Ai về nhớ Khúc tháng hai
Phất phơ lá bạc manh mai khói chiều
Trong các thức quà ăn vặt của vùng châu thổ sông Mẹ, hẳn nhiều người thế hệ từ 8x về trước vẫn vấn vương hương bánh Khúc bãi Triều- loại cỏ dại thân mềm, lá và hoa đều rặt một màu trắng bạc. Chẳng biết ai là người đầu tiên dùng lá khúc để chế ra thứ bánh thơm ngon đặc biệt ấy nhưng chắc hẳn người ấy phải rất gắn bó với đất đai, cây cỏ và có vị giác tinh tế hơn người.
                        Thiên hạ sành ăn vẫn thường lắc lỏm: Nghề ăn cũng lắm công phu. Công phu quá đi chứ. Muốn ăn bánh Khúc phải đợi đến cuối tháng Hai. Khi những làn mưa bụi lây rây giăng khắp nẻo, đánh thức những chồi non đang ủ mình trong mùa đông rét mướt hé mắt, vươn mầm, đội đất đón mưa. Họ nhà Khúc ủ hạt trong đất cả 1 năm mưa nắng nhặt thưa, cứ chọn dìa luống Khoai đông, ải mạ khô, hay một vùng đất bãi bồi ven sông mà sinh sôi, nảy nở.
Khi Khúc đến độ bánh tẻ, u sai bọn trẻ cầm cái rổ sề to nhổ cả rổ mang về. Giêng hai, một chạp, giáp hạt vừa rảnh vừa đói, cả nhà ngồi quây quần nhặt Khúc xuyên trưa. Từ tinh mờ, u đã lấy chỗ gạo nếp, đỗ xanh để dành từ Tết đãi sạch, ngâm nước đợi sẵn rồi. Khúc mang rửa thật sạch, vẩy thật khô, rồi được bàn tay hộ pháp của thầy vắt sơ cho ráo nước. Rồi thầy vo từng nắm, thái thật nhỏ, thật mịn. Thầy bảo phải thái như kiểu người ta thái lá chanh rắc lên đĩa thịt gà ý thì chút nữa giã khúc mới nhuyễn mà không bị xơ. Cối đá, chày đá đã được rửa khô. Đợi u bê mâm bột khô hiên là thầy bắt đầu doạng chân ngồi giã ( bột đó u chuẩn bị từ trước. Cũng gạo nếp ngâm rồi xay bằng cái cối đá tay thôi). Sau mỗi cối Khúc giã nhuyễn, thầy cho bột khô vào giã nhừ. Cẩn trọng, tỉ mỉ và say sưa theo nhịp chày lên xuống.
          Năm nào cũng vậy, hôm nhà làm bánh Khúc ắt hẳn là một ngày chủ nhật đặc biệt. Bọn trẻ được nghỉ học nên mẻ bánh Khúc bao giờ cũng thêm cái vị chí chóe, ồn ào. Chúng phát hiện ra và thầm thì to nhỏ suốt buổi: Hôm nay nhà có thịt. Đúng thật. Đó là một miếng thịt ba chỉ nhỏ xinh được u chúng thái hạt lựu, ướp chút muối, hạt tiêu và hành khô xào xăn trên cái chảo gang. Chỗ đỗ u nó vừa đồ chín giờ cũng được mang ra giã nhuyễn với đám thịt ấy rồi viên ra thành những viên nhỏ. Đứa nào cũng đòi được làm thử, nhưng u chúng ko cho vì sợ toàn dính tay với dính miệng chúng mày có khi…thiếu mất.
                        Bột với Khúc sau khi giã nhuyễn được thầy ngào lại 1 lần nữa rồi vật vã , lăn lộn thành một quả bột giống y cái bắp chuối màu xanh. Xong việc, thầy rửa tay, ngồi vắt chân rít điếu thuốc lào bên thềm, lim rim mắt thả làn khói trắng ngồi ngắm u vê bột nặn bánh. Lần này thì u cho chúng thử. Phồng phồng, tẹt tẹt, cái to cái nhỏ đều được hết. Miễn là vê cho kín, không lộ nhân ra là được. Thầy bảo: “không cho chúng nó làm, sau này chả biết cái hồn cốt quê hương là gì”. Nó thì chưa hiểu ý thầy nó là sao, nhưng chỉ riêng việc được nặn được xoa như chơi trò đồ hàng, lại được hít hà mùi khúc nếp thơm hăng hắc là nó sướng mê rồi. U nó lăn bánh vào rá gạo nếp vừa trộn chút muối trắng để ráo, rồi nhẹ nhàng xếp bánh vào cái chõ sành, mỗi lượt gạo, 1 lượt bánh. Tuần tự và ngay ngắn.

Làm xong các công đoạn ấy cũng là lúc trong xóm đã thấy vẩn vơ vài vệt khói lam chiều. Bếp củi nhà nó cũng bắt đầu được nhóm lên, ngọn lửa hồng rung rinh hắt ánh sáng lên cái tường đất và cái liếp cửa đã đen óng màu của khói. Mẹ trộn ít cám gạo trét thêm vào thành chõ cho kín hơi. Nghe trong hơi đất ẩm ướt đã thấy mùi Khúc thoang thoảng, cồn cào…

Nhà báo Trương Thị Thương Huyền nhặt rau khúc
           Chiều ấy nhà nó không nấu cơm. Chỉ có chõ xôi khúc cả năm chỉ có một lần. Nhưng trước khi bữa tiệc đặc biệt ấy bắt đầu, bao giờ thầy nó cũng trịnh trọng lấy một miếng lá chuối xanh rửa thật sạch, hơ qua lửa, để lên cái đĩa tàu, gắp một đĩa thắp hương rồi rì rầm khấn vái điều gì mà nó cố lắng tai cũng nghe không rõ. Rồi không phải chờ đợi thêm nữa, mẹ chia bánh vào bát cho thầy, cho chúng nó… hạt xôi mọng mòng mềm thơm. Vỏ bánh dẻo dai, thơm nồng mùi khúc. Còn cái nhân. Trời ơi thịt béo ngậy, thơm ngát mùi tiêu mùi hành.
                          Ai mà biết được cái cây khúc bạc mảnh mai lại có thể chế ra thứ bánh đặc biệt như thế? Ai mà biết được giữa ngày giáp hạt, thầy u chúng vẫn cố dành dụm cho lũ trẻ nghèo một thức quà thơm thảo ấm nồng? Hôm nay, mẹ con nó làm bánh Khúc, nhưng nó lại sai rồi…nó mải làm bánh, mải chụp choẹt mà vô tâm quên mất một gia vị đặc biệt…Khúc ơi…