Bên khung cửa sổ
chớm thu, gió mưa vẫn thổi ràn rạt, ký ức hiện lên đứt quãng nhưng đủ làm tôi rơi nước mắt. Thôi thì hãy sống thật với cảm xúc của mình trong từng nhịp thở đi qua, người sống sao thật đúng với cảm xúc của của mình mà không cần kìm nén, để ấm nồng thổi suốt hành trình, sưởi ấm những ngày hoang lạnh. Ký ức tuổi thơ có nhiều nhặn gì đâu, thôi cứ khóc đi khi còn có thể; như tôi, trước tuổi thơ, muốn thiêm thiếp đi những buổi chiều ràng rạc mắt, hoang dại, rồi bạc gió trong chiêm chiếp tìm mẹ, lạc loài vườn xưa.
Tản văn Nguyễn Thị Diễm
Một ngày tháng tám, đã thấy nắng thu lấp loá, vàng mơ như can mật ong sóng sánh; đã thấy trong dáng hình ký ức, ngày tháng nào tôi đứng chênh vênh, khi bên này ngày mưa gió, phía bên kia tuổi thơ hun hút thấp thoáng lặng im. Bỗng thấy tuổi thơ không ở đây mà như ở đây, bỗng thấy những ngày thơ ấu đã xa ngái rồi mà lại như vừa mới diễn ra đây thôi. Ngay cả khi trong chớp mắt, trong lãng đãng sương bay vấn vít đầy những sắc màu và thanh âm.
Nhưng nhiêu đó thôi cũng chưa gợi mở đường tìm, chỉ khi chuyến tàu ký ức thổi day dứt chẳng rời, cố vương va vào ngày hoài niệm, gợi lên từng mảnh tuổi thơ thấp thoáng rạc rời. Đâu phải ai cũng có thể gìn giữ được tuổi thơ, nhưng lỡ đánh mất rồi lúc tìm lại sao còn thấy nữa, hoạ chăng chỉ còn những mảnh vụn chắp vá lại, khâu lại mảnh thời gian mà thôi. Ngay cả khi, nhìn đám trẻ bây giờ xoay vần với bao nhiêu sách vở, háo hức giải trí tương tác trên các nền tảng xã hội, tham gia những trào lưu thời trang, hội nhóm vào những “drama” vô nghĩa, các em đâu cưỡng cầu hay mong ngóng, tiếc nhớ về một thời tuổi thơ đơn sơ như tôi bao giờ. Tôi cũng không phải ngoại lệ, một thành niên đang lần tìm, để một lần được khóc trước tuổi thơ.
Trong buổi chiều chập choạng, ngồi khóc trước ký ức tuổi thơ thấy mình như rêu bám trên bức tường đã cũ kỹ, càng bóc tách ra càng gợi nhớ, như thể có một tấm vé thông hành xuôi chiều cố ngược ta về quá khứ. Hiện lên mấy đứa trẻ con trong dịp Tết Trung thu, sao cứ giống nhau quá, các em xuống phố đêm trăng, hòa vào dòng người đông đúc, chụp vài tấm ảnh, xem vài màn múa lân chen chúc đông đúc người qua lại. Tôi lặng nhìn theo, mê ngắm cảnh tượng ấy và cái ý nghĩ tự cao xuất hiện, rằng thật tiếc cho các em vì không có tuổi thơ, nhưng rồi chợt khựng lại, có phải nhất nhất giống như thời của tôi, thế hệ của tôi thì mới gọi là tuổi thơ? Rất đỗi vị nhiên, tôi được trải qua những ký ức đơn giản bình dị, gần gũi và nguyên sơ. Nhưng các em lại may mắn được hưởng những điều thật hiện đại, rực rỡ, nhộn nhịp và đủ đầy. Các em lớn lên theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, đâu phải là một điều kém may mắn, chỉ là những điều làm nên tuổi thơ của mỗi thời, mỗi thế hệ đều khác nhau, và bằng cách này hoặc cách khác mà thôi.
Qua màng lọc thời gian, qua lớp sương hoài niệm, hay qua cách tôi nhìn sang những đứa trẻ xung quanh mình. Con trai tôi đang say sưa, chăm chú trên tay là cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi thơ tôi đã qua từ lâu rồi, tôi đọc cuốn này cũng lâu lắm rồi, hay là mình tưởng tượng ra mình cũng như thế. Nhưng lạ thay, tôi thấy tôi trong đấy, tôi trôi trong đấy. Tôi bật cười, rồi lần mở Youtube bài Donna Donna (tôi nghe lần đầu khi tivi phát chương trình “Học tiếng Anh qua các bài hát và trò chơi” của kênh VTV2). Thì kể làm sao hết, phân chia sao hết những ngăn ký ức tràn đầy ngăn hồn vừa thênh thanh vừa dẫn lối, đê mê tìm về. Ngày tôi xa mẹ, lần ấy tôi khóc như dại qua giọng ca của Joan Baez. Tôi như tâm trạng của chú bê con, ước ao được quay trở về ngôi nhà thân yêu có mẹ tôi ngồi nấu cơm nơi góc bếp, trước sân nắng hoang vàng, cha tôi đánh cờ với chú Chín dưới bóng cây xoài cát toả mát xanh; tôi thì lúc đấy, giống như chú bê con kia hiên ngang mà tự do bay lượn trên bầu trời dìu vời vợi.
Phố vẫn chìm trong mưa dài, ngập lối và tôi tưởng như chẳng còn được nhìn, trông, mong, ngóng, đợi chờ, dẫu chỉ để tặng riêng cho mình khoảng lặng bình yên và ngồi khóc với tuổi thơ. Những mảnh ký ức vẫn cứ quay quay, xoay bay trong trí nhớ. Thỉnh thoảng trong giấc mơ vẫn ám ảnh tôi, cảnh tượng ngồi khóc trước hiên nhà, mặc mưa gió đường xa. Vẫn vang đâu đây, lời mẹ: khi con chọn cách quay lưng với nỗi buồn, nỗi buồn sẽ chăng bao giờ ở lại. Những ủi an mẹ không thể cùng con thì thầm suốt cả cuộc đời dài rộng, chỉ cần con tự biết cân bằng, thích nghi, lấp đầy cô đơn, tịnh yên trước những ầm ồn, thì chơi vơi đó, sóng gió đó, sẽ theo gió bay đi.
Bên khung cửa sổ chớm thu, gió mưa vẫn thổi ràn rạt, ký ức hiện lên đứt quãng nhưng đủ làm tôi rơi nước mắt. Thôi thì hãy sống thật với cảm xúc của mình trong từng nhịp thở đi qua, người sống sao thật đúng với cảm xúc của của mình mà không cần kìm nén, để ấm nồng thổi suốt hành trình, sưởi ấm những ngày hoang lạnh.
Ký ức tuổi thơ có nhiều nhặn gì đâu, thôi cứ khóc đi khi còn có thể; như tôi, trước tuổi thơ, muốn thiêm thiếp đi những buổi chiều ràng rạc mắt, hoang dại, rồi bạc gió trong chiêm chiếp tìm mẹ, lạc loài vườn xưa.