Năm nay mùa nước nổi ở miền Tây về muộn và thấp hơn mọi năm. Người đánh bắt thủy sản tự nhiên buồn so bởi giảm sút sản lượng. Nước kém thì cá tôm, cua ốc cũng kém. Nhưng nghề nuôi vịt chạy đồng thì nhẩn nha mà thu nhập khấm khá hơn đôi chút, bù lại những nhọc nhằn của một nghề cơ cực.

Năm nay mùa nước nổi ở miền Tây về muộn và thấp hơn mọi năm. Người đánh bắt thủy sản tự nhiên buồn so bởi giảm sút sản lượng. Nước kém thì cá tôm, cua ốc cũng kém. Nhưng nghề nuôi vịt chạy đồng thì nhẩn nha mà thu nhập khấm khá hơn đôi chút, bù lại những nhọc nhằn của một nghề cơ cực.

Đồng đất miền Tây mênh mông, bát ngát, cho dù là làm nông nghiệp nhưng người dân nơi đây cũng “chơi lớn” hơn những vùng miền khác. Thông thường chủ đàn bắt giống từ năm đến bảy ngàn vịt con, thậm chí có những đàn lên đến hàng vạn con.

Người nuôi phải đặt “bằng khoán” trong ngân hàng để lấy vốn làm ăn. Khi vịt còn nhỏ, chỉ cần một khúc sông gần nhà cũng có thể úm, gột. Lúc này chúng ăn thức ăn chế biến sẵn và cần được chích các loại thuốc ngừa.

Nhưng khi vịt bắt đầu ăn lúa, chuẩn bị đẻ trứng thì nhất định phải được chăn thả. Người nông dân lấy công làm lời, tận dụng những hạt thóc còn sót lại trên ruộng lúa vừa mới gặt, những ngọn lúa chét, những sâu bọ, ếch nhái, đặc biệt là trứng và con ốc bưu vàng đầy rẫy trên cánh đồng để vịt đẻ trứng vừa sai, vừa to đều, tròng đỏ thật đậm, thật bùi, thật ngậy.

Thường vịt nuôi được bốn tháng tuổi thì bắt đầu “rớt hột”. Ngoài công chăm sóc cho vịt đạt đầu con, vừa đều, vừa khỏe, người chủ đàn giỏi còn biết chọn mua những cánh đồng màu mỡ để cho vịt kiếm mồi.

Có lẽ những ai từng ăn ăn bụi, ở đồng thì mới thấm thía nỗi vất vả của những người chăn vịt. Anh Sáu Lên quê ở tỉnh Đồng Tháp sang đất Long An làm nghề hơn hai chục năm. Đến mùa chạy đồng, vợ chồng anh phải mướn thêm hai người nữa mới đủ công chăn thả. Mỗi lần di chuyển từ đồng này sang đồng khác, tuỳ từng vùng, có khi mướn xe cũng có khi mướn ghe của những người làm nghề dời đàn chuyên nghiệp.

Chọn một gò đất thật cao, anh Sáu Lên đăng lưới xung quanh để làm chỗ nhốt vịt. Gần ngay bên đó là căn chòi dựng tạm bằng tấm mủ cao su vừa là chỗ nấu nướng vừa là chỗ nghỉ ngơi dã chiến cho cả chủ và người làm công. Từ sáng sớm tinh mơ, ba người đàn ông đã phất cờ đuôi nheo dẫn đoàn quân hơn sáu ngàn tinh binh ra đồng bắt đầu một ngày săn mồi, nhặt lúa. Chị Sáu ở nhà đợi xe tới đếm trứng và lo việc cơm nước, trưa mang ra đồng. Ba người đàn ông đứng canh ở ba góc ruộng để đảm bảo cho bầy vịt quần đi quần lại, không để sót một hạt lúa hay con mồi nào. Cả một ngày trời, họ chỉ được chụm lại với nhau một lần vào bữa cơm trưa. Cực nhất là những khi trời đổ mưa. Mưa càng lớn thì vịt càng ham mồi, chạy càng nhanh.

Giữa đồng không mông quạnh, người như bù nhìn, chỉ còn cách mặc áo mưa, đứng mà chịu trận, chờ cho cơn mưa qua đi. Nhưng cũng có những lúc thấy vui khi gặp một vài chú cá mừng nước nằm phơi trên bờ, con ếch, con rắn chung vào hang cạn, dễ dàng bắt được. Ấy sẽ là mồi nhậu lai rai trong bữa cơm chiều, đủ trớn rao lên vài câu vọng cổ.

Hơn mười hai giờ đêm, anh Sáu bắt đầu trải rơm làm ổ cho vịt đẻ trứng. Như đã thành quen, vịt thay nhau vào ổ đẻ đều đều cho đến khoảng ba giờ sáng thì ngưng hẳn. Người nuôi đã điều chỉnh đồng hồ sinh học của cả đàn theo một giờ nhất định. Chỉ những con nào “đoảng” lắm mới không vào đẻ trong ổ hay sáng hôm sau đẻ lang ngoài bờ ruộng. Trứng vịt được đẻ trên rơm sạch trắng hồng, ấm nóng. Lúc này người có kinh nghiệm chỉ cần lấy đèn pin soi ngược là biết quả nào có cồ, quả nào không để phân loại thành hột vịt lộn, hột vịt lạc cung cấp ra thị trường.

Từ lâu, nuôi vịt chạy đồng đã trở thành một nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình. Không đơn thuần là để kiếm kế sinh nhai, nó còn là một nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bất chợt, vài ba vị khách ghé thăm chòi canh vịt trong chiều muộn, không kể thân sơ, sang hèn, chủ bầy vịt chẳng ngại ngần gì đi mần ngay một chú vịt trống, luộc chục hột lộn, chấm muối tiêu chanh. Bên ly rượu đế, họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi bàn chuyện mần ăn. Để rồi họ cùng nhau vượt qua những thăng trầm, vất vả của nghề làm nông, một ngày hai buổi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tuy vất vả, lấm lem bùn đất nhưng tâm hồn thanh thản, sáng trong.

Hình ảnh: Cao Kỳ Nhân