Tôi nhớ làng tôi lắm. Ngôi làng bé nhỏ bình yên nằm ven đường quốc lộ dễ đến hàng trăm năm có lẻ rồi. Không cổng làng, không cây đa, lối vào làng tôi là một ngã ba rẽ quặt vào con đường miên man đất sỏi. Con đường ròng rã đi cùng năm tháng tuổi thơ tôi, ghi dấu bao kỉ niệm đẹp đẽ có trong đời. Mà giờ đây được thế thay bằng một con đường mới. Tôi men theo những buổi chiều mỏng manh guộc gầy như tơ chỉ. Chiều chập chờn, lim dim. Chiều như trốn chạy sự kiếm tìm của tôi khi tan vào màn đêm tối. Con đường làng ngày ấy đang nơi đâu?

Con đường gắn bó với người làng tôi chân lấm tay bùn vén vun, lo toan cơm áo. Mỗi bước chân đi, mỗi guồng quay xe đều hằn in dấu lại. Ngày mưa ít người, đường buồn tầm tã. Ngày nắng hanh vàng, đường theo lũ trẻ tiếng cười mải giòn tan.

Hai bên đường là bờ rào có vô số những loài cây đùm bọc nhau chung sống. Những bụi tơ hồng vươn leo tua tủa, rặng cúc tần nhàn nhạt lá xanh. Những bông hoa bìm bịp màu tim tím loe ra hệt như chiếc loa mà nhiều lần tôi và chúng bạn vui đùa cài lên tóc.

Buồng chuối nặng trĩu, giàn mướp lủng lẳng treo quả tận ra phía đường, ai đi qua cũng muốn hái thay cho gia chủ. Những khóm cỏ gà, cỏ ấu, những bụi hoa xuyến chi trắng li ti dưới mép bờ rào sinh sôi nảy nở.

Dù bụi đường phủ thành từng lớp ngầu đỏ, cây lá chẳng bao giờ được mướt xanh nhưng khi gió mưa dội xuống mát lành thì bao năm vẫn tràn trề nhựa sống. Những đêm rằm tháng tám, người lớn trẻ con í ới gọi nhau. Tiếng trống múa lân nhộn nhịp tưng bừng cùng những chiếc đèn ông sao lấp lánh.

Chúng tôi rước đèn từ sân kho ra đầu làng, rồi từ đầu làng quay trở lại. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng ngời, những khuôn mặt hân hoan chờ phá cỗ. Chao ôi, biết bao nhiêu là nhớ!
Tôi nhớ bóng mẹ đạp xe cặm cụi mỗi sớm mai trên đường làng để kịp từng phiên chợ. Vẫn chiếc xe trên con đường ấy, mẹ gói trọn tình yêu vào buồn vui hai nửa mà tiễn tôi xa nhà. Chiếc túi du lịch đựng quần áo căng phồng, cứ bật lên bật xuống dù đã chằng tới mấy lượt dây chun.

Tôi không còn ngồi lên đỉnh yên xe mà công kênh như ngày nào thơ bé nhưng vẫn tíu tít bám vào túi kia mà theo sau bóng mẹ. Hai mẹ con lỉnh kỉnh dắt bộ.

Thỉnh thoảng gặp các cô, chú, bác trong làng: “Hai mẹ con đi đâu thế”, “Hai mẹ con sao lại dắt bộ thế này”…Tiếng chào hỏi rôm rả thân thuộc làm sao. Mẹ dặn dò nhiều lắm, hôm ấy mẹ tiễn tôi ra đầu làng đón xe khách ngày đi học xa.

Cũng ngày tôi lên xe hoa, mẹ nhìn theo mắt trào dâng ngấn lệ. Lần nào cũng bịn rịn, vấn vương tới khi xe lăn bánh, làng khuất cuối đường, trong mẹ, trong tôi trào dâng nỗi niềm xa cách.
Thời gian nào có đằng đẵng trôi đâu, thời gian có lúc nhanh như một cái gật đầu. Làng tôi đã đi vào quy hoạch. Mẹ kể qua điện thoại cho tôi nghe về dự án con đường hai chiều rộng mênh mông xẻ đôi giữa làng nối liền với cây cầu bắc qua sông tới huyện khác. Biết bao ngôi nhà đã đổ xuống dưới đầu máy ủi, máy xúc, chủ nhà được bồi thường và chuyển đến khu tái định cư. Biết bao vườn cây xanh bị đốn nhừ, đường dốc đường bằng đều bị xới tung san phẳng. Những viên sỏi đá vỡ vụn, hoa lá cành rụng rơi, bờ rào xưa nằm ngổn ngang rã rời chìm trong mấy tầng đất sỏi. Con đường cống hiến cho làng tôi mòn mỏi cả thanh xuân mà giờ đây xa mãi chẳng còn gần. Tôi nén lòng xót xa, trời ơi muốn khóc vỡ oà trong niềm đau, niềm tiếc.

Tôi chẳng thể nào giữ lại cho riêng mình con đường ngày ấy, không giống như việc tôi cẩn thận cất đi một đôi dép đứt quai, một chiếc mũ rách sờn hay một chiếc kẹp nơ chẳng còn tanh tách. Chúng nhàu cũ, chúng hao mòn bởi đã cho tôi bao điều tốt có thể.
Tôi trở về thăm quê sau thời gian dài bệnh dịch nơi cộng đồng gỡ dần phong tỏa. Tôi xuống xe tản bộ từ đầu làng về nhà như ngày xưa, một thói quen để ngắm nhìn miền quê yêu dấu. Tôi chậm rãi bước trên con đường mới và nhìn quanh bốn bề, hồi tưởng từng đoạn đường của ngày xưa. Con đường rộng lớn hôm nay như một vết rạch cứa vào lòng tôi những điều quặn thắt. Những quán trà đá bia hơi mọc lên chiếm tới nửa ngày la đà của thực khách, những biển bán đất tròng trọc, những chiếc cọc đánh dấu mặt bằng cho thuê nhấp nhô san sát. Có vài thanh niên phiêu bạt, nẹt bô xe mà phượt dưới làn đường, bỏ lại chùm khói sặc sụa buông tuồng quanh mặt đường chát chao mùi nhựa.

Những người già quanh quẩn bên cháu con nhưng vẫn tựa mình bên cửa có gì như héo hon, mắt rưng rưng như nhớ nhiều về ngôi nhà cũ. Nơi có những luống rau xanh, có ao cá gốc cây mát lành, lúi húi đủ việc quanh vườn mà ngày nhanh hết lắm. Đường mới thênh thang, dải phân cách dài, nhưng người người hiếm ai còn đạp xe gọi chờ nhau chuyện trò hỏi han như ngày còn đường cũ. Chẳng còn bụi đỏ, chẳng có ổ gà, con đường nuột nà, không lóc cóc chông chênh mà sao lòng tôi dập dềnh vô vàn trống trải. Tôi nhớ người bạn thuở nào, làng cũng mất một tri kỉ tâm giao. Đường làng khi xưa chỉ còn vang bóng.
Sau con dốc nhỏ, bên trái là nhà tôi. Những thảm rêu xanh nơi chân cổng đã ăn đời ở kiếp trổ hoa và dày êm như chiếc đệm. Bố đang cặm cụi bọc ni lông vào những trái bưởi xanh trên cây, để lũ sâu không trú ngụ quấy rầy. Mẹ dịu hiền, phức thơm bếp lửa. Tôi sà vào hạnh phúc bình yên như trút được gánh ưu phiền rồi chạy khắp vườn hít hà mùi nồng nồng của cây và đất. Dường như một góc quê nho nhỏ thân thương đang sum vầy quần tụ. Đàn gà bới đất tìm giun. Con mèo rình bắt chuồn chuồn đang bay đến mấy lần rồi tung người xuống đất. Tôi từng hỏi bố mẹ rằng: “Bố mẹ ơi, nếu nhà mình bị giải toả, được ra phố ở bố mẹ có vui không. Hai ánh mắt vò võ chối từ: Ở với làng quen rồi, bố mẹ chẳng còn muốn đi đâu nữa cả. Bao giờ đến tuổi này con sẽ hiểu những mồ hôi nước mắt, nỗi buồn niềm vui bên làng là thấy đủ. Chỉ mong mảnh vườn nhà mình không mất đi con ạ”. Dường như trong thâm tâm của người ở quê, đó chính là một lời hương ước.
Con đường mới hôm nay không phải của riêng làng tôi mà còn là đường chung, đông đúc lạnh lùng dẫn vào công cuộc đô thị hoá. Ai cũng mong một cuộc sống ấm no giữa làng quê thay da đổi thịt. Dẫu gì quê vẫn là quê/ Ai người quên mất đường về ngày nao. Hồn quê là gốc rễ, cội nguồn, là sợi dây neo buộc, là đủ thứ trong lòng. Còn thương thì còn nhớ nhung gìn giữ chẳng mai một. Bố mẹ tôi vẫn quanh quẩn bên khu vườn, bên căn nhà luôn sẵn tình yêu thương. Tôi chắt chiu những điều thiêng liêng ấy để tự trấn an lòng. Dẫu bóng quê bây giờ lưa thưa, heo hút.

“Ăn cơm mẻ bát xứ người
Vẫn còn canh cánh góc trời chân quê”.