Nhìn cái mũ tai bèo úp mặt, tôi nghĩ đến những buổi trưa trưa chập chờn thức ngủ, anh lính ngỡ mái tóc người con gái. Mái tóc người yêu thơm mát cả hương tràm. Về Đất Mũi, nhìn biểu tượng con thuyền rẽ sóng và cánh buồm đỏ sao vàng trên màu rừng bát ngát, con sóng đam mê bỗng thức dậy ở trong lòng!
Mùa hủy diệt, mảnh đất tận cùng Tổ quốc có màu phèn loang lổ, sông Tam Giang mái chèo khua nhè nhẹ, nối hai bờ Ngọc Hiển – Năm Căn. Con sông trôi nơi miền châu thổ, ngã ba sông bao “nắng trải đưa người”. Đất Mũi Cà Mau, nơi những nhà, những lưới, những câu hò ngọt lành cất lên từ đất rừng ngập mặn, nơi rễ đước cứ cần mẫn, kiên gan bám vào bãi bồi châu thổ, bám vào lòng đất mẹ tin yêu.
Cà Mau, nơi con sóng tận cùng vỗ vào nỗi nhớ, nơi dấu chân lấm láp bùn non bao đời sạch sẽ. Nơi Năm Căn xanh màu trời xứ sở, ruông nước lặng im sâu thẳm cả mây trời. Cà Mau, con nước, dòng sông, sắc màu khác lạ, khác rất xa bất cứ sông nào. Nước Cà Mau không đỏ nặng như sông Hồng, sông Mã mùa Thu, không xanh biếc như sông Lam, sông Hương mùa Xuân; không trong veo như sông Đồng Nai mùa cỏ cháy. Dòng sông Tam Giang có gam màu rất lạ – một màu sắc đồng cổ Đông Sơn.
Có ai về Cà Mau mùa hủy diệt, về ngã ba Tam Giang nước xoay vòng về biển rộng, mắt dõi xa xăm lòng nhẹ những con thuyền. Những con thuyền bụng xanh, mắt đỏ, buổi lướt qua sông như hội lớn bên thềm. Ở Cà Mau, sớm tinh mơ mặt trời lấp lánh, thuyền lao đi như cánh chim Mê Linh từ ngàn xưa vậy. Ở ngã ba sông, vảy sóng trải mênh mông muôn đời biến ảo. Con sóng về đầu sông chẳng hiểu nỗi bản thân mình.
Cà Mau, nơi sự sống cứ thập thò qua đôi càng ba khía, qua mắt cá thòi lòi lúng liếng bãi phù sa. Cùng với Bạc Liêu, Cà Mau xưa có tên là Minh Hải. Minh Hải – vùng biển sáng. Có phải Minh Hải là nơi của muôn nghìn con sóng bạc, của đời đước, đời tràm, đời dừa nước; đời lúa ba mùa óng cả đất miền Tây. Minh Hải khác xa vùng biển Đen mặn chát, khác Nam Hải vô duyên chín khúc lưỡi bò. Minh Hải, địa danh mới sau ngày giải phóng, nước ấm nồng chảy xuyên con sông Cái, nối hai bờ mũi biển Đông – Tây. Mười lăm năm dựng xây, Minh Hải tách mình thành hai nửa, nửa Bạc Liêu có chàng Công tử, nửa nhỏ Cà Mau em giặt áo chân cầu!
Cà Mau, nơi gặp nhau của hai dòng biển lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ở nơi ấy, thủy triều lên rất nhanh và rút xuống cũng mau đến độ kiệt cùng. Có phải vì vậy nên vị mặn nước lên xông vào bờ bỏng rát, vị ngọt nhỉ ra sông nhẹ đến vô cùng. Có phải nhịp điệu thủy triều đã ban cho con gái con trai vùng Minh Hải một sắc màu cá tính rất riêng. Trai Minh Hải hào hiệp, chịu chơi; gái Minh Hải mặn mà thơm ngát, như cây lúa lên hương mùa hoa phấn nở trên đồng.
Có phải mọi so sánh chỉ là khập khiễng, mọi suy đoán già non về cái đẹp, về nhan sắc gái xinh trên ba miền đất nước chỉ phần nào tương đối mà thôi. Ở miền Bắc, người ta ví nét đẹp của con gái Tuyên Quang với vị chè đất Thái; ví con gái Kinh Bắc như dây trầu thơm mát, một thuở dựa hoàng lan nên vương hậu trị vì. Về miền Trung, người ta bắt gặp nét đẹp chân phương của con gái thành Vinh, cứ ngăm ngăm một màu bánh mật, mắt ngác ngơ càng đẹp đến xiêu lòng.
Xuôi miền Nam, có ai qua đất Mĩ Tho miệt vườn trầu mướt, chị Hai tinh mơ khua mái chèo đi chợ, áo sọc bà ba thắt đáy hở lườn. Mùa nước nổi, mắt con gái Mĩ Tho tựa mắt thuyền liêng liếc, dịu mát cả đôi bờ trù mật Cửu Long. Con gái Cà Mau mùa nào cũng như hạt phù sa vậy, cứ lặng lẽ đắp bồi cho sông nước mênh mang. Mùa hủy diệt, gió Chướng thổi về hòn Chuối, hòn Khoai, hòn Đá Bạc, cồn ông Trang khiến hai dòng chảy làm đảo cồn cũng khác, bên bọt trắng tung cao, bên nhè nhẹ trữ tình.
Về miền đất mới, nhìn những vạt rừng U Minh mênh mông, tôi thầm nghĩ, có phải những đời đước, đời tràm, đời dừa, đời mắm sinh sôi nhờ những dòng sông. Dòng sông sinh sôi nhờ mái chèo và con thuyền ngày về nhớ bến. Mùa Sa Mưa, con cá cũng biết băng mình lội về miền chùa Vàng, chùa Tháp, cứ thế sinh sôi một cõi ấm riêng mình.
Về đất Mũi, tôi thường nghĩ, có phải những tấm lòng trung nghĩa, hào hiệp của người dân Nam Bộ đã ít nhiều lắng lại trong cảm hứng sáng tạo, trong câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
“Từ độ mang gươm đi giữ nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long“
Tôi lại nghĩ về những vị thần cá Ông, cá Bà trong câu hò bả trạo, những vọng cổ đờn ca khu tứ khu từ! Về miền quê bác Ba Phi, con cá, con tôm, con trăn hay con cò đều mang trong mình một huyền thoại rất riêng. Về quê em ngắm dòng sông ông Đốc, Tam Giang , Năm Căn, Cả Lảy, Tổ quốc sinh sôi từ sắc đỏ bãi bồi!
Mùa hủy diệt – mùa khô, đất Cà Mau nhiễm mặn rất sâu. Những gốc khế hàng cau cũng co mình úa lá. Đường về Cà Mau đất phơi mình nứt nẻ. Chỉ có U Minh Hạ lá cất lời của gió, xào xạc, nhịp nhàng cùng sóng hát ru con. Cầu tàu hướng ra khơi lượn theo hình chữ S, sắc sóng thầm thì tô điểm đất bình yên.
Vẫn còn đó câu chuyện con đường mòn ngày xưa ông cha giữ rừng giữ biển. Vẫn còn đó huyền thoại những con tàu không số, những người con của giống nòi đi mở làng giữ đất, sắc phương Nam xanh máu đỏ nhuộm thân tràm! Vẫn còn đó câu chuyện anh lính trẻ mắc võng phía rừng U Minh Thượng, tiếng gà trưa nhớ mẹ phía quê nhà.
Nhìn cái mũ tai bèo úp mặt, tôi nghĩ đến những buổi trưa trưa chập chờn thức ngủ, anh lính ngỡ mái tóc người con gái. Mái tóc người yêu thơm mát cả hương tràm. Về Đất Mũi, nhìn biểu tượng con thuyền rẽ sóng và cánh buồm đỏ sao vàng trên màu rừng bát ngát, con sóng đam mê bỗng thức dậy ở trong lòng!