Bằng lăng chưa bao giờ lỡ hẹn
Loài hoa ấy đẹp từ cái tên đến ấn tượng về sắc màu! Bằng lăng chưa bao giờ lỡ hẹn với những con phố Hà Nội khi nàng Bân vừa ngại ngùng cất áo, khi hoa gạo bắt đầu rực đỏ đường quê, khi tháng Năm náo nức trở về như một lời hẹn ngập ngừng với tuổi học trò…, khi ấy, bằng lăng cũng ngả tím khắp phố phường!
Bằng lăng tím ngắt trên các vòm cây, cái sắc tím rực lên trong nắng mới, lay thức, gọi chào, khiến những người thờ ơ nhất, khi dừng đèn đỏ mỗi ngã tư đường phố, giữa san sát người và xe, giữa bụi bậm và tiếng ồn, cũng như vô tình ngước nhìn vòm tím mà thấy sự dửng dưng khô cỗi bao lâu, trong khoảnh khắc bỗng như mềm lại, như sự thức nhớ về một niềm yêu nhớ rất xa xăm…
Đôi khi trên đường đi, tôi tò mò ngước lên ban công vài ngôi nhà mặt đường, thấp thoáng những ánh nhìn sau vòm bằng lăng tím thẫm, có thể chỉ đơn giản là họ đang đứng chờ tiếng chuông cửa của shiper hẹn trước đó, hay đang đứng nhìn dòng người xe mà ngao ngán…
Tứ thơ kì diệu
Thậm chí, tôi còn hình dung một ánh mắt bất an phía sau lưng hoài niệm ấy, ánh mắt thoáng băn khoăn, buồn bã, hình như đang cố tìm ra chút sắc tím mơ hồ ngay trong vóc dáng nhẫn nại, lặng thầm của thiếu phụ thân thuộc mà khi quay lưng, đăm đăm nhìn vòm lá, bỗng trở thành lạ xa…
Tứ thơ kì diệu của Tago đâu đó lại trở về với “đôi mắt băn khoăn buồn…như trăng kia muốn vào sâu biển cả…”, và tất nhiên, biển cả luôn sâu thẳm, bí ẩn vô bờ…!
Và đúng hẹn, đường Hà Nội tháng Năm cứ mênh mang sắc tím bằng lăng, bạt ngàn sắc nhớ bằng lăng… những người đang sống ở Hà Nội bỗng như được nhắc về một niềm yêu, một nỗi nhớ, dẫu muộn màng vẫn ngả nghiêng lay lắt!
Bằng lăng thành thơ, thành nhạc, thành tiếng lòng để con người tự chiều mình giây lát, bứt khỏi dòng đời thường nhật, buông cho kí ức trôi chảy về chốn xa, nơi có một dòng sông xưa cũ, một hàng cây bình yên, một ánh mắt buồn vời vợi… Và trong sự hoà điệu miên man của sắc tím, ai cũng ngỡ mình chung nỗi thủy chung với cả cỏ cây!
Nhưng sắc tím tháng Năm xôn xao trong gió đầu mùa khiến tôi cứ tin trong số đó, ít nhất cũng sẽ có một vài hoài niệm được nhắc bởi bằng lăng, hoài niệm đã cẩn thận đóng gói, niêm phong, đóng hộp và khóa trái, chìa khóa vứt rơi xuống dòng sông sâu hút, bằng lặng của đời!
Cũng bởi đã trót mặc định ý nghĩa thăm thẳm ngọt ngào của sự thủy chung cho bằng lăng sắc tím nên có một sự thật về bằng lăng, ai cũng thấu, cũng biết, cũng nhìn thấy, mà ít ai nỡ nói ra!
Chỉ có bằng lăng không biết giấu che
Trong thực tế, hình như không có loài hoa nào phai sắc nhạt màu nhanh như bằng lăng, chưa tròn sắc tím phút giao mùa buổi sáng, khi chiều về, vòm bằng lăng đã bợt bạt màu phai! Nhưng giá mà phai nhạt đi kèm với úa tàn thì đời sẽ chỉ ngậm ngùi cho một sắc tím mong manh, trớ trêu nhất là bằng lăng không chịu úa tàn, cứ bền bỉ phơi sự nhạt phai giữa trời giữa đất, như nhắc những tiếng lòng xao xác nhanh tỉnh táo để trở về với nhịp đập đều đều, buồn tẻ đời thường!
Hoa phù dung sớm nở tối tàn nhưng khéo giấu sự đổi thay vào héo úa! Sao Kim (ngôi sao được coi là biểu tượng của Venus, thần Sắc đẹp và Tình yêu) dù tự tách Hôm Mai, vẫn biết giấu sự vô thường vào đêm, vào cái vời vợi của Đông Tây giữa thẳm sâu vũ trụ! Chỉ có bằng lăng không biết giấu che, không cần giấu che, tím ngắt đấy, rồi nhạt phai ngay đấy, vô tư và vô tâm, hồn nhiên như cái lý bình dị của đất trời, cái lý mà ai cũng hiểu nhưng trái tim khi đắm say lại âm thầm chối bỏ!
Cho nên cứ tới mùa tím của bằng lăng là lòng người lại xao xác, nhớ một lần lâu lắm rồi,
“tôi đi dọc lại con đường ấy
vòm cây phơi đầy hoa
sắc tím thủy chung hoang phí giữa đất trời
sao trong cuộc đời, tình yêu sớm hoang tàn, phai nhạt?”…
Giờ ngẫm lại, thấy xót thương cho nỗi buồn ngơ ngác của một cô gái còn quá trẻ, quá dại khờ, một mực tin vào sắc tím, vào tình yêu và những lời nồng nàn chung thủy…
Thực tế, những dòng sông chưa bao giờ ngưng trôi chảy nên có ai yêu tới hai lần trên một dòng sông; những hương sắc chưa bao giờ ngưng nhạt phai, chỉ là hầu hết các loài hoa đều khéo giấu nhạt phai vào úa rụng; những bãi bể nương dâu chưa bao giờ ngưng biến cải, chỉ là đời người chưa đủ dài để thấu nhận…
Cho nên những tâm hồn trong veo chẳng thể nhận ra thành ngữ “đầu bạc răng long” chỉ là ước lệ; cho nên nhiều trò cũ vẫn trở về, ngơ ngác: Cô ơi, sao họ từng đắm say là thế, nguyện thề khảng khái là thế, từng sông có thể cạn, đá có thể mòn… là thế mà bây giờ, sông chưa cạn, đá chưa mòn mà lòng người như bằng lăng đã bạc? Có phải họ dối trá, đảo điên, lừa mị…?
Đành cho các em ngắm lại những bức ảnh đã chụp sắc bằng lăng sau khắc rộ nở vài ngày, rồi ngậm ngùi nhắn nhủ: trừ những kẻ vô lại dối trá, còn hầu hết họ thành thực em ơi, họ thành thực khi yêu, thành thực khi khẳng định đắm say, và họ cũng thành thực khi không thể gượng gạo dối lừa, không thể gói hững hờ nhạt nhẽo vào giấy mỏng nồng nàn, bởi trên đời này, có thể giấu đi sâu đậm nhưng không ai giấu nổi nhạt nhẽo, hững hờ – cái nhạt như nước, luôn tìm được lối đi để tràn trào sau những bao gói; cái nhạt như lửa, luôn đốt cháy mọi manh giấy giấu che…!
Tất cả chỉ luôn hiện hữu chân thực trong khoảnh khắc, qua khoảnh khắc ấy, là tàn, là nguội, là nhạt phai… Và những vòm bằng lăng phai trắng dọc phố phường, bên cửa sổ, cạnh hiên nhà… đã bình thản minh chứng cho qui luật bất biến của cả trời đất và lòng người.
Bởi bằng lăng luôn phai màu ngay khi chưa kịp tím một tháng Năm nên hãy yêu bằng lăng đến độ, hãy nhắm nghiền mắt để cảm nhận sự ngọt ngào khi vòm hoa tím còn đậm còn tươi, đừng bận tâm những ánh mắt tò mò, đừng lo sợ thực tại nhạt phai khi mở mắt. Và hãy ngắm bằng lăng cả khi tím khi phai đề hiểu mọi hiện hữu chân thực đến đâu cũng chỉ trong khoảnh khắc, để tự nhắc mình:
“Lửa đã tắt rồi, em đừng cố thổi nhen
Đừng khờ dại lấy những lời xa cũ
Làm cây sào cắm bến, đợi chờ xưa
Đến cả trời cũng nay nắng mai mưa…”!