Hương ngâu lưu lạc

Nhưng, có vẻ như không phải cây ngâu ấy lưu lạc, hương hoa ấy lưu lạc mà chính tôi đã lưu lạc trong thế giới này. Xa quá rồi, tôi có tìm về được không?

Tôi là Hoàng Gia Điền

Thành viên của Tản Văn Hay từ 31 tháng 8, 2020.

Đ Đêm chợt trở lạnh. Gió thoảng nhẹ khẽ khàng đến. Tôi mở cửa sổ, một mùi hương theo gió tràn vào làm cho căn phòng nhỏ như rộng ra, như tan loãng trong mùi hương dịu dàng ấy. Hương của hoa ngâu. Hương của mùa thu đã về thật rồi sao?

Buổi sáng ra ban công, cây ngâu nhỏ đã nở đầy hoa lấm tấm trong nắng sớm sau những ngày mưa dài lê thê chán ngấy. Cây ngâu ấy mọc trong một chậu đất bỏ không từ ngày làm nhà. Tôi gọi nó là cây ngâu lưu lạc, vì chẳng biết nó từ đâu đến, theo gió hay hạt cây nằm sẵn trong chậu đất ươm mầm một cách đơn độc. Chợt khi nhận ra, cái cây nhỏ nhoi ấy lá đã xanh mướt thanh mảnh, khiến mình không nỡ bỏ đi.

Thế mà đã gần 20 năm rồi cây ngâu lưu lạc ấy lớn lên trong cái chậu đặt ở góc ban công. Không được chăm sóc gì nhiều, nhưng cây vẫn cứng cáp, vầng lá dầy xanh thẫm, nở hoa đều đặn mỗi khi vào thu . Từng mảng hoa vàng lấm tấm trên lá xanh như những giọt nắng đọng lại, lúc chìm khuất lúc lấp lánh mời gọi trong ngõ vắng.

Cách mời gọi ấy thật mơ hồ. Nó không nồng nàn đến cồn cào như hoa Dạ hương có thể khiến ta nửa đêm muốn bỏ ra khỏi nhà tìm gặp một nỗi niềm dấu kín. Nó cũng không giống như hương hoa Hồng cổ thoáng phớt buồn gợi về những kỉ niệm thủa đầu đời nồng nhiệt một cách dại khờ cay đắng…

Hương ngâu chỉ gợi nỗi nhớ êm đềm có phần nuối tiếc những ngày tháng đã qua, đã dần khuất lấp trong chất chồng mưu sinh đời thường hay những ngày loạn lạc xa cách mong chờ.

Có lẽ trong ký ức mỗi người mùi hương bao giờ cũng để lại những dấu ấn đặc biệt nhất. Âm thanh còn có thể quên lãng, có khi chỉ còn là những vọng âm mơ hồ không hiểu nổi như từ sâu thẳm dội về. Hình ảnh còn có thể nhoè mờ chồng chất hỗn độn theo thời gian khi người ta không còn trẻ nữa.

Còn mùi hương thường ẩn sâu thấm đẫm vào từng kỉ niệm tưởng như đã quên lãng rồi bất chợt ùa về trong tâm thức của mỗi người một cách cụ thể khiến ta nhận ra mình thật nhất. Hương ngâu là như thế, nhất là vào mùa thu, mùa con người thường cảm thấy cô đơn , hồn trong veo và nhẹ bẫng dễ xúc động.

Thế rồi, từng đêm, từng đêm tôi được hương ngâu lưu lạc ấy dắt vào một thế giới mộng mị xa khuất. Đó là bụi ngâu cạnh bể nước trong vườn bà ngoại mà lần đầu tiên tôi thấy nó từ khi còn rất nhỏ. Vườn xưa của ông bà ngoại rộng, trồng nhiều loại cây và hoa. Những bụi hồng, những luống huệ trắng và hàng rào là những bụi trúc, bụi duối quả vàng..Mỗi độ thu về hoa ngâu nở mùi hương như tràn ngập một cái gì đó dịu dàng không diễn tả được.

Tôi nhớ những chiều hanh, nắng nhoè trong làn gió bắt đầu se lạnh, ngồi uống chén trà bà ướp hoa ngâu. Mùi khói đốt lá khô thơm ngái lẫn trong mùi cây cỏ vườn nhà. Ngày ấy còn trẻ chẳng nghĩ được gì nhiều chỉ thấy cuộc sống an lành bình dị như mùi hương lạ lùng kia. Hương ngâu thơm dịu êm trong chén trà bà ướp dường như đi theo tôi suốt đời.

Tôi gặp lại hương ngâu trong một nhà dân ngày chiến tranh nơi tôi ở khi luyện tập đi B. Lúc đó lập thu đã lâu, nhưng cây ngâu vẫn nở những bông hoa vàng nhỏ li ti như muốn gợi lại những yên ấm của một thời chưa đạn bom. Bà mẹ già dưới chân núi đất Thuỷ Nguyên, mỗi buổi sáng vẫn cần mẫn gom từng vốc nhỏ ướp vào gói chè Liên Hương giá 3 hào thời đó, dành đợi người con trai út từ mặt trận Quảng Trị hẹn về vào tết năm 1972. Sau chiến tranh, tôi có trở lại ngôi nhà ấy.

Vẫn vườn xưa nghèo, vẫn cây ngâu ấy âm thầm nở hoa, hương ngâu dịu dàng xa ngái. Bà mẹ ngày nào gom hoa ngâu ướp chè dành cho người con trai trở về đã theo hương ngâu tan về miền mây trắng. Người con trai cũng không về từ mặt trận, Anh mãi nằm trên đất Quảng Trị. Anh không về được để uống chè ướp hoa ngâu của mẹ. Trên cái bàn thờ gỗ mộc xưa tôi vẫn thấy một đĩa hoa ngâu, những chùm hoa vàng nhỏ nhoi lẫn với mầu xanh của lá dưới tầm ảnh một người lính còn trẻ tươi tắn, nghiêm nghị.

Mùi hương ngâu phảng phất nhớ thương trong ngôi nhà mái lá ấy cứ lan tỏa lẫn với mùi hương trầm mà tôi vừa xin phép được thắp trên bàn thờ của gia đình. Vườn vẫn vắng. Nắng trưa tròn bóng trong ồn á tiếng gà cục tác đẻ trứng. Mùi hương ngâu cứ vấn vương lan tỏa những nỗi nhớ. Cô gái hàng xóm ngày ấy hay sang quét lá rụng trong vườn giúp bà mẹ. Họ hay rì rầm cùng nhau một chuyện gì đó. nghe nói cũng đã đi lấy chồng ở làng bên vào lúc tuổi đã lỡ thì.

Người ta nói có những cây ngâu đực không bao giờ ra hoa. Lá xanh dầy đầy đặn được cắt tỉa thành những quả cầu tròn mà bây giờ người ta trồng vô số ở các lối dẫn vào các công sở hoặc vườn hoa công viên đẹp nhưng không để lại một chút dấu ấn nào. Hương của những cây ngâu con gái nở hoa trong tuổi trinh nữ thánh thiện bây giờ dường như chỉ gợi lại những ước mơ nhỏ nhoi thầm kín của một thới xa vắng

Cuộc đời thật lạ lùng, chỉ khi già đi mới nhớ lại những gì mình đã bỏ quên, dù chỉ là thoáng qua được ghi vội vàng trong những kí ức muôn màng. Đấy là cảm xúc tràn đầy khởi hứng trong một chuyến đi xa, khi đứng giữa vườn ngâu vàng hoa ở vùng đất có tên như thuốc súng: Diêm Tiêu của huyện Phù Mỹ tận Bình Định xa ngái.

Những vườn ngâu thênh thang được trồng thu hoạch hoa làm thương phẩm. Trong gió biển, hương hoa bay phóng khoáng mạnh mẽ. Những cô gái trong vùng như được ướp trong hương hoa mùa thu, lúc nào cũng kiêu kì mà thoáng chút gần gụi mộc mạc…dễ gợi cho người xa lạ những tò mò gợi cảm.

Chịu, không thể nhớ được hôm ấy tôi đã nói gì mà cô gái má ửng hồng, mắt long lanh trong vàng tươi hoa ngâu, nhưng rõ ràng là có đọc một câu thơ của Hàn Mặc Tử : “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc….

Thôi, chép lại một chút cảm xúc để đừng quên, để tìm lại sự yên ổn của lòng mình trong hương ngâu sớm thu nay bỗng bất chợt trở về sau tất cả những gì lưu lạc. Nhưng, có vẻ như không phải cây ngâu ấy lưu lạc, hương hoa ấy lưu lạc mà chính tôi đã lưu lạc trong thế giới này. Xa quá rồi, tôi có tìm về được không?