Kiếp tượng nhà mồ. Tượng được gửi tặng nguyên cho người chết chứ không chôn, không hóa. Làm tượng mồ là gửi cho người chết những niềm vui sống.
Giữa bãi tha ma
Thú thực, tôi không phải là người cứng bóng vía. Tin vào tâm linh, tôi cũng tin có cõi âm, có hồn ma. Nghe/đọc/xem chuyện/phim ma, chỉ gai gai chút thôi. Còn ra nghĩa địa, thì chưa bao giờ hết rờn rợn.
Bước trong bãi tha ma, lần nào cũng như lần nào, tôi không sao thoát khỏi ý nghĩ đây là nơi ma ở. Chốc chốc lại giật thót, ngoái sau, như có ánh mắt lạnh ngắt vừa liếm suốt sống lưng. Ấy thế mà, lần vào Tây Nguyên vừa rồi, dại dột thế nào, tôi đã mò ra nghĩa địa của người Bahna, một nghĩa địa bỏ hoang ở giữa rừng già.
Mà bấy giờ, chiều đã muộn, mưa lại tầm tã. Cái bóng âm u cố hữu của đại ngàn bỗng chốc thành một manh áo ướt sũng, rách bươm, giăng mắc khắp các xó xỉnh. Âm khí kéo về, lạnh toát, quẩn đặc quanh chân. Mưa hắt từ mặt lá lên mặt mình mùi cứ tanh tanh. Từ mấy nhà mồ xiêu vẹo, có tiếng gì cứ “khư khư… khừ khừ…”, chả biết gió hú, ma hù, hay người rên rẩm nữa. Nghe ghê ghê ơn ớn khắp cả người… Tôi đã tự trách mình vớ vẩn. Tự dưng lại đi dấn thân vào chốn thê lương ấy! Lại rước lấy cái hãi hùng vào mình!
Nhưng, còn biết làm sao! Chả nhẽ đến Tây Nguyên, lại chỉ vào bảo tàng hay ghé quầy souvenir để xem tượng nhà mồ ! Phải ra tận nghĩa địa chứ. Không được đêm trăng suông thì cũng phải chiều mưa dầm. Có thế mới đủ vị. Chả biết có cái mê nào kì quặc như mê tượng nhà mồ không nữa? Vừa thích vừa sợ. Càng sợ càng thích. Mà lạ. Âm khí càng phiêu, tượng lại càng ám. Cứ như có hồn ma chập chờn trong thớ gỗ. Càng những tượng mà thịt gỗ đã mòn mủn đi, trơ ra các đầu lũa nhọn hoắt, xanh rì những rêu, lại càng cuốn hút.
Mỗi cột tượng vừa như một vong linh mượn gỗ để hiện hình. Lại như một sinh mạng lưu luyến dương gian cố ngụ mình trong gỗ. Đó là cái sống cải dạng hay cái chết hiện hình? Là chốn dừng lại của cái sống hay nơi bắt đầu của cái chết? Hay cái sống và cái chết ẩn tàng trong nhau? Càng cố phân biệt càng chỉ phân vân. Tôi không còn định rõ cái mê trong mình là được thích thú hay bị thôi miên nữa.
Ngôn ngữ tượng
Đứng trước tượng nhà mồ, tôi đã nghĩ về cuộc chiến cuối cùng mà cũng là cuộc chiến cam go, dai dẳng nhất của con người: cuộc chiến với hư vô. Hư vô hiện ra nhỡn tiền trong hình thù cái chết. Ứng xử với cái chết là một phương diện lớn của văn hóa nơi nơi. Và tượng nhà mồ là cách ứng xử của nền văn hóa rừng ở cao nguyên này. Tượng được làm cho lễ bỏ mả. Nghi lễ cuối cùng đối với người chết. Chấm dứt mọi vướng bận nơi dương thế để họ về cõi khác. Tôi mới nhận thấy : không giống người dưới xuôi nghĩ con người từ cát bụi lại về cát bụi, người Tây Nguyên xem con người đến từ rừng rồi lại về với rừng. Rừng là chốn nguyên sinh cũng là chốn siêu sinh.
Kể từ lễ bỏ mả, người chết sẽ về hẳn với rừng. Nên lễ bỏ mả cũng là lễ chia của nả cho người chết mang sang thế giới bên kia. Trong của nả ấy, đáng kể nhất là những niềm vui sống. Và đó là tượng nhà mồ. Thì ra, về chức năng ma thuật, tượng nhà mồ cũng phần nào như hình nhân giấy mã của người miền xuôi. Nhưng, người miệt rừng không dùng giấy, mà dùng gỗ, không thiêu, mà để nguyên. Tượng được gửi tặng nguyên cho người chết chứ không chôn, không hóa. Làm tượng mồ là gửi cho người chết những niềm vui sống.
Đứng trong nghĩa địa chiều mưa ấy, tôi mới nhận ra tượng nhà mồ là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ của sự sống nói vọng sang cõi chết. Một ngôn ngữ bằng gỗ. Sát sạt hơn: một triết ngôn bằng gỗ. Cái chết cuốn con người vào sự tàn hủy của hư vô. Thì con người cưỡng lại bằng tượng nhà mồ. Dàn tượng quanh mỗi nhà mồ khác nào một vũ khúc của sự sống. Cái chết mang đi từng mạng riêng. Thì con người tạc tượng theo cặp. Lẻ là buồn, thì cặp là vui. Cặp là ý thức chống đối cái chết của người Tây Nguyên.
Từ tượng người đến tượng chim thú trên hàng rào nhà mồ, tất tật đều theo cặp. Mà phổ biến nhất là cặp trai gái đương độ cặp kè. Chết là chấm dứt sự sống trên dương gian. Thì trình hiện lại việc sinh thành sự sống trần giới là lời đối thoại nôm na với cái chết. Mỗi cặp tượng như một cái mốc của chu trình tạo sinh. Dường như, mở đầu là tượng trai gái hẹn hò, trai gái giao hoan, đến tượng người mang thai, bào thai, rồi tượng hài nhi… và cuối cùng là tượng người ôm mặt. Trên hàng rào nhà mồ, các cặp tượng ấy được dựng như quân hình trên đèn kéo quân.
Chẳng rõ hữu ý hay vô tình mà một chu kì sống của mỗi sinh mệnh với thành trụ hoại diệt đang được tái hiện bằng ngôn ngữ tối giản của tượng gỗ. Hư vô phủ lên người thân của mình nỗi buồn chết. Thì người sống tặng cho người chết những sinh thú cốt lõi nhất của sự sống. Chả thế mà, trong các tượng nhà mồ, bao giờ cũng có cặp tượng trai gái đứng “khoe hàng” trông rất ngộ. Toàn hàng “khủng” cả. Nàng thì thỗn thện cặp núi đôi phì nhiêu. Chàng thì quả tên lửa đại cương căng rướn hết cỡ đang chực chờ phụt lửa. Có cặp tạc lúc lâm chiến, cứ giao hoan thế suốt cả một đời tượng trên hàng rào. Toàn những sinh thú và dáng điệu ở vào lúc căng mẩy nhất, hoan lạc nhất.
Có thể thấy rõ người tạc, khi làm tượng, cũng đang tràn ngập một niềm tin chất phác vào sự sống phồn thực. Tôi hết sức ngỡ ngàng, khi biết, trong lễ bỏ mả trước đây, trai gái còn được tự do giao hoan nữa. Bằng cái nhìn hôm nay, dễ thấy việc đó thật kì quặc. Nhưng, tập tục này hẳn có triết lí của nó.
Phải chăng giao hoan trong cái giờ phút thê lương ấy trên mặt đất cô liêu này, là một hành vi an ủi, hành vi chống lại sự chết? Là lời tuyên chiến tức thì của cái sống với cái chết? Là cách ăn miếng trả miếng với cái chết? Phải chăng bằng cách ấy, người xưa muốn chống lại quyền uy ngang ngược của hư vô? Rằng hư vô cướp đi sinh mạng này thì con người sẽ khởi tạo ngay những sinh linh khác? Hư vô giáng xuống chốn này cái buồn chết thì con người sẽ tạo sinh những niềm vui sống?
Có phải họ muốn nói : đại ngàn không phải là cõi chỉ có hư vô ngự trị, mà còn là cõi con người ngự trị? Thật hoang sơ mà cũng thật thâm thúy. Riêng việc chống đối bằng gửi ân ái giao hoan vào tượng gỗ dựng quanh nhà mồ thì vẫn là tập tục bền gốc, truyền mãi đến ngày nay. Kết nối cõi hữu hình với chốn vô hình, như thế, đâu phải là con đường một chiều!
Tượng buồn tượng vui
Một lần, đến nơi làm tượng, hỏi một nghệ nhân trẻ đang đẽo tượng với tất cả niềm thành kính, tôi mới vỡ lẽ : ngay cả những người làm tượng chuyên nghiệp cũng không xem việc tạc tượng nhà mồ như làm thứ hàng để bán, mà xem đó là một thực hành tâm linh. Dù thô sơ thì tượng cũng là linh vật. Hèn chi, để làm tượng, người Tây Nguyên phải cất công vào rừng chọn những gỗ thật tốt. Có khi phải mất cả năm trời mới tìm được cây ưng ý. Loài cây dùng đẽo tượng thường là cà chít, gỗ rất săn, dai và bền. Không thể nói chắc cây được chọn là nhờ may mắn hay do sứ mệnh nữa.
Trút xong đời cây vào dòng nhựa cuối cùng, thắp xong đời xanh vào hạt diệp lục cuối cùng, cây sang một kiếp mới: kiếp tượng. Làm xong bổn mạng tạo hóa trao cho cũng là trọn hiếu với mẹ Tự nhiên, cây được con người ban cho một mạng khác: mạng tượng; được con người phú cho một hình hài khác: hình hài tượng. Thế là những cột tượng được khai sinh dưới bàn tay đẽo tạc của con người. Chúng cứ tượng hình qua mỗi nhát đục đẽo. Cứ sống dần lên qua mỗi nhịp vót gọt, bào mài, sang sửa. Đời cây chết, đời tượng sinh. Một người của rừng nằm xuống, thì một quần thể tượng của rừng được sinh ra, dựng lên. Cây được hiển sinh vào đời mới. Tượng mồ là đài kỉ niệm của cái sống.
Nhưng, những cây cà chít đâu chỉ hóa thân thành tượng vui. Còn một phía lớn của sinh tử là nỗi tiếc thương mà. Dầu gì, cái chết vẫn là một sự chia rẽ ngang trái. Tình cảm sinh li tử biệt vẫn là tình cảm sâu nặng bậc nhất giữa mọi sinh linh trên cõi này. Được gắn bó trong cùng một cõi sống mới thực là thứ hạnh phúc trần thế. Đong đếm được. Cảm nhận được. Có phải vì thế mà trong lễ bỏ mả nào, trên hàng rào nhà mồ nào cũng không thể thiếu một cột tượng buồn, là tượng người ôm mặt đó chăng?
Với tôi, tượng người ôm mặt bao giờ cũng ám ảnh nhất trong mỗi bãi tha ma. Tôi từng thấy mặt vui. Nhưng hiếm. Hầu hết là mặt buồn. Mà có vui, thì những nét vui mờ nơi khóe miệng, khóe mắt chẳng đủ xua cái buồn thấm hết cả thân mình. Dáng ngồi co gối. Hai tay tì gối tự bưng mặt mình. Thân thì ngập trong âm. Mặt cố nhoài về dương. Tượng khóc thương cho người chết? Khóc than cho phận người? Hay khóc than cho chốn đời? Một dáng tượng thôi có thể gồm tất cả. Tượng ôm mặt ở nghĩa địa này cũng thế. Mưa chiều làm cho mặt tượng nặng phù. Nước từ hai hố mắt khoét sâu cứ ràn rụa ra đôi gò má đã xơ lũa, tràn xuống bàn tay đang bưng lấy mặt, rồi cứ thế ròng ròng như thạch nhũ trong hang tối, nhỏ xuống đôi đầu gối còm nhom mà thịt gỗ đã thâm mủn tự bao giờ rồi. Đã thế, đúng lúc tôi nhìn, thì từ cằm tượng còn lả tả rụng xuống đến mấy miếng lũa nữa. Kinh hãi. Y như xương rời thịt rụng.
Vốn nhát ma, tôi rủn hết cả người. Nhưng, khi cảm xúc nhát sợ qua đi, nhìn lâu dáng tượng, thấy hiện rõ cả tủi sầu cùng bi hận, những nông nỗi trần ai luôn đeo đẳng mỗi kiếp người, thì trong tôi chỉ còn tràn ngập một nỗi buồn. Nỗi buồn như nỗi chết ngấm ngầm vây khốn. Nỗi buồn từ mưa? Từ bóng tối? Từ những vô hình đang xâm lấn quanh đây ? Hay tất cả từ tượng? Tôi không phân định nổi. Tôi chỉ thấy rõ rệt đến ghê lạnh cả người rằng mình đang đứng trên biên giới của cái sống và cái chết. Nỗi chết đang ngấm vào làn da ơn ớn hơi mưa của mình, làm lạnh dần cả tâm tư mình.
Nỗi sống và nỗi chết cứ chập chờn chen nhau ngay trong mỗi nhịp đập cứ chực run lên của cơ thể mình lúc ấy. Và tại khoảnh khắc đó, nhìn dãy lều mộ xập xệ tiêu điều chìm lút trong màn mưa tối sẫm, tôi bỗng thấm thía đến tận tâm can sự hoang liêu hun hút của cõi này. Càng nhìn vào đôi mắt âm u, trân trối, ràn rụa, thăm thẳm của tượng người ôm mặt, tôi càng chìm ngợp trong một cảm nhận tê tái : mình đây cũng như tượng mồ kia, chẳng qua chỉ là những hình kiếp, vai đổi vai trong cái thoáng chốc được làm sinh linh trên chốn trần ai này thôi.
Rời nghĩa địa
Mưa mỗi lúc một nặng, trời đã tối hẳn rồi. Nhìn quanh, tôi cứ nghĩ chỉ có mình tôi mò ra chốn này. Nào ngờ, khi quay ra, thì bắt gặp một vài bóng vụng trộm, vội chồm lên chiếc Minkhơ, phóng vụt vào rừng. Té ra, hòa giải với hư vô đến từ âm giới đã là điều nặng nề. Giờ đây, lại thêm một hư vô khác đang rình rập quanh tượng nhà mồ. Thứ hư vô này đến từ cõi dương, từ đô thị, từ tham vọng mù lòa của kẻ sống.
Người đứng canh chừng trên biên giới của sống chết đang bị săn đuổi. Đám đại gia sẵn sàng phạm thánh đang ráo riết săn lùng tượng nhà mồ. Không hiểu từ đâu, họ tin rằng tượng nhà mồ là một thứ thần đèn, thần tài. Có thể sai khiến thần trong những phi vụ làm ăn. Họ trả giá hậu cho những ai kiếm được tượng lâu đời. Để kiếm bằng được tượng quí, người ta đã đào bới, phá bỏ, lừa gạt, cướp đoạt bao nơi trên Tây Nguyên. Vậy là, từ nay, tượng nhà mồ phải đối mặt với một cái chết khác.
Người sống đưa tượng đến biên giới âm dương để tiễn người thân về cõi khác. Nạn săn lùng trộm cắp cũng lùng sục đến tận đường biên này cuỗm đoạt tượng từ tay người âm đem về dương bán cho kẻ đầu cơ. Biến tượng từ những phúc thần thành ác thần. Bắt tượng làm ma cô, làm nô lệ dẫn tiền, canh tiền, làm thần giữ của. Đến ranh giới của sống chết rồi, còn biết chạy đâu. Tượng có chui xuống đất cũng bị quật lên thôi. Đời lại có cái lối làm tiền xuyên qua cả loại biên giới này nữa sao ? Nghe người đồng bào kể về những cột tượng thân yêu bị ném lên xe tải, bí mật đưa về thành phố trong những chuyến hàng mờ ám, mà thấy nặng lòng.
Bao đời rồi, những niềm vui người sống tặng cho người chết để linh hồn của họ bớt côi cút khi phải rời cõi sống. Nay thì niềm vui cuối cùng ấy cũng bị chụp giật, cũng bị trấn lột nốt bởi những linh hồn chết của kẻ sống. Nhưng, tượng mồ vốn chỉ sống trong dưỡng khí huyền bí của đại ngàn. Sự sống của tượng là nơi nghĩa địa. Giờ kẻ đầu cơ cả thánh thần ma quỉ hòng đoạt tượng về, muốn biến công sở thành ngục tù giam tượng, biến văn phòng thành nghĩa địa bày tượng, biến tư dinh thành nhà mồ chăng?
Không biết tượng người đang ôm mặt kia chiều mưa này mới khóc thế, hay vẫn như thế tự bao giờ? Bóng tối trầm nặng của đại ngàn đã sập xuống rồi. Tượng vẫn cứ ngồi nguyên đấy. Tượng có nghe những đợt sóng âm lạnh lẽo từ cõi chết xô tới chân mình? Có nghe những cuộc săn lùng của kẻ sống đang rình mò vây ráp quanh đây?
Rời nghĩa địa về lại thành phố, thỉnh thoảng tôi lại giật thót, như có cái gì lạnh toát vừa lướt dọc sống lưng. Mỗi lần ngoái lại, vẫn chỉ thấy cột tượng ấy. Vẫn tự bưng mặt mình thui thủi trong mưa. Vẫn cái nhìn từ đôi mắt tượng. Ràn rụa. Trân trối. Âm u. Thăm thẳm…
Về làng
Cũng trong lần vừa rồi, chúng tôi có đến một làng cổ của người Bahna. Đây là một điểm nhấn trên bản đồ du lịch của Tây Nguyên. Khi qua chiếc cầu dây văng khá bề thế, mô phỏng cầu Cổng vàng của nước Mỹ, bắc qua sông Dakbla, dẫn sang ngôi làng ấy, tôi dự cảm về một làng xưa đang được hiện đại hóa. Tôi sắp được gặp một làng khang trang, ánh sáng văn minh đang làm rạng rỡ thêm bản sắc bao đời. Nhưng, càng đến gần, lại càng xa điều dự tưởng. Hình như, qua lại chiếc cầu ấy mỗi ngày, luôn có một cái gì đang tìm về cũng có cái gì đó đang ra đi thì phải?
Nghe bảo, mấy năm trước hồn vía làng xưa vẫn còn khá nguyên vẹn trong cảnh quan. Bây giờ làng chưa đến nỗi như một người đẹp bị tàn phế, mà chỉ như một người đẹp dao kéo chưa xong ca phẫu thuật thôi. Khắp làng, nhà sàn gỗ cổ truyền đang bị lấn bởi nhà trệt bê tông. Lẽ nào do người bản thổ muốn học theo người Kinh mà bỏ lối sống xưa, kiến trúc xưa? Lẽ nào do gỗ ngày một hiếm đi, gỗ không được bền? Hay do một áp lực nào không cưỡng lại được chăng? Tôi chợt liên tưởng đến những nhân vật người bị nguyền cứ dần dần hóa đá trong các câu chuyện cổ mà lo âu. Chẳng nhẽ, để sinh tồn, cái này cứ phải chèn ép thôn tính cái kia, tựa bê tông với gỗ trong mỗi nếp nhà, mỗi ngôi làng?
Cũng chiều muộn, tôi được dẫn đến một ngôi nhà thờ đẹp. Tuy không được như ngôi nhà thờ cổ nổi tiếng nằm giữa thành phố Kontum. Nhưng nó vẫn xinh xắn với dáng vẻ cân xứng giữa tháp chuông và dàn mái, giữa hành lang và lòng nhà nguyện, nhất là giải pháp hoa văn gỗ vừa đơn giản vừa tinh tế, hiện đại mà vẫn Tây Nguyên. Nhưng, cứ như một người bị o ép vậy. Phần đất dưới chân nó quá hẹp. Chẳng có lấy một khoảng nào đáng gọi là khuôn viên bao quanh. Nó đứng khó khăn như một người cứ phải cả đời trong thế kiễng chân. Giống như một hành khách rủi ro trên chuyến tàu chợ của sự sống, chỉ kiếm đủ chỗ để đặt một bàn chân và cứ đứng kiễng mình thế giữa chen chúc xô bồ cho đến tận ga cuối.
Tôi đi quanh làng rất lâu, ngắm hết góc này đến góc khác mà nghe gió quẩn trong lòng. Tôi đã tìm tới bãi sông rìa làng, nơi vẫn được gọi là bãi tắm Mộng Mơ. Nghe bảo, trước đây người ta vẫn ra tắm tiên. Mà giờ vãi đầy rác rưởi xú uế. Đã qua những vườn cây trước ngay ngắn sum suê, giờ hàng rào đã xiêu vẹo cả. Chỗ nào cũng thấy đám trẻ con nhem nhuốc, xốc xếch. Chúng đùa nghịch giữa đống cát sỏi trộn lẫn rác rưởi. Chúng giành nhau những que củi mục, bao ni lông và vỏ đồ hộp làm đồ chơi. Khi ra đến sát bờ sông, tôi giật mình, vì chợt thấy cả ngôi làng như nghiêng hết về phía bờ dốc. Chẳng hiểu do tôi chưa nhìn đúng góc, hay làng bị xiêu, mà cái thế của làng cứ y như cái thế của một người bị dồn đuổi đã chạy ra đến sát bờ sông, đang chới với, cố bấm chân vào bờ nước. Chỉ cần một cú hẩy nhẹ thôi là làng sẽ sa cả xuống sông.
Nhưng, buồn nhất vẫn là hình ảnh một bà già. Trong căn nhà gỗ còn sót lại giữa làng, một bà già ngồi trên sàn lặng lẽ. Bà ngồi đó từ trước khi chúng tôi đến. Chúng tôi đi thăm hết chỗ này chỗ kia, quay lại, vẫn thấy bà ngồi nguyên đấy. Giữa xó tối của nhà sàn, một đôi mắt ngó mông lung, bất động. Đôi bàn tay tì gối, bưng lấy khuôn mặt nhăn nheo. Mỗi nếp nhăn như giấu một nếp đời lam lũ. Trong lúc ấy, tôi sực nghĩ, có lẽ, bà đã ngồi đó từ bao ngày trước rồi. Thậm chí, bà đã ngồi như thế từ thời trẻ cho đến giờ cũng nên. Tôi đã bước thêm đến một vài nơi nữa của làng để tham quan, nhưng chốc chốc vẫn cứ phải ngoái lại. Lạ. Đôi mắt ấy có nhìn tôi đâu ! Nhưng sao tôi luôn thấy như nó dán vào lưng mình.
Ớn lạnh suốt cả xương sống. Chẳng biết bà có nhìn lũ trẻ nhem nhuốc đang mải mê chơi quên cả bóng chiều không? Có nhìn thấy những đoàn khách sang trọng đang mải theo các tour guide hết chốn này đến chốn khác nghe giới thiệu về văn hóa làng không? Có thấy bóng chiều quanh mình đã sẫm lại ngay từ lúc hãy còn nắng không? Có thấy bê tông đã dâng đến ngang ngực của làng không? Tôi không rõ. Bà cứ ngồi thế. Một mình. Bất động. Như đá. Như gỗ lũa. Đôi mắt ràn rụa bóng tối. Lạ nữa, nhìn bà, sao tôi cứ thấy có cái gì quen quá. Hình như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Mà gặp chưa lâu, thì phải. Vừa bước đi, tôi vừa cố kiểm lại xem, nhưng lần dở mãi, mà chịu, chẳng ra bóng dáng quen nào.
Cho đến phút sắp sửa rời làng, sực nhớ ra, thì tôi hoảng hồn : chẳng phải dáng ngồi của tượng nhà mồ đây sao ! Tức thì, tôi thấy gió mưa ở nghĩa địa hoang hôm nào bỗng réo rít. Tiếng rên “khư khư… khừ khừ” bỗng vọng về. Chao ôi, đây là nguyên mẫu sao? Là tiền kiếp của tượng nhà mồ sao? Khi câu hỏi ấy nhói lên, tôi thấy bóng tối quanh làng, quanh bà như cái bóng ảm đạm vây phủ phận người trên bãi đời mênh mông này. Dường như, không phải cây cà chít nào kia đang được đẽo thành tượng mồ. Mà chính bóng tối đó mang trong lòng muôn lưỡi rìu chìm đang từng ngày từng giờ đẽo bà thành tượng. Có lẽ nào, chính thứ hư vô nhỡn tiền đó đang biến người thành tượng ngay khi họ còn sống? Biến họ thành tượng nhà mồ ngay trên sàn nhà họ?
Khi đã nhá nhem, đoàn chúng tôi phải rời làng về lại thành phố. Đi đến quãng nào, ngoái lại, tôi vẫn thấy bà già ngồi đấy. Nhọ hẳn mặt người rồi, vẫn thấy bà ngồi nguyên đấy. Vẫn đôi bàn tay tự bưng mặt mình. Vẫn đôi mắt mông lung. Ràn rụa. Trân trối. Thăm thẳm. Âm u …