Từ khi khánh thành đoạn đường tránh lũ từ thị trấn Tiên Kỳ vòng lên bãi đá Lò Thung về làng Lộc Yên (thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), tôi không phải chạy xe theo đường quốc lộ 616 đông đúc mỗi bận đi về nhà ba mẹ. Tôi thích con đường mới, thưa vắng người và hiển nhiên, nó thơ mộng hơn nhiều.

     Con đường này ôm chân những quả đồi thấp thoai thoải xanh, uốn lượn men bờ sông mà ven đường là lũ bìm bìm trùng trùng giăng phủ. Con đường ghi dấu bao nhiêu là kỷ niệm của lũ trẻ nhà quê buổi đi học, buổi chăn bò, hái rau, vơ củi, bắt ốc… và cả những trận xô xát tranh giành “chiến lợi phẩm”, mà phần thắng thường được quyết định bằng trò “oẳn tù tì” và tiếng cười giòn tan.

     Vậy đó, có nhiều duyên cớ để người ta yêu một con đường. Nhưng giao điểm dễ gây xúc cảm nhất, đó chính là ảnh hình gợi nhắc tuổi thơ. Tôi thêm yêu con đường về quê, đơn giản chỉ vì nó chạy ngang qua một đồi sim. Cuối xuân đầu hạ, hoa tím biêng biếc rồi nhạt dần, nhạt dần thành màu hồng phơn phớt mong manh. Hạ gọi nắng về cho hoa thêm rực rỡ, dù sim thường mọc ở vùng đất cằn khô. Nên hoa sim thường được xem là khúc dạo đầu của mùa hạ, gợi cả một miền thơ…

     Mùa xuân, trên từng nhánh lá, nụ hoa cứng cỏi mọc dày. Từ độ nhỏ li ti như đầu ngón tay em bé, nụ búp màu xanh xám lớn dần lên, nở ra cánh tròn và trái sim khi chín cũng tròn lựng, tím rịm. Loài hoa tím cả tuổi thơ ấy mọc nhiều ở vùng trung du đất đai khô cằn. Nhưng cũng thật lạ, trời càng nắng, hoa càng đẹp. Bình dị, mong manh nhưng cũng thật kiên cường trước điều kiện sống khắc nghiệt.

     Thuở nhỏ, từ xóm nhà tôi, đám trẻ dắt bò ra được đến đồng ruộng Hựu, ruộng Thị là phải leo qua hai quả đồi. Mà đường vừa dốc, vừa đá. Trâu bò rất sợ bước trên đá vì móng trơn không giống móng loài dê, nên chúng đi rất chậm trong nỗi sợ sệt. Như đoạn ra gốc cốc Dương Chùa, lũ mục đồng đứa cầm dây thừng lôi phía trước, đứa quất tới tấp phía sau, mà bầy bò trâu vẫn lọc cọc từng bước một. Giờ nghĩ lại thấy thương cả tuổi thơ, thương quá đỗi những con vật ngoan hiền cần mẫn. Nhưng hành trình nhọc nhằn ấy lại được đền đáp bởi bao nhiêu là cỏ ngon. Trong khi lũ trâu bò tha hồ thưởng thức bữa tiệc cỏ thơm tho với tiếng gặm rào rào sắc ngọt, thì những chủ nhân tí hon của chúng cũng được đắm mình với niềm vui bất tận.

     Mùa sim nở, mấy đứa con gái thích quá, hái mấy chùm giắt trên bó củi đội về. Mùa sim chín, vẫn còn một ít hoa nở muộn. Nhưng trái oằn cây, từng chùm sim tím thẫm no tròn căng mọng, vỏ mịn nhung. Thế là tha hồ hái, tha hồ ăn và chất đầy những chiếc nón cời hoặc mũ lác đem về. Tôi nhớ mỗi mùa sim chín, mẹ thường dặn: Bọn con đi hái sim phải cẩn thận, coi chừng “ông ba mươi” đó! “Ông ba mươi” là cách nói tránh về con hổ. Kinh nghiệm dân gian truyền rằng, mùa này, hổ thường hay xuống núi, rình bắt trâu bò. Tuổi ngây thơ vô lo vô nghĩ, may chúng tôi chưa gặp “ông ba mươi” nào mà chỉ thấy bóng dáng mình trong câu thơ:

“Em yêu mùa hè
Có hoa sim tím
Mọc trên đồi quê
Rung rinh bướm lượn
Thong thả dắt trâu
Trong chiều nắng xế …”.

     Lại nhớ hè năm lớp 6, tôi và Giang băng bộ hơn năm cây số qua đến tận xã Tiên An, quê ngoại của Giang để hái sim. Vì đồi Eo Bò, đồi Hang Dơi thuở ấy, sim nhiều không kể xiết. Hai đứa tha hồ vít vít từng bụi sim cao, hái được cả bao bố, lặc lè mang về.

     Tôi cũng không hiểu vì sao, còn nhỏ xíu mà bạn tôi đứa nào cũng thuộc ca khúc “Những đồi hoa sim” của nhạc sĩ Dũng Chinh. Có lẽ do bài hát này quá nổi tiếng. Những đồi hoa sim của mối tình tím biếc cả cõi lòng đã thấm một cách vô thức trong tôi tự lúc nào. Sau này, học lên cấp ba, tôi mới được biết đến bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan và mối tình người trai khói lửa với người em gái nhỏ hậu phương – bà Lê Đỗ Thị Ninh, thời chống Pháp. “Màu tím hoa sim” còn gợi cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Anh Bằng. Sự cộng hưởng của thơ ca và âm nhạc đã khiến cho mối tình buồn trở thành bất tử. Hoa sim, từ đây, đã thành biểu tượng của tình yêu  và nỗi nhớ…

     Và tôi cũng biết, có chàng trai xứ Quảng đã tựa vào đồi sim trái chín mà khóc tuổi thơ bay – đó là cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với ca khúc “Thu hát cho người”: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…”. Hoa không phải của mùa cũ, người tình rồi cũng chia xa. Nỗi hoang hoải nhập nhòa giữa cõi mơ và thực, mà hoa sim thì vẫn dịu dàng một màu tím thủy chung, đẹp như tình yêu, mong manh như tình yêu. Bài hát đã chạm đến nỗi lòng của bất kỳ ai từng thảng thốt và bồi hồi tiếc nuối vì bất chợt bắt gặp một đóa đẫm tương tư bừng lên giữa mùa hè đầy nắng và gió?

      Đồi sim quê tôi nay chỉ còn lại một “trích đoạn” nhỏ. Con đường từ Tiên Kỳ bọc sông Đá Giăng xuyên núi Dương Chức về làng đã làm thay đổi cảnh quan đáng kể. Nhưng hoa sim chỉ cần hiện diện thấp thoáng giữa ngàn xanh cũng đủ làm người rưng rưng niềm thương nhớ.