Khi những cơn mưa dần vơi hạt và nắng bắt đầu chói trên những sườn đồi, khi những thảm cỏ xanh mịn ngả dần sang màu vàng chanh dìu dịu và gió nao nức phong tình trong hoa lá nước mây, ấy là khi đất trời phố núi chuyển sang mùa.
Không phải Đông – Xuân hay Hạ – Thu mà từ mùa mưa sang mùa khô. Trời dần cao xanh, không khí mát mẻ trong lành, nhựa sống chảy thành dòng trong từng thân cành mạch lá. Sau mấy tháng dài ướt át, ngậm ngùi trong mưa, cỏ cây gặp nắng đua tranh nở hoa khoe sắc. Từ vạt cỏ đuôi chồn lề đường trổ bông nâu xám rập rờn trong gió đến bờ cây dại nở đầy hoa ngũ sắc cam đỏ vàng hồng tím, từ khoảnh vườn hoang nở trắng những nhành hoa xuyến chi đến đám cỏ giữa rừng thông cũng chín dần những bông li ti tạo nên những thảm hồng tím êm mềm, đẹp đến mê hoặc.
Và dã quỳ! Bất cứ đâu, nách tường, bờ rào, lối ngõ, đường ra xóm vào thôn, đường tỉnh lộ quốc lộ, dưới thung sâu hay trên núi cao, ở đâu có đất, ở đó có dã quỳ! Bạt ngàn, bất tận dã quỳ! Khi những tia nắng đầu tiên của mùa hong khô đất ẩm, dã quỳ bắt đầu kết nụ. Chừng non nửa tháng sau, những đoá hoa đầu tiên hé nở. Rồi không phải một vài bông lưa thưa, lác đác mà hàng ngàn, hàng vạn bông cùng khoe sắc, thành rặng hoa, dãy hoa, luỹ hoa, thảm hoa, đồi hoa vàng tươi, rực rỡ. Trời càng nắng, hoa càng vàng, gió càng nhiều, hoa càng thắm. Dã quỳ hồn nhiên mở hội carnival và nhuộm vàng những nẻo đường đất đỏ cao nguyên khi phố núi chuyển mùa.
Tôi từng ngỡ rằng dã quỳ là “đặc sản” của đất trời Tây nguyên cho đến khi tận mắt thấy những cung đường vàng thắm sắc hoa này uốn lượn dưới bóng thông xanh trên non cao Ba Vì, Hà Nội. Và khi qua những nẻo đường từ Lai Châu đến Điện Biên, Sơn La sang Hoà Bình – tôi lại gặp sắc hoa vàng tươi, ấm áp ấy giữa núi đồi trập trùng sương mây mùa đông của miền Tây Bắc. Ở đâu dã quỳ cũng đẹp, vẻ đẹp của sự thắm tươi hoang dại, tự nhiên và đông đảo, của sức sống mạnh mẽ, bền bỉ bất chấp địa hình, khí hậu. Nhưng nếu muốn ngắm dã quỳ trên miệng núi lửa, dạo vòng quanh ngọn núi đã từng phun trào dung nham hàng triệu năm trước, đón bình minh ở độ cao 500m trong lồng lộng nắng gió cao nguyên, thưởng thức hương rượu cần thơm ngọt đến mềm môi, nhấm nháp vị cà phê đậm đà đắng đót trong sương khuya gió lạnh, nhất định bạn phải đến Gia Lai buổi giao mùa.
Tạo hoá đã ban tặng núi lửa Chư Đang Ya (tiếng J’rai nghĩa là Củ gừng dại) cho mảnh đất này. Không ai biết trong quá khứ, Chư Đang Ya hào hùng dữ dội thế nào, đã hừng hực cháy đỏ những dòng sông lửa mắc ma ra sao, chỉ biết dấu tích còn lại ngày nay là cả một vùng đất đỏ bazan rộng lớn phì nhiêu và miệng ngọn núi lõm xuống, trông như lòng phễu. “Củ gừng dại” bây giờ dịu dàng, duyên dáng như một người con gái xinh đẹp.
Bàn tay lao động cần cù chăm chỉ của con người đã vẽ nên những mảng màu không giống nhau làm thành chiếc váy sặc sỡ cho Chư Đang Ya dự vũ hội giao mùa. Trong khí vị nồng nàn của đất trời lúc chuyển mùa đổi tiết, Chư Đang Ya đỏ thắm những luống hoa giong riềng, xanh mướt những vồng khoai lang, xanh thẫm những vạt dâu tằm, xanh úa những thủa ngô đến mùa thu hoạch, trắng xám những bờ lau, nâu đỏ những triền cỏ đuôi chồn và vàng tươi, ấm áp, rực rỡ sắc dã quỳ uốn lượn theo những đường viền xinh xắn từ chân lên đỉnh núi.
Không ở đâu dã quỳ lại đẹp một cách tự nhiên và kiêu hãnh như ở Chư Đang Ya. Chắt chiu màu mỡ của đất bazan, đón nắng đón gió từ cánh đồng và đầm nước trước mặt, dã quỳ núi lửa vươn cao đan kết nhau thành hàng, thành luỹ với trăm ngàn vạn bông cao thấp. Khi mặt trời vừa nhô lên, khi ánh tà dương hắt những tia cuối cùng lên sườn núi, hàng ngàn đoá hoa thắm tươi khoe sắc, hàng ngàn mặt trời bé xinh xào xạc, rung rinh, lả lay, vẫy gọi… Chư Đang Ya như một bức tranh màu nước khổng lồ mà dã quỳ là những đường nét chấm phá vàng tươi trên một phông nền gam màu chủ đạo là xanh lá.
Những hoạ sĩ tài ba đã vẽ Chư Đang Ya, những nhiếp ảnh gia nổi tiếng tìm đến Chư Đang Ya, những người yêu cái đẹp đổ về Chư Đang Ya, ai cũng muốn một lần trong đời bắt trọn khoảnh khắc huy hoàng, rực rỡ nhất của Củ gừng dại mùa hoa nở. Có người vì tò mò mà đến, có người vì vẻ đẹp tự nhiên của rừng núi đất trời mà đi, nhưng cũng có người đi để khám phá, không chỉ ngọn núi này, vùng đất này mà khám phá cả giới hạn của bản thân trong hành trình chinh phục những điều mới mẻ, kì diệu của cuộc sống. Chư Đang Ya đã thách thức, mời gọi những bước chân tuổi trẻ, cả những người tuổi không còn trẻ nữa.
Trong số những người đến với Chư Đang Ya có cô giáo tôi – một người Hà Nội dịu dàng lịch lãm, một tâm hồn tha thiết yêu Tây nguyên từ những trang văn của nhà văn Nguyên Ngọc, một trái tim khao khát tìm về vẻ đẹp hoang dại, tự nhiên, khoáng đạt của đất trời. Ở tuổi 60, lại từng mắc bệnh hiểm nghèo, đã có lúc cô coi mỗi chuyến đi của mình như là lần cuối trong đời. Tôi đọc được niềm vui bi ai và nỗi buồn tuyệt đẹp của cô trong đôi mắt nhìn như muốn thu trọn núi đồi, trong nụ cười và câu nói đùa pha chút ngậm ngùi tiếc nuối, trong sự đến và đi đầy lưu luyến nhớ nhung…
Không ai nghĩ cô sẽ leo lên được đỉnh ngọn núi này, bởi ai cũng biết có một đỉnh núi khác đang án ngữ trong lòng cô – đỉnh núi của nỗi lo âu, sợ hãi và bệnh tật… Nhưng cô đã mỉm cười, mím môi, quả quyết nhập đoàn, chinh phục đỉnh Chư Đang Ya, đi vòng quanh miệng núi lửa, rồi leo xuống ở con đường mòn hẹp chỉ vừa một người đi với sườn dốc dựng đứng. Trong khi tôi chỉ dám dứng dưới chân núi ngước mắt nhìn lên thì cô giáo tôi đã vượt đỉnh Chư Đang Ya, vượt cả ngọn núi cố hữu trong lòng cô – nỗi bất an về sức khoẻ! Cô đã để lại trong tôi niềm cảm phục sâu sắc và bài học lặng thầm về tình yêu cuộc sống, về nghị lực vượt khó, về ý thức trân trọng giá trị sống trong từng khoảnh khắc. Cô trở về Hà Nội, với tình yêu văn chương và gia đình, nhưng những trang viết, những bức hình và tin nhắn cô gửi cho chúng tôi vẫn tha thiết một tình yêu với Tây nguyên, vẫn khao khát thêm một lần đến với dã quỳ núi lửa…
Một mùa hoa nữa đang về với đất trời phố núi. Trong những ngày buồn hiu hắt vì phong toả do covid 19, dã quỳ vẫn hồn nhiên nở rộ, có phần tươi thắm, rực rỡ hơn, như để bù đắp những thiếu hụt, mất mát về đời sống tinh thần cho con người. Nơi mây trời gió núi gặp nhau cùng hoà điệu trong khúc hoan ca, ta nghe dã quỳ núi lửa xôn xao… xôn xao… như chờ đón bước chân người…
Kính tặng cô: Trịnh Thu Tuyết