Đời người – theo nghĩa nào đó cũng như sự luân chuyển của Trời Đất: có đủ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Tôi thường nghĩ như vậy, và nếu đúng như vậy thì giờ lứa tuổi chúng tôi đang là mùa Thu của cuộc đời.
Hết Thu rồi sẽ chuyển sang Đông với những tháng ngày dài lạnh lẽo… Chỉ nghĩ đến thôi đã cũng có nhiều người cảm thấy bất an và buồn bã cho đoạn cuối một đời người. Tôi thì không thế, tôi đang tận hưởng một mùa Thu thật đẹp và đón chờ những ngày Đông an bình, thanh thản.
Tôi yêu mùa Đông của Đất Trời vì đã trải qua biết bao mùa Đông trong đời mình với những kỷ niệm ngọt ngào có, cay đắng có…mà không gì làm mình gục ngã được thì há chi phải lo sợ khi thời gian khắc nghiệt nhất của tuổi tác sẽ đến với bất kỳ ai. Giờ ngồi hồi tưởng lại những mùa Đông xa lắc xa lơ của quá khứ, tôi thường mỉm cười vì những điều ký ức mang lại đều rất đáng yêu, đáng trân trọng mà không ảm đạm thê lương đến nỗi nhiều lần phải phát khóc như ngày xưa…
Mùa Đông đầu tiên tôi nhớ được là những ngày Tết giá rét năm tôi học lớp Vỡ lòng. Ngày ấy những chiếc áo len, khăn len quả đúng là “hàng xa xỉ phẩm”. Con nhà nghèo như chúng tôi mùa rét thường được mặc áo bông chần mua ở cửa hàng bách hóa. Áo bông nếu còn lành lặn thì mặc ra ngoài cùng còn các lớp áo bên trong là các áo vải cũ, rách “độn” thêm cho ấm.
Có một loại áo hồi đó ở quê tôi gọi là “áo vệ sinh” – chẳng hiểu sao lại có từ “vệ sinh”, chỉ biết áo được dệt bằng sợi, dạng như áo thun thể thao bây giờ nhưng dày mặc vào chống rét rất tốt, mặt trái của áo thường đổ lông và dùng rất mau bị dãn vì sợi không đàn hồi và xốp như len. Áo len chỉ con nhà giàu mới có. Cô tôi hồi đó làm thêm bằng nghề đan áo len, thỉnh thoảng còn chút len thừa cô gom góp lại rồi nghĩ cách phối màu đan cho đứa em bé nhất nhà tôi một chiếc áo nhỏ xíu nhiều màu sắc trông rất vui mắt.
Sở dĩ nói nhiều về chuyện áo len như vậy vì tôi nhớ suốt cả những năm còn nhỏ, tôi luôn ao ước có một chiếc áo len màu xanh lam, hay thậm chí một chiếc khăn len ấm áp quàng quanh cổ và mặt “vênh lên” tự hào như mấy đứa con nhà buôn bán. Bố mẹ tôi thường giải thích cho chúng tôi “cái sự nghèo” là do nhà mình làm ăn tập thể theo đúng chính sách của Nhà nước chứ không “buôn bán phe phẩy” như những nhà giàu kia.
Nghĩ lại cũng thật buồn cười, sao lại có thời người dân mình tự hào với sự nghèo khó đến thế! Bố tôi còn bảo: các con bây giờ sướng có áo bông, chăn bông chứ hồi bố còn nhỏ chỉ vài manh áo mỏng và đắp chiếu cũng qua hết mùa Đông. Nhà nghèo, con đông, đồng lương hạn hẹp, bố mẹ tôi phải “giật gấu vá vai” quanh năm tính toán bươn trải lo cho sự ăn mặc học hành của đàn con mà quên cả bản thân mình.
Năm đó, cả nhà đi chơi Tết trên một chiếc xe đạp. Bố làm “ông xe thồ”, mẹ đi bộ bên cạnh, ba đứa em trên pooc-ba-ga và bám víu hai bên thành xe, tôi đã 6 tuổi chạy lon ton lúc trước lúc sau cả nhà. Bỗng tôi nhìn thấy một chiếc khăn len màu xanh ai đánh rơi bên lề đường. Reo lên sung sướng, tôi chạy vội lại nhặt và quàng lên cổ. Lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc khăn mềm mại, ấp áp tôi thích mê, tưởng như mình được bà Tiên ban tặng. Nào ngờ, bố gọi tôi lại và bảo: “Chiếc khăn len chắc của bạn nào đó mải chơi nên đánh rơi, con không được dùng của người khác mà phải tìm cách trả lại cho người mất”.
Tôi cãi: “Cơ mà ở chỗ này giờ đâu có ai, biết ai đánh rơi mà trả lại, con thích chiếc khăn này!”. Bố tôi nghiêm giọng: “Không có ai ở đây thì con mang đến đồn công an nhờ các chú trả lại cho người đánh rơi”, nói rồi ông để mẹ tôi và 3 em đứng chờ, dẫn tôi đến đồn công an gần đó để trả lại chiếc khăn. Tôi thích chiếc khăn lắm nhưng không thể không vâng lời bố.
Ngày hôm sau, trong mục “điểm tin người tốt việc tốt” của Đài phát thanh thành phố Vinh, tên tôi được đọc lên tuyên dương một hành động tốt của thiếu nhi làm theo lời Bác “thật thà, dũng cảm”, các bác các chú trong cơ quan bố tôi cứ xuýt xoa mãi, bố tôi vui lắm. Còn tôi vẫn thấy ấm ức và tiếc chiếc khăn len màu xanh – mơ ước bấy lâu của tôi đã cầm trên tay mà chả được dùng nên chẳng thấy vui gì cả.
Sau này lớn lên tôi vẫn có ý thích sưu tầm khăn và đã có hàng chục chiếc khăn đủ màu sắc, nhưng có lẽ chẳng bao giờ tìm lại được cái cảm giác mềm mại, mịn màng, ấm áp đến lịm người như lần đầu tiên được quàng chiếc khăn len của ai đánh rơi mùa Đông năm ấy. Và bài học được bố dạy khi còn học vỡ lòng “không bao giờ lấy thứ gì không phải của mình” đã làm hành trang theo tôi cho đến tận bây giờ.
Có một mùa Đông (cuối 1971 đầu 1972) mẹ tôi sinh em thứ 6. Mấy tháng trước đó nhà đã chẳng có gì ăn, chị em tôi thay nhau ra đồng cất tép về nấu với dưa cải mậu dịch bán. Gió Đông hun hút thổi lạnh thấu xương mà mới sáng sớm mấy chị em đã mang “rớ” ra đồng. Thời gian này ông nội tôi còn sống, ông bị bệnh hen suyễn nặng và thường lên cơn vào mùa lạnh. Mỗi buổi sáng rón rén dậy nhóm bếp đun nước sôi cho ông uống trà, tôi thường xót xa nhìn ông nằm tùm hum úp mặt vào cái gối, nhổm mông và chân lên thở khò khè mệt nhọc. Bữa cơm cho người già cũng chỉ có món dưa cải nấu với tép.
Có lẽ suốt đời tôi sẽ không quên cái vị mặn của những cây dưa cải mua trong của hàng mậu dịch ấy. Chúng mặn đến nỗi mẹ tôi phải rửa đi rửa lại rồi ngâm trong nước lã sau đó nấu canh vẫn không cần cho mắm muối. “Trường ca” canh dưa cải nấu tép đồng như chị em tôi thường nói đùa được kéo suốt mùa Đông năm ấy. Tết gần đến mà bố mẹ tôi cũng không tìm ra khoản tiền nào để may cho mỗi đưa con một bộ đồ mới như mọi năm. Bố tôi đi ra đi vào thở dài não ruột, mẹ tôi nằm ôm em bé cứ than vãn giá mà không sinh em đúng vào dịp này sẽ cố gắng chạy chợ kiếm thêm để lo tết nhất cho gia đình.
Thế rồi bố tôi có “sáng kiến” mua thuốc nhuộm về nhuộm lại những bộ đồ cũ để Tết các con mặc trông cũng “tươm tất” như đồ mới. Hình ảnh bố tôi ngồi bên bếp lửa nấu cái nồi thuốc nhuộm nghi ngút hơi, tỷ mẩn đảo, trở liên tục để thuốc ngấm đều vào quần áo cứ đọng mãi trong tâm trí tôi, đến tận bây giờ hình dung lại còn ứa nước mắt thương cuộc đời cực nhọc vất vả của bố. “Họa vô đơn chí”, mồng một Tết năm đó em bé mẹ mới sinh bị viêm phổi phải cấp cứu ở bệnh viện thành phố.
Bố tôi gầy gò đạp xe đi lại như con thoi thứ thì chăm ông nội và lo cho đàn con ở nhà, thứ thì lo cơm nước, phụ mẹ trông em bé trong bệnh viện. Hồi đó mới học lớp 7 mà tôi đã…”già như bà cụ” (lời bạn bè tôi) vì phải cùng bố mẹ gánh bao nỗi lo toan của cảnh nhà nghèo. Mùa hè thì đơn giản, có thể đi mót khoai, mót lúa, ăn uống qua loa, tụi em trai toàn đánh trần trùng trục trên người mỗi cái quần đùi nên cũng đỡ tốn.
Mùa Đông rét mướt, phải có củi nhiều để sưởi, phải mặc đồ ấm, ăn uống cũng phải tử tế hơn để chống chọi với cái lạnh. Mười bốn tuổi đầu tôi đã phải biết thu vén, tính toán, dành dụm từng mẩu củi, lon gạo để cùng bố mẹ lo cho đàn em đông đúc hỏi sao mà không già “như bà cụ”? Khi các bạn cùng trang lứa đi chơi thì tôi phải bế em, kiếm củi, giặt giũ…Nghỉ hè phải kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Nhiều khi tôi hay nói đùa “Hình như mình không có tuổi thơ!”.
Hè năm lớp 9 tôi quen một người bạn sinh viên Nhạc viện Hà nội về nghỉ hè ở Vinh. Tuổi 16 với những rung động đầu đời thật trong trẻo và đáng nhớ. Hết ba tháng nghỉ hè bạn ấy trở ra Hà Nội học, chúng tôi chia tay thật lưu luyến bịn rịn và suốt cả mùa Đông năm ấy tôi cứ chờ mãi lá thư bạn ấy hứa viết cho tôi khi ra tới trường. Lá thư không bao giờ đến vì một cô bạn lớp E đã lấy cắp nó và “thủ tiêu” cho bõ ghét cái con nhỏ lớp chuyên văn gầy gò xấu xí hơn cô ta lại được anh bạn Nhạc viện cảm tình.
Mùa Đông ấy rất dài và buồn vì tôi hay nghĩ về bạn ấy, nghĩ về niềm tin và tình cảm của mình bị vùi dập, đùa giỡn…Nước mắt của một cô bé 16 tuổi sao mà nhiều thế! Rồi những suy nghĩ vu vơ, buồn chán cứ kéo dài mãi trong những ngày Đông giá rét. May sao những bận rộn của bài vở năm cuối cấp và những kỳ thi học sinh giỏi mà mình là niềm kỳ vọng của lớp đã cuốn hút tôi, làm tôi cũng tạm quên đi nỗi buồn của mình mà lao vào học tập.
Hồi đó ở thành phố tôi mọi người có phong trào mặc áo “đại cán” vào mùa Đông. Áo “Đại cán” may bằng vải kaki màu cỏ úa (hình như đó là loại áo dùng cho cán bộ trong quân đội nên gọi là “đại cán”). Tôi cũng được mẹ may cho một chiếc để mặc giống bốn cô bạn trong nhóm bạn thân ở lớp. Mặc áo “đại cán” rất tiện vì áo rộng mặc phủ ra ngoài còn bên trong có thể mặc đủ các loại như áo len, áo mút, áo sợi, áo sơ-mi…thậm chí là áo rách, áo cũ cũng chẳng ai biết. “Mốt” năm ấy là quần lụa đen, áo “đại cán”, tóc tết hai đuôi sam…
Tôi nhớ hình như “bè lũ 5 tên” của chúng tôi cũng có chút…”vênh” khi có 5 cái áo giống nhau. Khi tôi được chọn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh với Hoài P.,một cô bạn xinh xắn lớp H, tôi còn đến nhà một bạn trong nhóm năn nỉ mượn cho được chiếc áo “đại cán” để hai đứa mặc giống nhau khi vào phòng thi.
Nghĩ lại những trò trẻ con ngày ấy tôi thường bật cười vì bây giờ các cháu 17 tuổi có hàng tủ quần áo với đủ các loại model, chắc kể lại chuyện đi mượn áo chúng tưởng là chuyện bịa. Nhất là khi các cháu nghe kể rằng chỉ có một chiếc áo lạnh mặc suốt mùa Đông nên những ngày có nắng phải tranh thủ giặt, nếu không khô phải hơ sấy trên bếp than để kịp mặc vào hôm sau.
Những mùa Đông khi tôi học đại học ở Hà Nội cũng là những mùa Đông đáng nhớ. Năm đầu tiên, tôi và Tâm – cô bạn người Thiên Chúa giáo đi dự lễ Giáng sinh ở Nhà thờ lớn. Người đông nườm nượp, chen chúc đến ngạt thở, hai con bé “nhà quê” vào nhầm cửa giành cho nam bị tụi du côn co kéo chộp giật hoảng hồn la oai oái và chạy thục mạng. Trên đường về trường, đêm đã khuya, đường vắng và lạnh, hai đứa đạp xe ngược gió bụng đói meo, vét tiền trong túi đủ mua hai quả trướng vịt lộn.
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi ăn trứng vịt lộn. Đói quá, nhắm mắt nhắm mũi nuốt cố quên đi cái cảm giác nhờn nhợn của con vịt con đã có lông nằm trong quả trứng. Hà Nội mùa Đông rét hơn trong quê tôi, nhiều đêm nằm trở trăn mãi không thể ngủ được trên chiếc giường sắt lạnh lẽo ở ký túc xá. Sau này tụi con gái chúng tôi thường ngủ chung 2 đứa một giường, một chiếc chăn trải ra làm nệm, một chiếc để đắp nên đỡ lạnh và ngủ ngon hơn.
Ớn nhất trong mùa Đông là việc đi lấy nước và rửa bát. Cả trường ĐH Ngoại ngữ mà chỉ có khoảng vài ba cái vòi nước chảy bé tý như chiếc đũa. Sinh viên lấy nước xếp hàng dài với xô chậu lỉnh kỉnh. Ai muốn giặt giũ hoặc lấy nước nhanh thường phải ra vòi nước vào ban đêm. Mùa Đông, gió bấc hun hút thổi, nhiều bữa mưa phùn rét thấu xương mà vẫn phải xếp hàng lấy nước.
Lấy được nước rồi lại còn cảnh xếp hàng vào nhà tắm. Nhà tắm với những cánh cửa bằng cót thủng lỗ chỗ, đã tắm bằng nước lạnh lại còn “được” thưởng thức những cơn gió lạnh lùa vào, không hiểu vì Trời thương hay sao mà lũ sinh viên không bị ốm, nhiều đứa vào trường mấy tháng lại mập lên mới kỳ chứ!
Có lẽ một trong những lý do mà tôi chọn phương Nam làm nơi lập nghiệp là vì quá sợ cái lạnh của miền Bắc cho dù bây giờ nhiều khi lại thấy nhớ và thèm trở lại để được hưởng cái cảm giác mùa Đông ngoài đó. Mùa Đông 1980 khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi đến Đà Lạt.
Những ngày Đông ở xứ sở sương mù với những con đường quanh co dốc núi, ánh đèn hiu hắt trong những quán café nhạc tiền chiến mang đến cho tôi những cảm giác thật đặc biệt. Tôi yêu thành phố lạnh phương Nam này, nơi có người chị kết nghĩa nặng ân tình, nơi có anh chàng giáo viên dạy nghề đẹp trai, lãng tử cảm mến tôi tha thiết, yêu tiếng thông reo, yêu cảnh sắc miền cao nguyên quyến rũ nhưng vẫn tự nhủ lòng phải về nơi nắng ấm để chọn làm quê hương thứ hai của mình thôi…
Và thành phố biển yêu dấu này đã gắn bó với tôi hơn nửa đời người với trời xanh, với gió lộng và sóng biển dạt dào. Nơi đây, thỉnh thoảng mùa Đông cũng ghé qua như chỉ để điểm xuyết chút cảm giác ngọt ngào cho phương trời nắng gió. Sáng nào ngủ dậy, thấy trời se se lạnh, thành phố rực rỡ với những tà áo khoác mỏng của người chạy xe trên đường là lòng mình cũng rưng rưng xúc động, thấy như chút gì của quê hương miền Bắc đã theo người vào đây.
Noel năm 1983 khi tôi vừa kết hôn, hai vợ chồng rủ nhau đi xem lễ Giáng sinh ở Nhà thờ trung tâm thành phố. Trời đêm hơi se lạnh, chồng tôi nhắc tôi mang theo chiếc áo len mỏng. Mải chen chúc, nhòm ngó, chiếc áo len vắt ở tay rơi lúc nào không biết. (Dấu hiệu đầu tiên để “ông chồng kỹ tính” biết bà xã mình rất “đoảng” trong việc giữ đồ và từ đó có gì quý trong nhà tôi không phải là người cất giữ!).
Những năm đầu ở Vũng Tàu, gia đình tôi hay về phép vào dịp cuối năm. Mặc dù cũng sắm sanh đồ lạnh đầy đủ nhưng cứ ra đến miền Bắc là các con tôi “sụt sịt”, hai má đỏ au vì nẻ, chân tay lạnh cóng không dám thò vào nước. Về quê nội của các cháu vào dịp giỗ ông nội thường gặp mưa dầm nên đã lạnh lại càng buốt giá. Bởi vậy dù rất thích được trải nghiệm vài ngày lạnh mùa Đông nhưng các con tôi vẫn ngại về quê. Với những người ở lứa tuổi chúng tôi thì mùa Đông ngày nay chẳng có gì đáng sợ vì quần áo, giày tất đủ các loại ấm áp, ở thành phố còn có máy điều hòa, lò sưởi điện…những thứ mà ngày xưa nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Chúng tôi đã sống qua thời kỳ khó khăn gian khổ nhất của đất nước để bây giờ thấy trân trọng hơn những gì mình đang có. Chỉ tiếc và thương cho những người như bố tôi, cặm cụi cả một đời lo cái ăn cái mặc cho con cái mà khi mất đi mà chưa được hưởng một ngày đủ đầy và thanh thản.
Mãi mãi trong tôi còn lưu lại hình ảnh những mùa Đông lạnh lẽo, âu lo chuyện áo cơm của nhà nghèo mà ấm áp tình thương yêu của ông bà cha mẹ. Cũng không bao giờ tôi quên được những mùa Đông sinh viên ngọt ngào tình bạn hữu. Những buổi tối cùng em gái người bạn thân đội gió mưa ra đầu Ngã tư Sở mua những củ khoai luộc nóng hổi về nhấm nháp trong đêm, rồi ôm nhau ngủ trong căn nhà tràn đầy tình yêu thương của gia đình bạn dành cho đứa học trò nghèo tỉnh lẻ…tất cả cứ như một cuốn phim chầm chậm quay ngược lại trong đầu tôi mỗi dịp Đông về. Để rồi thấy mắt mình chợt ướt, lòng mình chợt chùng xuống, rưng rưng với những hồi ức của năm tháng xa vời yêu dấu.
Một mùa Đông nữa của Đất Trời đã đến, mùa Đông của đời người cũng sắp về…nhưng tôi ơi, hãy luôn mỉm cười nhé bởi dẫu ở thời khắc nào thì cuộc đời vẫn không thể trở lại những ngày khốn khó xưa kia mà chỉ đẹp hơn, tươi lên theo từng năm tháng!