T rỗi lên trong một buổi chiều những điều ám ảnh, như mưa về, như gió về, như nắng tắt, như trăng lặn, như người xa bằn bặt, như người đâu ngoảnh mặt, như những trái tím khóa chặt, nín thở thinh lặng. Buổi chiều hôn mê.

Tiếng khóc của một người đàn bà trong một đám tang xa lạ mà tôi ngang qua ở vùng Thanh Xuân, Hà Nội đã làm cõi lòng cậu học trò xa nhà nức nở. Éo le thay hơn một năm sau tôi mới biết đó là tiếng của một người đàn bà khóc thuê do tình cờ đọc một mẩu tin trên tờ Rao vặt.

Buổi chiều hôn mê ấy, thứ buổi chiều sập xoài gió mưa tháng Bảy đã găm vào trái tim tôi những hoài nghi về con người, vể thế giới này, về nước mắt và cảm xúc. Về đàn bà. Những người đàn bà khóc.

Phàm là đàn ông chắc chẳng ai dễ chịu trước tiếng khóc , nước mắt đàn bà. Nhưng cũng chỉ có nước mắt đàn bà mới đủ mặn để xem trái tim người đàn ông nhạt nhẽo đến đâu. Những giọt nước chảy ra từ nỗi niềm, từ cô đơn, từ yêu thương, từ thù hận, từ cay đắng, từ ngọt ngào, lại có một thứ uy quyền đến lạ lùng.

Một buổi chiều ở vùng nước Cẩm Phả, sau vai ai mùa Thu đã cài tóc nắng. Cậu em tôi chia tay cô người yêu để chuẩn bị lên tàu thực hiện 1 chuyến hải trình. Cô bé người yêu mà sau này là em dâu tôi ấy níu lấy tay bạn trai và những giọt mắt cứ như muốn vươn dài về phía biển. Mới thấy thế mà cậu em đã cuống quýt: Anh biết rồi, anh sai rồi, anh xin lỗi em, được không?

Nhiều năm rồi, giờ cứ mỗi khi nhớ về cậu em cùng câu chuyện buổi chiều mùa thu năm ấy, lòng tôi lại trào dâng những hoài thương sắc màu của tuổi trẻ. Câu em tôi đoản mệnh, nó vừa đi năm ngoái, sau khi tôi viết “Những người thiên cổ”.

Nước mắt của đàn bà nhiều khi như chốn công đường, có một thứ quyền năng ẩn chứa để người đối diện cũng sẵn sàng thành khẩn, sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Hay có phải nước mắt là bao dung?

General Santos một bình minh có mưa và gió thổi nhẹ, những bông hoa dại ven bờ biển trắng đến xanh xao, tôi tản bộ dọc chân sóng, ven làng chài, ven tháng Mười ở xứ sở nhiệt đới. Từ nơi này đến trung tâm thành phố phía xa xa kia ước chừng cũng chỉ 15 phút đi bộ, vậy mà tiêu điều, vậy mà xác sơ, sự phân hóa giai cấp, sự tách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo thể hiện một cách trần trụi.

Tôi dừng lại khi trước mắt mình là một người đàn bà đang quỳ trên cát, bên cạnh một đứa trẻ cũng xác xơ như làng chài. Người đàn bà nhìn về phía biển, chắp tay lầm rầm khấn nguyện. Người đàn bà khóc, người đàn bà hoang vu như một dấu hỏi, người đàn bà trầm kha. Những giọt nước mắt nhòe vào cùng những bọt sóng bắn lên, chắc là mặn lắm, chắc là xót lắm, chắc là… Có thể người thân của người đàn bà đó vẫn chưa trở về sau 1 chuyến biển dài.

Nhớ lại chuyện cũ, phải mất 1 năm sau tôi mới biết âm thanh ở đám tang vùng Thanh Xuân mà tôi ngang qua là của một người đàn bà khóc thuê, nhưng phải chờ đến lúc này, trên bờ biển vùng General Santos Philippines này, tức là hơn 10 năm sau, tôi mới cắt nghĩa được tại sao đàn bà khóc thuê mà cũng khóc giỏi thế? Không đâu, trước tiên họ khóc cho thân phận, sau đó mới là một trái tim luôn thường trực những yêu thương. Đàn bà buồn!

Đàn bà buồn bởi nước mắt? Không đúng! Đàn bà buồn bởi những cay nghiệt của cuộc đời, những vị kỷ của xã hội, những dung túng của số phận, những thứ tha hẹp hòi của đàn ông, những thứ mà chúa trời cho đó là bổn phận…

Hôm chia tay người đàn bà còn trẻ ranh ở vùng Thâm Quyến – Shenzhen Port, người đàn bà tên Lụa bị bán đi từ Việt Nam khi mới tròn 14 tuổi. Người đàn bà ấy nhìn theo tôi và khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên khóe môi, những giọt nước mắt giãy đành đạch trong gió rét vùng phương Bắc. Những giọt nước mắt căm căm. Đàn bà khóc vì đôi khi không biết phải gọi tên cuộc đời là gì… Đàn bà cô đơn.

Làm một người đàn ông, đã từng dấn thân vào dâu bể cuộc đời, tôi đã quen với nước mắt đàn bà. Tôi những tưởng đôi khi mình trở thành đá sỏi. Thế nhưng có một người đàn bà luôn làm tôi lo sợ mỗi khi người ấy khóc. Mẹ tôi.

Tôi đã lấy đi quá nhiều nước mắt của mẹ. Có những khi, mẹ nhấn đêm vào ánh đèn vàng, ánh đèn vàng khóc lời dịu dàng: Huy ạ, mẹ ăn đói mặc rách cũng được, đời này kiếp này mẹ chỉ mong con trở về là đứa con của mẹ như ngày xưa… Tôi luôn quay mặt đi chỗ khác… và khóc… Đàn bà yêu thương!

Nhưng cũng phải chờ đến bây giờ, tức là 15 năm sau, tôi mới cắt nghĩa được tại sao nước mắt đàn bà, nước mắt của mẹ có thể đưa những đứa con của mình trở về sau những hư hỏng, sau những lầm lỡ cuộc đời. Nước mắt không chỉ là sự thất vọng. Nước mắt là niềm tin!

Có một câu nói rất hay, tôi nhớ ở đâu đó: “Nếu giấc mơ của bạn rơi và vỡ thành hàng ngàn mảnh, đừng ngại nhặt một trong những mảnh đó lên và bắt đầu lại…” Mà chỉ có mẹ là người hiểu rõ nhất những giấc mơ ấy, những mảnh vỡ ấy. Mẹ cũng đã từng khóc khi nhặt một vài mảnh giấc mơ con. Có lẽ ở đời phải đối diện với những mảnh vỡ của chính mình là một điều tồi tệ. Nhưng có cảm giác tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ đã vô hình hàn gắn lại những giấc mơ đã từng tan vỡ trong tôi. Người đàn bà khóc trở nên hiền từ hơn bao giờ hết. Phải chăng nước mắt ấy cũng như một thứ bổn phận trong thế giới này?

Làm một người đàn ông thất bại lớn nhất trong đời không phải là kém cỏi công danh sự nghiệp. Thất bại lớn nhất là thiếu vắng hình ảnh người mẹ trong trái mỗi trái tim con?

Nhiều đêm, đêm đêm, ban mai, tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ ấm nóng chảy vào trái tim mình. Và những người đàn bà khóc đã kể cho tôi, cho chúng ta câu chuyện về tương lai…