Mùa me dốt

    1056
    Sơn dầu: Đào Hải Phong

    Năm tháng qua đi, những cây me vẫn quanh năm tỏa bóng mát và cho nhiều hoa trái. Khi ở trên cành cao lấp ló những trái me sẫm màu, da bóng loáng, tôi biết mùa me dốt đã đến và một năm sắp trôi qua.

                 Những ngày này, khí hậu Sài Gòn lành lạnh như thể hoà mình cùng chào đón Giáng sinh. Ngoài đường người người hối hả ngược xuôi như thể cố gắng hoàn thành kế hoạch một năm chưa thực hiện được. Tôi cũng trong đám người ấy. Trên đường Võ Thị Sáu mấy bữa nay lác đác mấy xe hàng rong bán me. Trên xe treo biển chữ : Me dốt. Một người gốc Bắc như tôi lần đầu tiên thấy cũng không thể tránh khỏi tò mò. Mẹ dốt?

    Tầm khoảng tháng 12 là mùa me dốt rộ nhất. Khi quả me đủ độ căng tròn, vỏ khô nâu bóng, lấy móng tay bóc nhẹ thấy vỏ róc, thịt me xanh xanh ngả vàng là chuẩn “dốt”. Me này nếu ăn chỉ biết diễn tả bằng một từ GHIỀN. Không nghiện không lấy tiền vì khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ bột bột, bùi bùi của thịt me, vị chua thanh thanh lẫn vị ngọt của trái me sắp chín. Bởi mùa me dốt bột thì nhanh qua, mà trái me này cực kỳ khó tính, không hái sớm một ngày, cũng không được trễ, vừa đủ độ bột là phải hái ngay, ăn liền. Để quá me “chín hườm” phần thịt bột mềm nhão chuyển sang màu nâu sẽ không ngon.

    Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố có nhiều tuyến phố phủ bóng me xanh mát rượi. Mùa mưa bắt đầu về, những hàng me rủ nhau đồng loạt thay áo mới. Lác đác ẩn sau tán lá xanh non ấy là chùm hoa vàng nhỏ li ti dịu dàng không phô phang hương sắc. Chờ khi những cơn mưa thưa dần thì những bông hoa mới bắt đầu đậu quả. Càng nắng, càng gió quả me càng sai. Mùa này, đi trên dọc phố Lý Tự Trọng, Nam Kì Khởi Nghĩa… ta bắt gặp hình ảnh ông lão gầy guộc, khắc khổ trải tấm bạt nhỏ ven đường ngồi dưới gốc me bán trái. Quả me ở đây không căng tròn như me Thái, me Campuchia mà cứ quắt queo, cong quẹo vì độ bột kém nên thường dùng để nấu canh chua hay làm mứt me…

                Về miền Tây, khi con nước dòng không còn soi bóng hàng cà na trĩu quả thì ta thấy sừng sững những cây mẹ cổ thụ quả lúc lỉu, mập thù lù đầy hấp dẫn. Người miền Tây đã lai me ta với giống me Thái nên chất lượng quả ngon không kém. Đi trên con đường làng đung đưa hoa nắng cuối năm là hình ảnh đám trẻ con trèo me giữa trưa hè. Đám trẻ con da đen nhẻm, tay cầm chùm me vừa đủ độ ương đưa lên miệng nheo nheo mắt, nhăn mặt vì chua, vì thích thú. Qua hàng tạp hoá cũng có một rổ me còn tươi nguyên cành lá xanh đầu cành. Tôi ăn một trái, rồi hai trái… Chị bán hàng cười dễ thương hỏi có ngon không? Ngon kiểu me dốt! Tôi cười cười giải thích.

    Tôi đã từng ấn tượng về những cây me khi trên đường tới Easup ( Đakkac). Khi ấy đang là đỉnh điểm của mùa khô. Hai bên đường cỏ cháy vàng. Tưởng chừng ai đó vứt một mẩu tàn thuốc lá là sẽ bắt lửa cháy cả vùng. Nắng, gió, cát và cỏ xác xơ chỉ có những cây me cổ thụ bên đường xanh dịu mát.

              Bản thân người bản địa cũng không hiểu tại sao cây me mọc nhiều ở cùng cao nguyên giáp biên giới này nhiều thế? Me như thứ lộc của mẹ thiên nhiên bạn tặng. Cứ đến mùa là mọi người đi hái trái me. Trên lưng họ oằn cong những gùi me nâu bóng cùng nụ cười thu hoạch luôn trực sẵn trên môi. Quả me mang về được lột vỏ làm nước cốt nấu canh chưa giải khát mùa hè. Còn người dân nơi đây họ dùng cả lá me, quả me từ khi còn xanh cho đến chín để chế biến món ăn thường ngày trong gia đình.

    Năm tháng qua đi, những cây me vẫn quanh năm tỏa bóng mát và cho nhiều hoa trái. Khi ở trên cành cao lấp ló những trái me sẫm màu, da bóng loáng, tôi biết mùa me dốt đã đến và một năm sắp trôi qua.