H à Nội. Là ngày đầu tiên tôi đi thi đại học. Giữa hàng ngàn phụ huynh chờ đón ngoài kia, tôi vẫn nhận ra người anh trai bé nhỏ của mình. Mặn mòi Hà Nội…
Anh là sinh viên Đại học Y, thông minh học giỏi. Nhìn anh trèo lên tường bám tay vào hàng rào sắt, giơ tay vẫy liên hồi, tôi ứa nước mắt vờ không nhận ra, nấp sau cây xà cừ lau nước mắt, rồi lại giả vờ quay ra toe toét cười.

Ba tiếng tôi làm bài thi tôi biết với anh là thế kỉ. Anh chở tôi về nhà chủ, ngồi sau xe tôi lại ứa nước mắt, quyết tâm bài thi sau sẽ tốt hơn. Về tới nhà trọ, hai bác chủ nhà đợi cơm tự lúc nào. Họ gắp thức ăn cho tôi rồi dặn cố lên. Ba ngày tá túc, lúc ra về anh gửi tiền cảm ơn, họ không lấy một xu. Họ bảo cháu đến ở là vui lắm. Đấy, Hà Nội với tôi là tình đầu thương nhớ thế!
Tôi thiếu nửa điểm vào đại học. Vậy là Hà Nội tuột khỏi tầm tay, trở thành mối tình dang dở. Hà Nội là mối tình đơn phương tôi thao thiết nhớ những đêm buồn tênh kí túc trung du. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt. Hà Nội là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội cứ xa tôi, xa mãi…

Hà Nội. Là cơn ác mộng của tôi khi biết người thương nhập viện. Lần đầu đặt chân về Thủ đô khi chỉ có một mình. Thênh thang phố. Nườm nượp xe. Tôi đi tìm người thương khi chỉ biết duy nhất một điều: Bạch Mai là điểm đến. Lạc lõng. Bơ vơ. Hãi hùng.

Tôi đi như điên dại giữa phố đông khi nghĩ anh chẳng thể nào qua khỏi. Không gặp được anh, tôi òa khóc nghĩ mình đến muộn. Nhưng rồi, tôi gọi điện về quê, đầu dây bên kia là giọng của anh: “Ngốc ạ! Anh còn chưa kịp nói yêu em, chết làm sao được chứ?”. Tôi thở phào… Hà Nội! Đừng thử thách tôi thế chứ! Tôi chỉ là một con nhóc nhà quê…

Hà Nội. Là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi. Con sốt cao, thóp phồng lên, chân tay giật giật. Tôi nhòe nhoẹt nước mắt cầu mong con sẽ không sao. Phong bì tôi kẹp vội vào sổ khám gọi là có chút cảm ơn bác sĩ giúp mình. Anh bác sĩ cười hiền hậu: “Con không sao nhé! Em đừng làm vậy. Cầm về mà mua sữa cho con!”. Thấy ấm lòng, khi ai đó nói ra Hà Nội là phải có tiền…

Hà Nội. Là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Sợ hãi, buồn phiền, chán nản. Nhắc anh xe ôm phóng nhanh lên. Anh vừa đi vừa trấn an mình. Rằng không ai từng suy sụp như anh. 5 tuổi mất mẹ. 8 tuổi mất cha. Bà dì ghẻ ném anh vào đời khi 10 tuổi.

Hà Nội là điểm đến. Lang thang 20 năm trên từng xen-ti-mét Hà thành. Giờ anh có vợ con, có nhà Hà Nội, có tiền để mua vài suất đất nội đô do thằng con trai chủ trọ cũ phá gia chi tử phải cắt đất bán đi. Nhưng anh vẫn ngày ngày lái xe ôm lượm lấy từng đồng. Cuộc sống chưa bao giờ là chấm hết đâu em.

Có chút mạnh mẽ hơn, nhưng vẫn buồn lo khi tiếng xe cấp cứu cổng viện rú lên. Rút 100 ngàn đưa anh ta bảo thôi không cần trả lại. Anh nói: “Không! Anh chỉ lấy 50 ngàn. Bố ốm nặng cần tiền trị bệnh, anh không muốn chở không công vì em sẽ không vui!”. Chạy vội lên lầu thăm bố còn văng vẳng bên tai: “Anh không phải người Hà Nội gốc. Nhưng gốc cũng từ quê mà ra em ạ. Anh sẽ làm cho người Hà Nội đẹp hơn lên!”…

Cha gầy yếu nằm trên giường bệnh. Nắm bàn tay da bọc lấy xương của cha mà buốt rụng tim gan. Đừng! Đừng mang cha tôi đi, Hà Nội! Tôi chỉ cầu mong cha hai chữ bình an. Tôi chạy ra hành lang bệnh viện lau đi dòng nước mắt mà chỉ vừa mới đây thôi nó bị ngăn không được phép trào ra.

Trong màn sương mờ đục đặc dày thành phố, sau màng nước mắt, tôi chợt nhận ra có một mặt trời dịu hiền vừa mới hiện lên! Đó là mặt trời, chắc chắn là mặt trời phải không Hà Nội ơi?