Một buổi chiều như bao buổi thủy triều dềnh lên ai mà đắn đo, từ cảng Đà Nẵng tôi thập thò thả tình những con đường so gầy vai nhỏ, bàn tay con gái tôi thầm như cổ phố,  yêu Hội An như khi nỗi nhớ lòng thương chẳng kịp dông dài. Hội An – cổ kính ngự trị trong mỗi nẻo hồn.

      Chẳng biết tự khi nào, phải chăng từ gió biển hay là gió từ những kinh các nguyên sơ của một vùng đất nhiều tầng văn hóa đã thổi vào Hội An nét kiến trúc cổ kính ngỡ ngàng. Tôi luôn có cảm giác mình cần phải khẽ khàng, chỉ một tiếng thở dài biết đâu hồn phố sập vào mộng mị. Hội An hàng trăm năm là một lợi thế của phố cổ nhưng những người dân nơi đây mới thực sự làm nên một phố cổ tưởng chừng như đã điêu tàn, không giống bất kỳ nơi nào tôi đã ngang qua, cũng chẳng giống những nơi nào đời phố…

Nét bình yên của phố như ánh sáng bao đêm vẫn lẳng lặng trong những khuôn đèn người thương lồng người nhớ, người ở lồng người đi, người cách xa vắng mặt mượn những đêm hoa đăng mà trôi dạt lồng về. Vẻ trầm tư của phố đã bao ngày thổ lộ trên những mái hiên xòe cong vòm rêu. Dáng thương ai nhớ ai của phố  vươn dài vào những con ngõ nhỏ, cảm giác lúc nào cũng có ai đó đang thao thác đường khuya, chằm chặp tìm nhau. Vậy nên Hội An chẳng nỡ cách mặt xa lòng. Và trên hết là tấm chân tình người dân phố Hội, nhỏ bé thôi mà chưa từng chật chội, đứng giữa lòng phố, trôi thêm những phố, đôi khi tôi thấy nơi đây phố đã linh hồn.

“Ai về qua phố Hội An
Nhặt giùm sợi nắng tơ vàng quê tôi
Đã đi lưu lạc khắp nơi
Vẫn không quên được khung trời nắng xưa…”
– Lê Cẩm Thanh-

Nếu như thơ ca là trang sức của thi nhân thì đèn lồng là đời thơ cho phố Hoài phố Nhớ. Những buổi chạng vạng phách nhịp dật dờ, tưởng như lòng dạ lạc loài ngẩn ngơ thì cũng là lúc muôn ngàn đèn lồng thản nhiên bật sáng.

Chẳng còn ai xa lạ, chẳng còn ai dửng dưng, ngập ngừng phố thở, sau lưng phố cười, tôi khoác tay phố, khúc dọc đoạn ngang, phố quên là phố, phố choàng đầy vai. Tôi nhập vào phố, hồn tôn vươn dài… Chẳng ở đâu đi giữa phố nhà người ta mà cứ đinh ninh chắc mẩm ấy phố nhà mình. Những bước chân hè phố bởi vậy thiếu gì khi loẹt quẹt mà vui.

Trăng leo mạn thuyền, sông Hoài cài bóng, tôi xô đẩy mình dọc bờ sông xưa, ngỡ như đang lần về thương cảng phồn vinh thấp thoáng. Kể cũng lạ, chỉ một vài tà áo thướt tha khi cõi lòng chập choạng, cũng đủ bay lên tên phố tên đường.

Nhìn và nghe những người trẻ tuổi đang ríu ran trước mặt, tôi lại nhớ cũng dọc triền sông này, dọc con đường này, dọc những lời nguyện ước hoa đăng tháng tháng ngày ngày, nhiều đôi trai gái đã nợ nần lương duyên.

Những sớm mai, nắng gieo vàng trên những bức tường thấm tháp trần ai, thênh thang tản bộ trên đường Trần Phú tôi thấy những nét đổi thay của từng mái ngói âm dương. Một vài ngôi nhà cổ đang được trùng tu, phục chế, những mái ngói màu hồng tươi mới được lợp lên, nhưng không làm kém đi chiều sâu và nét thâm trầm của phố. Khi ấy phố choàng vai khách mà nheo mày nhíu mắt, phố làm cho đôi môi tôi im bặt, nở một nụ cười…

Buổi chiều tà, ở Hội An mà không thịnh soạn những buổi chiều thì đừng yêu cổ phố.  Dạo một vòng quanh Hội An tìm thứ gì đó lót dạ, không khó để bắt gặp cái tên ngộ nghĩnh của một món ăn khiến thực khách tò mò, cao lầu. Khi còn chưa từng biết đến món này tôi đã thích thú mà gọi ngay một phần khám phá bởi lẽ cao lầu là đặc sản của Hội An, chỉ ở nơi phố cổ mới có và mang cái hồn cốt lầu cao. Có lẽ tới làm bạn với phố, sống những ngày hoài cổ giữa phố mà vô tình bỏ qua cao lầu thì dường như chuyến thăm đã bẽ bàng một đoạn.

Đôi khi ngày dư tháng thừa, vòng vành ở một nơi nào đó nhạt nhẽo, tôi lại nhớ ngay đến cái hương vị cao lầu, để mà mơ màng hồi tưởng, thân xác mình được món ăn tao nhã trên lầu cao kia tung tẩy cái hồn ẩm thực, rồi cũng nghênh ngang mĩ vị cao lương, cũng la đà đĩnh đạc như kẻ uy người quyền. Hội An cổ kính. 

Tôi đã đi qua nhiều phố cổ nước mình cả những phố cổ một vài quốc gia tôi có dịp  ghé qua. Nếu là kẻ yếu bóng vía khi nhìn những cao ốc đồ sộ sẽ cảm thấy an lòng khi bước trong những ngõ hẹp. Hà Nội cũng nhiều ngõ hẹp đấy, nhưng Hà Nội lại dễ thâm trầm, cái vẻ thâm trầm tạo cho tôi ngưỡng vọng nhiều hơn là yêu mến.

Phố cổ ở Huế rõ là trang nghiêm và quí phái, nhưng vẳng thấy đâu đây còn ngấp ngái ngựa xe âm tướng hồn binh. Bởi ở Huế lại thấy cổ thành đài các kiêu hùng hơn là những điều bá vai thân mật. Nhiều những con phố cổ tỉnh lẻ dọc đường ngang qua tôi lại thấy quá nhạt nhòa bởi thiếu vắng linh hồn…

Về Hội An cảm giác như gặp lại một người bạn cũ từ lâu ngóng đợi, phố như choàng vai khách hàn huyên thân thiết, khách như bá vai phố mà ôn cố tri tân . Phố chẳng nỡ thâm trầm, phố chẳng quá thâm nghiêm. Phố cười hiền đời phố.

Tôi cứ hình dung khi gặp lại một không gian cổ và cũ, như một ngày trải bao dặm đường dâu bể bỗng được nhảy lên thổ mộ với nhịp gõ bình yên của vó xưa xe ngựa, rồi thả dốc về đâu những phố nhớ phố Hoài. Người yêu Hội An bằng cả tấm lòng gọi nơi đây là phố Hoài – phố nhớ. Hội An là một nỗi nhớ, mỗi con phố thôi cũng là thương là nhớ. Thẫm đẫm thiên thu trầm mặc, qua bao ngày nắng, qua bao ngày mưa, qua bao những buổi chiều như tôi lang thang từng con phố nhỏ mỏng manh dịu dàng như bàn tay con gái mà dìu dặt.

Hình như ở đâu đó, hồn phố vẫn vọng về qua từng ánh mắt, qua từng những cái nắm tay thật chặt, qua từng chùm sáng lung linh sắc màu. . Hội An cổ kính ngự trị trong mỗi nẻo hồn…