Cuối thu, bạn ở Sài Gòn ra chơi, chúng tôi chọn nghỉ ở Vườn Quốc gia Ba Vì – Hà Nội. Đường cao tốc Thăng Long thoáng, đường rẽ lên Ba Vì cũng thoáng. Vào mùa đông có mấy người đi đổi gió nữa đâu. Nhớ lại cách đây mấy chục năm, cũng vào những ngày đầu đông trong chiến tranh, tôi lên Ba Vì thăm bạn.
          Đường lúc ấy trong chiến tranh rất xấu đạp xe hơn 50 km tìm vào đến nơi. Bạn ở trong một cái làng nhỏ dưới chân một quả đồi, hoa sở mọc trắng. Ngoài triền sông, đê sông Hồng cao ngất, rợp cỏ đã bắt đầu úa vàng. Huyện lỵ Ba Vì nghèo. Cơ sở lớn nhất thời đó là cái cửa hàng HTX Mua bán của huyện, tường cũ xập xệ. Tôi vào đó mua mấy gói kẹo vừng kẹo bột nấu bằng mật mía làm quà. Trên tấm bảng đen cũ một dòng chữ con gái viết mềm mại: “Ngày mai liên hoan mỗi người nộp một bò gạo đổi bún “ Không hiểu sao giữa những năm chiến tranh ác liệt mà tôi không sao quên được dòng chữ ấy. Chỉ là những điều giản đơn lại theo suốt cuộc đời mình. Thoáng đó mà đã mấy chục năm rồi.

                         Bây giờ Ba Vì đã khác. Tôi không nhận ra cái vùng đồi mà ngày xưa trong chiến tranh tôi đã đến. Các đồi trồng Sở không còn nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà, những khu dân cư mới bắt đầu lấn ra mặt đường . Một Ba Vì trù phú hơn đối với tôi vừa thân thuộc lại như xa lạ. Chỉ còn lại đê sông Hồng vẫn cao ngất, rợp cỏ, vào đông lại bắt đầu vàng úa.

Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Rừng ở Vườn quốc gia Ba Vì cũng không đẹp như tôi nghĩ. Chủng loại hệ thực vật nghèo và xơ xác trong đầu đông. Làm sao so được với những cánh rừng gần như nguyên sinh trong chiến tranh tôi đã ở, đã đi qua. Buồn nhất là ít nghe thấy tiếng chim rừng. Những tiếng líu lo của chim Khiếu, giọng lảnh lót nhưng lập bập của chú Chích chòe, hay ríu ran phấn khích của Họa mi.. Chỉ nghe thấy tiếng máy bay dân sự ầm ì trên bầu trời đầu đông vẫn còn trong vắt.
           Rừng vào mùa này chỗ hấp dẫn nhất lại là mấy vạt hoa Dã quỳ ở đoạn gần cốt 400. Dã quỳ gần cuối mùa, đã bắt đầu phai lạt nhưng cũng đủ sức rực rỡ pha chút kiêu hãnh trong nắng đông. Không so được với Đà Lạt xứ sở của Dã quỳ, nhưng cũng thu hút được khối kẻ lang thang như tôi đến chụp hình. Tôi vò một cánh hoa trên tay. Mùi hăng hắc của loài cúc dại lan tỏa trong không khí se lạnh của Ba Vì, gợi nhớ đến những ngày đã xa.
Bất chợt, tôi nghe tiếng chim Từ quy vang trong khoảng rừng vắng. Không thể nghe nhầm được, tiếng chim này quen lắm.Gần như suốt cả thời gian sống ở rừng, tiếng Từ quy luôn khắc khoải đồng hành. Đúng là tiếng chim Từ quy gọi nhau. Thật lạ lùng vô cùng, vì thông thường chim Từ quy chỉ có vào ban đêm. Từng đôi gọi nhau da diết trong rừng thẳm cho tới sáng, tưởng như chúng không bao giờ gặp được nhau. Trong rừng đêm lạnh, lính nằm nghe tiếng chim gọi nhau, lòng buồn tê tái nhớ người yêu xa cách.
                        Những câu chuyện cổ tích về tiếng chim trong rừng sao chỉ gợi nhớ tới những xa cách tuyệt vọng của những đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau. “Chót bóp- Chót bóp” tiếng chim trong rừng vắng lên như một lời ân hận lỡ lầm của tuổi trẻ nghe mà đau đớn mà xót thương. Tiếng chim “Năm trâu sáu cột” và về sau lính ta thường gọi là “khó khăn khắc phục” vẫn là tiếng kêu ai oán của cô gái mồ côi mẹ ở với dì ghẻ độc ác và nỗi oan khiên nghèo khó muôn đời . Những chiều muộn nghe tiếng chim Dù dì trong sương như tiếng rì rầm nói chuyện của người thân ở hậu phương xa ngái. Thật lạ lùng, sao những tiếng chim ấy lại mang thân phận con người trong cuộc chiến tưởng như dằng dặc không có hồi kết. Thế mà trưa nay, lại vang tiếng chim Từ Quy trên núi vắng. Có phải là ảo ảnh của một thời xa vắng đang hiện hữu?
Tôi lắng nghe tiếng chim buông từng nhịp đều, tuyệt vọng đối đáp qua hai mỏm đồi hoang. Vẫn là tiếng chim ngày xưa, mà mấy chục năm về thành phố đã ngỡ mình quên mất, như mình đã quên đi nhiều kí ức của những tháng ngày xa xôi.
Tiếng chim ấy như chỉ để dành cho người lính xa vợ con, xa người yêu. Ai cũng cảm thấy người thân yêu của mình vượt qua bao cánh rừng tìm gọi mình khắc khoải trong tháng ngày bom đạn và nuôi hy vọng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có lẽ là người đưa tiếng chim Từ quy vào văn học từ rất sớm:
“Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc
Những đêm thao thức tiếng Từ quy”
(Quê Hương Việt Bắc- 1950)
Như chim Từ quy, trong thơ ông con người suốt đời gọi tìm tình yêu của mình :
“Anh đứng đây thầm gọi tên em
Xa em anh ngơ ngác
Anh gọi em anh gọi mãi
Em có nghe thấy anh không”
Nguyễn Đình Thi
(Núi và biển- 1950).

           Trong tiểu thuyết “Miền xa thẳm “của NV Phạm Hoa tiếng Từ quy thấm đẫm câu chuyện một cô gái Hà Nội tình nguyện vào TNXP với hy vọng gặp được người yêu là lính lái xe Trường Sơn. Tiếng chim Từ quy vang trong những cánh rừng xa thẳm đã nuôi dưỡng tình yêu của cô đối với người lính.

Chim từ quy
                         Chợt nhớ một đêm khi dự buổi tổng duyệt vở kịch “Miền Xa thẳm “của Đoàn Kịch nói Quân đội chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, tôi và nhiều người khác đã lặng người, chìm đắm trong cảm xúc khi bài hát của nhạc sĩ Đức Trịnh vang lên sau mỗi cảnh diễn. Như gặp lại tuổi trẻ lãng mạn trong chiến tranh của các cô gái TNXP trong mầu áo bạc mở đường, khao khát tình yêu và như gặp lại mình.
“Xa thẳm một miền xa thẳm
Tiếng gọi hồn thiêng núi sông.
Một tình yêu như cánh chim Từ quy
Bay bay đi tìm nhau
Một tình yêu như bão giông khát khao
Đến bên nhau giữa đạn bom.
Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước
Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh
Đi tìm nhau, đi mãi mãi không về…”
( Lời bài hát “Miền xa thẳm”- Đức Trịnh)
          Tiếng hát chất chứa bao thương nhớ bao hy vọng. Một vùng rừng xa thẳm lại ùa về trong ký ức của những người lính mà tuổi trẻ gửi hết cho Trường Sơn đạn bom, gửi cho tiếng Từ quy ngày ấy “ Đi tìm nhau mãi mãi không về “….
                        Tiếng chim Từ quy ở Ba Vì trưa nay tôi nghe thảng thốt như muốn níu kéo điều gì, bỗng vụt tắt trong mùi hương của Dã quỳ nồng nàn hồn nhiên giữa khoảng rừng vắng. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lại có tiếng Từ quy gọi nhau trong nắng, rồi lặng lẽ tan biến vào khoảng không mênh mông của xanh ngắt rừng. Chiến tranh đã lùi xa lắm mà sao tiếng Từ quy vẫn khắc khoải đau đớn gọi nhau suốt một vùng xa thẳm trong tôi.