đi mua rượu ở xứ sở Hồi Giáo len lén lun lút, môi môi giới giới như kẻ tội đồ tìm cái chết trắng ở Việt Nam. Có những buổi dừng chân ở Kemaman, cả thủy thủ đoàn cùng nhau đi săn chó hoang, lên núi đào giềng dại hái lá mơ hoang mang về bày biện quốc túy quốc hồn.

Sau này trong những chập chờn mộng mị yêu thương, con giang chiều gọi bạn, con nục con măng tung tăng, tôi lại thấy mình đè sóng cưỡi gió lướt đi trong thủy triều đỏ.Cánh buồm của tổ tông lại vẫy gọi, tôi nghênh ngang nổi chìm, tôi săn đuổi mặt trời, tôi tìm kiếm hải đăng, tôi lặn lội vào gió, vào sóng, vào những đam mê đời mình. Tôi mải miết đi tìm giấc mơ của gió, một đời tôi, nhiều đời ai. Tôi vươn vai hát lời của sóng một đời tôi vạn đời ai. Tôi thênh thang đi tìm khát khao của biển để nghe gió thầm thì ngày mai.

Người đàn bà say trăng

              Trăng còn non chiều, đêm chưa trở dạ, gió thổi cầm canh, biển chòng chành màu mắt. Vinh như cây đèn biển cổ thành dắt dìu những đứa con ngoan khơi xa tấp bờ cập nhà. Còn cô cũng tên Vinh đến và ở lại thành phố này như một người đàn bà say trăng.

Chỉ ở biển người ta mới tường tận thời khắc giao ca nhịp nhàng giữa ngày và đêm, còn trăng là thứ báu vật dành tặng những tâm hồn ngưỡng vọng ánh sáng. Đàn bà mà không say trăng là thứ đàn bà hư hỏng. Bởi vậy mà Nam Cao đã bạo tay ném sự hư hỏng của Thị Nở vào một đêm trăng cuộc đời, không thế sao Thị trở thành đàn bà, Thị trở thành cái đẹp. Không thế Thị muôn đời chẳng được viết hoa. Thị trở thành phù sa đàn bà

                        Vinh dấn thân vào cát mềm, trăng như một tấm đậu non mịn màng, người ta không nỡ cắn mà chỉ đành lướt qua trên bờ môi để xem kẻ nào mềm hơn kẻ nào. Cô mỉm một nụ cười hại não vì nghĩ trăng vẫn đang đi theo mình, như đã từng đi theo những triền đê, đi theo dòng sông Diêm cửa biển thiếu thời.  Nơi mà cô đứng từ làng mình mỗi đêm và tự nhủ nó chính là một quầng sáng phù hoa.

Trăng trong veo. Trăng khỏa thân lõa luề dưới nước rồi chẳng phải bẽn lẽn cứ thế mà tràn lên mặt biển rồi bước nhẹ lên khoảng không nín thở thế gian. Đời trăng đã vốn đẹp từ khi cô còn chưa hiểu mình là ai. Có lẽ trăng đã trốn ra từ vùng sáng tạo của một gã họa sỹ gàn dở, cả đời bất mãn vì không pha nổi màu trăng. Giống như cô đến bây giờ vẫn còn hay tự hỏi sau những tinh tú lấp lánh trên kia là gì, đi mãi thì đến đâu hay cũng chỉ là nhiệm màu cổ tích.

Đã ngỡ đời mình là ngọn sóng rong chơi
Là lang bạt một cánh buồm mê mải
Mà ánh mắt, trên biển đêm hoang dại
Lại neo ta thảng thốt bến bờ này

Xác thuyền nào thăm thẳm giữa trùng khơi
Kể câu chuyện về tình yêu bất tử
Con ốc nào âm u lời lữ thứ
Trăng rắc tràn khát – nhớ những đôi môi

Trăng chói ngời xưa cũ của tôi ơi!

Người đàn bà say trăng, say những chói ngời, say những xưa cũ để lòng dạ bớt hẹp hòi bản ngã. Cô đặt lữ thứ xuống đôi chân mình, một nỗi cô đơn hãnh tiến, nỗi cô đơn muốn dẹp bỏ những thói đời những khuôn khổ tối bưng chật hẹp. Ánh trăng đôi khi làm con người ta thèm nổi loạn. Nhưng đó là sự nổi loạn của ánh sáng. Nếu như trăng núi man dại đến rùng mình khiến bầy sói hoang tru lên thanh vắng thì trăng biển lại suồng sã đến quê mùa khiến con giang chiều phải ấm lòng gọi bạn đường khơi.

                Người đàn bà say trăng, tự chất vấn cảm xúc, chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chả khi nào lặng yên. Cô ném một con dã tràng vào lòng biển, khi chúng chưa kịp xe cát vì không muốn đứng trông những thành quả bị sóng dập vùi. Cô muốn nói: Dã tràng, mày cũng ngu ngốc lắm. Nhưng biết đâu, con dã tràng nhỏ bé cô tưởng chừng đáng thương tội nghiệp đó lại đang thầm mai mỉa cái ngu dại của cô.

Cô muốn bơi vào dòng trăng kia, muốn thử một lần chảy vào thứ ánh sáng ấy vĩnh hằng bởi khác xa lắm những khi đi về dưới vòm khuya sương lạnh, có cảm giác như nỗi buồn treo mình như những cánh dơi đêm. Có thể im lìm, cũng có đôi khi quẫy đạp, nhưng rồi sau đó lại rơi thăm thẳm vào bóng đen đặc quánh, bí hiểm. Nên đàn bà không say trăng cũng đáng sợ và hồ nghi bí hiểm như cánh dơi chùng đập tối vào đêm.

Cô cứ đi theo triền cát, theo triền gió, theo bờ trăng xóa nhòa ranh giới hư thực đảo điên, quẫy động trong giấc mơ, quẫy động trong ký ức, là những mảng màu như thế. Là cuộc sống chậm trôi như thế. Như chưa từng có bão gió nào qua. Cứ như thế rồi khuất chìm…

                Nhưng thế nào, rồi trên bãi biển mặn ánh vàng kia, trong những ô cửa sáng đèn kia, lại chẳng có những nụ hôn, lại chẳng có tình yêu, lại chẳng có hạnh phúc hay khổ đau, dằn vặt? Thứ ánh sáng tưởng chừng có thể bỏ vào miệng kia rồi chảy khắp hồng cầu có làm người ta say, người ta ngất ngây, người ta lại muốn là một gã họa sỹ gàn dở nghiêng cây cọ mà khua lên trời đóng khung một chữ Đẹp.

      Không hiểu sao chốn này khiến cô thấy mến yêu, gần gũi. Có lẽ vì nó giống với một bờ đầm trong ký ức, nhất là khi chiều tím đã buông, và ánh đêm dần xuống. Cô cứ hy vọng sẽ nhìn thấy chúng, những ngọn đèn chai thắp trong những con đó, dải đăng…mà ánh sáng của nó lan ra mặt sóng. Giống và gần gũi lắm với những ngọn đèn cô đã nhìn thấy trên con sông Diêm của mình, ao đầm tuổi thơ mình…

                 Ánh trăng thực tình chẳng bao giờ lừa dối, một tâm hồn đẹp sẽ thấy những dòng trăng ngôn tình, một tâm hồn cạn sẽ thấy bờ trăng hoang vu. Đừng bao giờ đem thứ ánh sáng hào nhoáng vô cảm vô hồn vô thực ra để lừa dụ đàn bà, nhất là những người đàn bà say trăng…

  • Tản văn:    Hồ Huy
  • Thơ:        Thùy Vinh
  • Ảnh:        Thùy Vinh – Thanh Nguyen – Minh Nguyễn
  • Nội dung: Viết về Thùy Vinh

Lời nguyện cầu Bùi Chu

Bùi Chu là tên một giáo phận, cũng là tên một nhà thờ cách làng Nghĩa Xá của tôi không xa. Cùng với Phú Nhai, Bùi Chu là niềm tự hào của tôi mỗi khi dẫn bạn bè về thăm quê nội…

                                 Hơn 100 năm, trầm mặc rêu phong, vẻ cổ kính của nhà thờ Bùi Chu, những vết dấu thời gian mưa nắng chính là giá trị lớn nhất mà tôi cảm thấy ở đây. Vùng quê tôi có bao nhiêu nhà thờ mới lộng lẫy mọc lên, nhưng chỉ có Bùi Chu, rồi Phú Nhai, hay nhà thờ đổ ven biển Hải Lý…, là khiến tôi có cảm giác run run, linh thiêng mỗi khi bước vào, chạm tay trên những bức tường, ngồi trên băng ghế, nhìn những vết rêu, vết nứt, nét chạm trổ và nghe tiếng chuông ngân…

Tôi tin mỗi viên gạch nơi đây là một trầm tích, chứa những linh hồn… Trên gác chuông này, bao nhiêu thời khắc đã qua. Bao nhiêu người gác chuông đã cần mẫn công việc ấy mỗi ngày mỗi đêm, và bao nhiêu người gác chuông đã chết. Trên mỗi băng ghế kia, bao nhiêu người đã quỳ xuống ngước nhìn Thiên Chúa, cảm nhận đến tận cùng phận người mỏng manh, để xin ơn trên che chở…

                                                Có bao đôi lứa đã bước ra từ giáo đường để rồi con cháu họ lại bước vào nhà thờ này trong ngày lễ hôn phối giữa thánh thót tiếng ca đoàn…
Nơi ấy, người ta đã trọn vẹn một niềm tin dâng lên Chúa, gửi gắm tâm hồn mình cho một đấng cao siêu. Cái khát vọng được bày tỏ, đươc hiểu thấu…chính là khi con người quỳ xuống ở đây, trên những viên gạch lát, trên những băng ghế lim đen bóng. Trên thế gian này, khi tuyệt vọng nhất, khi không ai thấu rõ, thì vẫn còn có Chúa!

Bao nhiêu cư dân giáo phận, những xóm đạo trong vùng lớn lên cùng âm thanh của tiếng chuông đổ, cùng tiếng thánh ca cất lên mỗi dịp cuối tuần, hay ngày thánh lễ… Bao nhiêu người giản dị, bình tâm đã sống cuộc đời an lạc trong niềm tin ấy. Và ngôi nhà thờ đã nghiêng bóng xuống phận đời họ- mỗi con người nơi đây- một máu thịt thiêng liêng.

Có lẽ vì thế chăng, mà mỗi viên gạch nơi đây đã cất lên tiếng nói khi cái tin nhà thờ sẽ phải hạ giải? Và may mắn thay, quê tôi vẫn sẽ còn một ngôi nhà thờ hơn trăm tuổi đủng đỉnh tiếng chuông đếm nhịp thời gian… (Phạm Thùy Vinh)

Tôi không có cái may mắn của Phạm Thùy Vinh. Quê nội tôi không có một Bùi Chucàng không có những hồi chuông ngân Chúa về cứu rỗi linh hồn. Dẫu vậy cuộc đời nơi tôi cứ mải miết đi qua những tòa thánh trên bước  giáo đường chiều không em. Kể cũng lạ, tôi luôn bị ám ảnh bởi những tòa tháp nghiêng hỏi trời, những đoạn chuông bay hỏi đất và bàn tay Chúa hỏi khắp thế gian… Có những khuya vắng trên lối dắt tôi về nhà, đôi khi tôi trong veo tan chảy vào những bồi âm xứ đạo.

Tháng 12 năm 1998 về quê một người bạn chơi, tôi hăm hở mang theo một chiếc Zenit để ghi lại hình ảnh một nhà thờ mà bấy lâu tọa lạc trong tâm hồn như một niềm ngưỡng vọng. Bùi Chu phong rêu cổ kính và yên lòng như một lời nguyện cầu.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) người Tây Ban Nha với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, hai tháp chuông cao 35m. Nhà thờ có chiếc đồng hồ cổ kính, sản xuất đơn chiếc theo đơn đặt hàng ở Pháp từ năm 1922. Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc sử dụng thế năng. Ðồng hồ dùng ba quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg.

                                            Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ kính nhất ở các tỉnh phía Bắc, có lịch sử tương đương Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (ra đời năm 1880) và Nhà thờ Lớn Hà Nội (ra đời năm 1886). Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông – Tây ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc.

Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8, ngày lễ quan thầy của giáo phận, có nhiều giáo dân tập trung về dâng lễ. (wikipedia)

               Buổi ấy, tôi đứng trước Chúa với trái tim của chàng trai chưa tròn 20 tuổi, cái bóng của Chúa thêm hồn cốt của Bùi Chu đổ vào bóng tôi mà bay bổng mấy giọt chuông ngân. Thánh đường Bùi Chu như một cuộc đời hay ngàn vạn cuộc đời, rêu phong Bùi Chu như một bài thánh ca kể về những phận giáo dân thăng trầm dòng trong dòng đục, dòng đầy dòng vơi, dòng sáng dòng tối, nhưng hơn tất thảy là những tâm hồn hướng về cái đẹp. Yêu thương vẫy gọi thiên thần.

                                     Lạ kỳ thay những tháp chuông ngân, run rẩy thay những mái vòm cũ kỹ, thời gian xô đẩy những mái ngói Bùi Chu lớp lớp xếp chồng lên nhau, xếp chồng lên những ký ức bốn mùa, xếp chồng lên những buổi chiều nguyện. Ai đó ngang qua Bùi Chu, ai đó ở lại Bùi Chu, ai đó đã đặt bàn tay của Chúa lên trái tim mình, còn tôi hơn hai mươi năm sau lặng lẽ Lời nguyện cầu Bùi chu. (Hồ Huy)

Cơm nắm muối vừng

     Giá có thể trốn phố về quê, tựa lưng vào những thành quách cũ, là gió rách dậu tre phên nứa, là bão bùng chớp bể chiều hôm. Ơi bà ơi, lại cơm nắm muối vừng…

Bạn đã ăn mù tạt bao giờ chưa, quết thật nhiều, bằng đầu ngón tay á, rồi đừng pha xì dầu, cứ để nguyên chất thế mà đè ra bằng đầu lưỡi, di lên vòm ếch. Nào bạn thấy gì? Cái hương cải hăng nồng sục sạo vào khoang miệng, đánh sập mắt sập mũi rồi thốc lên đỉnh não. Nước mắt giàn giụa, đừng có nhắm mắt lại mà hãy trừng trừng mắt ra, nếu không bạn sẽ đâm đầu vào tường.

Tôi đã nhớ bà tôi bằng những cảnh tượng như vậy, có khác chăng là những dòng cảm xúc đi ngược từ não xuống để vỡ đê mắt và lụt lội bờ môi.

                 Mỗi năm cứ vào cuối tháng sáu đầu tháng bảy khi những cơn bão di cư từ vùng bình yên đến xứ sở hoang tàn. Khi nghe tin bão sắp về bà tôi lại rục rịch thổi lửa, rang lạc chao vừng, bắc nồi đổ gạo mà chuẩn bị cho thứ lương thực dự phòng ngày bão.

Những ngày ấy tôi còn bé lắm, bé như con kiến càng loanh quanh bò xó bếp, bé như bộ tam cúc xòe ra mỗi khi trưa, bé như hòn than hồng trong bếp lửa của bà mỗi khi nhặt dành dụm mùa đông lạnh lẽo.

                      Những bình minh chớm hạ ông tôi thường thức dậy sớm, sớm hơn cả con vạc đi ăn sương về, cùng với những người cao tuổi ra đầu bến mà nhìn về hừng đông chân trời, ông nhìn gì tôi chẳng rõ, chỉ biết ông sẽ mang về cho bà tôi câu trả lời: năm ấy có bao nhiêu cơn bão.

Tài! Sau này tôi học cao, nhìn rộng, cái trường mà người ta gọi là dạy cho chúng tôi: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý cũng chẳng làm nổi điều hãi hùng như vậy. Thời của chúng tôi, thanh niên mới võ vẽ một chút đã nghĩ mình tài lắm, giỏi lắm nhưng có biết đâu: tầm nhìn xa chỉ từ nhà xuống bếp…

Trẻ con chúng tôi hồi ấy thích bão vô cùng. Đêm nằm trong nhà nghe gió hú gió giật, gió đổ, gió vật vật vã vã ngoài hiên. Sớm dậy, bão tan, nào bòng nào bưởi nào cam nào ổi cứ tan hoang ngõ xóm. Lũ chúng tôi ăn những trái bưởi non đắng ngòm vào miệng mà không biết người lớn lại đắng ngòm từ trong ruột đắng ra.

Bão ư? Bão là một đứa đồng lõa để tôi có những sở thích khác người. Bão ư? Đừng nói với ai nhé, đây là bí mật của tao với mày. Tao lại được ăn cơm nắm muối vừng bà cho. Mày là bão hả bão, mày về đi tao lại rỏ dãi cơm nắm tao lại nuốt nước miếng muối vừng.Thứ cơm trắng gạo dẻo bà tôi nấu, thứ nước mưa trút bể bà tôi trong, thứ lạc rang tới lửa ủ giấy báo bà tôi dập, thứ hạt vừng béo béo ngậy ngậy bà tôi rang sẩy.

                   Chẳng ở đâu có cái kiểu xắt cơm thành miếng tròn tròn như cái bánh, chẳng xứ sở nào có cái vùn vụn muối trắng lạc vừng thấm lên môi. Chấm một nhát, cắn một nhát, thứ cơm nắm nén chặt, dền dền hạt gạo cứ đặc quánh mút chặt lấy hai hàm răng làm tôi cười dai dẳng. Cơm nắm muối vừng ơi, mày cũng chỉ như một mối thâm cừu.

Bà tôi bảo: món cơm nắm muối vừng từ thời xa xưa đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành thứ lương thực quan trọng trong những chặng đường hành quân dài gian khổ trong đó có bác Bình tôi, người đã ngã xuống cho nền độc lập của tổ quốc này, của quê hương này của gác bếp hiên nhà này. Chỉ là giản đơn vậy mà món ăn dân dã ấy đã là hố sâu tâm hồn dân tộc để mỗi người con xa quê chôn vùi những khắc khoải quốc túy quốc hồn.

Giá có thể trốn phố về quê,
Tựa lưng vào những thành quách cũ,
Là gió rách dậu tre phên nứa,
Là bão bùng chớp bể chiều hôm.
Ơi bà ơi, lại cơm nắm muối vừng…

Một chiều mưa Hà Nội tại số 13 phố Ngô Văn Sở lạnh căm rả rích những giọt buồn đến từ trống hoác tiêu sơ. Không có bão biển như thời trẻ trâu quê nhà, chỉ có bão từ lòng phố, từ những phồn hoa mà cuộc đời đã quẳng tôi vào bươn bả. Mấy cô cháu chúng tôi dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa hàng vì ngày mưa ế ẩm. Bất chợt cô tôi bảo: Hui ơi Hui Ngố ơi Ngố có thưởng thức quà quê cơm nắm muối vừng không? Tôi mỉm cười thay cho câu trả lời.

                Cô tôi gọi một chị bán hàng rong vào và mua dăm ba suất muối vừng cơm nắm. Chỉ mới nhìn chị hàng rong trải tấm lá chuối ra rồi xắt cơm rắc vừng mà tôi đã long lanh khóe mắt. Tôi quay mặt đi không muốn để cô tôi và mấy đứa nhân viên cửa hàng biết mình mít ướt.

Cắn một nhát, chấm một nhát, lại cắn một nhát và chấm một nhát, tôi như kẻ đang đu dây điện làm xiếc, tôi chẳng nhớ mình là ai, tôi hấp hối để cho thứ ký ức trong veo được hồi sinh tái hiện khoảnh khắc này. Người ta làm muối vừng lạt quá, dân thành phố không ăn mặn đái khai như người quê nhà, hay là tại nước mắt tôi mặn đã xô đẩy cái vị vừng lạc béo ngậy ra khỏi miệng.

Điều mà tôi cảm nhận rõ rệt nhất lúc ấy là hình ảnh bà tôi, khom lưng bên bếp nhào nặn thứ cơm gạo trắng ngần mà gói, mà bọc, mà ủ những tinh túy hồn quê. Hình như có cả tiếng gầm gừ của cơn bão biển khi nào? Năm ấy tôi vừa tròn hai mươi.

           Bà tôi mất lâu rồi. Tôi mất đi một thứ thành quách để mà nương dựa. Bà tôi đi lâu rồi. Tôi mất đi bập bùng bếp lửa chiều hôm.Bà tôi vắng lâu rồi. Tôi mất đi trăm thứ quà quê quốc hồn quốc túy.

Ngẫm lại, ở đời có những thứ nhỏ bé vô cùng nhưng nó lại như những mạch nguồn sâu thẳm mà nuôi dưỡng hun đúc con người ta. Giống như cơm nắm muối vừng của bà tôi đâu có phải là thứ thực phẩm hàng ngày nuôi tôi khôn lớn, năm thì mười họa mới ăn một lần, chỉ xem đó như một thứ quà quê bình dị. Vậy nhưng cơm nắm muối vừng từ bàn tay của người bà đã là một thứ thảo thơm tâm hồn.

Lớn lên và lớn lên, tôi đi suốt chiều dài đất nước, đi qua những thành phố lung linh ánh đèn, chẳng ở đâu và ở đâu kiếm được một miếng cơm nắm muối vừng đủ vị và ngọt ngào như miếng cơm nắm muối vừng của bà tôi năm nào. Những điều đã ăn sâu vào máu đã trở thành cốt cách con người. Hơn nữa cuộc sống bây giờ người ta nghĩ nhiều tới vật chất, giá trị của cuộc sống được đong đo bằng những chuẩn mực khác. Cơm nắm muối vừng chỉ là một thứ vô danh trong suy nghĩ của con trẻ, bởi đã thưa vắng dần những người bà như tôi may mắn từng có.

Lại nhớ mỗi năm, khi những cơn bão đầu mùa lăm le chực về cũng là lúc lòng tôi phên nứa dậu tre. Hình ảnh người bà gần gũi lại hiện về với đầy đủ những yêu thương. Và cơm nắm muối vừng lại thêm những lần ngẩn ngơ bão tố. Có đôi khi tôi lo sợ dạ tôi nghèo, lòng tôi chật, những ký ức con con chẳng còn bến đậu nương nhờ. Có đôi khi tôi buồn bã, thế giới này đã đổi thay, tình người nhỏ bé, hồn quê vạ vật, một thứ cơm nắm muối vừng có đủ cho con người trắc ẩn bao dung.

Lại một mùa bão giông sắp nổi, ở một nơi xa xôi chẳng phải quê nhà, nghe gió mà biết thủy triều lại đang dềnh lên, lòng tôi như những thành quách cũ, cứ mở ra mà đón gió, đón mưa, đón bão, đón những hồn xưa hình cũ, cơm dẻo muối nồng. Và nếu một khi nào đó cánh cửa trong tôi đóng lại để tâm hồn tối bưng, có thể trong đời không còn ai biết cơm nắm muối vừng.

(Kính tặng hương hồn bà)

Nắng mưa một cánh đồng làng

Có những chiều chật hẹp trong lòng phố, tôi đã nhớ biết mấy cánh đồng của tôi. Cánh đồng bạc thếch đất đai, phấp phỏng những hạt mầm mùa vụ, cần mẫn nuôi lớn những giấc mơ, những hy vọng, tin vào phù sa ngày mai rồi sẽ “còn chồi nảy cây” ngay cả khi lũ bão vừa qua…Và rồi, tôi đã mải miết đi tìm …

Chỉ cách trung tâm phố Vinh vài cây số, chạy dọc con đường đê sông Lam là đã chạm bạt ngàn cói Hưng Hòa. Trên cánh đồng cói tháng bảy, tôi đã gặp một ông lão xóm Phong Thuận đang miệt mài gặt cói, chẻ cói. Nhìn tấm thân vạm vỡ của ông đánh trần dưới nắng chiều, không ai nghĩ ông lão Lê Xuân Thùy chạm tuổi 70, lại còn là một thương binh. Ông kể: “Nhà tui làm cói từ đời cố, can. Khi vừa mở mắt là thấy cây cói, là nghe mùi cói. 6 tuổi đã biết kéo gon. 10 tuổi đã ra đồng cùng cha mẹ gặt hái. Các o không quen, thấy gốc cói sắc, đâm vào chân trần là đau, chớ như bầy tui lại quen đi trên gốc cói, trên ruộng mấp mô này. Đi đất bằng có khi thấy chân mình lạ lẫm, chông chênh”.

Những lời nói thủng thẳng, tưởng chừng xù xì của ông, ấy vậy mà khiến tôi sửng sốt. Không chỉ bởi nó giản dị, mà còn đầy sâu sắc, yêu thương. Ông kể với tôi về những vụ cói ngày xưa, thời hoàng kim của cây cói Hưng Hòa, về cái thời làm hợp tác, tiếng cười nói rộn rã cả cánh đồng bạt ngàn gần 70 ha trồng cói. Rồi ông nói về gia đình mình, hiện còn 6 sào cói, mỗi năm thu hoạch 2 vụ thay vì 3 vụ như trước đây mà “nguyên nhân là cói thoái hoá hết rồi”.

Ông thở dài, không giấu nỗi ngậm ngùi, rằng 4 con ông giờ đây đã chẳng ai theo nghề cói, “2 đứa rời quê vào Nam lập nghiệp, 2 đứa làm thợ xây”. Vậy là nghề cói 4 đời rồi sẽ khó mà giữ được. “Là cũng mừng cho chúng, vì làm cói xem chừng vất vả, nhưng mà tiếc cái nghề truyền thống cha ông”. Nhưng rồi ông vẫn hy vọng “Có thể rồi người Hưng Hòa cũng phải tìm được hướng đi bền vững cho cây cói, biết đâu rồi nông dân trồng cói lại có một ngày được hưởng ấm no nhờ vào đồng đất của mình”.

Ông cũng kể về năm mình ra trận, nắm cơm cuối mình ăn trên chính cánh đồng này, có thể cũng ngồi trên chính là những gốc cói này, mà cây cói ngày xưa cắt rồi lại lên mãi đến giờ. Ông đã chiến đấu 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, trong giấc mơ bom đạn chập chờn vẫn thấy bạt ngàn cánh đồng cói quê hương. Rồi ngày trở về, từ bỏ súng đạn, cởi áo lính để khoác lên người tấm áo nông dân, ông lại miệt mài với cánh đồng này.

“Cùng độ tuổi của tui, người còn ra lấy gon được hiếm lắm. Dưới tôi chừng dăm tuổi còn có ông Dư bên ruộng kia kìa, ông ấy cũng trở về từ chiến trường miền Nam, cũng là thương binh, hoàn cảnh khó khăn hơn, sức khỏe yếu hơn và vẫn bám lấy cây cói mà sống”.

Theo tay ông Thùy chỉ, tôi gặp ông Dư. Ông Dư sinh năm 1954, là thương binh 2/4. Con ông Dư là đời thứ 5 cũng đang làm cói trên cánh đồng này. Cuộc sống còn nhiều vất vả, nên ông, dù đã yếu vẫn phải ra đồng. “Mà mùa cói, không ra cũng nhớ. Tui quen bà tui cũng trên cánh đồng này. Cảm mến nhau vì cái đức siêng năng, chăm chỉ mà nên đôi, nên lứa. Có thể nói, trừ quãng đi bộ đội, thì cả cuộc đời tui, cuộc đời vợ tui đã diễn ra trên cánh đồng”

Tôi còn gặp ở đây những chị Hiếu, chị Duyên… rộn rã tiếng cười, đẫm ướt giọt mồ hôi trên cánh đồng đầy nắng lóa. Nghề cói là thế, cần nắng. Có biết bao nhiêu khó khăn nghề cói, cùng nỗi lo mai một, nhưng giây phút này đây, tiếng máy chẻ, tiếng dao cứa vào từng lá cói xanh tươi, tiếng bước chân giẫm lên từng thớ đất rậm cỏ, và tiếng đàn châu chấu nhảy rào rào sau khi bị đánh động bởi bàn chân người khiến tôi cảm thấy tất cả như trong một điệu nhạc vui…

Những người nông dân Phong Thuận ra đồng từ lúc 4 giờ sáng, trưa về nhà, chiều lại ra cho đến tận 7, 8 giờ tối. Bao nhiêu năm qua, họ đã quen với cái mùi ngai ngái của đất bốc hơi khi nắng vừa lên, mùi của những giọt sương tan ra trong bình minh, mùi của cỏ dại, của cói lúc đã cao ngang tầm với. Và mùi của mùa màng, cái mùi mang đến niềm vui dìu dịu và một nỗi trìu mến khó tả mà phải gắn bó lâu năm trên cánh đồng, người chủ nhân của chúng mới thực sự cảm nhận được.

Khác với màu xanh bạt ngàn cói Hưng Hòa, thì trên cánh đồng Khánh Sơn (Nam Đàn), lại ngập màu nâu vàng xao xác. Người đàn bà nhỏ thó thoăn thoắt khiêng những bao tải ngô đặt lên cân dọc con đường nhỏ dẫn ra bến đò Vạn Rú quệt mồ hôi nói với chúng tôi. Bà tên Tuyết, 60 tuổi, là dân ở Khánh Sơn 2, vượt đò Vạn Rú sang cánh đồng Khánh Sơn 1 này bẻ ngô, phơi ngô thuê.
“Năm nay, chỉ có cỏ là xanh, còn ngô thì cháy”. Bà nói với bao nhiêu xót xa, rồi chỉ cho tôi “ông chủ ngô”. “Ông chủ” Phạm Việt Xuân, năm nay 51 tuổi, bao năm tận dụng đất bãi trồng vài mẫu ngô, nhưng năm nào cũng thấp thỏm.
“Đất cát đã khó trồng, mà năm nay hạn quá, ngô không thể ra bắp cho trọn”. Anh Xuân cũng cho hay, “làm thì làm chứ xác định là lỗ. Phải thuê bà con bẻ tại ruộng, rồi bóc, phơi luôn trên con đường nhỏ này, đóng bao, cân luôn. Phần lớn ruộng ngô năm nay đành bỏ vì ngô không ra nổi hạt, thu hoạch được ít lắm”.
Trên cánh đồng rộng hút tầm mắt, nắng đã khiến cây ngô khô giòn gãy gục. Thảng hoặc, có bóng một người đi mót trên những ruộng đã bỏ không thu hoạch. Bà Tuyết nói, cả cuộc đời bà làm lụng trên đồng, hết việc nhà mình lại kiếm việc đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Nghề nông, với bà là nghề “cha truyền con nối”, hết đời nọ sang đời kia, nên cánh đồng này bà thuộc từng ngách cỏ, từng lối mòn. Bà đơn thân nuôi 1 cô con gái, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, năm nào cũng trông cậy “ơn giời”. Thế nhưng, bà hay cả anh Xuân, bao năm nhìn nắng hạn, nhìn mưa lụt vẫn tin “ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng” và nhắc nhở nhau rằng: “chớ bỏ ruộng hoang”…
Giống như mọi người nông dân trên khắp các cánh đồng đất Việt, người dân Khánh Sơn dành cho đất đai một tình yêu da diết. Họ không biết diễn tả tình yêu đó bằng ngôn từ, nhưng tôi biết, nó ở ngay đây, trong trái tim họ, trong ánh mắt xao xuyến niềm vui của họ khi được hỏi về nghề nông, trong nụ cười hiền hậu rạng rỡ của họ ngay cả trong lúc đang lao động mệt nhọc nhất.
Tình yêu ấy thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh đồng, và những mùa vụ đã trôi qua bấy lâu nay đều có thêm vị mặn nồng của mồ hôi và nước mắt. Tình yêu ấy đến một cách tự nhiên như những cơn gió vốn đã thênh thang hiện hữu giữa cõi trời.

Trong sâu thẳm, nó là sự gắn bó một cách tự nhiên giữa người nông dân và công việc của mình, cái công việc ngàn đời nay ông bà tổ tiên cha mẹ họ vẫn làm, vừa là một cách để duy trì sự sống vừa như cuộc chơi mà họ dành cả đời đặt vào đấy, một cách tự nguyện đến gần như nghiễm nhiên.
Như một nghệ sĩ yêu sân khấu của mình, người nông dân cũng yêu cánh đồng bởi trong phần lớn cuộc đời đó chính là khoảng trời của họ. Mồ hôi đổ xuống để những nhánh lá xanh tươi mọc lên, lung linh trong nắng.

Tôi vẫn luôn tin vào một thứ tình cảm mang tính chất gắn bó cội rễ với tâm thức người Việt, đó là tình yêu đối với đồng ruộng. Dù bạn là ai, một đứa trẻ sinh ra ở miền thôn quê hay trong đô thị phồn hoa, dù là người từ nhỏ đã quen với cái tấp nập của phố phường hay những kẻ chân lấm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất.

Một thứ tình yêu không đơn giản như yêu một nơi ta đã sinh ra hay gắn bó lâu dài. Mà có lẽ là một tình yêu sẵn có, một tình yêu đã tồn tại ngay cả trước khi con người sinh ra, nó vừa rất hiện thực lại vừa mang tính tâm linh. Bởi trên quê hương hình chữ S, người ta đâu thể đếm hết được những cánh đồng.

Từ ngàn đời nay, người ta sinh sống và hít thở trong bầu không gian của chúng. Và không chỉ sinh nhai, đến khi chết đi, người ta cũng nằm xuống cánh đồng, dưới những nấm mồ xanh cỏ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, cánh đồng thực sự là máu thịt của con người vì lẽ đó. Nó chính là nơi họ muốn quay về để vĩnh viễn nằm xuống khi đã già.

Là nơi những kẻ tha hương muốn quay đầu trở lại chỉ để đứng tần ngần trong một chiều đầy ráng đỏ. Là nơi trong một thời điểm đau buồn hay thất bại của cuộc đời, con người muốn được nhìn ngắm để vơi bớt nỗi lòng. Là nơi, cứ mỗi dịp Tết đến hay thanh minh, giỗ tổ, người ta lại hẹn nhau quay về để thắp nén nhang lên những nấm mồ và thầm thì gửi vào thiên thu những niềm thương nỗi nhớ…

Và như thế, cánh đồng không chỉ là nơi làm việc của người nông dân. Đó đôi khi là cả bầu trời của họ. Đó là mẹ. Là quá khứ, hiện tại và cả tương lai của con người.Có lẽ vì thế, tôi yêu tha thiết những vần thơ viết về nông dân của nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Sỹ Đại, và cũng luôn lấy nó để nhắc nhớ mình:
Nông dân sống lặng thầm như đất
Có thể hoang vu, có thể mùa màng
Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc
Chín phần mười đất nước – nông dân

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy

Ảnh: Tran Xuan Thieu

Ngõ quê thương nhớ vơi đầy. Ngõ quê là thế, có thể đo chiều dài bằng những bước chân, nhưng sao đo được chiều dài nhung nhớ, chiều dài nếp quê.

Người đi xa người ở lại.

Cách đây nhiều năm, trong một chuyến đi viết bài về mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Tuyết ở Nghi Phương, Nghi Lộc, tôi mãi ám ảnh bởi hình ảnh của bà mẹ lưng còng, đôi mắt mờ đục ngồi bên giàn trầu vợi trông phía con ngõ nhỏ. Năm ấy mẹ Tuyết đã chuẩn bị chạm ngưỡng 90. Hơn 40 năm qua, mẹ vẫn giữ thói quen ấy, đợi bước chân người con trai lên đường chiến đấu mà mãi chẳng thấy con về.

40 năm, đủ để người phụ nữ tóc đen trở thành bà già tóc bạc. Đủ để những hố bom trên quê hương xanh lại ruộng đồng, cây cỏ. Ấy vậy mà không hề làm vơi đi niềm tin trong trái tim người mẹ, rằng con mình, rồi sẽ trở về từ phía ngõ. Mẹ đã hình dung anh sẽ thả ba lô xuống, cười rạng rỡ và ôm mẹ chặt đến thế nào. Mẹ đã hình dung, mẹ sẽ khóc trên vòm ngực rộng của con trai mình ra sao.

Cô con dâu của mẹ kể rằng, có những đêm, nhất là những đêm mưa, mẹ lại lần trở dậy, rời giường, ra ngõ. Mẹ nói, lỡ mà Danh (con trai mẹ) nó về, mẹ không kịp trở dậy mở cửa, nó bị ướt thì sao. Rồi cứ chiều về, mẹ lại bên giàn trầu mà thủ thỉ. Những lá trầu run trên tay mẹ. Mẹ tin đó là dây trầu mà anh Danh đã trồng trước ngày ra chiến trường, trồng cho mẹ ăn trầu và hứa hẹn với mẹ ngày thắng trận trở về sẽ cưới cho mẹ một nàng dâu, những lá trầu ấy sẽ thắm trên môi hai họ…

Tôi đã nhức lên một suy nghĩ trong ngực mình, rằng, nếu như không có niềm tin cháy bỏng ấy, hẳn mẹ Tuyết cũng sẽ không đủ sức khỏe để sống đến ngày hôm nay. Và khi chúng tôi chào mẹ ra về, như một thói quen, bước chân chậm của mẹ lại đưa ra ngõ.

Mẹ đứng lặng trong bóng chiều đang phủ tím, không xa nơi này là dòng Phương Tích với bao nhiêu vết thương chiến tranh đã phủ sóng rì rào. Mẹ chỉ dưới chân mình, chính nơi con ngõ nhỏ này, những bước chân đầu đời của anh Danh đã chập chững ở đây. Rồi ngày tiễn anh lên đường, mẹ cũng đã đứng đây mà hút nhìn theo bàn tay anh vẫy…

Nhà thơ Vương Cường (em trai nhà thơ Thạch Quỳ) – môt người sống xa quê hơn nửa đời người, nhưng ông nói, hồn ông gửi cả ở làng quê Đông Bích của ông. Làng quê mà mỗi con ngõ đều thấm đẫm tình quê, vị quê.

Trong giấc mơ xa xứ, ông luôn mường tượng mình được bước chân trong con ngõ nhỏ. Con ngõ ngoằn ngoèo với bóng tre, bóng chuối. Phía sau là làng quê, phía trước là cánh đồng. Trên cành cây, những chú chim chào mào, đỏ đít, chim chìa vôi khoang trắng, chim chích mải bắt sâu lích rích suốt ngày.

Những đám mây chờn vờn phía núi Quỳ. Ngõ nhỏ ấy, nơi những người con gái làng lấy chồng xa và những người con trai lấy vợ ngoài làng thường dừng lại ở đây, như lời tạm biệt và lời chào người và đất làng để trở thành công dân của làng. Người làng khi về với ông bà, tổ tiên cũng qua đây. Đám người đưa tiến thường dừng lại và tiếng trống buồn vang lên như lời từ biệt.

Như lời đề dẫn của câu chuyện dài.

Mỗi ngõ quê lại mang môt dáng dấp, một dấu ấn. Bao giờ đặt chân đến một làng quê nào, tôi vẫn hay để ý tới những con ngõ. Những cái ngõ nhiều tre ở làng lụt Hưng Lợi (Hưng Nguyên). Những cái ngõ vun vút hàng cau ở Thanh Liên, Thanh Tiên (Thanh Chương). Những con ngõ kín liếp phơi đa nem Diễn Bích (Diễn Châu). Những con ngõ mặn mòi ở làng muối, làng cá Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Diễn Vạn (Diễn Châu). Những con ngõ nồng thơm mùi bánh đa, kẹo lạc ở Vĩnh Đức, mùi khói lò ở Trù Sơn (Đô Lương).

Những cái ngõ hẹp với vỉa gạch nghiêng nghiêng. Những cái ngõ bê tông hun hút. Những cái ngõ có vòm cổng lá uốn lượn. Xôn xao hay lặng lẽ bước chân đi, về. Ngõ quê, vừa như để mở ra, mà như vừa để khép lại. Nó là con sông nhỏ để đổ ra dòng sông lớn là đường làng ngoài kia, để từ đường làng lại ra với tỉnh lộ, quốc lộ.

Ngõ quê – nơi đầu tiên mở ra những con đường, những chân trời. Và cũng ngõ quê, khép lại một ngày rộn rã náo nhiệt, khép lại một cánh cổng, có khi chỉ bằng tre, bằng nứa đan cài để về lại, quây quần bên một nếp nhà, với bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, khổ đau, hạnh phúc…

Ra ngõ quê mà thấy đường làng. Ra ngõ quê mà tắm gió nồm, mà ngắm trăng suông, mà đón hương cau, hương bưởi. Ngõ quê bời bời sắc hoa. Này hoa xoan, hoa bưởi tháng 3, này bông bụt đỏ cháy như niềm vui áo mới, những bông xuyến chi mong manh trắng. Những giọt sương kết thành chuỗi ngọc sáng lấp lánh bảy sắc cầu vồng khi nắng sớm vừa lên trên khóm cỏ.

Này bờ rào mạn hảo, cúc tần với những dây tơ hồng như muốn vấn vít cả tuổi thơ ta. Này bụi duối lá xanh um với những quả li ti vàng chín mọng… Con ngõ sáng đom đóm bay đêm, mỏng cánh chuồn, phất phơ cánh bướm, rù rì tiếng ong.

Không thể không nhớ về Nguyễn Bính mà trong mỗi bài thơ quê, đều thấy thấp thoáng đâu đây cái ngõ quê tình tứ, thẳm sâu trong đó: Có những con ngõ, bờ dậu thấp lắm, chỉ thoáng nhìn là biết “láng giềng đã đỏ đèn đâu”, để nhắn nhủ: “Chờ em ăn giập miếng giầu em sang/ Đôi ta cũng ở một làng, cùng chung một ngõ vội vàng chi anh”. Có con ngõ “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”, con ngõ mà hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ trong tiết mưa bụi Giêng, Hai khiến cô thôn nữ nào mơ màng nhớ lời hò hẹn?

Ngõ quê, ai đã sáng tạo ra ngõ quê mà tài đến thế. Như một nhịp dừng nhỏ trước khi bước vào với sân nhà, hay hiên nhà. Như một lời đề dẫn trong câu chuyện dài về những ngôi nhà, những phận người. Như để đong đựng bao nỗi nhớ, hoài niệm. Nơi người quê chập chững bước đầu đời. Nơi từ đó đi xa. Nơi tiễn đưa, nơi hò hẹn. Nơi quay quắt nhớ về…

Lớn lên từ ngõ quê.

Tôi cũng thế, lớn lên từ một ngõ quê, mang bao nhiêu ám ảnh ngõ quê, để rồi khi sống đời phố thị, bao năm vẫn không nguôi nhớ một lối về bé nhỏ. Tôi đã viết trong bài thơ vụng về tuổi nhỏ, rằng ngõ quê là “ngưỡng cửa đầu tiên tôi bước vào đời”. Nơi ấy, tôi vẫn còn nghe tiếng kẽo kẹt rặng tre ông trồng, những con thuyền lá tre bềnh bồng dưới mặt áo trong. Hoa dâm bụt cháy đỏ. Một ô cửa sổ màu xanh mở rộng đón nắng sớm mai. Lời bà tôi ru, những nàng Kiều lưu lạc, những Mỵ Châu với oan khiên lông ngỗng.

Khi tôi chập chững tập đi, bố tôi đã đầm gạch, vữa cho nhỏ rải lên nền đất để tôi đi mưa không trơn, không vấp. Nơi nào đó, có dấu chân tôi những chiều ngóng mẹ về. Cũng có lúc tôi đã rơi nước mắt tủi hờn những khi bị mẹ mắng. Tôi đã luôn đón bóng bà đi chợ về trong ngõ với rạo rực niềm vui bánh đa, kẹo vừng.

Nơi bà tôi nghe tiếng con chim gọi nước mà thở dài rằng sắp đến mùa lụt. Cũng là nơi bà nghe tiếng chim khách mà đoán bố tôi công tác xa sắp trở về nhà. Nơi lũ bạn tôi í ới gọi tôi đi học mỗi ngày. Nơi bà ra đó gọi tôi ời ời những trưa đi rong, rồi tiếng chổi quét lá êm đềm của bà lại vang lên mỗi chiều sương khói.

Là ngõ quê, ấp iu của tôi những tiếng rao thần thánh tuổi thơ. Ai kem mút, ai kẹo kéo càng kéo càng dài… Những lông ngan lông gà, những dép rách đứt quai xôn xao con ngõ, đánh đổi bao niềm vui tuổi thơ khờ dại. Những viên bi tròn, những que thẻ chuyền, trò khăng, trò đáo, trốn tìm… như vẫn còn huy hoàng trong tâm trí đứa trẻ quê ngày ấy. Nơi ấy, có câu chuyện cổ tích vẫn nằm nghe à ơi, đợi tôi về dù lâu lắm rồi tôi không còn tin vào cổ tích nữa nhưng đứa trẻ đã trưởng thành này biết mình dù có xa đến thế nào vẫn vĩnh viễn thuộc về đất quê.

Cũng ngõ quê này, tôi làm sao quên được ánh mắt của nỗi rung động đầu đời vào một trưa nắng tháng Giêng. Cái thời tuổi trẻ với bao nỗi sững sờ “một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu”. Chỉ tại nắng làm má tôi bừng đỏ.

Cũng ngõ quê này, tôi quên sao ngày tiễn bà tôi một ngày tháng 5, nắng bời bời trên rặng cúc tần. Tại nắng chói mà mắt tôi cay xè, ầng ậng nước.

Ngõ quê là thế, có thể đo chiều dài bằng những bước chân, nhưng sao đo được chiều dài nhung nhớ, chiều dài nếp quê. Đó là một dấu mốc từ bước chân đầu đời bước ra của mỗi con người, đến ngày vui vu quy, rồi đến ngày nằm xuống… Lặng im chứng nhận những buồn, vui, những đổi thay mưa nắng.

Lặng im chứng nhận những nỗi lòng người mẹ quê tôi, tiễn chồng, tiễn con đi, để rồi lại vời vợi ngóng trông dằng dặc năm tháng, chờ từ thanh xuân vắt qua thời tóc trắng, lưng ong thành lưng còng, để cùng cây gậy lại đứng tựa ngõ quê. Những người mẹ biến điều “lạ thành quen” để rồi “quen đã thành lạ”.

Đó là nơi có nhiều tiếng cười và cả nước mắt thấm vào đất và hồn làng nhiều nhất. Ơi ngõ quê của tôi!

(Nguồn: baonghean.vn)

Thân thương một bóng đê làng

Đất nước của ta, một dải đất uốn mềm nằm trước biển trên bản đồ, một đất nước của bao dòng sông suối, của bao nhiêu bão dông, lũ lụt…nên cũng là đất nước của những con đê. Thân thuộc trong trái tim mỗi người Việt, ấy là bóng đê làng.

      Những con đê ngăn lũ, chắn bão giữ bình yên mùa màng và làng xóm. Đê cũng là nhân chứng lặng lẽ, chứng kiến bao nhiêu cuộc đời đi qua, bước chân người từ lúc chập chững đến khi về già, bao nhiêu cuộc tiễn biệt và trở về, bao nhiêu hẹn hò đôi lứa, bao nhiêu dời đổi quê hương…

     Tôi từng rời làng, và phút cuối, khi chiếc ô tô lăn bánh trên con đê quen thuộc, tôi quay lại nhìn lũy tre xanh mà ngày nhỏ bọn tôi thường ra đó mỗi tối bắt đom đóm, thoáng thấy trong gió mùi thơm ngầy ngậy của đất đai mùa màng. Mắt sũng nước, tôi suýt nữa đã định bảo bác tài dừng lại, quẳng đôi giày mới mua để cứ thế chân trần chạy xuống triền đê…

     Tại con đê ấy, tuổi thơ của chúng tôi đã trôi qua như một giấc mộng. Chúng tôi là những đứa trẻ trốn mẹ đi chơi trưa nắng, là những mục đồng lãng mạn hát trên lưng trâu, là đứa trẻ lên 9 bị trâu húc để lại một vết sẹo dài, là con bé mắt lúc nào cũng ươn ướt như sắp khóc, là thằng bé đen nhẻm có nụ cười hiền khô, là lũ người chân đầy bùn đất chạy thình thịch trên đê làng để đuổi theo một quả bóng, thả một con diều…

     Chúng tôi, những đứa trẻ khóc cười trên triền đê suốt tuổi thơ mình, đã lớn lên trong cái giấc mơ tưởng như chẳng bao giờ khép lại ấy.Khi xa quê, tôi đã biết thế nào là nhớ nhung. Một thoáng mưa buồn, gợn gió heo may, một màu xoan tím, con đò sang ngang, cánh diều chấp chới giữa hoàng hôn… đều có thể khiến những kẻ tha hương rớt nước mắt.

     Và trong những giấc chập chờn, con đê làng hiện ra vừa gần gũi thân thương vừa xa xăm diệu vợi. Những bước chân chạy trên đê của lũ trẻ hiện về trong ký ức như một thước phim quay chậm. Trên đê lúc nào cũng gió lộng. Gió trở thành người bạn thân thiết của chúng tôi, nó mang hương vị mằn mặn nồng nồng từ dưới triền sông hắt lên.

    Một người bạn của tôi cũng kể về một con đê trong ký ức làng của chị. Chị nói, đó là nơi chị tiễn cha mình đi làm ăn ở xứ người, hôm đó cũng là lần cuối hai bố con chị gặp nhau. Mẹ ốm nằm liệt giường, chị là người tiễn cha tới đầu làng. Ông đi mà không ngoái lại. Chị không hiểu sao ông không hề ngoái lại, đến tận giờ đây mấy chục năm đã trôi qua mà chị vẫn không hiểu nổi điều đó. Và ông đã biến mất khỏi cuộc đời chị như thế, để lại một nỗi rỗng không trong tâm hồn, cùng một nỗi buồn đau khắc khoải.

     Mẹ tôi từng kể, trong những năm tháng chiến tranh, những phụ nữ thế hệ bà đã tiễn người yêu ra chiến trận từ con đê làng. Chính ở đó, những hẹn hò, những yêu thương, nước mắt và nụ cười, những hạnh phúc, chờ đợi và cả những sự lỗi hẹn nữa, đã diễn ra. Dòng sông nhỏ chảy dưới chân đê không có tên.Người dân trong làng thường gọi là sông đê, vì chẳng có một cái tên nào hợp hơn để gọi. Chính dòng sông ấy, bờ đê ấy đã chứng kiến bao hẹn thề và bao cuộc chia ly, rồi sau này với thế hệ của chúng tôi, đã chứng kiến bao kỷ niệm vơi đầy. Dòng sông ấy, triền đê ấy, chính là linh hồn của làng, là linh hồn của quê hương. Nơi mà chỉ cần nghĩ tới, lòng ta sẽ chùng xuống và mắt ta rơi lệ.

     Có biết bao con đê như thế ở khắp các vùng quê Việt. Con đê chờ đợi bóng hình ai trong thơ Nguyễn Bính, con đê “mòn lối cỏ về” trong một ngày sang ngang của người thiếu nữ trong nhạc Trần Tiến… Còn bao con đê ngăn lũ, giữ làng khác. Không chỉ ngăn lũ, giữ làng, những con đê còn là chứng tích lịch sử, ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ở đó bao máu xương đã đổ xuống để có được hòa bình cho ngày hôm nay.

     Ai đã từng chậm rãi chạy xe dọc đê sông Lam, có giây phút bất chợt gặp cái nghĩa trang nhỏ ven đê đoạn qua xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Nghĩa trang nép bên bờ đê cao lớn sừng sững mà người dân Hưng Nguyên vốn quen gọi là nghĩa trang liệt sĩ đê điều. Có lẽ đây là nghĩa trang liệt sĩ đê điều duy nhất trên cả đất nước ta.

     Nơi này, ngày 27/8/1967 đã diễn ra một sự kiện bi thương: Từ rạng sáng, dân quân 2 xã Hưng Khánh, Hưng Thắng tập trung trên tuyến đê trọng yếu chạy qua địa phận xã mình để làm công tác ứng cứu đê, san lấp hố bom qua một đêm dài để thông tuyến đường tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ. Quãng 5 giờ sáng, một số người đã xong việc vác cuốc xẻng trở về làng, một số khác còn đang rốn làm thêm, bất ngờ 2 máy bay Mỹ phát hiện và “bổ nhào” cắt bom.

     Trận bom ấy đã cướp đi tính mạng của 15 dân quân trên đê, làm bị thương  23 người khác, cùng hơn 20 tính mạng khác của người làng. Xác người nằm la liệt bên những hố bom nham nhở, cày xới trên đê làng. Ngày 4/8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ chung của người làng. Vậy là đổ xuống đê làng, không chỉ mồ hôi, nước mắt, là cả máu, là cả những linh hồn con người yêu làng, giữ nước… Để con đê trở thành biểu tượng, thành linh hồn làng quê…

     Đê làng, nơi người ta tụ họp, sinh hoạt, vui chơi, nơi người ta hò hẹn, từ biệt, nơi người ta yêu thương và chia ly, sum họp, nơi người ta ra đi để cứ mãi nhớ nhung khắc khoải một ngọn gió mang hơi nước, một cánh diều, một bước chân vội, một tiếng sáo… Nơi mà trong những ngày tháng khốc liệt hay đau khổ nhất của đời người, ta mơ được trở về.

     Nhiều lúc tôi vẩn vơ nhớ quê, nhớ triền đê đầu làng, rồi tôi nhớ cả con đê đã chứng kiến người bạn tôi tiễn bố lên đường và bao chiều chị ấy tan học đạp xe về nhà qua đó, nuốt nước mắt vào trong vì nhớ bố. Tôi nhớ cả con đê của Nguyễn Bính, của Trần Tiến và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khác. Tôi nhớ những con đê của làng quê Việt, những mồ hôi mặn chát đã rơi trên đó, những máu xương đã đổ, những nụ cười giòn tan trong gió, tiếng sáo diều lũ mục đồng thổi mướt mát chân đê…

     Có những ngày như thế, tôi cứ nhớ những triền đê. Thèm được trở về con sông xưa, khua tay xuống dòng nước mát lạnh và nghe tiếng gió lùa vào bụi tre đâu đó. Thèm được chân trần bước đi trên vạt cỏ thắm nắng chiều, cúi xuống hái những bông xuyến chi mọc hoang với một sức sống như bất tận. Thèm được mân mê một nhánh cỏ gà, nghe tiếng cười của lũ trẻ trong xóm ùa nhau chạy đến, tiếng côn trùng ri rỉ những đêm trăng. Thèm được nhìn thấy bóng bà đi lễ chùa về xiêu xiêu nắng chân đê. Thèm được thấy mẹ với bao gánh gồng tất bật cơn gió ngược. Thèm ngồi đợi mẹ bên lũ cào cào tí tách.

     Những giấc mơ đó, nỗi thèm khát đó, nhiều khi mạnh mẽ vụt dậy trong tôi và có cảm giác như chúng thật hơn cả cuộc sống, thật hơn cả thực tại. Nó khiến tôi thực sự nghĩ rằng, không chỉ triền đê đầy nắng ở quê tôi, mà bất cứ một triền đê nào khác, đều có thể trở thành quê hương của tôi, máu thịt của tôi. Những nơi tôi đã đi qua, những triền đê tôi chỉ kịp nhìn khi con tàu đang lăn bánh, những con đê bạn bè tôi kể, những con đê lịch sử, cả những triền đê tôi chưa từng thấy, chẳng biết tự bao giờ đã lưu lại trong trái tim tôi như một kỷ niệm, mà không, như một giấc mơ.

     Giấc mơ ấy chẳng bao giờ tan, nó cứ bồng bềnh trong đời sống của tôi, đôi khi khiến tôi buồn nhớ nhưng luôn nó cho tôi cảm giác yên bình, ấm áp. Nó giống như một chuyến đò đợi sẵn, một cái níu tay của cố nhân, một bậc thềm thơm nức hương hoa chờ người mỏi chân ngồi nghỉ. Nó giống như mẹ, đợi ta về bất cứ lúc nào ta muốn, ôm lấy ta bất cứ lúc nào ta cần, vuốt ve khi ta khóc, lo âu và chờ đợi khi ta đi. Nó giống như chính ta, dù có đi chân trời góc bể cũng vẫn là ta.

( Nguồn: baonghean.vn )

Ngôn tình của nắng

Em ngọt ngào cay đắng đến bao nhiêu?

Em chẳng còn mùa xuân, em chẳng còn mùa hạ
Thu úa sáng mai, đông giá ban chiều
Chưa dám trọn đêm làm sao anh biết được
Em ngọt ngào, cay đắng đến bao nhiêu

Mùa hạ đi qua tôi. Mùa hạ đi qua em. Mùa hạ đi qua những cuộc đời. Trai trẻ. Không phải xuân qua, hạ tới, thu đi, đông về. Mỗi người chỉ có một mùa hạ trong đời. Ngôn tình của nắng. Và … nhớ nắng.

Trời đang nắng, can cớ chi mà nhớ nắng? Lạ thế, những sớm mai trong và mịn như nhung thế này, lãng đãng nhìn ra cái không gian chơi vơi ngoài kia… Những bông hoa triệu chuông, những đóa dạ yến thảo (mình còn chả biết gọi tên chúng cho đúng), đang nở tím vàng đỏ cả ban công chật hẹp. Thành phố lao xao dưới kia. Người người chộn rộn, bận mải dưới kia… Nắng đẹp đến thế này…Sao lại nói nhớ nắng?

Có phải vì, ấy là nhớ một tri âm nào? Nhớ cái nắm tay. Nhớ những câu chuyện không đầu mà chẳng có kết thúc. Nhớ những lang thang bãi biển đầu ghềnh. Có thể thỏa thích chửi rủa hay nói bậy mà không cần phải nghi ngại. Lạ thế, có đôi khi, những thiết thân đâu cứ phải “đồng điệu”. Chỉ là có thể ngồi bên nhau, nói những điều không phải quá nhiều đắn đo, suy xét. Có thể tin nhau đến mức chả có điều gì mà lay chuyển.

Nhớ nắng. Có phải vì đang tiếc từng giây phút mà cái nắng trôi qua, mọi tươi sáng hôm nay rồi lại chìm trong mưa rét u ám? Chả có gì vô tình, đổi thay nhanh chóng như thời tiết cả.

Chẳng phải vậy. Nắng của ngày hôm nay đã không là nắng của ngày hôm qua. Những bàn tay âu yếm, những mắt nhìn khiến buổi chiều nhỏ bé bao dung. Những con nước dềnh lênh trên ngọn những thủy triều không đỉnh. Đi qua mùa hạ để thấy nhớ nắng vô chừng. Có ai đó từng nói hay là chính tôi nhỉ: mỗi người chỉ có một mùa hạ trong đời…

Ừ thì gió, ừ thì mưa, ừ thì nhớ, ừ thì thương, ừ thì những giận hờn, nhưng bấy nhiêu thôi chẳng đủ để thiêu đốt nhân gian. Phải là nắng, xênh xang nắng, bão táp nắng, chao đảo nắng, phải là ngôn tình của nắng.

Em chẳng còn mùa xuân, em chẳng còn mùa hạ
Thu úa sáng mai, đông giá ban chiều
Chưa dám trọn đêm làm sao anh biết được
Em ngọt ngào, cay đắng đến bao nhiêu

Vậy ư. Mùa hạ qua lâu rồi. Đã bảo. Dẫu một ngày kia mây có bừng lên ửng hồng chân trời mùa hạ, chết tiệt, yêu thương lại rủ nhau nhớ nắng quay về…nhưng đó là ngôn tình của nắng.
Đôi khi ngồi với mình một sáng mù sương, trong một quán cà phê để chờ nắng lên. Quán đông người, nhưng may mắn, ô cửa sổ mở ra một khoảng trời xao xác gió trên những tán mận quân và vú sữa. Có người bảo, thèm về quê, nghe tiếng gió vườn, ngả mình trên chiếc giường tre, nhìn trời xanh và xem lũ chim líu ríu hót… Còn tôi ư? Chẳng biết nói gì ngoài cái sự thèm bêu đầu giữa nắng trưa.

Có những ngày rơi xuống bên ta những niềm vui trốn biệt. Tìm đến lưng chiều, mà gió cũng đi vắng hết. Chỉ còn đôi sợi ánh sáng vương lại trên mặt sông hoang vu như chờ giây tan biến. Lúp xúp những bụi cây giữa cồn sông lặng tờ nước dâng mang mang. Nơi đó chả biết lá đang kể chuyện gì, con còng, con cáy đang mơ giấc bình yên nào, con cuốc cuốc đang khắc khoải điều chi mà làm tan nốt chiều mỏng tang màu khói? Tự đứng vào bức tranh buồn lặng, tự vẽ mình thành nét vẽ cô quạnh, chẳng vì đâu, chẳng vì ai.

Không vì đâu, không vì ai hẳn cũng là điều nuối tiếc nhất. Giữa bao nhiêu cũng chỉ có mình. Tìm đến đánh bạn cũng niềm tuyệt vọng. Thở bằng những niềm đau, tim đập bằng ảo giác. Lấy nước mắt soi tỏ nụ cười. Lại đeo đẳng câu hỏi ngày thơ bé, khi ngắm mây chiều.
Đằng sau những trùng trùng điệp điệp, những tầng tầng lớp lớp kia là gì. Cái gì sẽ là điểm tận cùng? Và đằng sau điểm tận cùng sẽ là gì nữa chứ ??? Hỗn mang vô định. Chợt thấy ngắn ngủi quá những kiếp mình. Sao không thể chọn vẽ mình vào những niềm vui? Biết làm sao, khi có những ngày mà niềm vui trốn biệt ??? Ấy là những ngày thiếu nắng.

Vậy phải làm sao giữ nắng trong bầu trời này, hay chỉ dẫu là bé nhỏ như giữ nắng trong cuộc đời mình, trong tâm hồn mình. Nắng ở đâu và ở đâu. Lại nhớ nắng. Lại giãi bày nắng. Lại tâm tư nắng. Chẳng vậy sao một khi thiếu lửa trong đời.
Nắng hát tình ca. Nắng bộn bề thiếu thời. Nắng chất ngất hai mươi. Nắng dật dờ ba mươi. Nắng lặn nắng ngụp trong sâu thẳm nắng khi ai đó hát lên ngôn tình của nắng. Đẹp như một đời nắng đã qua…

Viết chung bởi: Hồ Huy & Thùy Vinh