Ở Việt Nam, ngày 5.5 Âm lịch gọi là Tết Đoan Ngọ. Ta vẫn hiểu nôm na là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.
Còn với riêng tôi, Tết Đoan Ngọ gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào thuở thiếu thời. Những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên theo thời gian. Cứ mỗi độ giữa hè, khi những đóa hồng liên ngào ngạt tỏa hương, khi những trái mận chín mọng tựa làn môi thiếu nữ được bày bán nhan nhản mỗi phiên chợ sáng mai là tôi lại nao nao nhớ ngoại. Nhớ món rượu nếp gói lá sen thơm lừng. Nhớ ngững ngón tay nhuộm lá móng đỏ rực. Nhớ Tết Đoan Ngọ bà còn ở bên tôi…
Ngày này mấy chục năm trước, bà gọi tôi và em trai dậy sớm lắm. Trời vừa tờ mờ sáng, mẹ đã ra sau vườn bứt mấy chùm lá khế đem vào lần lượt phủi phủi lên đầu hai chị em và nói: “Diệt sâu bọ, diệt sâu bọ”. Không cần đánh răng súc miệng, chúng tôi ăn luôn dăm quả mận và mấy thìa rượu nếp, mặc dù chưa bỏ bụng nắm xôi hay quả trứng cho bữa sáng như thường lệ… Phải chăng, đấy là phép “diệt sâu bọ” của người xưa?
Còn một điều đặc biệt nữa của ngày này, đó là tục nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng. Tôi đem thắc mắc hỏi bà. Bà tôi giống như một cuốn từ điển sống về dân gian học của cả nhà. Vấn lại chiếc khăn nhung, têm miếng cau khô và lát rễ thái mỏng vào nửa lá giầu không bỏ miệng bỏm bẻm nhai, bà chậm rãi kể. Theo lời bà, các cụ ngày xưa đi cấy lội ruộng nhiều, móng tay móng chân ngâm nước lâu bị ngấm bẩn, vàng xỉn trông rất không đẹp mắt. Để khắc phục điều đó, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, cách nhuộm móng bằng lá thịnh hành như một phát kiến tuyệt vời của người nông dân. Từ đời bà, đời mẹ truyền sang đời chúng tôi.
Chiều hôm trước, mẹ ra tường hoa vặt nắm lá để tối nhuộm cho hai chị em. Ông tôi trồng một cây lá móng nếp ở đó. Lá móng nếp nhỏ và xếp cánh dày hơn lá tẻ. Nhuộm bằng lá móng nếp thì móng cứ gọi là đỏ au, đẹp ơi là đẹp. Còn nếu dùng lá móng tẻ thì màu nhuộm sẽ vàng, không tươi bằng.
Buổi chiều, ông dùng cây sào tre đứng dưới gốc cây móc lá vông xuống cho cháu gái. Tôi nhặt những chiếc lá hình lục giác màu xanh đậm xếp thành một xấp lớn cất đi. Đây là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên bộ móng đẹp. Vì bà vẫn nói, lấy lá khác gói, màu lên không đều, không đẹp.
Tối đến, cơm nước xong xuôi, ông bắc chõng ra sân gạch, ủ ấm lá vối ngồi hóng mát. Mẹ cặm cụi chuẩn bị mớ lá sen và chum rượu nếp cho phiên chợ sáng. Ba bà cháu tôi bắt tay vào công cuộc “làm đẹp”. Bà cẩn thận tuốt từng chùm lá, loại bỏ những lá vàng và cuống bỏ vào cối giã . Khi nắm lá màu xanh đã nát nhuyễn, bà khéo léo đắp vào các đầu móng, không để thừa ra ngoài vì nếu chườm ra dù chỉ một chút thôi thì màu sẽ bị lem nhem trông rất xấu. Xong, bà lấy lá vông quấn chặt và dùng dây thun cột mười đầu ngón tay, ngón chân của hai chị em lại.
Cả đêm hôm ấy, không biết thằng em giai thế nào, chứ tôi không tài nào chợp mắt được, cứ thấp thỏm lo tuột… Sáng dậy, bỏ lá vông bọc bên ngoài ra, rửa trôi đi hết lớp lá màu nâu nâu dinh dính, thế là hai đứa nhóc có bộ móng chân, móng tay đỏ chót. Còn nhớ, khi đó tôi hồi hộp lắm, lúc rửa xong thì ôi chao thích ơi là thích. Cảm giác ấy nó giống như được mẹ mua áo mới ngày Tết vậy.
Tết Đoan Ngọ năm nay tôi cho bọn trẻ về quê. Vẫn được mẹ gọi dậy sớm ăn mận hậu và rượu nếp diệt sâu bọ như mọi khi nhưng không sao khỏa lấp được cảm giác thiếu vắng trong lòng. Nhìn bộ móng tay sơn gel đỏ xinh xinh tôi lại nhớ bà. Tiếc là bà đã theo mây gió về trời, như những chiếc lá móng, lá vông đã không còn hiện hữu sau vườn nhà nữa…