Tháng Bảy về, trời lại mưa nhiều, mưa miền núi mang theo cả hơi sương lạnh. Con ngồi co ro, tỉ mẩn đếm từng hạt mưa lách qua những kẽ tôn rơi xuống sân của ngôi nhà thuê mà nhớ những ngày êm đềm còn được bên vòng tay mẹ.
Ngày con còn bé, cứ mỗi độ hè về là khoảng thời gian con yêu thích nhất, vì được vui chơi, khám phá thỏa thích, không cần lo lắng bài vở. Và mùa hè nào cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong kí ức của con.
Nhận được tấm bằng khen của trường xong, con vui vẻ cất gọn sách vở vào một góc bàn, mở đầu là những buổi rủ đứa em đi vặt xoài, đi hái lá dứa xanh kẹp muối ớt ăn nhả bã như các bà nhai trầu, ăn đến xanh cả miệng, mà lúc đó chú hàng xóm không dọa ăn nhiều lá dứa bị rút lưỡi, chắc chắn hàng dứa của mẹ sẽ trụi lơ.
Trưa hè không chịu ngủ, con lang thang ngoài vườn ngô đi bắt dế, bắt cào cào để lấy thức ăn cho con sáo của anh, tìm những con chuồn chuồn ngô đủ màu sắc mang về bỏ vào lọ để “nghiên cứu”. Có đợt nhìn thấy ông anh họ có bộ sưu tập các loài bướm đẹp theo trào lưu ở nước ngoài, con cũng hăng hái tìm kiếm. Không có dụng cụ, cả mùa hè bắt được vài loại, tính cả thèm chóng chán, con lại bỏ ngang.
Cũng có nhiều hôm trời mưa như trút, đi từ nhà xuống bếp cách có vài bước chân mà cũng ngại. Mẹ lại ngồi kể cho bọn con nghe về quê mẹ, về những vó tôm sáng sớm của ông ngoại, những bát canh cua mát rượi trưa hè của bà. Con là đứa háo hức nhất, tính con lại hay tò mò, dù mẹ kể bao lần con vẫn thích nghe về miền xuôi, về Hà Tây quê lụa một thời.
Mẹ là thanh niên rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước, tư duy đổi mới nhưng cái nét quê thì không bao giờ mất. Tính mẹ rất tiết kiệm, mẹ thường dạy bảo bọn con phải biết trân quý đồng tiền làm ra từ mồ hôi công sức, của mình hay của người cũng vậy, lúc khỏe còn ráng lo lúc ốm đau.
Thịt con gà, có miếng ngon mẹ phần tụi con tất, mẹ bảo mẹ chỉ thích ăn cổ, cánh, với đầu gà thôi. Ăn cơm lúc nào mẹ cũng bảo hai chị em ăn trước, mẹ còn bận chăm lợn gà, mẹ ăn sau. Vậy mà con cũng tin là thật. Lớn lên con mới hiểu mẹ thương chị em con đến nhường nào.
Điều con thích nhất đó chính là những ngày mưa gió, mẹ làm vừng lạc ăn với cơm nắm. Mẹ bảo ngày trước ông hay nắm cơm cho mẹ mang đi đường lên Lai Châu xa xôi. Nhà mình đất đồi, trồng lạc cây tốt lá xanh um, đến vụ thu hoạch củ nào củ nấy mẩy căng tròn, rũ rũ lớp đất xốp mịn, lấy nước suối rửa qua, đem củ lên sân phơi, còn lá lại ủ làm phân bón cho cây cối. Củ phơi được nắng, con với em cặm cụi ngồi bóc lạc cho mẹ rang, mùi lạc thơm phức, em nhanh nhảu bốc vài hạt rồi bỏ ngay lại xuýt xoa vì nóng quá.
Mẹ cười xuề xòa, đổ lạc ra giá vò bớt lớp lụa đỏ óng để lộ thân lạc vàng ngậy, rồi cho vào cối giã tơi, mẹ cho thêm muối biển đã rang khô vào giã cùng, cho đến khi màu trắng của muối tan biến vào màu vàng của lạc. Cơm nấu bằng bếp củi vừa chín tới, mẹ xúc từng muôi cho vào cái khăn mùi xoa, nắm lại thành từng nắm.
Vừa nắm cơm, vừa tráng tay vào bát nước đun sôi để nguội bên cạnh để bớt nóng và bớt dính. Từng nắm cơm trắng để ra mâm, mẹ rửa con dao nhỏ gọt cau để cắt thành những miếng hình chữ nhật nhỏ xinh, con và em cầm chấm muối vừng liến láu ăn. Vị ngọt của cơm, thơm và béo ngậy của lạc hòa quyện, chỉ đơn giản vậy thôi, thêm cái lành lạnh của trời mưa nữa mà ngon hết biết.
Cho đến giờ, cuộc sống hiện đại đủ đầy, bánh kẹo và đồ ăn vặt rất đa dạng, em chắc đã quên những món ăn dân dã ngày nhỏ. Còn con thì vẫn đau đáu cái vị ngon của cơm mẹ nắm, con cũng từng thử làm lại mà dư vị không còn được như mẹ làm cho tụi con khi xưa, nhưng trong tâm trí con, cái nắm cơm thơm dẻo ấy của mẹ vẫn tồn tại, và vẫn mãi theo con suốt cuộc đời.