Nơi giếng khơi trong chẳng bao giờ gạn đục, bao nhiêu chiếc gầu múc mẻ miệng rồi đổ vào thau những dòng nước mát. Nhà ông ngoại giờ đây, bác Cả cũng đã già, tóc bác bạc trắng như ông hồi trước. Bác dùng nước máy tiện lợi hơn cho sinh hoạt gia đình. Chiếc giếng khơi đứng chơ vơ một mình bên gốc nhãn. Tôi về thăm lại chốn xưa, đứng bên thềm soi mình xuống lòng giếng, bóng nước hiện lên bao ký ức thân thương.
N ắng vắt sang hè, cây bưởi nhà ông ngoại lao xao tiếng ve đồng loạt khúc hát reo vui. Trên bầu trời, những tầng mây trắng lả lơi biến hình trong tích tắc. Nơi ấy, trong khoảng sân nhà ông tôi, có chiếc giếng khơi mạch nguồn trong veo trong vắt.
Mẹ tôi kể, ngày ông từ chiến trường trở về, ông cùng bà cất ngôi nhà ngói thay thế ngôi nhà tranh. Thợ đào chiếc giếng nhỏ dưới gốc nhãn, ông không muốn bà phải vất vả đi gánh nước nơi giếng khơi của làng mãi tít xóm xa. Giếng chẳng sâu lắm, chừng mươi mét vừa chạm đáy lộ ra những phần đất sét, các mạch ngầm như được lọc sẵn từ dưới lòng đất tua tủa phun ra, cơ man nào là nước. Gạch xếp xung quanh thành giếng, thỉnh thoảng có tán dương xỉ bén rễ mọc lên. Nơi bờ giếng ấy, biết bao rưng rức tuổi thơ tôi, những hình ảnh chẳng thể nào nguôi phai mờ trong tâm trí tôi cứ hiện về dồi dội. Dùng dằng quá khứ, nhung nhớ ngày xưa – yêu thương như bến bờ cứ rộn ràng thổn thức.
Ngày đó, tôi còn là đứa trẻ lên ba, kiễng đôi chân mà cũng chẳng thể nào cao được bằng bờ giếng, tôi muốn nhìn xuống xem mẹ vừa múc gầu nước có gì dưới đó mà mát, mà trong. Mẹ cho tôi đứng lên một hòn đá nhỏ, tôi nhìn xuống qua đôi mắt tròn xoe, bờ giếng cũng là hình tròn xoe hơn cả đôi mắt tôi hấp háy. Cả một giếng nước sóng sánh, mẹ múc bao nhiêu chiếc gầu bằng sắt cũng chẳng thể nào cạn được.
Ông đổ từng gầu, trút vào chiếc xô nước thật to để tưới cho gốc táo. Mùa xuân nào cũng vậy, khi cành táo sum suê ban tặng cho lũ trẻ chúng tôi chùm quả màu xanh xanh nấp sau những chiếc lá. Lá táo mọc so le thành hàng, quả táo cũng gắn với đầu cuống mọc đan xen cùng cành lá. Nhưng mỗi năm, khi cây trút hết lứa quả cuối cùng, cành táo cũng gầy gò chẳng buồn vươn sải. Ông lấy chiếc cưa gỗ, cành lá rơi xuống, thân cây trơ trọi một mình. Nhưng từ mắt thân cây, những mầm xanh thi nhau mọc lên như cuộc hồi sinh trở lại. Mỗi buổi chiều, ông nhìn ra nơi gốc táo, thấy nắng làm đất khô cong, ông lại múc nước dưới giếng tưới cho cây. Nơi phía cổng nhà ông ngày ấy, tán lá táo xòe ra đón nắng đội mưa, tôi được ăn bao nhiêu lứa quả, tôi được ngắm nghía bao lần những mầm xanh hồi sinh, và cả mỗi bình minh, những giọt sương vẫn đều đặn treo trên cành lá táo.
Mẹ đi nhổ mạ về vừa đặt quang gánh cạnh cầu ao, múc gầu nước mát, mẹ rửa chân cho tan lớp bùn đất bám vào chiếc xà đùi. Anh Hai con bác Cả vừa xách lưng giỏ cua, thả chạc gầu múc nước dội từ đầu xuống dưới bàn chân. Nước giếng trong, giọt bắn tung bắn tóe. Tôi cười xòe mỗi lần anh Hai kêu “Mát quá Na ơi!”, anh lại thả dây chạc nhanh thoăn thoắt, miệng hát yêu đời. Tuổi thiếu niên vừa trạc chín, mười, chắc ngày ấy, anh chẳng bao giờ nghĩ, cuộc đời mình sẽ vất vả mai sau. Chỉ có khe khẽ thương nhau, khăng khít tình cảm gia đình đầm ấm.
Chị Gái có mái tóc dài mượt như nhung, chiều lưng lửng nắng, chị vừa đi cắt cỏ trên đồng về. Bà nấu nước bồ kết pha trong chiếc thau nhôm đặt nơi thềm giếng. Chị cúi đầu xuống, tôi múc nước bằng chiếc gáo dừa, dội nhẹ vào mái tóc cho chị gội đầu. Nước chảy tới đâu, tóc chị mịn thành thớ đen tuyền thật đẹp. Chị quay mái tóc cho khô, rồi búi tạm lên cao để giặt nốt bộ quần áo còn phơi trên sào cho ráo nước.
Tôi chạy ra ngõ chơi với đám bạn cùng xóm. Trò chơi nhảy dây, mồ hôi vã ra như tắm, tôi chạy về nhà, thả dây chạc, múc nước từ dưới giếng. Xoay chiếc gầu sắt chỗ nào không mẻ, đặt miệng vào, uống từng ngụm nước ừng ực mát trong.
Buổi tối mùa hè, trăng treo mình trên đỉnh ngọn tre, trăng soi mình xuống dưới lòng giếng nhỏ. Chị tôi rửa bát khi cả nhà vừa ăn bữa tối bên ngọn đèn tỏ, chiếc gầu gieo xuống dưới lòng giếng, tan loãng mất vầng trăng. Chị Gái bảo tháng sau đi lấy chồng, chị sẽ rất nhớ Na, nhớ mọi người, nhớ không gian cả nhà vui vầy bên bờ giếng. Chị nhớ những ngày giáp Tết, chị rửa lá dong cho bà gói bánh chưng. Chị nhớ ngày mùa đông, nước dưới giếng chẳng lạnh mà còn lan hơi ấm. Nhiệt độ dưới giếng đông hay hè vẫn thế. Mùa đông về, đông chỉ bắt nạt cỏ cây và những mái nhà bằng cách giấu đi những chùm nắng cho cái lạnh sổ lồng, nhưng nước dưới giếng vẫn ấm những giọt nước vắt trong.
Chị tôi đi lấy chồng, ở bên kia sông, nơi mẹ tôi cũng từng ở bên đó dắt tôi trở về quê ngoại. Bên kia sông người ta dùng bể nước hứng mưa, người ta dùng nước sông thay nước giếng. Ngày chị đi lấy chồng, bên bờ giếng, tôi đã khóc vì nhớ người chị đã sang sông. Người hay cõng tôi đi chơi những đêm trăng tròn soi bóng. Bao chàng trai làng ngỏ lời trông ngóng mà chị chẳng ưng. Duyên số ghép cùng chị se tóc thề với anh Minh đi lính về, vỏn vẹn có dăm ngày gặp mặt.
Thời gian khe khắt, cuộc sống chảy trôi. Ông bà tôi theo tổ tiên về với mây trời, anh Hai tôi bước vào đời vướng tình duyên lận đận. Mẹ tôi công việc xoay chiều bận rộn, vẫn bon chen giữa muôn màu cuộc sống, mong đổi lấy chuỗi ngày bình yên. Trái đất xoay, miệng giếng tròn mà lòng người chẳng gặp nhau để vành vạnh chữ duyên. Cuộc đời cuốn xoáy liên miên những đổi thay chẳng thể nào níu kéo. Gốc táo ông trồng, một ngày mùa thu thân già khô lá héo, mắt cây thôi nhú những mầm xanh.
Nơi giếng khơi trong chẳng bao giờ gạn đục, bao nhiêu chiếc gầu múc mẻ miệng rồi đổ vào thau những dòng nước mát. Nhà ông ngoại giờ đây, bác Cả cũng đã già, tóc bác bạc trắng như ông hồi trước. Bác dùng nước máy tiện lợi hơn cho sinh hoạt gia đình. Chiếc giếng khơi đứng chơ vơ một mình bên gốc nhãn. Tôi về thăm lại chốn xưa, đứng bên thềm soi mình xuống lòng giếng, bóng nước hiện lên bao ký ức thân thương.