Những cơn mưa rào mùa hạ luôn gợi cho tôi nhớ về ký ức tuổi thơ, là tuổi vô tư trong sáng ngây ngô như cây cỏ. Còn ai và ai tìm về châu chấu trong mưa?

Trên cánh đồng làng ngoài tôm, cua, cá, ếch… còn có một loài côn trùng được chế biến làm thức ăn rất ngon mang đậm bản sắc làng quê đó là châu chấu, hay nó còn có cái tên mỹ miều “hoàng trùng”.

           Mỗi vùng nông thôn có cách bắt châu chấu khác nhau, quê tôi các anh, các chú dùng giậm đánh cua cá để quơ châu chấu trên những ruộng mạ, ruộng lúa non, hoặc buộc một cái túi ni lông lớn vào khung tròn uốn bằng tre, túi ni lông được chọc thủng nhiều lỗ nhỏ để thoát gió, gọi là cái vợt.

Quay cái giậm hoặc chao nghiêng vợt trên mặt luống mạ, cây lúa, châu chấu thấy động sẽ bay lên và lọt vào trong giậm trong vợt, cách này bắt được nhiều, chỉ người lớn có sức khỏe mới vợt được vì rất mỏi tay, nhưng thường cách này chỉ vợt châu chấu khi còn non, cánh mới nhú rất ngắn, châu chấu non rang không ngon và nát không có độ giòn.

                Còn lũ trẻ trâu chạy nhẩy cả ngày không biết mệt như chúng tôi thì bắt châu chấu cách khác, đó là đánh bằng vỉ đan từ tre, chúng tôi hầu như đứa nào cũng biết tự đan vỉ cho mình. Đầu trần chân đất, mỗi đứa cầm một cái vỉ mang theo cái chai thủy tinh, loại cổ chai to một chút càng tốt, để khi đổ châu chấu ra dễ dàng hơn.

Mùa gặt châu chấu đã già, cánh dài, đôi chân càng đã rất khỏe nên bay nhanh và xa, khi lúa chưa cắt hết, bị đuổi châu chấu thường bay vào ruộng lúa nên khó bắt, còn bờ cỏ thì chúng dấu thân vào màu xanh của cỏ cũng khó nhìn. Lúa vụ chiêm gặt xong, cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, phần lớn ruộng chưa được cày, lũ trẻ chúng tôi tha hồ rộng cẳng mà biểu diễn khả năng chạy nhẩy của mình. Rồi những cơn mưa rào đổ xuống ngâm cho những gốc rạ mọc chau xanh, lũ trẻ chúng tôi thích nhất là đi đánh châu chấu khi trời mưa.

Sau bữa cơm sáng, người lớn đi làm, chúng tôi cũng gọi nhau đi bắt châu chấu. Mỗi đứa một tấm áo mưa ngắn trùm vào người, buộc một nút phía sau cổ, một nút phía dưới mông, khoét hai lỗ để thò hai cánh tay ra ngoài, giữ sao cho thân người không bị ướt, phía dưới chân hở thoải mái để chạy không bị vướng, con trai đội mũ lá, con gái đội nón lá nhỏ đã bị cắt bớt mấy vành do đã bị rách.

           Mỗi tốp vài đứa, một tay cầm vỉ tre, một tay cầm vào cổ chai sao cho ngón cái bít được vào cổ chai có tác dụng như cái nút, để khi bắt được châu chấu chỉ cần mở ngón tay cái ra là đút được châu chấu vào chai cho nhanh, mặc trời mưa cứ háo hức chạy chân sáo kéo nhau ra đồng.

Chúng tôi chạy loăng quăng xuống ruộng, nước bắn vung lên, đánh động châu chấu đậu lẫn trên những chau lúa xanh bay ra, những chú châu chấu bị ngấm nước mưa bay chậm và không thể bay xa như khi trời nắng, chỉ cần chạy thêm mấy bước chân, giơ vỉ lên đập nhẹ, chấu chấu ngã lăn quay xuống mặt nước, nhanh tay nhặt cho vào chai. Chỉ đập vỉ sao cho vừa đủ độ cho châu chấu choáng ngã xuống, đập mạnh châu chấu sẽ bị nát, đập nhẹ tay quá châu chấu ngã xuống chưa bị choáng lại bay vù đi mất.

                 Châu chấu cái vào độ này đang có trứng, con cái mập mạp to hơn con đực, con đực thì thon nhỏ, những con châu chấu cái thường được chúng tôi ưu tiên săn đuổi. Tiếng hò hét, nước bắn tung toé theo bước chân chạy tòm tõm khuấy động cả cánh đồng, mũ nón bay khỏi đầu phần phật sau gáy, mặt mũi đầu tóc ướt nhe nhép.

Đôi chân trần lội phầm phập cả vào những thửa ruộng đã cày, đất cùng gốc rạ cọ trầy xước khắp cẳng chân, có khi tứa máu, mặc kệ, chúng tôi cứ mải miết đuổi theo những con châu chấu. Gần trưa chai châu chấu đã đầy, chúng tôi rủ nhau về, đứa nào đứa nấy thi nhau giơ chai châu chấu của mình lên khoe: của tao toàn con cái. Dù đã mặc áo mưa nhưng lúc này đứa nào cũng ướt sũng từ đầu tới chân.

Mưa cũng đã ngớt dần rồi tạnh hẳn. Lác đác những cuộn khói ngoằn nghoèo bay lên từ mái bếp trong thôn xóm. Đứa nào về nhà đứa ấy.

Bà tôi nấu một xoong nước, lấy chiếc đũa khều châu chấu trong chai ra cho vào nồi nước đã được đun sôi, khuấy đều một lúc cho châu chấu sạch và nhả hết nhựa trong miệng, đổ ra rổ chao thêm một lần nước nữa cho sạch rồi để cho ráo nước. Mấy đứa em tôi cứ lăng xăng chạy quanh chân bà, rồi tất cả xúm lại nhặt châu chấu, vặt bỏ cánh, cấu bỏ phần dưới của đôi càng, rút nhẹ đầu lôi theo cả ruột, vậy là hoàn tất, sau một lúc mớ châu chấu đã được nhặt sạch.

Rau muống cấy ngoài bờ mương qua mấy trận mưa rào, ngọn ngoi lên non mởn được hái về. Bà nổi lửa nấu bữa cơm trưa, châu chấu bà cho vào chảo đảo khô lại, rồi bà cho ít mỡ nước, mắm muối, bà đảo nhẹ tay đến khi con châu chấu săn lại chuyển màu vàng rộm, bà nhắc chảo ra rắc lá chanh đã thái chỉ vào, khi mọi thứ xong xuôi cũng vừa lúc mẹ đi làm đồng về.

                        Cả nhà quây quần bên mâm cơm, mùi hương cơm mới lan tỏa, châu chấu trứng ngon bùi, béo ngậy, giòn tan dậy mùi thơm lá chanh trong miệng, rau muống luộc xanh mướt chấm với nước tương hoặc nước cua muối, bữa cơm chỉ có vậy thôi mà sao nó ngon đến thế!

Tôi nhớ lắm mùi vị của những con châu chấu rang, nó như hoà quện cả mùi vị của những giọt sương mai ban sớm, mùi vị của mưa nắng đồng quê, món ăn dân dã đậm đà hương đồng gió nội khiến ai đã ăn một lần sẽ thèm mãi chẳng thể nào quên.

Vén tấm mành ký ức còn bảng lảng hơi mưa, còn mỏng mảnh những đôi cánh trong veo chập chừng trên những nẻo đồng xanh ngăn ngắt. Và nơi đâu, hay là nơi chính tôi đang hiện hữu, nguồn cơn xứ lạ dấp díu tìm về châu chấu trong mưa!