Mỗi lần về quê, bước trên con đường làng đổ bê tông sạch sẽ, trên đầu bỏng rát vì nắng mà thấy thương nhớ bóng tre. Những thân tre hai bên đường ngả vào nhau che cho ngõ quê, đường làng mát rười rượi vào những ngày hè đâu còn nữa?
Những rặng tre xanh từ lâu đã là biểu tượng, là linh hồn của làng quê Việt. Quê tôi cũng thế, những rặng tre xanh mướt có mặt khắp nơi trong làng, nhà ai cũng có ít nhất một bụi tre. Dù sống ở đâu, trên đồi, ven đê hay dọc đường làng thì tre vẫn xanh lên một sức sống bất diệt; tre chen chúc đông vui, tre níu với nhau mà sống như thách thức với nắng cháy, mưa giông.
Chẳng biết tre đã có mặt ở làng từ bao giờ? Chẳng ai trả lời được, nhưng có một điều chắc chắn là tre đã gắn bó và thân thiết với bao lớp người dân quê tôi. Đối với người nhà nông, tre thực sự hữu dụng, bởi nó là nguyên liệu làm ra đủ thứ đồ nghề phục vụ cho nông nghiệp. Tre đã hiến thân mình để làm thành chiếc lạt bó lúa dẻo dai. Tre là cây đòn gánh cho các bác nông dân gánh lúa về nhà.
Tre là cán cuốc, cán xẻng giúp cho người ta làm đất trồng cây, vun xới hoa màu. Tre hóa thành chiếc gầu sòng tát nước cho cây lúa lên xanh. Tre là cái bồ đựng thóc cất giữ mùa màng, cất giữ niềm vui của mẹ trong căn nhà ấm cúng. Tre là cột, là vách, là đòn tay, rui mè để làm nên ngôi nhà che mưa, che nắng cho bao tổ ấm nơi làng tôi… Ôi! Kể bao giờ cho hết những ân nghĩa mà tre đã mang lại cho con người, kể bao giờ cho hết những kỷ niệm dưới bóng tre làng! Tôi chỉ biết đem lòng yêu những bóng tre, như yêu những người thân thuộc, như để tìm lại bình yên trong cuộc sống bộn bề.
Nếu như chỉ có bấy nhiêu thôi có lẽ là sẽ rất giống với những câu chuyện mà người ta thường kể về tre ở quê mình. Nhưng với tôi, tre còn có điều đặc biệt khác, có một thời tre đã từng là cứu cánh của không chỉ nhà tôi, mà là của cả xóm tôi.
Ngày ấy, quê tôi là một vùng quê nghèo. Đồng ruộng làng tôi là vùng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ lúa, vụ còn lại nước ngập trắng đồng, vì thế mà thường xuyên thiếu đói. Cũng may, ông bà để lại cho một nghề, ấy là nghề đan lát. Nhờ những chiếc thúng, cái rổ, cái bu, cái sọt mà người dân quê có tiền đong gạo, có cái để cậy nhờ những khi túng đói. Đấy, thế là tre đã thực sự quan trọng với những con người ở xóm đan lát chúng tôi.
Thời ấy, những ngày nông nhàn cả mấy chục nóc nhà lá vang lên rộn ràng tiếng chẻ tre, tiếng gõ phên thúng làm nức lòng người. Những thân tre ngả xuống ào ào, mỗi thân tre lìa gốc lại nảy lên hi vọng về những bữa cơm no, mỗi thân tre bị dao chẻ toang toác nở ra những tiếng cười giòn tan hớn hở. Cũng may, tre biết thương người nghèo nên tre sinh sôi đông đúc, cứ mỗi cây mất đi lại trồi lên măng non, rồi măng lại lớn lên thành tre. Cứ thế, tre đã tồn tại và cưu mang con người, nuôi lớn những đứa trẻ quê như chúng tôi.
Sau mỗi đợt mẹ đi chợ bán thúng, hũ gạo nhà tôi lại đầy lên, chúng tôi lại có những chiếc kẹo bột, kẹo lạc ngọt cả chân răng để cười đỏ lợi. Bố tôi ngồi khoan khoái thả khói thuốc lào bay lên nóc nhà, mẹ tôi thì hí húi với vại lạng thịt lợn trên thớt. Chỉ một lúc thôi, sau làn khói bếp là mùi thịt thơm lừng. Bụng mấy anh em chúng tôi sôi lên èo èo, chúng tôi nheo nhéo đòi ăn cơm. Mẹ từ trong bếp chạy ra dụi mắt và lau mồ hôi. Mẹ dúi vào tay anh em tôi cái bát có mấy miếng tóp mỡ, bảo anh em tôi ăn tạm.
Ngoài góc vườn, những cây tre bị gió xô vào nhau kêu kẽo kẹt, những ngọn tre gật gù trêu đùa chúng tôi. Trên thềm, bố đã cưa một thân tre ra nhiều đoạn bằng nhau để chuẩn bị chẻ nan đan thúng cho phiên chợ sau. Đó chính là những kỷ niệm đặc biệt của tôi về tre trong những ngày xưa cũ, những kỷ niệm ấy chắc sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên.
Mỗi lần về quê, bước trên con đường làng đổ bê tông sạch sẽ, trên đầu bỏng rát vì nắng mà thấy thương nhớ bóng tre. Những thân tre hai bên đường ngả vào nhau che cho ngõ quê, đường làng mát rười rượi vào những ngày hè đâu còn nữa? Một cảm giác nhớ thương ùa về làm lòng tôi nao nao.
Chợt từ đâu xa lắm vang lên tiếng cười của một đứa trẻ quê. Tôi thấy chú bé ấy cùng với lũ trẻ trong xóm đang chơi đùa dưới bóng tre râm mát, có đốm nắng lọt qua kẽ lá nhảy nhót trên nền đất làm chú bé thích thú. Ai thế nhỉ? Quen quá!… Và thế là tôi lại thèm được trở lại những ngày xưa, để làm chú bé chơi đùa dưới bóng tre xanh của làng quê êm ả.