Mỗi một miền quê, nơi con người sinh ra, lớn lên và đi xa đều có những thứ vô hình để gợi thương gợi nhớ. Đó có thể là lời ru của mẹ, là cánh cò bay trên cánh đồng làng, là bóng dáng cha cần mẫn cùng trâu, là cây đa, giếng nước, mái đình đã thành biểu tượng của làng quê Việt. Kỷ niệm có thể nhạt nhòa trong vòng quay mưu sinh chóng mặt, nhưng rồi một giây phút bất chợt nào đó trên dòng đời tấp nập, con người lại lắng lòng thương nhớ những mùa xa.
Hầu như mỗi xóm làng ở quê tôi đều có những hình ảnh đặc trưng để làm dấu hiệu nhận biết của người quê. Và như một mặc định, nơi đầu làng, thường là những gốc cổ thụ tỏa bóng với thời gian, làm một chứng nhân cho những biến thiên dâu bể của phận người, của kiếp làng. Nơi đầu làng tôi cũng án ngự một gốc đa sum suê như ngọn hải đăng dẫn lối cho những đứa con xa biết nẻo về cố hương.
Tự ngày xửa ngày xưa, đời nối đời đã kể lại nguồn gốc về cây đa cổ thụ nơi đầu làng. Cây sống mấy trăm năm không ai biết nhưng đã thành một phần máu thịt của quê hương với danh xưng “cây đa làng Thọ”. Cây đa gắn với tuổi thơ của bao thế hệ làng tôi, gắn liền với hình ảnh người đàn ông không con cháu, nương tựa nơi đây mỗi sớm chiều. Rồi khi “chàng Thạch Sanh” của làng về cõi vĩnh hằng, cây cũng chết khô. Dân làng đã hạ thân đa xẻ ra làm bộ áo quan cho người để kết thúc một mối lương duyên.
Cây đa hiện tại nói cổ thụ thì không phải bởi nó mới chỉ có gần ba mươi năm tuổi đời. Thế nhưng thân nó đã ba bốn người ôm mới xuể. Tán lá tỏa mát cả một quãng đất đầu làng. Những chùm rễ nổi bao quanh càng làm cho cây thêm phần bề thế. Đa dễ trồng, dễ sống và sống lâu, bóng mát tỏa rộng cũng như thân cành dẻo dai nên có nhiều làng chọn đa để trồng làm bóng mát cho bao thế hệ cháu con. Cây đa làng tôi có nguồn gốc từ trên núi xanh. Ấy là khi người dân quê còn đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Xong hai vụ chiêm mùa thì lại lên rừng mưu sinh. Cây được đưa về bởi một người lính thời chống Mỹ phục viên. Ông nhận thấy cây đa trơn này đẹp nên đã đưa về cho các cụ phụ lão trồng kỷ niệm với làng quê. Cây lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã trở thành một hình ảnh thân thuộc gắn bó với làng tôi.
Dưới gốc đa, dân làng đã quyên góp để tráng bê tông, để thêm mấy chiếc ghế đá. Không dưng mà nơi đây trở thành nơi tụ hội của trẻ con, là trung tâm truyền thông của xóm, đặc biệt là những buổi trưa hè. Bao trò chơi trẻ thơ, những di sản dân gian được tái hiện lại bên gốc đa. Nào là đánh thẻ, đánh ô, nhặt lá rụng làm trâu, chờ trời mát thả diều… Những khoảnh khắc ấy giúp cho lòng người bình yên đến lạ. Nó phần nào giúp trẻ thơ quê tôi bớt lệ thuộc vào màn hình điện thoại của thời 4.0. Chưa là cổ thụ nhưng không hiểu sao, có phải như quan niệm của ông cha “Quỷ gốc đa, ma gốc gạo” hay không mà những ai yếu bóng vía, chơi thơ thẩn một mình nơi gốc đa dễ bị quở trách. Thỉnh thoảng lại thấy có nhà ra thắp hương cầu an.
Đám trẻ nghịch ngợm, trèo lên ngọn đa, khắc tên mình vào thân hay nắm những chiếc rễ thòng chưa xuống đất đánh đu với tiếng cười trong veo suốt cả mùa hè. Những vết thương trên thân tích nhựa, lâu ngày thành sẹo, nổi lên những u cục khiến cây thêm phần cổ kính. Mỗi mùa trái đa chín vàng lại gọi về biết bao nhiêu loài chim tíu tít tranh nhau.
Cây đa cứ lặng lẽ chứng kiến bao sự đổi thay của làng quê, chứng kiến bao phận người chìm nổi. Ngọn hải đăng ấy vẫn thắp lên ngọn lửa để soi đường dẫn lối cho những mảnh đời lưu lạc tìm thấy nẻo hồi hương. Cây thành một mảnh ký ức của quê hương. Nó như có tâm hồn, tiếng nói riêng để rồi không ai là không chất chứa ít nhiều kỷ niệm với gốc đa.
Lại thêm một mùa cây đa thay lá, thêm một lần cành nhánh sinh sôi. Nó vẫn đứng đó, gọi những đợt gió nồm mát rượi làm dịu lòng người trước những trắc trở cuộc mưu sinh…