Tôi là Nguyễn Mạnh Hùng

Thành viên của Tản Văn Hay từ 26 tháng 8, 2019

T ình cờ, trong lúc nói chuyện, một người bạn của tôi nhắc đến mùi hương cà cuống. Xét bối cảnh câu chuyện, tôi hiểu, bạn tôi muốn ám chỉ rằng, những gì thuộc giá trị truyền thống của gia đình, của xã hội… nếu không được bảo tồn, gìn giữ thì nó cũng như hương cà cuống, rất tinh túy, rất thơm ngon, rất đặc biệt, nhưng ngày càng hiếm. Đến lúc nào đó, những thứ chúng ta từng có, từng biết chỉ còn trong kỷ ức.

Tôi nhớ, vào cuối những năm 1950, đầu 1960, Hà Nội có rất nhiều cà cuống. Cà cuống là một loại côn trùng. Chúng sống ở ao, hồ, đầm lầy, hoặc trong các ruộng lúa. Vào thời gian đó, Hà Nội được bao bọc bởi những môi trường lý tưởng cho cà cuống sinh sống.

Hàng đêm, cà cuống theo ánh đèn, bay vào thành phố. Thời gian khoảng 9-10 giờ tối là lúc cà cuống bay ra nhiều nhất. Nhà tôi ở phố Hàng Đường. Tối đến, lũ trẻ con chúng tôi ra chơi, chờ dưới cột đèn. Những con cà cuống say ánh sáng, đâm đầu vào cột đèn, hoặc dây điện, rớt xuống đất. Thế là, lũ nhóc chúng tôi ào tới bắt.

Bắt cà cuống không khó, nhưng phải rất cẩn thận. Cà cuống có một cái ngòi cứng, nhọn hoắt. Khi bị ngòi cà cuống chích vào tay, chỗ bị chích rất đau và buốt. Hơn nữa, chúng có những cặp chân sắc, khỏe. Những cặp chân này có thể cào rách da, thịt. Tụi tôi nhỏ, chỉ dám bắt những con đã rớt xuống đất. Những anh lớn hơn có thể chộp những con đang bay. Bắt được con nào, phải bẻ ngòi nó ngay, rồi cho vào hộp hoặc chai lọ có nắp đậy.

Cà cuống mang về được rửa sạch rồi đem hấp hoặc nướng. Cách hấp đơn giản nhất là bỏ cà cuống vào nồi cơm đang nấu, khi nước đã cạn. Cà cuống cái thường to hơn con đực, ăn béo, nhưng không thơm bằng con đực. Mẹ tôi lấy những con đực đã hấp hoặc nướng trên than hồng. Sau khi bỏ đầu và cánh, đem băm nhỏ, cho vào chai nước mắm, ăn dần.
Nước mắm cà cuống có thể được sử dụng làm gia vị cho nhiều loại thức ăn. Tuy nhiên, món ăn đơn giản mà mẹ tôi hay làm là trứng gà luộc dầm với nước mắm cà cuống, ăn với bắp cải luộc. Hồi đó, chưa nói đến cơm, ngay cả bắp cải luộc cũng không có nhiều để ăn. Có thể vì thế, hồi nhỏ ăn gì cũng thấy ngon. Chén nước mắm, do được chăm sóc và quẹt kỹ bằng bắp cải luộc nên bóng lộn. Vậy mà, cầm chén lên ngửi vẫn thơm nồng mùi cà cuống.
Những năm đó, nếu đi từ phố Hàng Đường đi lên, ở ngay lối vào đầu tiên của chợ Đồng Xuân là chỗ ngồi của mấy bà bán cà cuống. Cà cuống được bán ở dạng đã được hấp chín. Cà cuống hấp thường là cà cuống cái hoặc những con đực đã được lấy bọng tinh dầu. Cà cuống đực thường được bán ở dạng sống. Người ta khêu các bọng tinh dầu cà cuống ngay tại chỗ rồi bỏ vào trong những cái lọ Penicillin. Sau khi đậy lại, nắp lọ còn được cột chặt bằng giấy bóng kính cho kín.
Những năm sau này, do khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, môi trường sống của cà cuống bị thu hẹp dần. Hơn nữa, người ta còn sử dụng các loại thuốc trừ sâu để bón ruộng. Có lẽ vì thế, nên đến năm 1959 khi gia đình tôi chuyển đến sống ở phố Hàng Buồm, tôi không còn cơ hội nhìn thấy cà cuống sống trong tự nhiên.

Tôi nghe nói, khi người ta xây dựng Lăng Bác, nhờ đèn cao áp, cà cuống ở các vùng ven và bắc Hồ Tây bay về rất nhiều. Nhờ vậy, những năm về sau tôi vẫn còn được thưởng thức hương vị cà cuống khi ăn bánh cuốn Thanh Trì, bún thang, đặt biệt là món Chả cá Lã Vọng. Chị Lộc, vợ anh Thạch bạn tôi, là con dâu của bác chủ quán Chả cá Lã Vọng, cho biết, người ngoại quốc, đặc biệt là Thụy Điển, rất thích ăn chả cá, nhưng mắm tôm bắt buộc phải có cà cuống.
Tôi không biết bây giờ nguồn tinh dầu cà cuống chị mua ở đâu. Nhưng những năm 1980, tôi thường gặp chị ở Sài Gòn chỉ để tìm mua tinh dầu cà cuống.
Năm 1983, vào một ngày nghỉ cuối tuần, tôi và mấy người bạn lang thang trên đường Pratunam, một con phố buôn bán sầm uất, nổi tiếng ở trung tâm Bangkok, Thái Lan. Tôi chợt nhìn thấy tại một cửa tiệm, người ta bày bán những lọ nhỏ xíu, chứa dung dịch trong suốt. Bên ngoài lọ có dán mác với hàng chữ Việt “Cà cuống”. Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên. Sau biết đó là tinh dầu cà cuống, tôi đã mua một ít để làm quà.
Tôi có người bác, chồng mất sớm. Bác ở vậy nuôi bốn người con. Hai cô lớn đã học xong, có công việc ổn định. Còn lại đang đi học. Các chị gọi tôi là anh vì nhỏ tuổi hơn. Có lần, chị lớn nói với tôi: “Bố em mất mà em có cảm giác như bố còn quanh đây”. Tôi hỏi lại:
– Vậy là sao? Chị nói:
– Mẹ cứ y như bố!
– Vậy là “Mẹ khó?”, tôi hỏi lại.
– Không hẳn như vậy. Nhưng em thấy ở gia đình các bạn em, bố mẹ chúng nó thoải mái lắm. Cứ như bạn.
Đến chơi nhà bác, tôi đem theo lọ tinh dầu cà cuống để biếu bác. Bác không đặt lọ cà cuống xuống bàn ngay, mà cứ cầm trên tay. Thỉnh thoảng lại đưa lên mũi ngửi, dáng vẻ tần ngần. Hình như bác đang suy nghĩ điều gì. Phải chăng, hương cà cuống đang đưa bác về với quá khứ?
Bỗng nhiên, bác đứng dậy, cầm lọ cà cuống đi về phía bàn thờ có ảnh bác trai. Bác để lọ cà cuống lên đó, thắp nén nhang. Bác đứng đó một lúc, rồi quay ra nói với tôi: “Cháu ở lại ăn cơm với bác và các em”. Tôi chỉ thấy bác ghé tai cô lớn nói gì đấy, rồi tất cả cùng túa đi. Người đi chợ, người quét dọn… Mỗi người một việc, tất bật, cứ như nhà có tiệc.
Trong không khí rộn ràng chuẩn bị cho bữa cơm, với hương trầm phảng phất, tôi thực sự xúc động. Tôi có ấn tượng mạnh với mùi hương trầm. Mỗi lần ngửi thấy mùi hương, dù thoáng qua cũng đủ gợi trong tôi những hình ảnh của quá khứ. Tất cả trôi trong đầu tôi như những thước phim quay chậm. Tôi nhớ lại những ngày Tết, những dịp cúng giỗ, những ngày vui khi nhà có tiệc. Trước đây, mà như xa lắm rồi, trong nhà làm món gì ngon như: bún chả, bún thang,.. Nói chung là những món gì đó có thịt là sự kiện lớn. Cả nhà tíu tít, cứ loạn cả lên nhất là đám con nít.
Đang lâng lâng trong hương trầm với những hồi tưởng, tôi giật mình khi bác khẽ ngồi bên cạnh. Bác nói với tôi, bác cảm ơn tôi nhiều về món quà tôi tặng bác. Rồi bác kể, mùi hương cà cuống làm bác nhớ đến bác trai. Lần đầu đi chơi với bác trai, bác được bác trai mời đi ăn món bún có cà cuống. Cái mùi hương đó thật khó tả, cay dịu, nồng nàn. Bác nhớ mãi, không sao quên được.
Bác mời ăn cơm, nhưng thực ra, món bác đãi tôi lại là món bún thang. Chắc bác muốn mời bác trai ăn cùng. Đúng như vậy. Sau khi các chị tôi chuẩn bị bàn ăn xong, bác lấy một tô bún nhỏ, thêm giọt cà cuống rồi bày lên bàn thờ.
Quay lại bàn ăn, nhìn các con bác nói: “Nhà cứ như vườn hoa”. Ý bác khen, các con gái bác đẹp. Rồi bác buông một câu: “Chẳng biết nổ lúc nào, cứ như kho bom”. Cô lớn nhìn mẹ, rồi nhìn tôi nói: “Hôm nay mẹ em vui đấy. Từ khi bố em mất, em chưa thấy hôm nào mẹ vui như hôm nay”.
Ngồi vào bàn, tôi để ý, các con bác dù rất đói bụng, nhưng vẫn chờ bác, chưa ai cầm bát. Tôi cũng vậy, tôi chờ bác pha nước mắm cà cuống. Trước khi ăn, bác đưa tô bún lên ngửi, hình như bác sợ hương cà cuống sẽ theo hơi nóng của tô bún bay đi. Bác cũng là người cầm đũa đầu tiên, rồi mới đến mọi người. Ai cũng ăn cay, chén ớt xay trên bàn vơi hẳn. Mọi người nói chuyện vui vẻ, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng húp nước soàn soạt, hay tiếng nhai nhóp nhép, xuýt xoa vì cay hay, không cả tiếng muỗng dĩa kêu lanh canh. Tôi chột dạ, không biết khi ăn tôi có làm phát ra tiếng động gì không? Tôi làm bộ, nói bâng quơ:
– Ăn uống, nhất là ăn cay, phải xuýt xoa mới ngon.
Mấy chị nhìn tôi ngạc nhiên, không ai nói gì. Nhưng bác cười: “Đúng vậy! nghe thì vui tai đấy. Nhưng nó hơi thô và dung tục quá. Nhà bác toàn con gái. Ngay từ khi còn nhỏ, các cô đã được dạy dỗ ăn uống từ tốn. Trước khi cầm bát lên phải mời mọi người… Nhớ lúc bé, có lần tụi nó nhai cơm to tiếng, bác trai la: “Ăn như lợn ăn!”. Rồi bác kết luận “Dẫu gì cũng phải giữ nếp nhà”… Đúng vậy! Dẫu gì cũng phải giữ nếp nhà.
Tôi nhớ tới bữa cơm của gia đình tôi. Bố tôi luôn là người cầm bát lên trước, rồi mới đến mọi người. Trước khi ăn phải mời. Ai đó, nếu ăn xong trước, cũng phải mời người đang ăn, rồi mới được đứng dậy… Nhưng tôi thấy không chỉ ở gia đình tôi, ở nhà các bạn tôi cũng có những thói quen đó. Đặc biệt, đến giờ ăn, không được ai vắng mặt, trừ trường hợp có lý do. Có lần, đến giờ cơm tối, mẹ tôi đi đâu đó, mãi chưa về. Bố tôi bắt chờ mẹ tôi, mặc chúng tôi bụng đói cồn cào. Mẹ tôi vì công việc nên về muộn. Đến khi mẹ về, phải gọi mãi đứa em út mới tỉnh dậy để ăn cơm. Khi đã có gia đình, đôi khi tôi tự hỏi, như vậy có cực đoan quá không?
Rồi nữa, hồi đó tụi tôi học một buổi. Buổi chiều thường đi đá bóng. Để kịp giờ cơm, bọn tôi phải chạy bán sống, bán chết. Về trễ quá, đôi khi bị phạt, bắt phải nhịn cơm. Sau này, tôi kể cho các con tôi nghe, chúng không tin. Chúng nói: “Bố xạo!”. Có những từ liên quan đến ăn uống chúng không hiểu, chẳng hạn như: “Ăn vụng”. Bây giờ, món ngon mời chúng ăn, chúng chẳng thèm ăn, nói gì đến ăn vụng. Nên chúng hỏi: “Ăn vụng là gì? Sao lại phải ăn vụng?”.
Có lần, mấy đứa nhỏ nhà tôi xem một bộ phim nói về Hà Nội trong thời chiến tranh chiếu trên TV. Trong phim có cảnh một người mẹ nói với các con: “Hôm nay nhà mình ăn tươi!”. Thế là lũ trẻ con reo ầm lên: “Thích quá! Hôm nay được ăn tươi!”. Các con tôi ngẩn người quay ra hỏi tôi: “Tươi là món gì mà nó tụi nó thích quá vậy hả ba?”.

Ảnh: Tô Mạnh

Nếp nhà! Vâng, nếp nhà. Không phải ai cũng có thể giải thích một cách đầy đủ nếp nhà là gì. Nhưng nó như một quy ước bất thành văn và nó không chỉ giới hạn trong phạm vi bữa ăn của một gia đình. Nó còn có nhiều tiêu chuẩn khác nữa mà mọi người phải tuân theo để duy trì một gia đình bình yên, hạnh phúc. Gia đình lại là tế bào hình thành nên cấu trúc của xã hội. Các tế bào mạnh khỏe sẽ hình thành nên một xã hội mạnh khỏe, bền vững.
Trong văn thơ, người ta nói nhiều đến: hương bưởi, hương cau, hương tràm, hương hoa sữa… Nói chung là có nhiều mùi hương. Nhưng những mùi hương này, dễ tìm, dễ bảo quản, dễ phục hồi. Nhưng, có những mùi hương ngày càng hiếm như mùi hương cà cuống mà người bạn của tôi đã nhắc đến trong câu chuyện.
Từ mùi hương cà cuống có thể liên hệ rộng đến các mối quan hệ khác trong xã hội. Trong tiến trình phát triển và hội nhập, bên cạnh việc tiếp thu những cái hay cái đẹp, Hà Nội cũng cần phải duy trì, phục hồi và bảo tồn những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần mà nó đã có và từng có. Người Hà Nội có câu:
Chẳng thơm, cũng thể hoa nhài.
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Bữa cơm của gia đình bác tôi vẫn còn tiếp tục. Xoay quanh chủ đề cà cuống, cô thứ hai trong nhà nói với tôi: “Anh đừng lo! Em nghe nói ở Củ Chi, Sài Gòn người ta đã nuôi được cà cuống rồi! Nói về nếp sống của người Hà Nội còn nhiều lắm. Hôm nào anh rảnh, lại chơi, anh em mình sẽ bàn tiếp”.
– Chắc phải bàn tiếp thôi. Hà Nội còn nhiều cái hay, cái đẹp và các giá trị cần phải được duy trì và bảo tồn. Tôi đồng ý.