Giá có thể trốn phố về quê, tựa lưng vào những thành quách cũ, là gió rách dậu tre phên nứa, là bão bùng chớp bể chiều hôm. Ơi bà ơi, lại cơm nắm muối vừng…
Bạn đã ăn mù tạt bao giờ chưa, quết thật nhiều, bằng đầu ngón tay á, rồi đừng pha xì dầu, cứ để nguyên chất thế mà đè ra bằng đầu lưỡi, di lên vòm ếch. Nào bạn thấy gì? Cái hương cải hăng nồng sục sạo vào khoang miệng, đánh sập mắt sập mũi rồi thốc lên đỉnh não. Nước mắt giàn giụa, đừng có nhắm mắt lại mà hãy trừng trừng mắt ra, nếu không bạn sẽ đâm đầu vào tường.
Tôi đã nhớ bà tôi bằng những cảnh tượng như vậy, có khác chăng là những dòng cảm xúc đi ngược từ não xuống để vỡ đê mắt và lụt lội bờ môi.
Mỗi năm cứ vào cuối tháng sáu đầu tháng bảy khi những cơn bão di cư từ vùng bình yên đến xứ sở hoang tàn. Khi nghe tin bão sắp về bà tôi lại rục rịch thổi lửa, rang lạc chao vừng, bắc nồi đổ gạo mà chuẩn bị cho thứ lương thực dự phòng ngày bão.
Những ngày ấy tôi còn bé lắm, bé như con kiến càng loanh quanh bò xó bếp, bé như bộ tam cúc xòe ra mỗi khi trưa, bé như hòn than hồng trong bếp lửa của bà mỗi khi nhặt dành dụm mùa đông lạnh lẽo.
Những bình minh chớm hạ ông tôi thường thức dậy sớm, sớm hơn cả con vạc đi ăn sương về, cùng với những người cao tuổi ra đầu bến mà nhìn về hừng đông chân trời, ông nhìn gì tôi chẳng rõ, chỉ biết ông sẽ mang về cho bà tôi câu trả lời: năm ấy có bao nhiêu cơn bão.
Tài! Sau này tôi học cao, nhìn rộng, cái trường mà người ta gọi là dạy cho chúng tôi: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý cũng chẳng làm nổi điều hãi hùng như vậy. Thời của chúng tôi, thanh niên mới võ vẽ một chút đã nghĩ mình tài lắm, giỏi lắm nhưng có biết đâu: tầm nhìn xa chỉ từ nhà xuống bếp…
Trẻ con chúng tôi hồi ấy thích bão vô cùng. Đêm nằm trong nhà nghe gió hú gió giật, gió đổ, gió vật vật vã vã ngoài hiên. Sớm dậy, bão tan, nào bòng nào bưởi nào cam nào ổi cứ tan hoang ngõ xóm. Lũ chúng tôi ăn những trái bưởi non đắng ngòm vào miệng mà không biết người lớn lại đắng ngòm từ trong ruột đắng ra.
Bão ư? Bão là một đứa đồng lõa để tôi có những sở thích khác người. Bão ư? Đừng nói với ai nhé, đây là bí mật của tao với mày. Tao lại được ăn cơm nắm muối vừng bà cho. Mày là bão hả bão, mày về đi tao lại rỏ dãi cơm nắm tao lại nuốt nước miếng muối vừng.Thứ cơm trắng gạo dẻo bà tôi nấu, thứ nước mưa trút bể bà tôi trong, thứ lạc rang tới lửa ủ giấy báo bà tôi dập, thứ hạt vừng béo béo ngậy ngậy bà tôi rang sẩy.
Chẳng ở đâu có cái kiểu xắt cơm thành miếng tròn tròn như cái bánh, chẳng xứ sở nào có cái vùn vụn muối trắng lạc vừng thấm lên môi. Chấm một nhát, cắn một nhát, thứ cơm nắm nén chặt, dền dền hạt gạo cứ đặc quánh mút chặt lấy hai hàm răng làm tôi cười dai dẳng. Cơm nắm muối vừng ơi, mày cũng chỉ như một mối thâm cừu.
Bà tôi bảo: món cơm nắm muối vừng từ thời xa xưa đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành thứ lương thực quan trọng trong những chặng đường hành quân dài gian khổ trong đó có bác Bình tôi, người đã ngã xuống cho nền độc lập của tổ quốc này, của quê hương này của gác bếp hiên nhà này. Chỉ là giản đơn vậy mà món ăn dân dã ấy đã là hố sâu tâm hồn dân tộc để mỗi người con xa quê chôn vùi những khắc khoải quốc túy quốc hồn.
Giá có thể trốn phố về quê,
Tựa lưng vào những thành quách cũ,
Là gió rách dậu tre phên nứa,
Là bão bùng chớp bể chiều hôm.
Ơi bà ơi, lại cơm nắm muối vừng…
Một chiều mưa Hà Nội tại số 13 phố Ngô Văn Sở lạnh căm rả rích những giọt buồn đến từ trống hoác tiêu sơ. Không có bão biển như thời trẻ trâu quê nhà, chỉ có bão từ lòng phố, từ những phồn hoa mà cuộc đời đã quẳng tôi vào bươn bả. Mấy cô cháu chúng tôi dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa hàng vì ngày mưa ế ẩm. Bất chợt cô tôi bảo: Hui ơi Hui Ngố ơi Ngố có thưởng thức quà quê cơm nắm muối vừng không? Tôi mỉm cười thay cho câu trả lời.
Cô tôi gọi một chị bán hàng rong vào và mua dăm ba suất muối vừng cơm nắm. Chỉ mới nhìn chị hàng rong trải tấm lá chuối ra rồi xắt cơm rắc vừng mà tôi đã long lanh khóe mắt. Tôi quay mặt đi không muốn để cô tôi và mấy đứa nhân viên cửa hàng biết mình mít ướt.
Cắn một nhát, chấm một nhát, lại cắn một nhát và chấm một nhát, tôi như kẻ đang đu dây điện làm xiếc, tôi chẳng nhớ mình là ai, tôi hấp hối để cho thứ ký ức trong veo được hồi sinh tái hiện khoảnh khắc này. Người ta làm muối vừng lạt quá, dân thành phố không ăn mặn đái khai như người quê nhà, hay là tại nước mắt tôi mặn đã xô đẩy cái vị vừng lạc béo ngậy ra khỏi miệng.
Điều mà tôi cảm nhận rõ rệt nhất lúc ấy là hình ảnh bà tôi, khom lưng bên bếp nhào nặn thứ cơm gạo trắng ngần mà gói, mà bọc, mà ủ những tinh túy hồn quê. Hình như có cả tiếng gầm gừ của cơn bão biển khi nào? Năm ấy tôi vừa tròn hai mươi.
Bà tôi mất lâu rồi. Tôi mất đi một thứ thành quách để mà nương dựa. Bà tôi đi lâu rồi. Tôi mất đi bập bùng bếp lửa chiều hôm.Bà tôi vắng lâu rồi. Tôi mất đi trăm thứ quà quê quốc hồn quốc túy.
Ngẫm lại, ở đời có những thứ nhỏ bé vô cùng nhưng nó lại như những mạch nguồn sâu thẳm mà nuôi dưỡng hun đúc con người ta. Giống như cơm nắm muối vừng của bà tôi đâu có phải là thứ thực phẩm hàng ngày nuôi tôi khôn lớn, năm thì mười họa mới ăn một lần, chỉ xem đó như một thứ quà quê bình dị. Vậy nhưng cơm nắm muối vừng từ bàn tay của người bà đã là một thứ thảo thơm tâm hồn.
Lớn lên và lớn lên, tôi đi suốt chiều dài đất nước, đi qua những thành phố lung linh ánh đèn, chẳng ở đâu và ở đâu kiếm được một miếng cơm nắm muối vừng đủ vị và ngọt ngào như miếng cơm nắm muối vừng của bà tôi năm nào. Những điều đã ăn sâu vào máu đã trở thành cốt cách con người. Hơn nữa cuộc sống bây giờ người ta nghĩ nhiều tới vật chất, giá trị của cuộc sống được đong đo bằng những chuẩn mực khác. Cơm nắm muối vừng chỉ là một thứ vô danh trong suy nghĩ của con trẻ, bởi đã thưa vắng dần những người bà như tôi may mắn từng có.
Lại nhớ mỗi năm, khi những cơn bão đầu mùa lăm le chực về cũng là lúc lòng tôi phên nứa dậu tre. Hình ảnh người bà gần gũi lại hiện về với đầy đủ những yêu thương. Và cơm nắm muối vừng lại thêm những lần ngẩn ngơ bão tố. Có đôi khi tôi lo sợ dạ tôi nghèo, lòng tôi chật, những ký ức con con chẳng còn bến đậu nương nhờ. Có đôi khi tôi buồn bã, thế giới này đã đổi thay, tình người nhỏ bé, hồn quê vạ vật, một thứ cơm nắm muối vừng có đủ cho con người trắc ẩn bao dung.
Lại một mùa bão giông sắp nổi, ở một nơi xa xôi chẳng phải quê nhà, nghe gió mà biết thủy triều lại đang dềnh lên, lòng tôi như những thành quách cũ, cứ mở ra mà đón gió, đón mưa, đón bão, đón những hồn xưa hình cũ, cơm dẻo muối nồng. Và nếu một khi nào đó cánh cửa trong tôi đóng lại để tâm hồn tối bưng, có thể trong đời không còn ai biết cơm nắm muối vừng.
(Kính tặng hương hồn bà)