“Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật”, tiết trời dễ chịu nhất trong năm. Không còn cái se lạnh của giêng hai, mưa phùn dài ngày ẩm ướt, màu trời lúc nào cũng xam xám, đùng đục.
Tháng ba thơm nồng, ấm áp. Có nắng đấy nhưng là nắng non. Có mưa đấy nhưng là chút mưa xuân dịu nhẹ còn vương vấn lại đâu đây. Xuân già và hạ non đậu trên cánh chuồn bung biêng gió chỉ đủ làm cho những cánh hoa đậm sắc hơn.
Trong vườn, chùm bông bưởi non, nõn nà khoe ra cái màu trinh nguyên thiếu nữ. Chưa trông thấy nụ, thấy hoa bởi cánh vẫn còn thập thò sau vòm lá xanh mướt mát, như e lệ, như giấu giữ dịu dàng chút duyên thầm con gái. Vậy mà hương thơm đã ngào ngạt khắp vườn trong lối ngoài rồi đấy. Hương bưởi như thứ bùa mê quyến rũ lũ ong bướm dập dìu kết đôi, kéo mật lạc đường từ buổi ban mai.
Màu trời vừa phai cũng là lúc những bông bưởi phau phau tựa hoa cau trổ giữa đêm trăng tình tự xòe ra năm cánh xinh xinh. Chút nhụy vàng như nụ môi cô gái mười sáu, ấp e sau vành nón trắng.
Cứ rón rén, cứ mũm mĩm vậy thôi mà làm tội bao nhiêu gã ong bướm, gây lộn nhau chí chóe. Để rồi, giữa chùm hoa bưởi trắng tinh, người ta chợt giật mình thấy một giọt huyền cuộn tròn, lúc lĩu. Đó là chú ong thợ láu lỉnh vừa dở mẹo, đuổi đôi bướm vàng tình tự mùa giao phối. Cuộc vật lộn làm bao nhiêu cánh hoa trắng vô tội rơi lả tả. Bị quấy nhiễu, đôi tình nhân trả chùm hoa cho kẻ phá rối, rồi bay đi tìm lùm cây khác.
Giờ là lúc chú ong láu cá chỉ việc rúc cái vòi nhọn sắc, cong vút vào tận đáy nhụy mà thỏa thuê hút mật. Và khi bầu đã căng đầy, chú lấm lét quay đầu chui ra. Cả khuôn mặt lem nhem, chân cẳng, áo quần cũng nhuộm dày một lớp phấn hoa vàng suộm.
Nom chú như anh thợ vôi ve vụng về, luống cuống mà mỗi nhát chổi đưa qua là toàn thân mình lại tắm đẫm nước màu vì sự hấp tấp. Với đôi cánh mỏng manh quay tít và cái bụng tròn o, chú nghiêng mình chào hoa rồi chao cánh vút đi.
Tháng ba, ta không còn gặp cái nồm trời của giêng hai khiến áo quần phơi dài không ráo. Đây đó, dưới mặt đất ẩm mịn một màu xám bạc, những cánh xoan tim tím phủ đầy lối đi. Cái loài hoa li ti, mỏng mảnh mà giăng mắc lòng người như sương mai bịn rịn.
Nhìn lên những vòm lá xoan xanh biếc, chi chít những chùm hoa bồng bềnh như mây. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua hay một đôi chim giật mình vỗ cánh là cả đám cánh xoan ăn vạ, hò nhau rơi như mưa, như ngọc của trời phơi mình tím ngắt.
Không chỉ ở núi rừng Tây Bắc, hay miền gió nắng Tây Nguyên, tháng ba về loài ong mới đủ hoa để xây mật. Trên khắp dải đất hình chữ S này, đâu đâu cũng rợn ngợp sắc hoa.
Nhưng có lẽ nhắc tới tháng ba, người ta thường nghĩ ngay đến màu hoa gạo đỏ. Không biết từ bao giờ, câu ca dao xưa đã đi vào tiềm thức mỗi người:
“Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.
Người miền Bắc mong tháng ba về không chỉ để ngắm hoa gạo đỏ trời, mà bởi cái rét kéo dài cả mùa đông, đến khi xuân sang vẫn còn ở lì không chịu rút. Viện cớ “tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”, giá lạnh lần khân không chịu rời gót mặc cho hoa xoan đã tím nồng khắp các ngõ xóm, đường quê.
Bà tôi mong tháng ba về để được cất đi cái chăn bông dày sụ. Được dọn giường, thay chiếc chiếu mỏng, được bận những bộ cánh áo nâu thay vào chiếc áo bông nặng trịch. Có phải thế mà tháng ba hiện hữu như một mặc định cho sự chấm hết của mùa đông?
Trên những cây gạo nơi bến sông, giữa cánh đồng hay đầu con đường dẫn vào làng, không còn tán lá biếc xanh mát rượi những ngày hè oi ả. Gạo trút bỏ lớp y phục cũ kĩ từ khi nào chẳng ai hay. Chỉ biết sáng nay, lũ trẻ trên đường đến trường, hè nhau nghển cổ nhìn lên trên mảng trời trong vắt.
Ai đã thắp lửa lên cây cháy rực một mảnh trời. Lá rủ nhau đi đâu để giờ đây cây chỉ còn trơ lại đám cành khô cong, nhú lên những bông lửa cao tít. Bầy chim chào mào ríu rít gọi nhau xây tổ giữa tầng không. Trông cái dáng hao gầy đỏ lửa của gạo mà như gặp nét tảo tần, vén vun của mẹ, của bà qua những bữa tháng ba ngày tám.
Từng cành khẳng khiu, khô đét, tưởng chừng như chỉ còn chút hơi tàn, lực kiệt vội bật lên mãnh liệt những ngọn lửa đốt cháy trời tháng ba. Gạo góp với đời màu hoa mặc định cho sự ấm áp của mùa xuân đã đạt đến viên mãn.
Tháng ba, những hàng cau trước nhà hạ sinh mùa mới. Những bẹ cau căng phồng lên trên những thân cây mốc trắng như người đàn bà ở cuối kì sinh nở. Hàng cau thẳng của ông, hàng cau lùn của bà, cây nào cây ấy mình tròn vo, tàu mo rụt lại như con tằm chuẩn bị vào kén. Nom cái dáng lặc lè, bụng vượt mặt, da căng nhức mà thương.
Rồi một đêm trăng, nằm trong nhà nghe tiếng bẹ cau tách vỏ rơi xuống. Dù rất nhẹ nhưng đủ để không khí rít lên trong gió. Đó là lúc những buồng cau non bật tung, nõn nà thơm phức. Cái mùi hương ngan ngát như tẩm ướp cả màu trời đêm làm vương vấn lòng bao kẻ xa quê.
“Nhà anh có một vườn cau, nhà em có một giàn trầu”. Không biết từ bao giờ mà hình ảnh vườn cau, giàn trầu cứ quyện hòa vào nhau. Có lẽ từ khi mỗi đứa trẻ biết chơi trò chú rể cô dâu sau đêm cuộn tròn mình ấm áp trong lòng bà, nghe kể chuyện cổ tích dưới trăng.
Rằng nhà kia có hai anh em vì giống nhau quá mà vợ người anh nhận nhầm em là chồng mình rồi sinh ra hiểu lầm. Vì thương nhau quá mà anh em tìm nhau đến hóa đá, hóa cây. Tình chồng nghĩa vợ mặn nồng, thủy chung run rủi bước chân cô gái lội suối, băng rừng để rồi ngang sông, mỏi mệt tựa vào lưng chồng mà không hay biết.
Thân xác hao gầy hóa thành loài dây leo mảnh dẻ quấn chặt lấy thân cau. Chết rồi mà vợ chồng, anh em vẫn chẳng rời nhau âu cũng là duyên phận.
Câu chuyện cảm động về tình thủ túc, tình phu thê của người dân quê trở thành truyền thống văn hóa. Miếng trầu mở đầu câu chuyện cho mọi nghi lễ thường nhật của người Việt. Cổ tích xưa giờ đã theo bà về với tổ tiên rồi.
Cháu cũng không còn khờ khạo tin có phép nhiệm màu mang bà trở lại. Vậy mà vẫn giữ bên mình lời giáo huấn nhẹ nhàng, lắng sâu, bền chặt như màu son đỏ trong miếng trầu bà ăn. Tình cảm gia đình ruột thịt, nghĩa vợ chồng thủy chung muôn đời phải giữ.
Tháng ba, khóm mạ mẹ gieo trên đồng đã xanh một màu lúa mới. Với cái bồ thóc trong nhà đã cạn vơi, mẹ đợi mùa no ấm trong niềm hi vọng lặng thầm.
Cha mẹ tảo tần bên nhau bữa rau, bữa cháo kéo dìu con qua ngày giáp hạt. Như vạt cỏ chân đê, thương con bò gầy mà xanh đến rạc lòng, mà non thơm đến tận cùng, cố lấp đầy lên hai cái hõm hông sâu hoắm suốt cả mùa đông lạnh giá. Những đọt rau má mỡ màng, thương phận người đói khổ mà tham lam níu giữ, ôm ấp giọt sương mai.
Tháng ba trong tôi nhuộm những mùa vàng như thế. Những đứa trẻ quê một thời nếm trải đủ mùi no đói. Đêm đêm trong giấc ngủ vùi vẫn mơ giấc mơ thắm đỏ sắc gạo, bồng bềnh tím ngát một màu xoan và thơm nồng hương bưởi. Tôi yêu tháng ba như con sông ra biển rồi vẫn thương về nguồn cội.
Tháng ba về – nhớ lắm những màu hoa!