N hắc đến dã quỳ người ta nhớ ngay đến dã quỳ phố núi thênh thang . Nhưng Lai Châu mùa vàng hoa cũng là cái hồn cốt riêng của dã quỳ xứ Bắc. Dã quỳ nở vào mùa đông, tầm từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12, sang tháng 1 năm sau vẫn còn lác đác. Lai Châu mùa đông rét lắm, có vùng có lúc 0°C, các nơi khác thường xuyên dưới 15°C. Sáng sớm đầy sương mù, trưa chiều có chút nắng mà vẫn rét. Mùa này trời Lai Châu trong vắt, mùa này hoa dã quỳ vàng tươi…
Mùa hoa mộc mạc như nỗi nhớ, như tình yêu của con người Lai Châu với quê hương mình. Trên nền xám xịt của núi đá và màu nâu đất của nương ngô lúa đã thu hoạch là những rặng hoa rực rỡ. Màu hoa như niềm tin, như sức sống bất diệt của xứ sở này kể cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất!
Có ai biết vì sao dã quỳ chọn Lai Châu để gắn bó? Có phải bởi nơi này nắng, gió, sương, mưa đều mãnh liệt hơn nơi khác chăng? Mùa hè, nắng và gió Lào bỏng rát cả không gian. Mùa đông, gió buốt lạnh ào xuống từ trên núi, thổi ràn rạt qua thung lũng, qua cánh đồng, gió thò ra cả nghìn ngón tay tê cóng tua tủa bủa vây từng ngôi nhà, thọc vào lưng người ta làm môi tím tái, răng lập cập… Băng giá từ đâu đổ xuống Sìn Hồ, Sin Suối Hồ, để mặt nước đóng những tầng băng mỏng, để muôn loài ướp lạnh trong những lớp băng đá trong veo…
Dã quỳ vàng như nỗi nhớ mùa đông
Màu hoa gợi những ngày trời đầy nắng
Em biết đấy, trong bạt ngàn sương trắng
Màu hoa vàng ấm áp đến mê say…
Dã quỳ chuẩn bị cho mùa đông, cần mẫn gom cả mùa hè nóng nực vào mình, cứ âm thầm gom góp nhiệt lượng để làm hoa, đến mùa đông rét mướt ảm đạm thì tỏa ra ngàn tia nắng sưởi ấm xứ sở này bằng từng cánh hoa nồng nàn khoe sắc. Loài hoa vàng, đóa to bằng nửa bàn tay, không thơm dịu ngọt mà hăng hăng, ngai ngái, loài hoa không phù hợp với những không gian nhỏ và những người ưa hương thơm ngọt ngào.
Loài hoa thầm lặng khoác lên mình sắc màu của nắng, để Lai Châu mùa giá rét vẫn đẹp – một vẻ đẹp đơn sơ. Hoa trong giỏ, trong bung, hoa đi theo cô gái trẻ lên nương cuốc đất, hoa giắt trên mái tóc, trên khăn khi em xuống chợ. Hoa theo bạn nhỏ đến trường, hoa nở trên bàn thầy cô giáo bản em trong ngày lễ của Nhà giáo Việt Nam… Khi đồng ruộng trơ gốc rạ, khi nương sắn rụng hết lá trơ những thân cây khẳng khiu là khi dã quỳ nở, ngôi nhà ven núi chẳng còn đơn điệu tẻ nhạt vì rực rỡ sắc hoa nở quanh bờ rào.
Họ nói dã quỳ là loài hoa họ cúc nhưng có sức sống mãnh liệt, không giống cúc trong vườn nhà mỏng manh và dễ gãy, dễ dập, cúc quỳ thân cứng, lá to, sẵn sàng đương đầu với những con gió giật cấp 9, cấp 10 từ Khau Co tràn xuống Phúc Than mà cây không gãy đổ. Người Lai Châu yêu hoa, nhưng những loài hoa nhỏ bé không chịu được nắng nóng và giá rét, dù trồng cũng khó nở hoa. Nhưng cúc quỳ thì chỉ cần bẻ cành hơi già hoặc bánh tẻ cắm xuống đất, ai chăm chỉ thì tưới vài hôm cho cành bén rễ nảy mầm rồi kệ cây lớn thôi, nếu không thích trồng cành thì rắc hạt hoa vào mùa xuân cho thời tiết ấm áp, hạt nảy mầm rồi cây tự nhiên lớn, chẳng cần chăm sóc.
Loài hoa dễ tính, mộc mạc đơn sơ như người Lai Châu vậy. Cứ mặc nhiên gắn bó, nỗ lực và yêu thương mảnh đất này, chắt chiu từng chút ngọt lành của đất để bung nở những mùa hoa, dâng tinh túy cho đời, nhen lên trong lòng người ngọn lửa của tình yêu xứ sở.
Có bao tình bạn, bao đôi lứa có kỷ niệm về loài hoa này? Ai từng dắt tay nhau đi dưới rặng hoa vàng? Ai từng hẹn hò đi chơi với cúc quỳ, háo hức chạy nhảy, thỏa thích chụp ảnh, có khi ngã bong gân, rồi tập tễnh dìu nhau đi trong trời chiều vàng hoa bát ngát… Lai Châu giờ lại vàng hoa rồi đấy, ai còn nhớ mùa dã quỳ năm xưa…