16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Một chút hồn quê

Đất Hóa Tâm HồnMột chút hồn quê

Dọc triền đê ven sông Thái Bình quê tôi mùa này xanh tốt bời bời, đủ các loại cây cỏ. Có loại cây do con người gieo trồng như ngô, khoai, đỗ, lạc. Có loại cây lại do tự nhiên mà mọc lên như cỏ dại, dền gai, rau sam. Nhưng có một loại cây ít người chú ý đến, đó là cây rau khúc.

           Rau khúc có hai loại: Nếp và tẻ. Cây khúc tẻ có dáng thân cao, lá to và dầy. Hái một lúc đã đầy rổ. Tuy vậy, loại khúc tẻ này ít người ưa chuộng, vì nó không thơm, không ngậy bằng rau khúc nếp. Khúc nếp thân cây thấp, nhỏ nằm sát mặt đất, lá phiến mỏng. Mặt trên của lá có phủ một lớp phấn trắng nhỏ li ti.

Mẹ tôi bảo: “Khúc nếp thường mọc lẫn với cỏ. Cỏ thì cao hơn, nên khi hái phải vạch cỏ mới tìm thấy. Những người ngại khó, ngại khổ thì chỉ hái được khúc tẻ thôi”. Công đoạn nấu xôi khúc là cả một nghệ thuật tinh tế. Lá khúc được hái về, rửa sạch, để ráo nước, rồi đưa vào cối giã nhuyễn. Sau đó hòa với nước sạch, lọc hết lá, chỉ còn nước trong. Gạo nếp phải chọn kĩ, không sạn, không sót một hạt thóc và được giã lại cho hết cám. Những hạt gạo mầu trắng đục, mẩy đều, thơm tho mùi đồng bãi, mùi lúa vào đòng.

                         Người ta thường ví các cô gái xinh đẹp bằng câu: “Mỏng mày hay hạt” chắc từ hạt gạo này chăng? Nhìn rá gạo đến thích mắt. Sục bàn tay vào mát rười rượi. Vốc nắm gạo lên, từng hạt gạo trơn bóng đùa nhau chảy qua kẽ tay. Xòe bàn tay vẫn sạch. Gạo được vo kĩ, để ráo rồi ngâm vào nước lá khúc vài giờ. Khi vớt ra để ráo nước rồi đổ vào chõ đồ thành xôi. Xôi chín, mở vung ra. Chao ôi, một mùi thơm ngậy nồng nàn tỏa lan nức mũi ai bất chợt qua ngõ. Chưa hết. Xôi được dỡ ra cái sàng cho nguội hẳn, lại đổ vào chõ đồ thêm lần nữa. Hạt gạo nếp lúc này mới căng mọng như trái chín. Nhìn đã thèm. Mẹ tôi bảo: “Loại xôi khúc này thường mang ra đền, ra chùa dâng lên lễ Phật, lễ Thánh. Nhất là những ngày hội làng”.

Hội làng tôi ba năm mở một lần. Mâm lễ của gia chủ dù to, dù sang trọng đến đâu, nếu không có đĩa xôi nấu bằng lá rau khúc thì cũng coi như chưa dâng lễ. Bởi đó là hồn cốt, là phong tục của quê tôi dâng lên các đấng thần linh chứng giám cho tấm lòng thành của người dân lành nơi thôn dã.

           Mẹ tôi biết nấu xôi, làm bánh khúc từ hồi còn con gái. Do bà ngoại tôi dạy. Bánh khúc của bà ngon tuyệt. Làm bánh khúc đòi hỏi cầu kỳ hơn và cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Gạo nếp cũng được kén chọn cẩn thận, có pha thêm gạo dự. Tỉ lệ bao nhiêu chỉ có mình bà biết. Hai loại gạo trộn lẫn, vo sạch, rồi ngâm nước nửa ngày cho hạt gạo mềm.

Cuối chiều bà vớt ra. Từng đợt, từng đợt đổ vào cối đá xay. Cái cối cũng phải là đồ chuyên dụng thì bột mới mịn. Trong lúc xay, thi thoảng bà đổ thêm nước bằng cái gáo nhỏ. Từng dòng bột trắng như sữa, chảy theo rãnh cối xuống. Ngay chuyện đổ nước vào xay cũng đòi hỏi sự tinh tế. Nhiều nước quá bột sẽ bị “rỗng”. Ít nước quá hai thớt cối như dính vào nhau. Lá khúc được băm nhỏ, cho vào cối giã. Sau này có máy móc đỡ sức người nhưng mẹ tôi vẫn giã bằng tay. Bà bảo: “Lá khúc giã tay bột bao giờ cũng chín, cũng dẻo và thơm hơn”. Đỗ xanh được đồ chín, giã mịn, thịt lợn ba chỉ thái nhỏ trộn với lá khúc làm nhân. Tất cả những thứ này phải làm xong từ sẩm tối hôm trước.

                         Đêm nào cũng vậy, cứ chừng canh ba là mẹ tôi dậy làm bánh. Xung quanh nơi bà ngồi toàn mẹt với rá. Mẹ tôi tay véo bột, tay véo nhân, nhanh nhẹn và gọn ghẽ. Từng cái bánh tròn vo, mầu trắng, to hơn cái chén uống nước một chút, đều chằn chặn lần lượt xuất hiện. Sau khi nặn hết, mẹ lần lượt xếp nhẹ vào chõ. Mỗi lượt bánh là một lần gạo nếp. Hạt gạo nếp cũng được mẹ chọn kĩ. Không pha phách, không hạt sạn. Công đoạn cuối cùng là đặt lên bếp, như đồ xôi.

Ngày anh em tôi còn nhỏ, mỗi buổi sáng dậy là mùi thơm, hơi nóng của bánh khúc béo ngậy phả ngay vào mũi. Bốn anh em tỉnh ngủ, hít hà. Mẹ tôi đã dành sẵn bốn cái bánh khúc gói trong lá chuối. Chúng tôi chỉ việc đánh răng, rửa mặt xong là sà vào ăn ngấu nghiến.

Ảnh: Hanh Dan Cing

           Loáng cái đã hết. Đứa nọ nhìn đứa kia, liếm môi thèm thuồng. Nhưng cái thời bao cấp lo cho bốn đứa con ăn no, mặc ấm, học hành như mọi đứa trẻ trong làng đã là quá sức của mẹ lắm rồi. Còn mẹ tôi khi ấy đang băng qua cầu Phú Lương với chõ bánh khúc nóng cạnh sườn.

                        Chõ được đặt trong một cái thúng to, xung quanh chèn bao tải cũ, bên trên đậy tấm vỉ đan bằng cói. Nồi bánh khúc của mẹ bán hết veo. Người mua chủ yếu là thợ thuyền và học sinh. Bán hết, mẹ tôi lại một lần nữa vượt qua cầu trở về cho kịp kẻng ra đồng. Ngày nào cũng vậy. Bất kể nắng mưa hay giá rét. Ngồi một chỗ bán mãi thành quen, người ta không gọi ngã ba Phú Lương mà gọi chệch đi là ngã ba bánh khúc.

Hồi còn ở Trường Sơn, nhất là vào những đêm mưa gió, nơi khu vực đóng quân, thao thức không ngủ được, mùi bánh khúc béo ngậy của mẹ dường như phảng phất quanh tôi. Nước miếng trong miệng ứa ra.

           Tôi quả quyết với đồng đội: “Thú ăn chơi của mùa đông xuân có lẽ trên đời này không gì ngon bằng bánh khúc. Vị ngọt ngậy, béo bùi, thơm thảo của nó còn đọng mãi nơi dầu lưỡi. Nó không lạnh ngắt như bánh chưng, không nhạt hoét như bánh giò, không đắng nghét như cà phê”. Nghe tôi kể, khối thằng bạn cười ruồi, nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ. Tôi bảo: “Không tin hả? Khi nào hòa bình, mời tất cả chúng mày về quê tao. Mẹ tao sẽ đãi một bữa bánh khúc ra trò. Lúc ấy chúng mày mới trắng mắt ra, lại xin lỗi rối rít”.

Năm nay làng tôi mở hội. Mẹ tôi già lắm. Bà không còn đủ sức để giã lá khúc nữa. Bốn anh em tôi lại đoảng. Chẳng đứa nào chịu học nghề của mẹ. Tôi hỏi: “Năm nay nhà mình không làm xôi khúc ra chùa hả mẹ?”. Cô em út tôi xì một cái rõ to: “Ôi dào, thời buổi này mà ông anh tôi còn nghĩ đến xôi khúc. Lạc hậu”.

                        Hội làng to lắm bởi vừa qua chùa Cửu Phẩm được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nơi đây từng là chỉ huy sở của đội du kích đường 5. Đội du kích thường mai phục đánh phá các đoàn tàu hỏa chở hàng, chở quân của địch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khiến kẻ địch bao lần ôm hận mà không làm gì được.

           Chùa lại mới được tu bổ, tôn tạo to đẹp lắm. Khách thập phương, dân bản địa đi lại tấp nập, đông vui. Những mâm lễ đầy ắp xôi thịt, bia lon, thuốc lá, bánh kẹo. Hàng ngoại lấn át hàng nội. Tôi để ý trên các mâm lễ bây giờ không còn đĩa xôi khúc truyền thống nữa. Cô em tôi nói đúng. Tôi lạc hậu thật rồi. Một nỗi buồn ập đến. Nhẹ nhàng, bâng khuâng và nuối tiếc.

Check out our other content

Most Popular Articles