Giữa những cơn mơ chập chờn, tôi thấy con dốc của tôi ngập trong gió thổi, nắng reo, mưa dội. Và tôi sau một chuyến đi dài, đang đứng trên đỉnh dốc, dõi mắt về phía cánh đồng, lòng ngập tràn một cảm giác hân hoan: Bên kia con dốc chính là nhà!

           Xóm nằm lọt thỏm giữa cánh đồng quanh năm xanh màu của lúa, của cỏ, của bầu trời, bốn mùa thừa thãi gió thổi, nắng reo, tiếng chim lích rích, những trận mưa rơi nhập nhòe đôi mắt. Trong xóm có khoảng hơn chục ngôi nhà nối nhau bằng con đường nhỏ, quanh co, lổn nhổn sỏi đá và cỏ dại hai bên. Mọi người hay quen gọi xóm là xóm đảo, một hòn đảo cô đơn nằm trong đất liền vì nó trót ngang ngược mà nhô lên giữa bốn bề đồng ruộng. Bên kia cánh đồng là nông trường cà phê.

                         Dân xóm muốn đi ra nông trường phải đi qua một con dốc không quá cao nhưng cũng đủ để tấm lưng người phải gò thấp xuống, cố hết sức ghì chân để đạp mạnh, hòng đưa cả người cả chiếc xe đạp vượt qua. Ngoài nông trường có người đông đúc, họ ăn mặc đẹp đẽ, sống ở những ngôi nhà khang trang, đi trên con đường rải nhựa, có các cửa hàng tạp hóa với đủ món đồ hấp dẫn, có trường học, trạm xá… Còn xóm nghèo của chúng tôi chỉ có mấy chục con người sống trong thấp thỏm đói nghèo, mặc những bộ quần áo cũ, đôi mắt hay xa xăm ngó lên mái nhà nắng rọi lỗ chỗ mà chép miệng lo nó chỉ che được nắng chứ chẳng che được mưa. Cách có một con dốc, một cánh đồng mà khác biệt thăm thẳm những phận người.
Người lớn thường bạc tóc vì trăm nỗi cơ cực, nhọc nhằn và phiền muộn còn trẻ con chúng tôi ngày ấy lại không vì cái nghèo mà vơi bớt niềm vui. Con dốc với chúng tôi như một lằn ranh, một bên là thế giới rực rỡ, có đầy đủ mọi thứ thường xuất hiện trong giấc mơ thời thơ bé nhưng xa lạ còn bên kia dốc chính là nhà.

                                               Nhà của chúng tôi không chỉ là nơi chúng tôi ăn bữa cơm đạm bạc, học bên chiếc đèn dầu tù mù, nấu những bữa ăn bằng củi cà phê khói tỏa ra mịt mù cay xè nước mắt mà còn là bầu trời rộng lớn, là cánh đồng nơi chúng tôi thường nằm trên bãi cỏ ven đường, lim dim và nói với nhau về mọi thứ hay say sưa với trận bóng đá, cuộc rượt bắt ngập trong ánh chiều tà đỏ rực phía chân trời để rồi đến bữa cơm tối cha mẹ gọi khản cổ mới chạy như bay về, vừa chạy vừa nghĩ tới chiếc roi đang đợi sẵn trên tay cha để phạt mấy đứa con cái tội mải chơi, nghịch dại dù muốn cũng không thể nào chối cãi vì vết tích là đôi ba vết rách trên áo quần, vệt bùn đất nhem nhuốc trên mặt mũi, tay chân… Tôi nhớ những ngày nắng, tôi đạp xe lên dốc để đi học mà thở không ra hơi, lưng gầy ướt đẫm mồ hôi, áo dính sát vào da, nắng rọi xuống bỏng rát. Lúc về, như để bù lại cái mệt mỏi của lúc đi, khi tới đỉnh dốc, tôi không thèm phanh xe lại, cứ thả cho xe tự do lao xuống, gió vụt qua bên tai, luồn vào tóc kéo mái tóc rễ tre, khét mùi nắng của tôi lật ngược ra phía sau, áo quần căng lên, mát rười rượi, thật khoan khoái. Lúc ấy tôi cảm giác mình đang bay, bay trên chiếc xe đạp cà tàng nhuốm màu năm tháng của cha. Trước đôi mắt mở to của tôi là mênh mông đồng ruộng, bao la trời xanh và một con đường trải dài đến vô tận.

                        Cuối con đường, nhà tôi ở đó, thấp thoáng mái ngói phủ đầy rêu, xưa cũ, nhỏ bé, khiêm nhường nép mình vào một góc. Có lần, tôi đang thả dốc thì một chú bò con từ đâu chạy ra chắn ngang đường, tôi tránh không kịp tông vào chú, chú bò sợ quá, kêu be be gọi mẹ chạy vụt đi còn tôi và xe thì nằm gọn lỏn dưới ruộng. Định thần lại, tôi thấy tay chân bị xước, đau rát, chiếc áo trắng đổi màu, quần rách một mảng rộng. Tôi lúc đó chỉ lo chiếc xe bị hư chứ nào có nghĩ đến điều gì khác vì chiếc xe đạp cũ chính là món đồ có giá trị nhất trong nhà, cũng may nó không hề hấn gì, dắt lên đường vẫn chạy ngon lành. Bây giờ, mỗi lần ngang qua con dốc, tôi lại nhớ về kỉ niệm ngày nhỏ rồi cười tủm tỉm một mình nhớ con bé ngốc nghếch, vụng về, nghịch ngợm của ngày xưa.
Đến mùa mưa, đường đi lên nông trường trơn, lầy lội, bùn có thể ngập đến bắp chân, bắn lên ngang đùi. mấy đứa trẻ chúng tôi mỗi buổi sáng đều được mẹ mặc cho chiếc áo mưa mỏng, cặp đeo trên lưng, quần xắn cao quá gối, đôi dép cầm trên tay lội bộ đến trường, hai hàm răng đang đánh vào nhau lập cập vì lạnh. Trời mưa trắng đồng, nhìn đâu cũng loang loáng một màu nước đục ngầu. Chúng tôi cũng chẳng lấy đó làm buồn, chỉ nghĩ đến chiều về không phải đi học sẽ ra đồng chặn nước dưới mương, giăng lưới bắt những con cá rô đồng mập tròn hay những con cá cờ mình ánh lên màu sắc sặc sỡ, mỏng như chiếc lá lúa tuổi trổ đòng.

            Nếu may mắn, chúng tôi còn có thể bắt được những chú cá lóc với lớp da trơn bóng, cố trườn khỏi đôi tay nhỏ xíu đang túm chặt lấy chú mà cười vang… Qua khỏi con dốc, tôi và các bạn ghé vào nhà người quen gần đó xin rửa nhờ, kì cọ mớ bùn đất đang bám ở tay chân, hoặc còn dính chút ít lên quần áo cho sạch sẽ để tiếp tục đến trường. Từ đây, đường đã đường rải nhựa nên đi sẽ nhanh hơn, sạch hơn.

Tôi vẫn thường nghĩ, nếu như không có nhà người quen ở đó, không có chỗ để gột sạch lớp bùn đất trên người trong những ngày mưa gió và rét mướt thì lũ trẻ chúng tôi có dám can đảm đến trường trong bộ dạng lấm lem ấy không? Và tôi cũng thường hỏi mẹ: Tại sao nhà mình không chuyển nhà lên chỗ có đường nhựa để chị em con đi học đỡ vất vả hơn? Mẹ nghe tôi hỏi, chỉ cười buồn rồi đáp: Tiền đâu mà chuyển? Tôi nghe gió đập từng hồi xao xác ngoài vách ván…
                         Con dốc đã qua bao mùa mưa nắng, chứng kiến lũ trẻ xóm nghèo ngày một lớn lên. Con dốc vẫn ở đó, nhìn chúng tôi vụt qua, chạy đua theo thời gian, chạy nhanh tới mức chưa một lần nói với nó rằng sẽ quay trở lại. Lũ trẻ chúng tôi những năm tháng ấy đã bỏ lại cánh đồng, bỏ lại ngôi nhà nhỏ, bỏ lại con dốc đứng bơ vơ mà đi vào năm chúng tôi mười tám tuổi, bỏ lại cả những giấc mơ dang dở, những trận gió mùa, những lời hẹn gặp gỡ tưởng như chắc nịch cuối cùng lại vời vợi xa.

Chúng tôi vượt con dốc tuổi thơ đi tìm con đường riêng cho ngày tháng trưởng thành hanh hao cát bụi, nghĩ về năm tháng xưa nghe nỗi nhớ nức nở trong lòng. Giữa những cơn mơ chập chờn, tôi thấy con dốc của tôi ngập trong gió thổi, nắng reo, mưa dội. Và tôi sau một chuyến đi dài, đang đứng trên đỉnh dốc, dõi mắt về phía cánh đồng, lòng ngập tràn một cảm giác hân hoan: Bên kia con dốc chính là nhà!

PODCAST