Đêm thu, trăng tưới khắp vườn quê những thanh khiết, dịu dàng làm lòng tôi cũng mềm mại theo. Gió se sẽ lướt êm trên sóng lá làm cho những mảng đêm chuyển động nhịp nhàng. Tôi yêu lắm những đêm quê như thế.

Tôi mang ghế ra góc sân, ngay lối đi ra cổng để tắm trăng, uống gió, nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả và nhất là để hít căng lồng ngực hương quê. Tôi nghe trong gió ngan ngát hương cau, mùi hương vừa quen vừa lạ. Quen vì tôi sinh ra và lớn lên ở quê nên từ nhỏ đã được thưởng thức mùi hương đó.

Còn lạ là vì lâu rồi tôi mới có khoảng thời gian lắng mình tìm lại cảm giác bình yên để thấy lại mùi hương cũ. Cuộc sống mưu sinh nơi thị thành đã biến tôi thành một loài lưỡng cư nửa quê, nửa phố tự lúc nào. Thế là những chuyến về quê chớp nhoáng đã chẳng để cho tôi kịp định dạng mình thành một kẻ nhà quê. Bởi thế, những cảm giác, cảm xúc về quê nhà dường như chẳng còn lại gì ở nơi tôi.

Đêm nay yên ả quá! Hồn tôi nhẹ như cơn gió, êm ả như mây trời. Tôi cảm được hương cau nhẹ lướt qua cánh mũi mình, rồi theo hơi thở lan đều khắp cơ thể tôi ngọt dịu và êm ái mênh mang. Cái cảm giác khoan khoái ấy đã rũ bỏ hết những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường, đưa tôi đến miền thanh tịnh thần tiên kỳ diệu. Nó thanh lọc tôi khỏi những u uẩn, ham muốn, tính toan… của cõi người, làm trong trẻo hồn tôi.

Hồi nhỏ, vào buổi sáng tôi thường lon ton theo bà ra vườn nhặt những quả cau rụng sau những đêm mưa gió. Bà ngước lên ngọn cau nhìn buồng cau sai xúc xiểng, mắt bà nheo nheo như cười. Phía trên buồng quả ấy đã bung ra một nhánh hoa cau mới, hoa cau lấm tấm màu trắng ngà trông thật đẹp.

Hoa cau rụng như vãi gạo dưới gốc làm mấy chú gà con tranh nhau mổ, nhưng rồi chúng nhận ra không phải là gạo, mắt tròn ngơ ngác chạy theo mẹ, kêu chiêm chiếp. Bà nhìn buồng cau mà lầm dầm: “Được mùa cau, đau mùa luá. Chẳng biết ông trời có thương…” Tôi thì hồn nhiên: “Được mùa cau để bà tha hồ ăn trầu”. Bà tôi xoa đầu tôi, lắc lắc: “Đúng là trẻ con. Tôi tha hồ cau để ăn trầu thì nhà anh tha hồ đói”. Tôi hồn nhiên cười trong veo vì tôi trả biết những trở trăn, lo lắng của người lớn.

Hoa cau rơi xuống tóc tôi, tóc bà và đọng hương thơm ngan ngát. Tôi hít lấy hít để như sợ hương bay đi mất. Gió kéo hương rong chơi khắp vườn làm không khí trở nên thanh mát và hiền lành. Hoa cau đậu quả, những quả cau cùng lá trầu có mặt trên bàn thờ của các gia đình trong những dịp lễ, tết, cưới hỏi, giỗ chạp… là vật trung gian, cùng với hương nhang kết nối tâm linh giữa người sống với tổ tiên và người quá cố.

Cau trầu cũng có mặt ở đền, chùa, miếu mạo giúp con người bày tỏ lòng thành, ước vọng và sự tôn kính của mình đối với đức Phật và các bậc thánh thần… Cau đã thật gần gũi với con người qua bao thế hệ, là một điều không thể thiếu trong đời sống, mặc dù ngày nay chẳng mấy ai ăn trầu.

Bà tôi đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn khoẻ ăn trầu lắm. Mỗi lần về quê, thấy bà ngồi ăn trầu bỏm bẻm, tôi lại giật mình mường tượng ra một ngày nào đó sẽ chẳng còn bà ngồi ăn trầu như thế. Và rồi chợt lo sợ vì lí do đó mà cau sẽ chẳng có cớ để tồn tồn tại nữa. Rồi hương cau sẽ chỉ còn lại ở trong những giấc mơ. Ôi! Hình như tôi tôi đã lo lắng quá xa xôi rồi. Ở quê bây giờ nhà nào chẳng trồng vài cây cau. Hương cau vẫn ngan ngát thơm một cách thiết tha, như muốn nói rằng chúng sẽ mãi mãi tồn tại ở trên đời. Và tôi tin điều ấy, như tin những mộc mạc, thanh bình, thật thà, trong sáng ở nơi quê sẽ còn mãi, như muôn đời nay vẫn thế!