Xôi gấc – Món ăn may mắn cho ngày đầu năm

    Mẹ thường dặn mấy chị em gái chúng tôi rằng, đêm giao thừa hãy nấu một đĩa xôi gấc thật đầy đặn, trước là để thắp hương ông bà tổ tiên, sau đó làm món ăn khai vị cho ngày đầu năm mới.

              Nhớ ngày còn nhỏ, mấy chị em chúng tôi được mẹ chia cho mỗi đứa một nắm xôi gấc ngay trong đêm giao thừa cùng lời chúc ấm áp: “Năm mới chúc các con luôn khỏe mạnh, học giỏi đạt được nhiều điểm mười và may mắn như màu đỏ của đĩa xôi này nhé”.

    Nhận nắm xôi đỏ dẻo thơm từ bàn tay thô gầy của mẹ, chị em chúng tôi ăn ngon lành và nhớ thật rõ cái cảm giác no ấm trong những ngày tết xưa. Nhớ nhất thói quen của bốn chị em trong đêm giao thừa là ghi ước mơ của mình vào tờ giấy trắng, rồi gấp lại thành nhiều lần cho kín và thả vào hòm lúa. Mẹ bảo, khi nào hòm lúa vơi cũng là lúc năm học kết thúc, vụ mùa mới tới các con sẽ kiểm chứng lại điều ước của mình xem có linh không.

              Ngẫm lại những lời mẹ dạy, tôi nhận ra một điều thật giản dị rằng trồng cây gấc như một cách gieo mầm ước mơ. Khoảng thời gian cây lớn lên, phát triển, đơm hoa, kết trái cũng giống như một năm chúng ta lao động, học tập, phấn đấu và nhìn lại những việc mình đã làm được, những việc còn dang dở, những mong muốn chưa chạm tới cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thành công.

    Cây gấc mẹ trồng đã mấy năm rồi, năm nào quả cũng sai lúc lỉu treo trên từng cành cây mít mật bố trồng. Cứ độ tháng Chạp là gấc chín rộ, đỏ chói trên vòm lá xanh trông như những chiếc đèn lồng nhỏ, nhất là khi có ánh nắng mặt trời chiếu rọi. Giống gấc của mẹ là gấc nếp nên đẻ nhiều cành nhánh, chúng phát tán leo khắp cành cây rồi đơm hoa, kết quả vào mùa hạ, thu hoạch vào cuối năm.

             Gấc nếp quả không to nhưng thịt của nó rất đỏ. Khác với những loại cây dây leo cho quả, gấc hết mùa không phải trồng lại bằng hạt mà cắt dây để lại đoạn gốc, chờ tới mùa xuân sẽ nảy mầm và cho một cây mới. Cứ như vậy, vòng đời của cây gấc được tuần hoàn nhiều năm như thế. Muốn chắc chắn có được một cây gấc cái chỉ cần lấy một đoạn dây rồi cuộn tròn và đem trồng dưới đất, chăm tưới tốt gấc sẽ cho quả sau vài tháng.

    Lớn lên, ba chị em gái chúng tôi đi lấy chồng, năm nào dịp cuối năm về quê mẹ cũng để phần cho mỗi đứa một quả gấc chín để nấu xôi cúng đêm giao thừa.

    Thích ăn xôi gấc, yêu mầm cây non, vòm lá xanh, hoa gấc màu vàng nhạt và những trái gấc có gai xù xì đu đưa trong làn gió thu mát lành, tôi đã tự trồng ở góc vườn trước sân nhà một cây gấc từ giống nhà mẹ. Để thử thách cho sự may mắn, tôi đã chọn những hạt gấc thật chắc đem gieo với hy vọng trong số đó thể nào cũng được một cây gấc cái. Đúng như mong đợi, cây gấc tôi trồng đã cho quả được 3 vụ. Năm nào sau khi thu hoạch tôi đều chia cho người thân, hàng xóm gần đó và bạn bè, đồng nghiệp mỗi người một quả như một món quà quê bình dị mà ai cũng quý lắm.

              Gấc không chỉ để nấu xôi mà nó còn làm phẩm màu tuyệt đẹp để chế biến nhiều món ăn khác nữa, đặc biệt gấc đem gói bánh chưng tết sẽ vừa ngon vừa đẹp. Ai một lần được ăn đồng bánh chưng đỏ ấy sẽ nhớ mãi hương vị dẻo thơm, béo bùi quện cùng với nhân đỗ quê đậm đà. Tôi đã gọi cây gấc mình trồng là “cây hạnh phúc”!

    Sen cuối hạ Cốm đầu thu