
K
ý ức con người là một thứ vô cùng đặc biệt. Nó có thể được khơi dậy và tái hiện ở bất cứ thời điểm nào bởi cả năm giác quan: nghe, ngửi, nếm, sờ, nhìn. Một giọng nói, âm thanh quen thuộc. Một mùi hương quen thuộc. Một mùi vị quen thuộc. Một cảm giác quen thuộc hoặc có thể là một hình ảnh quen thuộc cũng đủ để gợi nhắc và gọi về cả một bầu trời ký ức. Và cũng bởi vì thế, khi ta còn sống, ký ức vẫn sẽ luôn tồn tại.
Một buổi sáng cuối Xuân, khi tiết trời vẫn còn vương vấn chút ẩm ướt và se lạnh còn sót lại, tôi ngồi bên ấm trà, đọc dở cuốn sách có tên Những Ngọn Nến Cháy Tàn của Márai Sándor. Và thật kỳ lạ làm sao, vào lúc ấy, tôi đã tưởng tượng ra xung quanh mình hình như có mùi nến cháy.
Tất nhiên nó không phải là mùi nến thơm mà bây giờ người ta vẫn hay sử dụng. Đó là một thứ mùi khen khét, nồng nồng rất khó diễn tả của những cây nến thường có hai màu trắng và đỏ mà chúng tôi đã từng dùng rất nhiều khoảng hơn chục năm trở về trước.
Mùi hương thoang thoảng ấy đã dẫn dắt ký ức của tôi trở về với những buổi tối tuổi thơ ngồi dưới ánh nến. Ấy là những năm đèn đường còn thưa thớt, hệ thống điện chập chờn, khu phố nhà tôi thường xuyên bị mất điện vì quá tải. Ngày ấy, không có nhiều nhà cao tầng và tất nhiên các hộ gia đình cũng không cổng kín tường cao như bây giờ. Chỉ cần mất điện, ngay lập tức có thể sẽ nghe thấy rất nhiều giọng nói vang lên cùng lúc: “Ơ, mất điện rồi à!”; “Chán thật, vừa mới cắm được nồi cơm”; “Thế là hôm nay không được xem phim rồi” cùng với những tiếng thở dài chậc lưỡi… Và rồi chỉ vài phút sau: bóng tối dần xua tan bởi ánh nến. Hồi ấy, rất ít những gia đình có máy phát điện. Chúng tôi khi ấy nhà ai cũng phải dự trữ sẵn một vài cây nến trong nhà dùng để thắp vào mỗi dịp như thế này và cứ mỗi lần như vậy, cả dãy phố nhà tôi giống như một bức tranh sống động lung linh hiện lên trong ánh nến.
Ngọn nến soi tỏ, hắt lên tường những hình thù ngộ nghĩnh mà lũ trẻ chúng tôi thường cùng nhau đùa nghịch. Mấy anh chị em cùng thi nhau trỏ lên tường, đứa thì khoe mình đang tạo bóng con thỏ, đứa lại nói mình đang tạo bóng hình con chim, con chó … Lúc ấy tôi còn nghịch dại, tranh thủ vân vê những giọt sáp nến nóng chảy chưa kịp đông lại để nặn thành đủ thứ hình dạng mặc cho hơi nóng bỏng rát cả tay. Tuổi thơ tôi cứ như thế, lần lượt được hiện ra sắc nét dưới ánh nến trong mùi nến cháy thân thuộc.
Gia đình tôi nấu cơm bằng thứ ánh sáng mờ mờ ấy, quây quần ăn cơm cùng nhau cũng dưới ánh lửa yếu ớt bao trùm. Hồi bé, có lẽ đứa trẻ nào cũng sợ mất điện vì sợ tối, sợ sẽ không được xem những chương trình ti vi yêu thích nhưng thực ra khi lớn lên rồi, nhiều khi nghĩ lại chỉ thèm muốn một cảm giác ấm áp và quây quần như thế. Dưới ánh nến, bữa cơm còn chả nhìn rõ món gì với món gì mà vẫn ăn vội ăn vàng, vui vẻ. Dưới ánh nến, người ta chẳng còn mỗi người một công việc như ngày thường, chỉ tập trung cùng nhau ngồi trò chuyện rôm rả để giết thời gian chờ đến khi có điện. Hàng xóm quây quần, anh em ríu rít.

Mỗi một dịp đến Tết Trung Thu, trẻ con chúng tôi đứa thì xách theo đèn lồng tự chế từ các hộp xà phòng, giấy bìa, lon nước, đứa có điều kiện hơn thì được bố mẹ mua cho đèn ông sao, con cá. Nhưng hầu như các loại đèn ấy đều thắp sáng bằng lửa nến, và là loại nến cây truyền thống chứ không giống như những thứ đồ chơi rực rỡ ánh đèn như bây giờ. Nhiều năm trôi đi, những ánh nến cứ tưới tắm lên tuổi thơ của chúng tôi những ngọn đèn kì diệu và huyền ảo dưới vầng trăng cổ tích để rồi cho đến tận bây giờ, ánh đèn ấy thi thoảng vẫn xuất hiện trong giấc mơ của những chàng trai, cô gái đã lớn khôn.
Chúng tôi cứ thế lớn dần lên, những ánh nến ngày đó cũng dần dần được thay thế bằng ánh đèn hoặc các loại nến thơm, nến cốc khác. Tuổi thơ chúng tôi cũng lùi xa từ lâu cùng với những điều đã trở thành quá vãng. Đời nến cũng giống như đời người. Kể từ thời khắc được thắp sáng, ánh nến chứa đựng cả những hào quang rực rỡ xen lẫn giữa những tiếc nuối bi ai của sự lụi tàn ngắn ngủi. Khi ngồi trước ánh nến, với tuổi trẻ là niềm thích thú hiếu kì trước ánh lửa bập bùng như đang nhảy nhót đùa vui, với tuổi trưởng thành lại là sự chững chạc tĩnh lặng, quan sát một cây nến còn đang cháy dở mà cứ ngỡ như đang được chứng kiến, thấu tỏ cả một cuộc đời.
Ngồi trong một căn phòng trước ánh nến, có đôi lúc tôi bỗng giật mình thảng thốt, chợt nhận ra, những cây nến của ông, của bà, của bác tôi đều đã lụi tàn và cháy hết. Thay vào đó, trên bầu trời lại xuất hiện thêm một vài ngôi sao mới. Tôi lặng nhìn những cây nến còn lại đang cháy dở với đủ kích thước dài ngắn khác nhau, có lẽ, chúng đều đã và đang cháy hết mình cho một cuộc hành trình ý nghĩa. Những cuộc hành trình đầy đủ thăng trầm…