k
hi những cánh đồng vụ mùa dưới thung lũng đã xanh biếc, khi những thửa ruộng bậc thang chuẩn bị đón đòng đòng là khi mùa thảo quả trở về với núi rừng Tây Bắc. Tất cả các bản làng ven chân núi đều rộn ràng chờ đón mùa thu hoạch thảo quả. Những cánh rừng ngát hương thơm, màu quả chín đỏ từng chùm dưới gốc, cả những tán cây cổ thụ che chở cho những nương thảo quả, dường như cả sương núi, cả cành lá cũng ngát hương.
Từ sáng sớm, những người mẹ đã chuẩn bị gạo, thịt, rau củ, họ đồ xôi gói những gói lớn, bỏ thêm lạc, vừng, thịt nướng, cho mấy chai nước…bỏ đầy lu cở, đầy bao tải, chuẩn bị cho cả ngày leo núi và hái thảo quả miệt mài. Những người cha chuẩn bị dao, dây chằng, bao tải, gùi,…Tụi thanh niên háo hức với việc chuẩn bị giày, mũ và kiểm tra xe máy cẩn thận trước khi lên đường vào chân rừng.
Không khí bản làng chân núi Hoàng Liên Sơn bắt đầu thay đổi, mọi gia đình đều tất bật cho một mùa vụ mới, mùa thơm ấm áp cả bản làng. Từ bản Thào, Tà Hử đến Sắp Ngụa, Nậm Vai, Hua Than, từ Hô Ta đến Nậm Mở, Noong Quang, Noong Quài… tất cả đều rộn ràng náo nức chờ màu đỏ thảo quả về tô điểm những giàn sấy, những sân phơi.
Tầm 5, 6h sáng, đoàn người đi thu hoạch thảo quả sẽ lái xe máy hoặc đi bộ đến chân rừng, ai mang xe máy thì để xe lại, che xe sơ sơ bằng cành cây cho khỏi nắng. Những người khác dỡ đồ khỏi xe, khoác bao tải, lu cở lên vai, bắt đầu hành trình lên rừng thảo quả.
Đầu tiên sẽ phải vượt qua những con suối, giờ đã hết mùa lũ nên suối rất trong, nước chảy hiền hòa, vượt qua những dàn cây bụi lúp xúp hoặc cao quá đầu người để đến được sát chân Hoàng Liên Sơn, xứ sở dành cho thảo quả. Trên độ cao chừng 1800m trở lên, dưới tán rừng già, không khí ẩm mát, là nơi cây thảo quả có thể sinh trưởng và phát triển. Bạn đừng nghĩ đến việc khám phá nương thảo quả bằng xe máy nhé! Không bao giờ có chuyện đó đâu. Để đến nương trên đỉnh núi, cách duy nhất là leo núi. Nếu ít đi bộ, thì chùn chân, mỏi gối là điều chắc chắn. Núi dốc đứng, những mỏm đá trươn trượt.
Những người theo chân dân bản đi khám phá nương thảo quả, chưa quen leo núi, họ gần như là đi bộ từng bước để leo lên trên. Chỉ một lúc thôi là mồ hôi túa ra, ngấm ướt áo, mặt đỏ phừng phừng và mồm, mũi đua nhau thở, rất khát nước. Còn dân bản quen đi rừng, họ đi rất nhẹ nhàng, rất nhanh. Rừng chớm vào mùa thu nhưng cây lá còn xanh biếc, thỉnh thoảng mới có lá vàng. Những cây mua vẫn nở hoa tím ngát, những bụi cây mâm xôi vẫn tặng người đi rừng những chùm quả chín đỏ.
Lũ trẻ hùa nhau tìm mâm xôi, tìm mầm non cây riềng dại để ăn hoặc tìm khe nước để lấy nước đầy chai mang lên lán. Mọi người chụm tay hứng nước chảy xuống để rửa mặt. Trên đỉnh núi, những đám mây bay vùn vụt qua, gió ù ù, có khi gió ngừng thì mây đủng đỉnh nhởn nhơ, bạn sẽ thấy tự dưng mình như lạc vào một không gian mát lạnh của mùa đông. Nhưng chỉ một lúc thôi, vì nắng sẽ lên nhanh, tỏa sáng cả dãy núi, những vòm lá cây bóng lên và rừng ngập nắng vàng.
Từ lưng chừng núi, mây giãn ra, như kéo rèm chia thành hai bên để lộ ra cả thung lũng phía dưới kia. Nắng soi thành chùm sáng lớn như đèn cao áp chiếu thẳng xuống dưới. Kia là cánh đồng Mít Nọi, Tà Hử, kia là cánh đồng Phúc Than, Mường Than, kia là Nậm Mở, Đán Tọ, Noong Quang, Hua Đán…
Quang cảnh trước mắt hiện ra thật tuyệt vời, cảm giác ấy không phải ai cũng có thể được cảm nhận. Dường như thiên nhiên đã ban thêm cho họ sức mạnh để vượt qua quãng đường dốc đứng trước mặt. Đi thêm vài trăm bước chân là đến gần đỉnh núi…Hương thảo quả rõ dần.
Đầu tiên chỉ thơm thoang thoảng, lúc ngửi thấy, lúc không. Sau đó đậm dần, đậm dần và ngào ngạt. Trên đầu là rừng già, những cây gỗ cao hàng chục mét, những cây chuối rừng mọc thành từng cụm dày chen chúc, dưới chân là những khe nước nhỏ, những thân gỗ mục, những cây gỗ bị đổ từ bao giờ không ai biết, mộc nhĩ mọc đầy thân…
Và đây rồi, những bụi thảo quả cây mọc dày sin sít, quả chín đỏ đầy dưới gốc, chùm dày như những chùm nho, mỗi chùm vài chục quả căng mọng, vỏ bóng lừ, nhìn mà mê. Gốc ít cũng 4, 5 chùm. Gốc nhiều cả chục chùm dày đặc đỏ rực. Một màu sắc thực sự chinh phục mọi cảm giác của người leo núi, xua tan mọi mệt nhọc của cả hành trình. Trên lán, các bà mẹ đã sắp xếp sẵn đồ dùng, treo thức ăn lên vách hoặc lên gác lán, nhóm lửa đun một ấm nước rồi ra rừng hái thảo quả. Nương nào chín trước thì hái trước. Trong khi chờ mọi người gùi thảo quả về, những người cha đã ra bên cạnh lán, tìm chỗ khô ráo để đào lò, rồi bắc giàn sấy, tìm cành củi khô về nhóm lò để sẵn chờ thảo quả lên giàn.
Mỗi người một việc, đến trưa, gần nửa nương thảo quả đã mang về chất đầy giàn sấy, một góc rừng đỏ rực, thơm cay cay ấm áp, nồng nàn. Tùy theo mức độ của giàn sấy mà người ta đổ thảo quả lên, thỉnh thoảng lại đảo cho thảo quả chóng khô. Những nhà có ít nương, thu hoạch ít quả thường sẽ mang quả tươi về bản để phơi hoặc sấy, những nhà có nhiều nương, lượng quả lớn, họ sẽ sấy khô tại rừng xong mới gùi về.
Bữa trưa trên rừng thật ấn tượng với nồi canh không có rau, chỉ có vài miếng bí nấu thịt, một nồi cơm to, thịt kho và bát muối ớt, mọi người đã làm mệt nên bữa cơm ăn vèo vèo, nồi cơm còn chưa kịp nguội. Ăn trưa xong mọi người chỉ dựa góc nhà, tựa cửa nghỉ ngơi một lát rồi đi thu hoạch tiếp để kịp mẻ sấy buổi chiều.
Những mẻ thảo quả đã khô được đóng vào bao, buộc vào gùi để cõng xuống núi. Thường các gia đình sẽ phân công người ở lại lán và người về nhà để bán thảo quả, bố mẹ sẽ ở lại lán trên rừng để hái thảo quả và sấy đến lúc hết mùa, còn thanh niên sẽ gùi thảo quả khô về bản và lúc leo lên thì tiếp tế lương thực.
Hành trình trở về chân núi cũng không dễ dàng, leo lên đã khó, leo xuống cũng khó, vì mỏi chân, dốc cứ chạy xuống, trượt chân là ngã. Tụi thanh niên thật khéo, thật khỏe, cứ khoác gùi là một bao thảo quả chừng 40kg lên vai là chạy xuống dốc, trong khi tôi đi một mình cũng bước từng bước thật chậm vì mỏi và sợ nếu trượt thì lăn xuống đến chân rừng mất… Mùa thảo quả đã về với bản làng Tây Bắc. Mùa núi thơm ngào ngạt cà tháng 8, tháng 9, làm cả mùa thu ngát hương.
Nếu bạn muốn khám phá và thưởng thức hương vị đặc biệt chỉ có tại rừng thảo quả, bạn phải liên hệ với một gia đình người Mông, người Thái có nương thảo quả ở Hoàng Liên Sơn, xin đi theo họ, tự chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc chống muỗi, vắt…Quan trọng nhất là phải chuẩn bị sức khỏe. Bạn cần tập đi bộ, tập leo dốc chừng vài tuần cho quen chân trước khi lên đường, vì sự căng cơ không hề đơn giản, có thể sẽ bị chuột rút, và đau chân cả tuần sau khi trở về. Bây giờ, rừng thảo quả đang chín, và bạn có thực sự muốn đến với miền núi cao, chinh phục nương thảo quả, để ướp mình ngây ngất trong mùa thu và ngan ngát hương rừng…