Dòng Đuống

    848
    Ảnh: Cowins

    Dòng Đuống ai trôi? Lòng Đuống tôi xuôi. Mắt người một thủa, đằm mùa gái quê. Tình người muôn thủa, hóa thành triền đê. Thênh thênh Đồng Tỉnh, thang thang Huê Cầu. Một chiều đủng đỉnh, sông duềnh dòng mê.

                  Ngày rõ xa vắng hơn, buổi chiều cũng vậy mà dài cong gầy queo, nhoài đôi hài hiền lành của mùa thu đang thoát xác lẩn vào bầy cỏ lau lách xách ngẩn ngơ, dú dớ đông về bá riết bá ráo mấy đường cong bờ đê mà vụng về hun hút.

    Những triền quê sông Đuống như những người đàn bà bỗng độ mặn mà, xoai xoải xuống dòng sông cuối mùa còn chưa kịp nguôi ngoai phù sa, lập lờ ngân nga kiêu hãnh. Dòng Đuống từ bao đời hay từ muôn đời chẳng cần phải ngông cuồng tỏ ra vạm vỡ, nó đã đủ thấm tháp nhân gian mà bạo dạn một cách khiêm nhường, khua khỏa nỗi niềm Kinh Bắc… Nỗi niềm Kinh Bắc, những nỗi niềm thức sâu vòm mắt, những đau thương đặt tên oai hùng, những niềm vui không giấu lưng chừng, yêu thương ngập ngừng thành câu Quan Họ.

           Có vẻ như những đan cài phân lưu khá đặc biệt của dòng sông đã khiến Đuống là một cái tên có phần quê mùa thô kệch nhưng lại đẹp đến mê màng và trở thành dòng chảy linh ứng với bộn bề giai tầng văn hóa. Mỗi một người dù là ăn đời ở kiếp hay chỉ thấp thoáng đôi lần bước cùng dòng sông thì hầu như đều đã tìm thấy hồn mình lưu thủy. Sông Đuống trôi đi, tỏa nắng Hoàng Cầm.

    Lặng lờ quyến luyến Đông Anh, dòng Đuống loanh quanh giã bạn Long Biên rồi nó mềm môi cười hiền như một cô gái ngoan che tay ngoảnh mặt nhìn Gia Lâm thêm một lần nữa để dốc lòng phụng sự quê chồng. Đuống nhắm thẳng hướng đông mà đi, đôi khi nó phô bày sự mảnh mai tinh tế của mình bằng mấy đường nghiêng lụa là lả lướt. Đuống chảy mà dòng nối dòng cứ trườn lên phía trước, nó kẻ mắt về hướng đông, nơi có ánh mặt trời trời hồng khúc xạ thứ màu nâu đỏ giàu có hồn hậu phù sa.

                        Tôi làm bạn với Đuống cũng vào một buổi chiều bầy cỏ xoăn xoe rối vàng dọc bờ đê mải mê. Cũng giống như buổi chiều nay, mùa đông ngả xuống dòng sông mà ngấm ngầm hoang giá. Người đàn bà Đuống không còn trẻ nữa, nhưng cái lạnh nhạt của mùa đông chỉ làm tăng thêm vẻ ấm nồng mỗi khi Đuống phả những làn khói loang trên mặt nước thản nhiên bình yên.

    Hà Nội rồi đông, tuổi trẻ cùng với những lơ đễnh tâm hồn đã dắt tôi qua những ồn ào của thành phố mà lang thang theo dòng sông thi ca. Sông Đuống với con mắt học trò cứ ấp ủ quê mùa mà vẫn lấp lánh những hồi tưởng “em ơi buồn làm chi…” Cảm giác chỉ cần đặt chân xuống triền đê thôi thì buổi chiều đã trở thành một người tình đồng vọng. Thấp thoáng một bóng thuyền hay chỉ một vài bông cải vàng lên vườn ai cũng đủ làm yêu thương òa vỡ. Dòng sông ngan ngát buồn, dòng quê búp nắng, mặt sen…

                        Buổi chiều nay, không còn là buổi chiều của đứa học trò năm xưa nhìn dòng Đuống lên mùa đông vắng. Trái tim tôi giọt buồn giọt đắng, giọt vơi giọt gầy, giọt vui giọt nắng, ít nhảy nhót hơn, hà tiện cả những lần thăng hoa. Vậy nhưng dòng Đuống vẫn âm thầm đẩy những bồi âm Kính Bắc rung rinh, dùng dằng mà ngã lòng, người ơi người ở đừng về…

    Dọc bờ sông Đuống, dọc những con đường nhỏ lan man thủng thẳng như bầu tâm sự của mấy cô gái quê, màu nâu lịch sử vẫn tái hiện trên những mái đình cong vi cong vút. Buổi cuối thu đầu đông như làm cho dòng Đuống và xứ Kinh Bắc trầm mặc hơn, xa vắng hơn khiến lòng tôi hoài cổ. Mấy vạt cải đã loe hoe vàng, đan xen vài nhành hoa dại cũng chẳng ngại ngần mà vàng dại vàng hoe.

                      Dọc đường đi, tôi hỏi thăm lối vào nhà một người bạn, mấy đứa con gái nhà ai, nụ cười như hoa lài nở giấc chiêm bao vừa đây mà gió thoảng: Chú này ngố quá. Chết chửa, sao chúng lại gọi mình là chú nhỉ?

    Trôi theo dòng Đuống nuối tiếc Đông Hồ, đôi bờ giăng chài một hai Phù Lãng, tai tôi lơ đãng, giật mình Trương Chi, ở đâu thầm thì Thiên Thai đỉnh núi.

    Đuống đi già nửa đường về phía đông thì gặp Thiên Thai, từ đây những hình hài xưa cũ lại vươn vai kể chuyện làng thờ An Dương Vương – Mỵ Châu. Chảy sâu thêm chút nữa gần cửa sông Lục Đầu Giang, Đuống mơ màng  làng thờ Cao Lỗ Vương: Đông Trung, Bình Than, Văn Than, Kênh Phố, Tiểu Than…

                Buổi chiều hiền bóng, bên tả bên hữu nhà kia nhà ai đã lốm đốm ánh đèn, dòng Đuống trôi đi, những cô hàng xén răng đen của Hoàng Cầm lại trở về trong lòng tôi lấp lánh. Sông quê, gái quê, mùa quê, tình quê, lòng dạ nào mê.

    Bao giờ về bên kia sông Đuống
    Anh lại tìm em
    Em mặc yếm thắm
    Em thắt lụa hồng
    Em đi trẩy hội non sông
    Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

    Người đàn bà Đuống đã đi một quãng đường dài, đã ôm ấp dáng dấp hình hài mà tạo nên một không gian Kinh Bắc vời vợi, ăm ắp, phên dậu phía bắc của kinh thành Thăng Long – Đông Đô. Ai đó như đang khẽ rung lên tiếng lòng Trương Chi, ai đó như khẽ “em ơi buồn làm chi”. Gió đông về có hề gì, dạ tôi thầm thì: dòng Đuống…