Như không em một chiều giáo đường, như chưa quen một ngày vô thường, như chưa quên một đời yêu thương. Chiều không em, những buổi chiều nhỏ nhoi thánh giá.

Tôi không nhớ rõ mình bắt đầu làm thơ vào năm nào nhưng đây là bài thơ tôi viết khi bắt đầu vào trung học, nghĩa là khoảng năm tôi mười sáu tuổi. Mười sáu tuổi, chưa biết tình yêu là gì, nó ngọt hay mặn, cay hay đắng, chua hay chát chỉ biết cứ phải bấn loạn và màu mè như vậy… Dường như tuổi trẻ là những tiếng chuông reo tự tâm hồn. Một tiếng chuông reo, một tiếng chuông ngân cũng đủ làm người ta dư ba một đời. Những tiếng chuông ấy đã báo hiệu cho bạn biết niềm vui hay nỗi buồn, mà dù sao cuộc đời cũng là những chắt chiu từ vui buồn ấy.

Anh chết lặng trong giáo đường nhạt nắng
Chiều vắng rồi gió cũng phong rêu
Em không đến mình anh không đốt nến
Thánh ca buồn nên vẫn đau thương

Ở ngoài kia tận cuối con đường
Chiếc lá mỏng dường như xanh xao quá
Không có em chúa cũng thành xa lạ
Mình qua chiều chớp mắt phiêu linh

Chỉ có anh một mình vẫn lặng thinh
Nghe chuông lắng thành hình kỷ niệm
Cánh chim hư vô nóc nhà thờ thoáng hiện
Cũng mất hút vào vợi diệu em ơi…

Vài câu thơ chẳng làm chững chạc một con người, vài câu thơ cũng chẳng nhỏ bé một con người, Có điều đọc lại thơ mình viết từ nhiều năm trước tôi thấy bóng tôi như bóng chuông ngân. Tôi ngoại đạo nhưng lại có duyên nợ với bóng hình nhà thờ trầm mặc, những tiếng chuông vằng vặc nhấp vào xa vắng, và áo trắng em một sớm heo may.

Thời cấp hai, học ở trường chuyên thị xã Thái Bình ( không hiểu sao tôi vẫn thích gọi Thái Bình là thị xã mặc dù nó đã lên cấp thành phố nhiều năm nay ) ngôi trường nằm kế bên nhà thờ và lọt thỏm trong khu giáo dân, ngay cả các phòng học cũng kế thừa lối kiến trúc cơ đốc.

Nhà thờ và những vui buồn xóm đạo đã tan chảy vào đám hồng cầu của tôi tự bao giờ không hay, lúc nào nó cũng có vẻ gì đó thanh vắng, buồn khổ và rối rắm yêu thương.

Lên đại học, nhiều năm dài tôi trọ học ở một gia đình có đạo chính thống thành thử tháp chuông nhà thờ cứ dần cao vút trong tâm tưởng, tôi thường xuyên đi lễ với Nga và Loan, hai đứa em mà tôi từng kể trong  “Mùa đông của tôi và thỏi son ngày 8 tháng 3”, có những chiều buồn tôi lang thang dọc những biên ải yêu thương Hà Nội, gói ghém nhà thờ vào  một chiếc máy ảnh Liên Xô cũ kỹ.

Cuối năm 2012 dừng bước phiêu bạt, gác lại cánh buồm còn ăm ắp gió, tôi trở thành công dân của thành phố biển Vũng Tàu,  những ngày đầu tôi ở tại nhà khách của PVD trên đường Bình Giã phường 8, mỗi sáng đi cà phê, mỗi chiều đi tản bộ tôi lại ngang qua những tháp chuông ngân. Lục lại facebook đọc dòng cảm xúc năm nào:

“Ánh sáng lặng lẽ đi, bóng tối lẳng lặng về, bốn mùa bình thản ngọt ngào và đắng đót thời gian. Chỉ có ta, chẳng đánh cắp, chẳng nợ nần, chẳng xua đuổi mà sao vẫn sấp mặt, vẫn mải miết trên những con đường còn chưa quen gót.

Nơi nào là đồng cỏ, nơi nào là bình yên? Đã là ngựa hoang thì sao phải né vết thù? Đã là ngựa hoang thì sao biết mệt mỏi? Triết lý ấy đủ để ta sống một đời bình thường nhưng không tầm thường…”

Nắng dật dờ trên những gương mặt xa lạ, ngồi cafe, nghe mấy bản không tên của Vũ bất giác cũng muốn thành một làn khói trắng không tên…Những làn khói trắng, những tiếng chuông nhìn em dịu đắng, tiếng chuông là ảo ảnh của bóng hình, hay bóng hình lặng thinh trong giọt chuông ngân.

Buổi chiều, ôi những buổi chiều yêu thương, những buổi chiều từ bao nhiêu chiều đã vấn vương những lời buồn thánh. Những bước chân tôi mỗi lần đi ngang xứ đạo, cảm giác mình như một người vô hình dấn than vào những mênh mang của cõi Người.

Thì đây, vẫn là một bài thơ ngốc nghếc của một cậu học trò đã trót rủ bóng tâm hồn mình vào xứ đạo:

Xin em đừng trở lại
Tình nhớ đã nguôi ngoai
Xin em đừng thở dài
Ngại ngùng thương lên mãi
Quỳ trước chân tượng đá
Nhận một chút lạnh lùng
Thánh ca nào buốt giá
Mắt ta buồn cùng
Khói thuốc tím vô cảm
Bước chân qua ngang tàng
Xin em đừng trở lại
Chuông đang tan đang tan…

Ở đời có những món chưa đến tháng thì chưa nên ăn, chưa đủ tuổi thì không nên uống, chưa đầy năm thì không nên đọc. Vậy nhưng những vẻ đẹp của tình yêu loài người cứ hối thúc tôi bước đi,có tiếng chuông ngân xa hối thúc, có ánh mắt một giai nhân trong một cuốn tiểu thuyết tưởng chỉ là giấc mơ hoang đường hối thúc . Năm 14 tuổi tôi lại đắm mình trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Điều đó thật điên rồ. Nhưng có cảm giác tôi thấy, tiếng chim đang lảnh lót trong bụi mận gai kia cũng như những giọt chuông ngân đẹp nhất, dẫn tôi vào thế giới của cái đẹp. Thế giới của cái đẹp trong veo như chuông đang tan, bình minh như chim vừa ngân, nhưng đó là một thế giới đánh đổi bằng những thứ cả đời tôi không dám chắc là mình có đủ. Vẻ đẹp luôn tựa lưng vào sự hi sinh…

Ra mắt cách đây hơn 40 năm nhưng tác phẩm  “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”  vẫn khiến những người trẻ say mê. Những tình yêu say mê thường bao giờ cũng tạo ra những dư chấn say mê. Dư chấn ấy là tôi và các bạn. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết này sánh ngang với văn học kinh điển “Cuốn theo chiều gió” ngay khi vừa xuất bản.

Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (tựa gốc: The Thorn Birds) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ y tá Colleen McCullough. Bắt đầu với truyền thuyết về một chú chim hót hay nhất thế gian và chỉ hót duy nhất một lần trong đời, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai xoay quanh lịch sử của gia đình Cleary mà trung tâm của nó là câu chuyện tình yêu giữa Meggie Cleary và cha đạo Ralph de Bricassart – một mối tình vừa trong sáng vừa táo bạo mà chỉ có thể gói gọn trong bốn chữ  “nỗi đau tuyệt vời”. Ôi những nỗi đau tuyệt vời, ôi những tiếng chim tuyệt vời và hỡi những tiếng chuông đang ngân bên đời ta. Tiếng chuông nào chẳng là những ký âm mà một người nào đó, nhiều người nào đó đang nguyện trước gió?

Giáng sinh sắp về hay giáng sinh đang chầu chực ở cõi lòng ta từ muôn ngày, từ muôn chiều, từ muôn đời, từ muôn những đêm anh nhìn em trăng lên, chuông lên, những vẻ đẹp từ những đôi môi ngọt mềm run run ca lên? Có ai dám sẵn lòng để trở thành một “nỗi đau tuyệt vời” kia không? Nỗi đau ấy đẹp hơn muôn ngàn lời hát em vang lên đêm thánh vô cùng.

Và chuông đã ngân rồi đấy, chuông đã xa rồi đấy, chuông reo vui, chuông cười trong mắt em reo vui. Đứng ở dưới chân Chúa, đứng dưới tháp chuông hiền từ giáo đường, nơi mà tôi không thuộc về, nơi mà Chúa không thuộc về, nơi Kinh Thánh không thuộc về, đó chính là tình yêu của bạn.

Và tình yêu ấy xin hãy như tiếng chuông, ngân xa, reo vui, an nhiên. Tôi không biết bạn cất lên âm thanh ấy bằng cách nào, nhưng mỗi người đều có sứ mệnh với tiếng chuông đời mình.

Dù là vắng em hay có em thì giáo đường luôn ấp ủ những giấc mộng lành. Và nếu là chim đừng ngại ngần những nỗi đau ngân…