Đ ủ nắng hoa sẽ nở nhưng có loài hoa lại đợi khi đêm về mới bung sắc ngát hương đêm. Đó là, Dạ quỳnh – “nữ hoàng của bóng đêm”.

Giữa màn đêm tĩnh mịch, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích tìm bạn thì quỳnh nhẹ nhàng mở môi hoa, xèo những cánh trắng mỏng manh đón sương đêm. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi bất chợt thấy quỳnh khoe sắc qua ô cửa sổ. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm gọi điện cho cha để khoe nhưng lại hụt hẫng trước những đóa quỳnh hương đã mím chặt môi hoa tự bao giờ.

Cha tôi nói “không sao” nhưng giọng cha tôi trầm hẳn xuống, cảm giác như nỗi buồn tự sâu thẳm trong lòng cha không còn cách nào để kìm nén lại được… Lúc đó, tôi còn là cô bé lớp 5, hoàn toàn không hiểu rằng quỳnh chỉ rực rỡ, quyến rũ một lần rồi sớm mai khi ánh mặt trời thức giấc hoa sẽ lụi tàn, héo úa từ giã cuộc đời. Quỳnh đã làm tròn sứ mệnh của mình trong đêm và giờ đây quỳnh nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ an lành…

Hóa ra, quỳnh chỉ nở một lần trong đêm khoảng vài canh giờ rồi ngủ yên bình trên cành cho đến khi buông mình về với đất mẹ. Có phải vì thế mà quỳnh không bỏ qua một giây phút nào của đời hoa để hiến dâng hương sắc cho nhân gian thưởng lãm? Đóa quỳnh trắng tinh khiết lặng lẽ tỏa hương trong đêm khuya tĩnh lặng. Nhẹ nhàng vén màn đêm như ánh sao trên bầu trời cao rộng. Dù bé nhỏ vẫn lung linh, huyền ảo khiến không có thứ ánh sáng nào che khuất được vẻ đẹp của nó.

Hương quỳnh man mát tỏa vào không gian. Thứ hương thơm dịu dàng, thanh tao được gió đưa thoang thoảng như lời mời gọi côn trùng đêm đến thụ phấn, kết đôi. Như tấm lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu đầu được gửi gắm cho người xứng đáng. Như bản slow dịu dàng, đắm say trên tay người nghệ sĩ chơi đàn guitar…sẽ là vô vàn cảm nhận khác nhau của mỗi người khi ngắm quỳnh trong đêm.

Ngày ấy, cha tôi đi công tác tận miền Trung rồi mang về một cành như xương rồng. Thả ba lô xuống là cha hì hụi đào hố, trộn đất để trồng. Chẳng biết cây có sống được không mà ngày hôm sau ông xây luôn bốn hàng gạch xung quanh. Vừa làm cha vừa dặn: Cha đi vắng, nhớ tưới cẩn thận cho cha. Quỳnh hoa không khó tính như hoa hồng, cũng không dễ trồng như cúc nhưng chỉ cần hiểu nó cần gì thì chắc chắn sẽ có hoa đẹp.

Cha nói: Quỳnh chịu được cạn không chịu được úng nên mỗi lần tưới, chỉ cần một ca nước là đủ. Nhớ phải dùng cái rá rồi đổ nước lên rá cho nước chảy đều ra khắp bề mặt thì cây mới phát triển được… Cha tôi chăm quỳnh như chăm một người bạn tri kỷ mà với ông có khi còn hơn cả thế! Quỳnh không phụ công cha, mỗi ngày lớn thêm một chút, nhú thêm lá cành. Quỳnh trổ hoa cha vui như có người bầu bạn…

Mẹ tôi vốn quê ở miền Trung vì yêu người đàn ông vùng sơn cước mà mẹ bỏ công việc để theo cha. Như lời cha kể, thì lúc yêu cha trong gia đình không ai đồng ý. Ông bà ngoại tuyên bố từ mặt nhưng cũng không thay đổi được tình yêu của cha mẹ. Mẹ lên Lai Châu cùng cha, bắt đầu một cuộc sống mới.

Cho đến lúc mẹ mất cũng chưa một lần mẹ được mặc váy cưới, được nghe ông bà ngoại chúc phúc. Ngày mẹ mất là ngày tôi ra đời. Là ngày 12 tháng 8 âm lịch. Ngày mà hạnh phúc và đau đớn như nhát dao gắn chặt vào cuộc đời của cha tôi…. Một năm sau, ngày giỗ đầu của mẹ, ông bà ngoại mới tha thứ cho mẹ mà nhận tôi, nhận cha. Nhưng nuôi tôi, chăm sóc tôi thì vẫn một tay cha chu tất. Người đàn ông hơn 30 tuổi đã chịu cảnh “gà trống nuôi con” như cha tôi kỳ thực tôi đã không hiểu vì sao cha lại có thể vượt qua được những khó khăn và sự cô đơn để đợi ngày về đoàn tụ cùng mẹ?

Những đêm dài vò võ cha ngồi đợi quỳnh hay đợi người về từ giấc mơ? Một tách trà, một bàn gỗ nhỏ, một nén hương, cha ngồi trước hiên từ đầu tối để đợi quỳnh nở. Canh tàn, quỳnh ngủ say cha mới dọn bàn vào nghỉ ngơi. Mỗi năm, có vài bận cha đón quỳnh như thế nhưng dường như ông lại ưu tư nhiều hơn trong những đêm trăng mười hai ngắm quỳnh.

Cha bảo, trăng mười hai không khuyết nhưng lại chưa đầy, quỳnh nở đúng đêm này thì đến hương quỳnh cũng lạ! Ánh trăng nhờ nhờ hắt lên mái tóc đã bạc khiến trái tim tôi cũng thắt lại. Tôi không có ký ức về mẹ nhưng lại luôn đong đầy kỉ niệm cùng cha. Suốt bao năm ông vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa làm bạn song hành cùng tôi trên chặng đường đời. Để tôi trưởng thành, ông như chôn chặt nỗi đau, nỗi nhớ mẹ tôi trong lòng. Chỉ mỗi đêm quỳnh nở, ngồi thưởng quỳnh tôi mới thấy cha như được sống cho mình.

Thuở xưa, Quỳnh hoa gắn liền với tích về vị hôn quân Tùy Dạng Đế, nằm ngủ mơ thấy một loài hoa tuyệt đẹp. Cùng lúc ấy, ở thành Lạc Dương xuất hiện một ánh sáng kỳ lạ nhưng không gây ra đám cháy mà xuất hiện mùi thơm vô cùng quyến rũ.

Sáng hôm sau người dân phát hiện ra trong giếng của một ngôi chùa ở Lạc Dương xuất hiện một loài hoa lạ và hương thơm quyến rũ kia là hương thơm của loài hoa này. Nghe tin, thành Lạc Dương xuất hiện hoa lạ, Tùy Dạng Đế liền đến xem nhưng khi vua đến thì hoa đã tàn, không còn hương thơm nữa. Tức giận, Tùy Dạng Đế cho người nhổ bỏ cây hoa dại trong giếng ấy đi. Từ đấy, loài hoa ấy được dân gian gọi là hoa Quỳnh, chỉ nở một lần vào đêm và tàn khi ánh bình mình thức giấc.

Từ tích cũ, người ta mới thấy, hoa Quỳnh là tượng trưng cho kiếp hồn nhan bạc phận. Nhưng với các quốc gia ở Châu Mỹ, nơi được coi là tổ tiên của hoa Quỳnh thì loài hoa này còn mang ý nghĩa về một tình yêu đầu, thủy chung. Tình yêu ấy được dâng hiến cho người xứng đáng. Vẻ đẹp của Quỳnh tuy sớm nở tối tàn nhưng lại chỉ dành cho người biết thưởng thức cái đẹp và kiên nhẫn đợi chờ.

Còn với cha tôi, quỳnh chính là hình ảnh của mẹ. Mẹ tôi thích hoa quỳnh. Nhà ngoại có cả một vườn quỳnh khi mẹ còn ở quê. Nhưng lúc mẹ theo cha, ông ngoại vị giận mà chặt không để lại gốc nào…Mãi khi có dịp đi công tác miền Trung, cha mới mang quỳnh về Lai Châu để trồng.

Khóm quỳnh cha trồng giờ đây vẫn còn, cây vẫn vươn lên bám chặt cả vào mái hiên mà cha lại đi xa rồi. Tôi thương nhớ cha nhưng lại thấy vui vì giờ đây cha không phải chịu đựng cô đơn, lẻ loi nữa.

Quỳnh vẫn đơm bông mà không cần phải đợi mùa bởi cây đã lớn, hoa cũng nhiều. Cũng như tôi đã lớn, cha có thể yên tâm mà thưởng hoa cùng mẹ ở một thế giới khác. Cuộc sống đầy những lo toan nhưng tôi vẫn khao khát mỗi khi ngắm sắc quỳnh trong đêm.