Ô rô
Đó là loại quả kì lạ nhất trong rừng mà tôi được hái được ăn từ khi bắt đầu biết theo bố mẹ lên nương.
V ào độ cuối tháng tư là mùa vun gốc ngô làm cỏ lúa. Đó cũng là lúc đói nhất trong năm. Những bao thóc đã cạn, buổi sáng chẳng còn thấy bố giã gạo thập thình dưới gầm sàn. Nhà chỉ còn lưng bao ngô cất ở góc bếp. Mẹ dậy chất lửa rang ngô để cả nhà lấy cái lót dạ, đợi bố lên nương đào mài, ngóng mẹ ra suối xúc cá hi vọng trưa và tối có bữa no.
Nhưng rồi ngô cũng hết. Chẳng còn gì ăn sáng nhưng mẹ vẫn dậy sớm để đốt cho bếp cháy thật to. Gạo thì thiếu nhưng củi lúc nào cũng nhiều. Mẹ bảo dù chẳng có gì để đun nấu nhưng buổi sáng là khởi đầu một ngày nên không được để cho bếp được lạnh. Khi dựng bếp, người ta phải làm cái khung gỗ vuông để làm nơi đun nấu đầu tiên.
Mỗi cái bếp có một ma bếp giữ lửa. Người có đói đến đâu cũng không được để ma bếp đói. Lửa ấm sẽ quên đi cái bụng đang cồn cào.
Nhóm bếp lửa còn để cho ông bà nội nhìn sang không nghĩ cháu mình phải nhịn đói đi học, ông bà ngoại nhìn đến không nghĩ con mình phải nhịn ăn đi làm. Nhiều khi mẹ còn nhặt vỏ củ sắn hay nhúm một nhúm cám gạo thả vào bếp lửa cho dậy mùi no…
Chính vào lúc đói nhất ấy thì cây ô rô ra quả. Ngày ấy, cây ô rô mọc bạt ngàn khắp những ngọn đồi đá, cạnh bờ nương hay trên cả lối đi. Buổi chiều từ nương về, mẹ ghé vào một cây sai trĩu, loáng cái đã tuốt được một ếp đầy. Ô rô ra quả thành từng chùm, bám dọc cành. Mẹ hứng cái ếp phía dưới, một tay tuốt quả phía trên, quả cứ thế rơi lộp độp vào ếp.
Nhưng để có được nồi ô rô luộc cho cả nhà no bụng thì mẹ luôn phải chịu đau, thậm chí chảy máu. Lá ô rô giống như lá chè rừng, nhưng dọc mỗi cái lá là những chiếc gai sắc nhọn chĩa ra như răng cưa. Dù khéo léo đến đâu thì cũng phải vài lần bị những chiếc gai nhọn hoắt đâm thủng tay.
Quả ô rô lấy về đem luộc kỹ. Khi thấy cái vung bị đẩy kênh, từ trong nồi, một làn khói đặc quánh trào lên thơm ngậy thì mẹ bắc nồi ra, đổ vào cái rổ để bên cạnh. Múc một gáo nước lạnh tưới đều cho nguội.
Bây giờ thì anh em tôi mỗi đứa nhón lấy một quả, bóc nhẹ lớp vỏ đã chín nhừ để lộ ra cái hạt ô rô tròn xoe xanh sậm. Bỏ vào mồm, chòm chèm nhai. Nhai thật chậm thật nhẹ để thấy hết cái vị ngọt ngậy, vị bùi và thơm như mùi xôi nếp mới. Rồi thì nhúm vài quả một, bóc vội, nhồm nhoàm để khỏa lấp đi cái đói đang cồn xéo.
Khi ăn quả ô rô, có một điều kiêng kị. Ấy là dù có ngon có bùi đến đâu cũng không được khen. Cứ lẳng lặng mà ăn, lẳng lặng mà nhớ. Nếu vô tình thốt lên một câu “ngon quá” thì sau đó sẽ bị đau bụng đi ngoài. Lúc này lại phải hái lá ô rô mà đun uống mới chữa khỏi được. Lá ô rô chát và thơm như chè rừng. Người già vẫn hái về hãm uống thay chè để có nước da nhăn nheo mà vẫn hồng hào như củ sâm núi đá. Cuối tháng mười một, cái nắng bắt đầu nhạt và mỏng manh như cánh chuồn ngô ngoài nương lúa vừa gặt. Cái rét se se trườn từ thung lũng lên, bò từ đỉnh núi xuống. Buổi sáng thức dậy, sà vội vào bếp để cảm nhận được cái ấm, cái gần của mùi lửa.
Trẻ con ếp nhỏ, người lớn ếp to. Hạt rơi đầy dưới gốc, lẫn cả trong lớp lá khô. Người cẩn thận thì cần mẫn nhặt từng hạt, người vội vàng ham tiếc thì đem chổi quét cả đất cả lá đổ ào vào bao, về nhà mới đem ra suối đãi.
Hạt ô rô nhặt về cho vào bao để ở góc nhà. Buổi tối, bụng vẫn cồn cào vì bát cơm độn sắn chưa đủ no, miếng mài bở tơi chưa kịp giấu đi cái đói. Anh em tôi đem củi chất to lên. Những ánh mắt mở to bắt ánh lửa sáng như sao nhìn mẹ đợi chờ.
Mẹ đặt cái chảo lên bếp lửa. Đợi chảo nóng già, mẹ múc một bát hạt ô rô đổ vào rồi lấy đũa đảo đều. Những hạt ô rô loong coong rào rào chạy vòng tròn theo đôi đũa mẹ đảo nhìn thật thích mắt.
Khi trong chảo bắt đầu nổ những tiếng lục bục, lách tách như rang thóc, thỉnh thoảng có hạt tinh nghịch nhảy vọt cả ra ngoài, lăn trên sàn như viên bi thì mẹ bắc chảo ra, đổ hạt vào cái mẹt để sẵn bên cạnh bếp. Anh em tôi lón rón nhặt từng hạt ô rô nóng bỏng, chuyền qua chuyền lại trên hai bàn tay để cho bớt nóng rồi bỏ tỏm vào mồm, vừa lơng cơng nhai vừa phù phì thổi. Hạt ô rô rang có vị ngọt bùi như hạt mít nhưng thơm và ngậy hơn. Nhai chưa hết hạt này đã nhón ngay hạt khác, không để cho mồm được nghỉ.
Những đêm khuya, nghe gió rét thổi ù ù ngoài rừng, ngồi bên bếp lửa ấm ăn hạt ô rô rang, thấy mùa đông thật là ấm áp. Nhưng mỗi tối mẹ cũng chỉ rang cho anh em tôi một bát nhỏ. Mẹ bảo để dành đợi cuối năm đem xuống chợ huyện bán lấy tiền sắm tết và mua cho mỗi đứa một cái áo mới. Hạt ô rô rang là món cứu đói cho chúng tôi nhưng lại là đồ ăn vặt sang trọng trong lúc nhàn rỗi của người dưới phố, đặc biệt dịp tết. Bên những đĩa bánh kẹo bày ra đón khách, nếu có đĩa hạt ô rô thì thật là đặc sản. Hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương thì năm nào mùa nào cũng có, còn hạt ô rô chỉ có những năm đói hạn, mất mùa.
Có lẽ vì thế mà người trong bản tôi không ai muốn cây ô rô ra quả. Những người già thì bảo cây ô rô nó biết trước cái mùa không được, cái đói sẽ đến nên ra hoa để người biết mà ăn dè ăn giữ. Nó cho quả để người bản mình bước được qua cái đói đón đợi mùa sau.
Nhưng những người trẻ thì cho rằng tại cây ô rô ra quả nên mùa mới bỏ đi đói mới tìm về. Người già muốn giữ lại những đồi ô rô, người trẻ thì quyết phá đi để có đất trồng ngô và cái đói không còn theo quả tìm về.
Những thân ô rô hiền lành bỗng bị đốn hạ ngổn ngang, oan ức. Những ngọn đồi ô rô cứ thưa dần đi mỗi ngày. Chẳng còn thấy cây ô rô ra hoa đậu quả nhưng năm nào hạn vẫn cứ hạn, mùa vẫn bỏ đi và cái đói ngày gieo hạt vẫn réo rít cồn cào.
Thanh niên vào rừng đặt bẫy, lên nương đào củ mài, phụ nữ đem vợt ra suối xúc cá tôm để đi qua ngày đói… Người già đeo ếp lên rừng tìm kiếm hạt ô rô. Phải đi thật xa mà cả buổi cũng chỉ nhặt được lưng ếp, cất để dành đợi gần tết đem xuống chợ bán lấy tiền mua cho bọn trẻ cái áo cái quần.
Đêm đông, ngồi bên bếp lửa hồng nghe gió rét thổi ù ù ngoài rừng, chạy ràm rạp dưới sàn nhà, lại nghĩ về mẻ ô rô rang thơm bùi, bỗng nhiên chép miệng. Thấy mùa đông đi qua chẳng còn ấm áp…