Gió mùa đông bắc không hẹn trước, ào ạt ùa về, thổi bay vạt sấu trước cổng nhà. Tôi co ro trong chiếc áo lông, ren rén mở cánh cửa đã thấy chị hàng bánh mì ngồi đó tự bao giờ. Chị bắt đầu ngày mới từ lúc tinh sương, kêu chị tranh thủ dậy sớm bán hàng kiếm học phí cho con, buổi lại ra trường nấu ăn cho trẻ. Mùi bánh mì theo gió sực vào cánh mũi. Tôi sững lại giây lát, rồi nhanh chóng chìm đi trong những nao nao…

Tôi nhớ ngoại. Bốn mươi năm trước, ông đạp xe lên nhà tôi chơi, thăm con gái lấy chồng xa gần năm mươi cây số cùng đàn cháu nhỏ, cũng vào một ngày chớm đông như hôm nay. Trời vừa sâm sẩm tối thì ông tới cổng, chúng tôi líu ríu chạy ra như một bầy chim non: “A, ông ngoại, ông ngoại ơi!”

Chúng tôi mến ông, thì hẳn, vì ông hiền hậu lắm, nhưng còn vì lẽ khác, thế nào ông cũng có quà cho chúng tôi. Ông mỉm cười thật hiền, gỡ cái túi vải từ ghi đông xe xuống. Rồi ông rối rít mở ra trong ánh mắt chờ đợi, khát thèm của lũ cháu nghèo. Chúng tôi không rời mắt, và sốt ruột vì đôi tay đồi mồi chậm chạp lần giở túi của ông. Ông chưa mở ra, chúng tôi đã hít thấy mùi thơm quyến rũ của món quà thần thánh ấy. Ông nhanh chóng lấy ra, em út tôi gào lên sung sướng: “A, bánh mì, bánh mì, mẹ ơi, ông ngoại mua bánh mì!”. Rồi nó giật phắt túi bánh từ tay ngoại, chả kịp đợi ông nói câu gì.

Mẹ đón bánh từ tay nó, vừa nghiêm khắc nhìn, vừa cười độ lượng. Có hai cái bánh không dài lắm, bọc trong tờ báo cũ, nhưng thơm thật là thơm. Mẹ lấy dao xẻ bánh làm mười. Mẹ vừa xẻ bánh vừa dặn dò: “Nhà mình có tất thảy mười người, phần mẹ, mẹ không ăn, mẹ phần em bé nhất. Nhưng các con phải mời ông, ông đi từ đầu chiều giờ mới tới nơi, chắc ông cũng đói và mệt lắm. Còn nữa, các con phần bố một miếng, vì bố đi vỡ đất mệt nhoài, quê mình không có bánh này, lâu lắm bố cũng chẳng được ăn. Còn lại, mỗi con một miếng, nghe chưa?”. Chúng tôi dạ vâng, nhận miếng bánh từ tay mẹ. Đứa nào đứa nấy hớn hở, sung sướng lắm.

Tôi được miếng giữa, không có nhiều cái lớp vỏ vàng sậm, dai dai,giòn giòn nhưng lại nhiều ruột trắng. Bánh ông mua khá là đặc ruột. Miếng bánh nhỏ xíu trên tay cứ lép lại dần. Tôi sợ nó chóng hết nên cứ nhẩn nha ăn. Véo một miếng nhỏ bỏ vào miệng, ngậm chút, rồi mới nhai chầm chậm. Cái vị thơm ngọt, dẻo dẻo quyện vào lưỡi, rồi tan đi thú vị vô chừng.

Em út tôi nó ăn loáng cái đã xong, cứ nhìn mẹ vòi vĩnh mãi: “Mẹ ơi, con muốn ăn nữa!”. Rồi nó chạy lại, níu lấy tay ông: “Ông ngoại ơi, con muốn ăn bánh mì, con muốn ăn bánh nữa cơ!”. Nhưng bánh mì thuở ấy nào có dễ mua. Chúng tôi nghe ngoại kể, này là bánh ông mua trên đường đi. Ông đi qua lò bánh mì thì mới có, chứ quê ông cũng chưa có bánh này. Ông nói với mẹ, ông muốn mua thêm mà túi chẳng còn tiền.

Nhìn chúng tôi ăn một lát đã hết veo, lại thòm thèm đòi ăn nữa, ông áy náy nói như xin lỗi: “Bận sau lên, ông hứa sẽ mua nhiều hơn, mua cho mỗi cháu một cái thật to!”. Miếng bánh phần ông nãy giờ ông không ăn, bảo để phần cho bố vẫn còn nguyên trên đĩa, ông liền lấy véo cho mỗi đứa thêm một mẩu. Đoạn, ông đưa khăn mùi soa lên chấm mắt. Chúng tôi lớn hơn, hiểu chuyện, nên tất cả đều im lặng, tản đi. Chỉ ông ngoại và mẹ ngồi lại trên manh chiếu cũ ngoài hiên, nhìn nhau, rơm rớm. Ánh đèn dầu nhập nhoạng, tranh tối tranh sáng, nhưng vẫn đủ để tôi nhận ra, giọt nước mắt ánh lên nơi khóe mắt ông.

Ông hứa với chúng tôi là vậy, nhưng rồi thất hứa. Bởi đó cũng là lần cuối ông đạp xe lên thăm chúng tôi. Ông đổ bệnh, nằm liệt và đi vài năm sau đó.

Bao nhiêu năm đã qua, có những thứ cũng theo ông về miền mây trắng. Nhưng thật lạ, cái món quà của ông, món quà ấu thơ ấy cứ đọng lại mãi trong tôi một nỗi gì nghẹn thương day dứt. Đến bây giờ, trong rất nhiều thứ quà quê mua cho convào những ngày đông buốt giá, tôi vẫn lựa bánh mì, mà là bánh mì mộc, giản đơn như cái thuở ban đầu. Tôi không tiếc tiền để mua những thức quà xa xỉ hơn. Có lẽ tôi mua chúng như một cách lật tìm kí ức để níu kéo ngày xưa – níu kéo cái hương vị bánh mì thuở hàn vi mộc mạc, mà ngọt thơm, mà nhớ, mà thương tới tận bây giờ.

Nay giỗ ngoại. Gió bấc xao xác thổi, mùi bánh mì lại dậy lên thổn thức. Tôi ứa nước mắt, nghe nhói nơi ngực trái: “Ngoại! Ngoại ơi!…”