Tôi từng ngụp lặn giữa dòng Vũ Giang từ tấm bé, tuổi thơ bình lặng như chính dòng chảy của con sông, cùng dòng sông lớn lên với những cánh đồng quê bát ngát lúa ngô. Sông Vũ Giang, dòng sông không ghềnh thác, không cuồn cuộn phù sa mà chỉ êm đềm soi bóng tre làng của vùng quê xứ Nghệ. Ngày đó lũ trẻ chúng tôi không biết rõ tên sông mà chỉ quen gọi là sông Xạ, phải chăng nó chảy qua làng xã yên bình quê lúa Yên Thành.
Sông bắt nguồn từ những cánh đồng lúa vùng trên từ phía sông đào, tưới tiêu cho vùng Liên Thành, Công Thành, chảy về xuôi phía Khánh Thành đổi tên thành Văn Trai, hợp dòng với sông Dinh, mang tên sông Bùng rồi đổ ra Cửa Vạn. Cũng chẳng ai biết chính xác từ “Vũ Giang” là dòng sông hát hay dòng sông có nhiều mưa, mà chỉ thấy dòng sông uốn lượn đôi bờ mềm như giải lụa, in dấu vào tâm trí của người quê nơi ấy.
Dòng sông lững lờ trôi nhẹ, dòng nước ấy không gây ấn tượng mạnh mẽ như những dòng sông lắm thác nhiều ghềnh, nhưng lại có những điểm riêng của nó. Những đứa con của làng quê lớn lên, lần đầu bước lên xe xa quê học hành lập nghiệp. Ngồi trên xe qua cầu Thông không thể không ngoái đầu lại dõi theo con sông đầy ký ức tuổi thơ, nơi đã từng lặn ngụp những trưa hè nắng lửa, nơi soi bóng từng sợi khói rơm trong chiều đông se lạnh, nơi bóng đàn trâu thong dong trở về với cây rơm thân thuộc, nơi cánh vó cha nâng lấp lánh ánh trăng thu.
Dòng sông là biểu tượng yên bình, là cội nguồn thủy tổ sự sống mảnh đất quê. Nước lặng lắm cá tôm, hiến tặng cho người vị đồng quê trong bữa cơm đầm ấm. Sản vật là loài thủy sinh nuôi lớn lợn gà cho gia đình có nguồn thu nhập ngoài lúa ngô, nâng bước chân con tự tin đi về phía giảng đường tạo dựng tương lai. Đời sông gắn bó đời người là vậy, sông với người nương tựa nơi quê.
Vũ Giang, con sông là một khúc nhạc nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ, là bức tranh quê thay đổi màu sắc cảnh vật qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Là dòng chảy trong tiềm thức của mỗi người, để mỗi lần nhớ đến sông là nhớ đến quê, những cảm xúc bùng lên nhắc nhớ cội nguồn, xứ sở. Giờ đây, khi đã xa quê đằng đẵng hơn nửa đời người, khoảng thời gian đủ để mái tóc ngả sương, ta lại thèm được về cúi mình soi xuống dòng sông mà ước ao hình dáng của chính mình ngày thơ bé.
Được đếm bóng bước mình trên mặt nước sóng lăn tăn của ngày cha dắt tay đến trường làng học chữ. Được ào xuống sông mà gột rửa hết muộng phiền của những ngày bôn ba xa xứ, về mà nghe dòng sông hát lời quê, về tựa lưng vào cỏ triền đê dõi theo con diều vẽ gió, về soi mặt vào sông mà khóc, mà cười cho bớt gánh tâm tư. Vì nơi đó còn có linh hồn của lúa, của núi, của mẹ cha hoà nhịp chảy dòng sông.
Sông vẫn âm thầm chảy, người quê vẫn cần mẫn với cuộc sống bình dị. Sông có khúc thẳng dòng khúc uốn lượn, đời người có lúc bĩ cực có hồi thái lai, người với sông quê bảo bọc nhau qua năm tháng thăng trầm, cùng nhau chia mưa sẻ nắng, vượt qua giông gió bão bùng.
Rồi tôi cũng được về lại với sông quê trong một chiều hè yên ả. Sông vẫn rộng lượng đón chào tôi như bao người con xa xứ khác. Sông giờ khác xưa nhiều lắm, hai bên bờ sông nhưng khu dân cư sầm uất với nhiều căn nhà cao tầng ngói đỏ soi bóng nước. Dù vậy nhưng nét quê vẫn vời vợi bến sông xưa, thấp thoáng luỹ tre, thấp thoáng bóng cây gạo bên sông thả từng đốm lửa trời lập lờ trôi về phía biển. Sông chứng nhân cho bao cuộc chia tay, bao người gặp lại. Tháng năm âm thầm dưỡng nuôi cây lúa tốt tươi, cho nguồn cá tôm thắm đượm bữa cơm nghèo.
Bây giờ đây cách xa quê hương với cuộc sống ở một miền quê mới, nơi đây cũng có những dòng sông, nhưng Vũ Giang vẫn mãi trong tôi là dòng sông tuổi thơ, là dòng sông ký ức, là biểu tượng quê hương. Dù vật đổi sao dời thì Vũ Giang vẫn mãi vang lên khúc hát trong tôi, khúc hát của dòng sông chầm chậm chảy qua làng, mãi chảy qua miền nhớ khôn nguôi!