Nhà giáo Bùi Duy Phong
M ỗi một vật dù vô tri, vô giác trong thế giới bao la này đều có cuộc đời riêng của nó và tôi cũng vậy. Tôi sinh ra trên cõi đời này để gắn phận mình với một nghề mà người ta cho là cao quý nhất – nghề giáo. Tôi chính là viên phấn trắng ngày ngày đồng hành cùng thầy cô và các bạn học sinh. Cứ mỗi khi đất trời nỉ non những cơn mưa dầm dề giữa đông, lòng tôi lại rạo rực dù những rét buốt theo ngọn gió phương bắc đã tràn về.
Đó là những báo hiệu của đất trời cho tôi biết sắp được đón chào ngày mà người ta ngợi ca những đóng góp của mình cho sự nghiệp trồng người, tri ân những công lao của các thầy cô giáo. Chút nắng, chút mưa và chút se se lạnh của những ngày đông là khoảnh khắc làm lòng phấn bỗng dưng dịu mềm.
Nó chính là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong một năm học dài dằng dặc với biết bao biến cố, căng thẳng mà phấn cùng thầy và trò phải trải qua. Tôi nằm đó, nơi thân quen trong suốt cuộc đời mình chứng kiến gần như trọn vẹn những thăng trầm của giáo dục.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ nên mặc dù sinh ra từ đá vôi nhưng tôi lại có duyên về làm bạn với thầy cô giáo, với lớp lớp học trò yêu thương. Tôi và người bạn thủy chung bảng đen đã chứng kiến bao thăng trầm của ngành trồng người này. Nhớ cái thuở ban đầu khi thóc cao gạo kém, thầy cô giáo cơm không đủ no vẫn ngày ngày bám lớp vì bao cặp mắt ngây thơ mở to chờ đón cái chữ. Bao mái đầu xanh học trò vẫn miệt mài bên trang vở gieo lên trong lòng những người cầm phấn một thứ tình cảm trong trắng nhất, tình thầy – trò.
Tuy đói nghèo, áo quần có khi chẳng lành lặn nhưng họ được xã hội tôn vinh, học trò yêu mến. Chữ thầy thật sự cao quí khi truyền thống tôn sư trọng đạo từ bao đời vẫn được xã hội gìn giữ. Phấn tôi ngày ấy cũng mộc mạc với thân hình thô ráp và làn da hâm hẩm chứ chẳng thon gọn, trắng trẻo và láng mượt như bây giờ đâu. Đời thế mà vui vì phấn chẳng khác gì chất xúc tác góp phần chăm bón cho những tế bào non xanh lớn lên từng ngày. Nếu một ngày không có phấn, bài giảng của các thầy cô sẽ không tròn vị và chắc chắn rằng ai cũng hỏi đến tên mình. Tôi vẫn theo chân các thầy cô mỗi sáng, mỗi chiều tận hiến đời mình để viết lên bảng đen những bài học giá trị. Chín tháng ròng không ngơi nghỉ cho đến tận lúc các thầy cô buông phấn tôi mới có được chút thảnh thơi.
Phấn thật sự hạnh phúc khi làm công cụ cho những người nghệ sĩ bục giảng trình diễn. Họ say sưa hàng giờ trong từng tiết dạy để ươm mầm ước mơ. Đôi lúc tôi cảm thấy mình có lỗi khi ngày ngày vẫn đáp lớp bụi phấn trên mái tóc vốn đã bạc theo thời gian giờ càng thêm bạc của họ. Rồi có những cô thầy không vượt qua được cơn bĩ cực của nghề mà đành rời xa bục giảng, đành bỏ phấn. Tôi nằm lăn lóc trên bàn day dứt cho những cuộc ra đi vì thời cuộc. Giọt nước mắt trong những lần chia tay bảng đen phấn trắng cứ làm tôi luyến tiếc mãi cho đến tận giờ.
Hồi thái lai cũng đến khi cuộc sống hồi sinh, phát triển. Chứng kiến sự đổi thay trong đời sống của những người làm giáo dục, phấn cũng vui theo. Thầy cô giáo không còn chạy ăn từng bữa nữa mà có thời gian để đem hết những nhiệt huyết, trí tuệ của mình cống hiến. Chẳng còn những phòng học ọp ẹp mà sự bề thế, khang trang của bao ngôi trường cho thấy xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến nghề trồng người này. Phấn tôi cũng không còn tuềnh toàng mà đã trắng sạch hơn xưa, cũng thời trang xanh đỏ tím vàng bắt mắt lắm. Giờ tôi có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn khi công nghệ được vận dụng nhiều vào bài giảng. Có những giờ giảng tôi chỉ nằm trên bàn làm người dự giờ bất đắc dĩ khi anh bạn ti vi hay đèn chiếu độc diễn. Đã có lúc tôi nghĩ ngày mình rời xa nơi quen thuộc không còn bao lâu nữa trong thế giới phẳng này khi mà người thầy ở bên kia bán cầu có thể giảng oang oang cho trò bên này ngồi nghe. Chỉ cần cái click chuột, gần như mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng. Kẻ thô sơ, mộc mạc này rồi cũng đến lúc người ta khai tử thôi. Mới chỉ nghĩ đến phải chia tay thầy cô, học sinh, trường lớp, lòng phấn đã xôn xao một nỗi.
Sự phát triển của công nghệ đem lại sự đổi thay lớn cho giáo dục làm phấn tôi mừng lắm. Người ta bắt đầu đổi mới nhiều thứ cho kịp với thời đại nhưng dục tốc bất đạt. Đã có những giờ thầy cô thay đọc chép bằng chiếu chép mà học sinh chẳng khác gì khán giả của một thời xem phim màu truyện chiến đấu Liên Xô. Sách giáo khoa thay như người ta thay áo đến nỗi vừa mới làm bạn cùng tôi năm trước thì năm sau đã theo bà đồng nát mất rồi. Còn nội dung nghe đâu tranh luận rộn ràng cõi mạng lắm. Nhìn đám học trò từ nhỏ tới lớn bơ phờ sau những ngày kiểm tra, thi cử mới biết chẳng nhẹ hơn chút nào.
Nồi canh được thêm nhiều lá hẹ làm khổ những người cầm phấn khi tiên ông của câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” cứ cầm cây phất trần mà hô trong thế giới hiện đại này. “Chiếc cày” giáo dục không biết đến khi nào được đẽo xong để đem ra sử dụng dài lâu. Nghề cao quý giờ thành nghề nguy hiểm bởi vì sơ hở một chút là các thầy cô được cả thế giới biết ngay. Nhưng than ôi nhân vô thập toàn nên biết làm sao để các thầy cô giữ được mình trước những hỉ nộ ái ố của bao tình huống sư phạm. Không biết tự bao giờ họ tự biến mình thành những người “thợ dạy” không hơn không kém. Nhìn thầy cô khiêm nhường trước những học trò ngỗ nghịch mà phấn tưởng mình đang xem phim “Sao đổi ngôi”. Có những lúc giải lao, phấn giật mình sờ lên trán lấm tấm mồ hôi vì cứ nhầm là lạc vào sàn đấu MMA khi đám học trò kẻ đấm đá, người quay phim. Vấn nạn bạo lực học đường này vẫn chưa có hồi hết vì chưa có thuốc đặc trị. Rồi giáo dục “kinh doanh” đem đến sự khinh thường của xã hội và làm hoen ố hình ảnh của người thầy. Phấn ứa nước mắt khi chứng kiến bao bà giáo già tay yếu, chân run, mắt kèm nhèm trèo lên bục giảng hay thị phạm những động tác múa cho các cháu mầm non trong những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp. Chẳng thấy có chế độ hưu trí ưu tiên gì cho cái nghề “sưng cổ nổ hầu” này. Còn biết bao điều mà mình muốn tâm sự nhưng cái ngày dành cho những người cầm phấn sắp đến rồi.
Hãy gác lại những muộn phiền và vui lên đã vì cũng còn biết bao nhiêu trẻ thơ đáng yêu trên khắp đất nước này đang chờ phấn và các thầy cô giáo. Hy vọng những đổi thay tiếp theo sẽ kéo “con tàu giáo dục” băng băng trên những con đường mới chứ không còn ì ạch trên những thanh ray cũ kỹ dù có được sơn phết hay đánh bóng đi nữa. Mong lắm thay!
Ngoài đường những bông hoa đã bắt đầu tung tăng trên phố. Trong lòng phấn buồn vui lẫn lộn với những đổi thay của thời cuộc. Thương những người cầm phấn vẫn bám nghề sống kiếp tằm tơ giúp ích cho đời dù chữ “thầy” đã bị bào mòn đi nhiều lắm trong xã hội hiện đại này. Đâu đây câu hát bài “Bụi phấn” với nhịp valse nhè nhẹ làm rộn ràng không khí của những ngày đông. “…khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…”