16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Xôi vò chè hoa cau

Thương Nhớ Ngày XưaXôi vò chè hoa cau

Ngày giỗ, tôi nhớ mùi hoa huệ ta thơm nồng và món xôi vò chè hoa cau của bà nội. ấy chục năm trôi qua Mbà tôi cũng đã về với trời xanh mây trắng nhưng mỗi lần dịp trở về ngôi nhà xưa tôi thích ngồi ở ngay bậc thềm nhìn ra khu vườn xanh mướt mát.

           Tháng Ba, những cây bưởi trong vườn nở hoa trắng xoá, bụi sắn dây cũng vừa độ thu hoạch. Bột sắn dùng để nấu rất nhiều các loại chè trong đó có chè hoa cau. Những củ sắn mập mạp được cạo sạch vỏ, ngâm rửa kĩ hết đất cát rồi mới giã tay. Ngày đó chưa có máy xay như bây giờ. Giã và lọc cũng mất đến vài ngày.

Nắng tháng ba trườn dài trên giàn nhót, thả trên tán lá hồng bì. Nia bột phơi xong khô cong, trắng ngần. Hoa bưởi hái vào lúc sáng sớm ngắt lấy cánh ủ trong bột khoảng một ngày. Bao nhiêu hương hoa bột hút căng no. Phơi thêm vài nắng nữa là có thể cất vào lọ thuỷ tinh để dành dùng cả năm hương bưởi vẫn ngan ngát.

                        Đỗ xanh nấu chè hoa cau phải chọn đúng đỗ hạt tiêu trồng ở vùng quê Hải Dương. Cắn vỡ hạt đỗ bên trong lòng vàng ươm. Nội bảo loại đỗ xanh này nấu chè và đồ xôi là nhất.

Nếp cái hoa vàng cấy ở chân ruộng cạn khi thu hoạch được phơi kĩ càng, riêng biệt tránh lẫn thóc tẻ. Ăn đến đâu xay đến đó mới giữ trọn vẹn mùi hương của gạo nếp.

           Xẩm tối bà nội ngâm gạo và đỗ xanh trong chiếc thau đồng đổ ngập nước mưa. Trời chưa sáng rõ bà đã trở dậy nhóm bếp đồ xôi, nấu chè. Chiếc chõ đất bít một đường bằng cám thật khít với chiếc nồi hơi ở dưới. Nước sôi đổ gạo nếp vào đồ. Mùi thơm của nếp cái hoa vàng đưa lên tận nhà trên.

Xôi chín dỡ ra rá rồi đồ tiếp đậu xanh. Đỗ vừa bở đổ nhanh vào cối đá giã cho thật nhuyễn, khói bốc lên nghi ngút. Nhanh tay nắm đỗ thành từng vắt rồi dùng dao thái đều thành lát mỏng. Một nửa đỗ trộn đều vào xôi đồ lần hai, nửa còn lại để vò xôi lần cuối sao cho tơi từng hạt. Mỡ gà nóng rưới đều lên làm hạt nếp căng mọng, dẻo thơm.

                        Chè hoa cau nấu đơn giản nhưng bí quyết phải cho nước vừa đủ, quấy đều tay để nồi chè khi chín sánh lại, trong vắt như thạch mà dẻo. Thả đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt bở tơi loáng thoáng như hoa cau rụng trong vại nước mưa.

Tôi sắp bát để nội đơm chè. Trước đó phải rang cát sông cho nóng. Rải một lớp giấy bản mỏng rồi xếp đến hoa bưởi. Úp chiếc bát sứ xinh xinh, mỏng như vỏ trứng lên. Hơi nóng làm hương hoa bưởi ngưng đọng trong lòng bát.

           Sửa soạn mâm bà nội kính cẩn đơm chè và xôi. Bát chè trong vắt loáng thoáng đỗ như hoa cau, đĩa xôi vò vàng ươm một màu vàng chân thật của đỗ xanh xát vỏ. Đặt bên cạnh đĩa hoa cúng có hoa ngâu, hoa sói mộc mạc, chân quê.

Hương tàn bà cho các cháu thụ lộc. Bà dạy khi ăn phải ngồi thẳng lưng. Bưng bát chè lên đưa ngang mũi ngửi hương hoa trước rồi mới thong thả lấy chiếc thìa sứ xúc một chút xôi vò rải nhẹ lên trên chứ không trộn đều như ăn với chè bà cốt.

                          Đây là món ăn của người đi nhẹ, nói khẽ. Ăn lấy thơm lấy tho không phải ăn để lấy no. Múc chè đẫy bát rồi cho nhiều xôi là hỏng. Những lời bà dạy khi còn thơ bé theo tôi mãi cho đến bây giờ.

Một bữa ngang qua phố Bát Đàn tôi gặp gánh chè của bà cụ tóc trắng như mây ngồi bán dưới một vòm hoa dâu da xoan thơm mát. Cụ mời “Cô xơi quà” rồi nhẩn nha đong chén chè hoa cau hương thơm lan toả, xôi vò dẻo như cốm non. Bất giác tôi nhớ nội quá. Mới thôi mà đã mấy mươi năm.

Check out our other content

Most Popular Articles