31 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười 8, 2024

Tương tư ngô đồng

G iờ đây, mỗi lần đi qua...

Tương tư ở xứ Ninh Kiều

Không biết cụ Nguyễn Tuân xưa đã...

Mùa về trên ngói

Tôi thích ngắm những mái ngói cũ...

Mùa châu chấu

Đất Hóa Tâm HồnMùa châu chấu

Hàng năm, cứ vào tháng năm âm lịch, khi những cơn mưa đầu hạ xối xả trút xuống làm cho cả rừng măng đắng cựa mình vươn ngọn, xòe lá xanh ngăn ngắt cũng chính là mùa châu chấu về.

           Từng đàn châu chấu bay rào rào trông như đám mây màu xanh tuyệt đẹp đáp xuống rừng măng đắng. Làm cả cánh rừng rung rinh, đung đưa, rì rào bởi sức nặng của hàng vạn con châu chấu. Vào những ngày châu chấu về, cả làng tôi vui như mở hội. Cả rừng măng đắng rộng mênh mông, ngăn ngắt xanh ấy sạch bóng không một cọng cỏ bởi dấu chân người in khắp mọi nơi.

Trong đêm, cả khu rừng tràn ngập ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ của hàng trăm chiếc đèn pin người đi soi châu chấu. Tiếng nói chuyện lúc rì rầm, lúc thoảng hoặc lan xa trong cánh rừng mênh mông. Lá măng đắng vào mùa mưa xanh mướt mượt, mềm như sợi bún, thơm hăng hắc là món ăn khoái khẩu của loài châu chấu ngô.

                        Những chú châu chấu ngô béo múp, to gấp đôi chấu lúa ở đồng bằng, cánh xanh mượt, đôi càng chắc nịch. Những con châu chấu cái bụng đặc sệt trứng, căng tròn, vàng ươm. Chúng bám chi chít trên lá măng đắng. Đêm đêm tiếng chấu gặm lá sồn sột, soàn soạt nghe ngon lành khiến ta tứa nước miếng. Cảm giác như chúng thưởng thức món sơn hào, hải vị chứ không phải ăn lá của cây măng đắng.

Món châu chấu rang cũng lắm công phu không phải ai cũng biết làm. Châu chấu sau khi bắt từ rừng về được cho vào luộc chín sau đó vặt bỏ cánh, chân và rút bỏ ruột bẩn. Tiếp theo châu chấu được tẩm gia vị, ớt tươi rồi cho vào luộc trong nước măng chua cho đến khi toàn thân nó cứng lại, vàng ươm mới vớt ra.

          Bước cuối cùng, châu chấu sẽ được chiên trong dầu. Người chiên phải canh lửa sao cho vừa đủ không nhỏ quá khiến chấu bị dai, cũng không to quá sẽ làm châu chấu cháy. Khi đạt độ chín vừa phải châu chấu được vớt ra, rắc lá chanh thái nhỏ, đảo đều. Một đĩa châu chấu ngon phải vàng ươm, dậy mùi thơm của ớt, của lá chanh và phải giòn tan trong miệng.

                        Khi ăn châu chấu cũng không thể ăn nhanh, ăn nhiều một lúc. Người ăn phải gắp từng con, bỏ vào miệng, nhai từ từ để cho vị bùi béo của châu chấu hòa với vị cay của ớt, cộng thêm mùi thơm của lá chanh thấm dần trong khoang miệng. Châu chấu có thể dùng làm món mặn thay cá thịt cho các bà, các mẹ trong bữa cơm chiều đạm bạc và cũng có thể là món nhắm với bia cho anh thích ngồi lai rai ôn chuyện xưa cũ.

Ngày xưa, người dân quê tôi có thể bắt chấu từ tháng năm đến tháng bảy rồi phơi khô ăn dần. Coi đó là món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình những người dân nghèo. Nhưng ngày nay, châu chấu cạn kiệt dần, chỉ xuất hiện ồ ạt khoảng nửa tháng năm. Nó cạn kiệt vì bàn tay săn bắt của con người. Kiệt vì mỗi ngày có hàng chục cô, gì, chị, mẹ…săn lùng, mua, buôn ra thành phố.

           Nó trở thành món đặc sản “Tôm bay” trong các nhà hàng sang trọng, quán bia ven đô cũng bởi một lí do duy nhất: nó sạch, không chất bảo quản, không nuôi công nghiệp. Thêm một điều nữa là đâu đâu người ta cũng dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu khiến châu chấu chết dần, chết mòn từ khi nó còn là một ấu trùng yếu ớt sống trong đất.

Mỗi năm châu chấu về ít dần. Món châu chấu rang cũng không còn được làm kỳ công như người dân quê tôi vẫn làm. Và rất có thể vài năm nữa sẽ không còn ai biết đến món châu chấu rang đã từng không thể thiếu trong bữa cơm người nông dân quê tôi vào mùa hạ.

Check out our other content