P hải lâu lắm, tôi mới có dịp trở về Hà Nội vào mùa thu tháng tám. Hà Nội đón tôi bằng nắng cuối hạ sang mùa. Mẹ bảo, mấy nay dịu trời rồi con ạ. Chớm heo may nhưng cũng đủ rộ lên sắc thu .
                           Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng người thân chọn Hà Nội để an sinh và lập nghiệp nên điểm đến đầu tiên của tôi bao giờ cũng là Hà Nội mỗi khi có dịp về thăm quê hương. Người ta ví Hà Nội như cô gái tân thời, thay đổi từng ngày, quả thật không sai.

Xuyên suốt các ngả đường từ sân bay vào nội thành, những tòa cao ốc, san sát mọc lên như nấm, trước sự ngỡ ngàng của người lữ khách phương xa. Chỉ sau ba năm tôi quay trở lại, Hà Nội mở rộng hơn, những làn đường vành đai thoáng và dài như đại lộ, từ đó tiếp nối trung chuyển thêm bao nhiêu làn đường đi các ngả. Em trai tôi vừa lái xe, vừa say sưa kể về Hà Nội thay da đổi thịt một cách đầy hãnh tiến. Nào là những dự án của các tập đoàn lớn đang đầu tư vào Hà Nội, nào là doanh nghiệp trong nước đấu thầu, v.v… Thi thoảng cậu đưa tay chỉ dẫn về phía những khu đô thị mới. Những hạ tầng cơ sở hiện đại khép kín trong một quần thể, đang được quy hoạch trong nay mai. Hà Nội phủ đường vành đai bằng những hàng cây xanh mướt.

Em trai tôi nói còn có con đường được trồng toàn hoa ban Tây Bắc, mùa hoa ban bung nở khiến cho phố phường Hà Nội mang hơi thở mới, đẹp lạ thường. Bầu trời xanh dịu mát, hay tiết trời vào thu lâng lâng, dìu ánh mắt tôi lướt qua các khu phố huyên náo sầm uất hai bên đường. Hà Nội đã thực sự hồi sinh sau dịch bệnh Covid -19.

    Tôi trở về lâng lâng tiếng sóng sông Hồng hát, ướm hồn trong chiều gió nổi, hong sắc màu phố thị. Chiều tàn ánh dương, những đường phố mới lộng lẫy ánh đèn, rộn rã đêm trăng Rằm tháng tám. Tôi yêu cơn mưa đến bất chợt, ẩn thêm nét trầm mặc khảm lên 36 phố phường Hà Nội. Màu thời gian như nhắc nhở rằng kim cổ giao thoa là tiếp nối nhân văn để chúng ta trân quý. Tôi đã chạm vào màu thời gian mỗi khi về lại. Lần nào cũng vậy, tôi trèo lên tầng trên cùng, nơi bày những quyển sách quý từ thập niên 90, 80. Vô tình tôi biết tiệm sách cũ này, sau những lần lang thang cùng đám bạn. Người bán hàng là đồng niên, chúng tôi cùng sở thích yêu tiểu thuyết và văn học nước ngoài.

    Thế hệ chúng tôi vùi thời gian vào chữ trên báo giấy và làm bạn với những quyển sách hay, đâu có nhiều sự giải trí công nghệ hiện đại như tụi trẻ bây giờ. Anh kể, mẹ anh là người Hà Nội gốc, cũng là người yêu chữ và truyền cảm hứng cho anh. Bà là giáo viên dạy văn, luôn gìn giữ, trân quý những quyển sách cũ, anh tiếp quản và duy trì hiệu sách này như nỗi nhớ về người mẹ quá cố. Người Hà Nội có nét văn hóa tinh tế, biết cảm nhận hưởng thụ cuộc sống từ nghệ thuật đến ẩm thực. Và những con người từ mọi miền đổ về cũng đều lẫn vào nền văn hóa chung của Hà Nội. Hội tụ tất cả tinh hoa để tạo nên một Hà Nội tự hào. Phải chăng người gốc Hà Nội thường chọn cách sống chậm, có chút bạc nhược hưởng thụ, nên chừa đất diễn cho người tứ chiếng? Từ ngày vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, người Hà Nội đã giao thoa giữa thanh lịch và hưởng thụ trong các tầng lớp văn hóa kinh kỳ. Dù thế nào, tất cả đều làm nên một Hà Nội Văn Hiến.

    Hà Nội luếnh loang cơn mưa thu đầy cảm xúc. Dường như thu đã. Phố tan tầm, người tỏa ra các ngả đường, mùi xăng khét nghẹn nghẹt, mùi khói vẩn trong nắng nhạt cuối ngày. Khi mẹt ổi chín, mẹt quả thị thơm của những con người mưu sinh rong ruổi khắp ngõ ngách góc phố Hà Nội là chạm thu. Hàng sấu già im lìm nuối tiếc hạ hay gốc già tiếc những quả sấu chín vàng rụng rơi. Vị sấu làm cho tôi nhớ đến bát nước rau muống mẹ dầm hôm qua. Phố tấp nập những gương mặt phố, những gương mặt người, những gương mặt cười.

     Tôi dừng chân thật lâu bên gian hàng ở phố Hàng Mã, cơ man đồ thủ công, những bộ quần áo giấy, tiền vàng mũ nón dành cho tâm linh. Những chiếc đầu lân, đầu sư tử uy nghi, đủ loại kích cỡ nhuộm màu sắc sặc sỡ như tô thêm vào bảng màu mùa thu Hà Nội. Những chiếc mặt nạ cười làm tôi liên tưởng đến sự mật thiết giữa năng lượng và tâm linh trong giáo lý nhà Phật, cũng như khoa học giải thích rất rõ nét về luật hấp dẫn của vũ trụ.

     Chẳng phải con người sống và tồn tại đều phải dùng nụ cười để đối lưu năng lượng làm đầy cho nhau đấy thôi. Bất luận sang hèn thì nụ cười là khởi nguồn câu chuyện, chỉ cần có nụ cười thật tâm, sẽ xoa dịu được nỗi thống khổ của người khác. “Cô ơi, mua giúp cho bà nốt ít cốm tươi!” – Tiếng bà cụ kéo tôi về thực tại, ánh trên làn da đồi mồi sạm nắng nụ cười thân thiện ấm lòng Tôi đã gặp nụ cười của Hà Nội dung dưỡng và bao dung bao nhiêu thế hệ con người từ khắp nơi đổ về lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Nụ cười từ anh xe ôm niềm nở đón khách, chị lao công hài lòng với số phận, của cậu bé đánh giày tươi rói trên hè phố cổ. Ám ảnh se lòng tôi là nụ cười của người lính già về hưu, ông điềm tĩnh rót chén trà bán cho khách thập phương và kể về một thời máu lửa cùng đồng đội .

     Gương mặt phố quen, gương mặt người lạ, ẩn vào những gương mặt tất bật lo toan cuối ngày khấp khởi về với tổ ấm gia đình. Người đàn bà gánh hàng rong ruổi mấy chục năm, nuôi chồng là thương binh và người con trai bị bại não bẩm sinh.Bạn tôi bảo, Hà Nội mỗi góc phố, mỗi con ngõ nhỏ đều là một câu chuyện, mỗi gánh hàng rong là một số phận. Với tôi Hà Nội là quán thanh xuân, gánh nỗi đời vươn tới hi vọng, Hà Nội tình người hơn từ những nụ cười .

     Hà Nội không vội được đâu. Hà Nội vẫn thế, vẫn đủng đỉnh như cột đèn giao thông xanh đỏ, lập lòe thế thái nhân tình. Những khuôn mặt cười và cả những khuôn mặt đầy lo âu mỏi mệt trong phức điệu cuộc đời. Những nhân sinh kẹt cứng đan nhau san sát, rồi lại giãn ra muôn hướng khi phố tan tầm. Nỗi đời cũng vậy, có khi bị bế tắc chính là để khai thông cho một tiền đề mới. Hà Nội và tôi vừa thân quen vừa xa lạ giữa trời thu tháng Tám. Quen là bởi tôi bỏ lại tất cả, để vội trở về, và lạ hơn khi chẳng kịp giã từ, tôi lại vội đi mang theo những nụ cười mới gặp . Phải rồi, ra đi là để chừa khoảng trống cho nỗi nhớ về Hà Nội. Tôi, người con xa xứ lâu năm mãi trở về trong mùa thu phố với nụ cười an yên.

Nguồn: Tạp chí Người Hà Nội