Từ thơ bé, khi được đi tàu cùng bố mẹ, tôi đã nhận ra cảm giác bâng khuâng lúc tàu sắp rời sân ga, nghe tiếng còi da diết vọng trên sân như giục giã, như nhắn nhủ, tôi đã ngạc nhiên vì đứa trẻ trong tôi ngày ấy không hiểu sao đã cạn vơi rất nhiều háo hức bởi nỗi da diết dẫu chỉ mơ hồ từ âm thanh tiếng còi tàu.

Rất may, đoàn tàu sầm sập lao đi trên ray, đưa tôi qua bao cảnh làng quê, đồng ruộng, được ngắm nhìn bao nhiêu cỏ cây, mây nắng, những cánh đồng cỏ xanh bát ngát, những đàn bò thong dong, những đứa trẻ áo nâu ngả mình trên cỏ, hai tay thu dưới gáy, gác chân chữ ngũ, ngắm mây trời…, những cảnh sắc, con người luôn thật lạ lẫm, mới mẻ với tôi, một cô bé sinh ra và lớn lên nơi phố thị. Tôi chỉ có chút đượm buồn trong những chuyến tàu chiều bởi nỗi băn khoăn: trời sắp tối rồi, những người đang lúi húi làm việc dưới đồng kia tới bao giờ được trở về nhà – vì khi ấy, với quỹ đạo chật hẹp trong cuộc sống hàng ngày của tôi, “nhà” không thể ở giữa chốn hoang vu, vắng vẻ, nơi hình như chỉ có những cánh đồng xanh và bóng cò bóng vạc, “nhà” nhất thiết phải ở nơi phố phường đông đúc, lung linh ánh điện, mà nếu vậy, họ sẽ phải đi bao lâu mới về tới nhà khi gần tối vẫn cặm cụi trên đồng? Tôi vẫn nhớ chính vì cảm giác buồn thương lo lắng ấy mà tôi rời mắt khỏi khung cửa sổ tàu đang nhòa dần trong màn sương tối lạnh, quay vào ngồi sát hơn bên bố mẹ, cảm nhận sự ấm áp thật êm đềm – chúng tôi sắp về nhà!

Cho tới bây giờ, nếu đi trên đường khi tối muộn, tôi vẫn thấy buồn bã khi nhìn những nóc nhà cô đơn trên triền núi, ánh đèn dầu le lói từ một ô cửa sổ…, và vẫn băn khoăn: những người sống trong đó, họ có bao giờ buồn không nhỉ, họ thường nghĩ gì khi đêm xuống và chờ đợi gì trong mỗi sớm mai? Lý trí trong tôi tin chắc chắn – những người ấy, họ sống thanh thản, an nhiên, thậm chí hạnh phúc hơn rất nhiều những kẻ giời đày, luôn vẩn vơ với những bận tâm vô nghĩa lí, dẫu vậy, nỗi buồn hộ thương vay ngớ ngẩn vẫn ám ảnh tôi mỗi lúc đi tàu, khi chiều buông và nhìn xuống những bóng người chưa được về nhà… Mà nhà họ chắc là xa lắm!

Tới khi đi học xa nhà, nơi tôi trọ lại là một ngôi làng gần sát đường tàu, và nỗi nhớ nhà lại thường thao thức trong lòng tôi mỗi khi nghe tiếng còi tàu vang ngân trong đêm…Có những buổi chiều, buồn nhớ vô cùng ngôi nhà nhỏ vừa ấm áp, vừa trầm buồn với đúng những cảnh “Ngày xưa, cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo. Ngoài kia mùa đông cây bàng lá đổ…”, nhớ về người cha thông minh, tài hoa chỉ biết gửi nỗi bất đắc chí vào chén rượu buồn bên những người bạn văn còn buồn hơn cha; nhớ người mẹ tháo vát, tảo tần, vất vả lo mưu sinh bên ngoài bảng đen phấn trắng; nhớ hai đứa em luôn đau đáu chờ chị về nhà, tôi lại ra đầu mương ngồi đợi một tiếng còi tàu với cảm giác: con tàu ấy sắp về tới thành phố của tôi, biết đâu bố mẹ cũng mơ hồ nghe thấy tiếng còi tàu xa xăm mà nhớ mong con gái… Và tôi luôn hình dung tâm trạng những người khách đi tàu, trên con tàu chiều muộn, họ có từng như tôi, cũng nhìn xuống những xóm nghèo heo hút, những cánh đồng xanh mờ sương thấp thoáng bóng cò trắng cô đơn, có cảm thương khi nhìn thấy bóng người lặng lẽ chưa trở về nhà…?

     Mỗi khi có dịp đi tàu, tôi thường thích được ngồi sát bên cửa sổ, ở vị trí ấy, tôi như bước vào một hành trình đi xuyên qua cả thời gian và không gian… Tôi có thể ngắm nhìn những cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn trụi trơ gốc rạ; có thể “bắt” được những khoảnh khắc lộng lẫy của hoàng hôn hoặc ngậm ngùi nhìn những ngôi mộ lẻ loi lặng lẽ nằm giữa đồng xanh mênh mang; có thể trìu mến ngắm đôi bạn líu ríu đèo nhau trên chiếc xe máy tàng, nhìn họ cười và nói chuyện với nhau với niềm vui chan chứa như đang sở hữu cả cuộc đời; cũng không hiếm lần nhìn thấy cảnh cả gia đình bồng bế dắt díu nhau về quê ăn tết, đồ đạc lỉnh kỉnh trước sau trên một chiếc xe máy, nhớ lại những chuyến đi của chính gia đình tôi nhiều chục năm trước, những chuyến về nhà cuối năm, trong mưa phùn gió bấc mùa đông, mặt đóng băng trong gió, tóc ướt rối trong gió, hai tay ôm con lớn, bế con bé tê dại…, thấy phận người sao cứ nối nhau buồn, như thân rạ mùa đông…!

     Cảm giác của sự ngắm nhìn ấy rất kì lạ vì tôi gần như chắc chắn đó là những cảnh, những người tôi sẽ chỉ nhìn thấy lướt qua ô cửa sổ trên đoàn tàu đang lao nhanh vun vút, cả đời tôi sẽ không bao giờ đặt chân xuống những nơi ấy, cũng không bao giờ gặp lại những người ấy… Họ và tôi, thảy đều chỉ là những khách qua đường. Đó là điều mà dù nghĩ sao, tôi vẫn băn khoăn: theo kết quả của nhiều nguồn nghiên cứu thì xác suất ra đời của mỗi sinh linh trên trái đất này là 1 trên 400 triệu tỷ tới 1 trên 700 triệu tỷ, nghĩa là gần như bằng không; sự hiện hữu của chúng ta giữa cuộc đời này là sự “khác không” hi hữu, là món quà quý giá của tạo hóa, vậy mà có khi cả đời mình, tôi sẽ không bao giờ được ngồi trên một thảm cỏ xanh ngát giữa đàn bò thong dong gặm cỏ tôi đã từng nhìn thấy qua cửa sổ tàu, thậm chí sẽ không bao giờ gặp những người chỉ sống cách tôi vài con phố…!

      Có một lần, tôi cùng những người bạn đứng trên sân ga Đà Lạt, một nhà ga cổ kính xây từ thời Pháp, nay chỉ còn là điểm đến của những người thích hoài niệm, trèo lên toa xe đứng im lìm trên sân ga, tôi nhìn thấy những cảnh đón đưa nồng nàn hoặc lưu luyến, những lứa đôi miễn cưỡng rời tay nhau bên cửa sổ toa tàu; nhìn thấy những bóng người cô đơn lặng lẽ lên và xuống tàu; nhìn thấy một thiếu phụ có gương mặt buồn u ẩn, lên tàu và tìm đến một chỗ ngồi bên cửa sổ, ánh mắt thờ ơ dần tối theo hoàng hôn… Và kì lạ là tôi nhìn thấy cả hình ảnh của họ bây giờ, sau bao năm tháng, người lơ ngơ cười trên xe lăn, người lặng lẽ nhìn ra ngoài ô cửa sổ viện dưỡng lão chờ một bóng quen, người im lìm dưới cỏ xanh, bên một mương nước nhỏ, gần đường tàu cùng những tiếng còi qua…

Tôi nhìn thấy tôi, ngày ấy, bây giờ, và một ngày nào đó…! Và câu thơ Xuân Quỳnh lại da diết trong tôi… một tiếng còi tàu…!