Cúc họa mi

    3265

    Buổi chiều chênh vênh lửng lơ trên  những ngọn triều đã đổi  hướng căng bọt gió đông. Ngồi từ cái buổi chiều của tuổi trung niên nhìn ra thế giới, cảm giác như mình đang ở trên một căn gác xép bộn bề, muốn làm việc này, muốn xếp việc kia mà đôi bàn tay lóng ngóng không nỡ làm không gian nhoài về phía trước.

    Thời gian của tôi cũng như những ngọn triều kia, cưỡi lên những dòng hải lưu chu du mà trong lòng vẫn biết càng lạnh vắng, càng nhớ nhung, càng cô đơn nghĩa là một phần tươi đẹp của chính mình đã đang ngất ngư dâng đầy hay cạn kiện ở một con nước trái chiều. Từ phía biển, từ phía Nam, từ phía của mùa đông luôn mơ hồ với khá nhiều người tôi đã cảm giác Hà Nội đang thay đổi hồn phách  bởi loài cúc họa mi.

                                  Hoa cúc nhiều tên, nhiều tượng trưng ẩn ý, vậy nhưng dễ dàng chiếm đoạt tâm trí người ta lại là loài cúc họa mi bé nhỏ, đã đôi khi khiêm nhường bên những chặng đường ta qua như một loài hoang dại. Không cần thương hiệu, không có slogan và đương nhiên cả cái vẻ bề ngoài chẳng phải kiêu kì, nhưng cúc họa mi lại trở thành mùa vụ, trào lưu, nương náu tâm hồn. Âý là khi họa mi biết nhường nhịn cái đẹp và sẵn lòng làm tấm gương soi cho những  vẻ đẹp cuộc đời. Phải chăng điều đó đã làm cho loài cúc họa mi thêm một lần bất tử mỗi khi Hà Nội chạm Đông?

    Đã hơn hai mươi năm rồi, khi những vui buồn còn đang ngủ gà ngủ gật trên tuổi thanh xuân, một ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa cánh đồng ven đô Hà Nội, mùa đông vờ vĩnh những giận hờn. Yêu thương, ai bảo em là cúc họa mi.

               Chúng tôi lớn cùng nhau dưới mái trường THPT Chuyên Thái Bình. Sau này lên Hà Nội không còn cùng bàn chung lớp, Phượng vào học Phân Viện Báo Chí Tuyên Truyền, còn tôi theo ngành Quốc tế học, Khoa học xã hội và nhân văn. Dẫu vậy tôi vẫn gặp Phượng luôn, có khi ở lại cả tuần cùng Phượng và anh trai. Phượng là đứa con gái nết na, biết lo toan cho gia đình, đôi khi Phượng còn toan lo cho tôi khác nào một thứ của nợ mắc dịch. Tôi biết thế và tự mãn với điều đó.

    Chúng tôi không phải là kẻ yêu người thương, cũng chẳng là thứ ngôn tình cúc họa mi hằng đông giữa bầu trời se xám, làm người ta ấm áp gấp gáp bằng một thứ màu trắng an nhiên. Bạn bè ở giảng đường và ký túc xá có đôi khi chột dạ nghĩ tôi và Phượng kẻ yêu người thương. Ai bảo thỉnh thoảng tôi đến ký túc ngủ vùi vài giấc đông lạnh lùng.

               Lại nhớ về ngôi nhà nhỏ giưa cánh đồng ven đô lọt thỏm giữa những xô bồ Hà Nội. Một cánh đồng xám ngắt, một mùa gió hanh hao, nơi chúng tôi cứ ngồi hát hết bài nọ đến bài kia mà không biết mỏi. Có đôi khi tôi đến và mang theo cho Phượng một bó họa mi. Tình thế còn gì. Nhưng không phải là tình yêu… Hình như họa mi không có sứ mệnh để trao gửi một ái tình? Mà ở đời những ái tình không bưu cực, không địa chỉ chuyển phát lại là những ái tình bền lâu nhất?

    Hà Nội ngày giao mùa không quá lạnh. Cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể gọi tên một cách chính xác cái cảm giác đó. Nắng vẫn ấm áp là vậy mà gió đã làm ngơ lạnh lùng. Đôi lúc chỉ cần một cơn gió se se lướt qua nhưng cũng đủ khiến bầu trời muốn khóc và tâm trạng của người ta thì trở nên mộng mị vô thường. Nhưng may mắn thay vì giữa cái u ám ấy, người sống ở Hà Nội vẫn được tận hưởng những giây phút bình yên, lãng mạn đến ngẩn ngơ khi tình cờ bắt gặp một gánh cúc họa mi trắng trong dịu dàng.

     

    Tôi nhớ lời đề từ của một cuốn sách nhỏ: “Cúc Họa Mi, dành cho người biết chạm, dành cho người biết yêu, dành cho người nghĩ nhiều, và cho ngày đông giá…loài hoa cánh trắng mỏng manh ven đường mà bao nhiêu nội lực…Bình thường, chứ lẽ nào tầm thường, phải không em?”

    Như lời ước hẹn, hằng năm tháng mười một lách cửa cũng là khi bộn bề trắng muốt, mỏng manh họa mi dắt díu mùa đông về Hà Nội. Những bông hoa nhỏ nhoi với cánh hoa bé loe xoe, xếp đặt ngay ngắn, xen giữa là chút nhụy vàng của nắng, gói gém chút mảnh mai yếu đuối của mây, đơn giản thế thôi mà xinh, mà tươi, mà thương đến lạ lùng. Cúc họa mi là món quà đặc biệt mà Hà Nội dành cho những ai yêu nó, chưa kể là một lời ngỏ cho những người ghé qua đây mỗi buổi đông về.

     

    Cúc họa mi vén màn bảng lảng khói sương mà hiện hữu vào những ngày chớm đông thầm kín, thời gian cúc nở rất ngắn khoảng hai đến ba tuần là tàn. Mỏng manh và tinh tế. Họa mi thể hiện bạn là con người nồng nhiệt và đặc biệt chân thành, luôn luôn biết an ủi người khác bởi vậy có rất nhiều bạn bè thân tín chung quanh. Chợt nghĩ cúc họa mi sao mà giống con bạn tôi đến vậy…

                                        Họa mi được trồng phổ biến ở những bãi bồi sông Hồng tại khu vực Nhật Tân. Hoa không có mùi hương quyến rũ, cũng không có vẻ đẹp kiêu sa khi đứng một mình, nhưng khi là một bó hoa hay một vườn hoa thì bất cứ ai cũng cảm thấy đắm say. Tôi đã đi qua bao mùa cúc họa mi, đã đi qua biết bao những ngày buổi chiều quên nắng, biết bao ngày Hà Nội giấu ngọt bùi vào thưa vắng, trầm tư mà yêu.

     

    Tôi đã bắt gặp hình ảnh những cô gái lạc vào vườn họa mi. Dường như bất kể cô gái nào lạc vào đây cũng không còn giữ được thần thái của mình nữa. Khi ấy là cốt cách của cúc họa mi mất rồi. Em chỉ là cúc họa mi, em là một ngày đổi gió, em là khoảnh khắc chạnh lòng níu giữ cái bảng lảng đông sang còn vấn vít mùa thu ở lại. Có đôi khi tôi ước mình là một buổi chiều mỏng, đem chút nắng tàn của mùa thu mơ màng, ở lại những khu vườn họa mi lạc lối, thắp lên mắt môi những kẻ đương thời.

    Em đi nhặt nắng giữa cánh đồng họa mi, em đi buông gió vô ưu cho những ngày tơ vương cũ. Ai bảo cúc họa mi không phải là một thứ ngôn tình… Người ta xinh, người ta yêu, người ta lạnh, người ta cô quạnh, nhưng họa mi thì chưa bao giờ tạnh trong những mùa bình dân.

    Dường như loài họa mi biết cách tôn thêm vẻ dịu dàng của phụ nữ. Hay cúc họa mi từ đời trước, từ kiếp trước, từ nhớ thương ngàn xưa ngày trước đã mang vóc dáng hình hài nữ nhân…Bởi thế mà đừng bao giờ ngạc nhiên loài hoa về gõ cửa, phố phường xô nghiêng những vui buồn hay yêu thương đã từng tắt lửa, đón em trở về.

    Họa mi đến rồi đi nhưng yêu thương còn ở lại mãi. Vì mùa hoa chỉ trong khoảng hai tháng ngắn ngủi, nên nó luôn khiến cảm xúc con người ta chưa trọn vẹn, cứ hụt hẫng, cứ bâng khuâng và cứ thế người ta lại chờ đợi mùa cúc hoạ mi năm sau. Năm sau, năm sau và rồi nhiều năm sau nữa, họa mi vẫn thế chỉ se sẽ lời yêu, chỉ mỏng mảnh dịu dàng khiến cho Hà Nội miên man trong niềm ngơ ngác. Có ai và có ai, có tôi và có tôi, đã từng ngác ngơ trong niềm miên man ấy. Hà Nội thở dài…

                           Dòng sông Hồng chảy từ đâu mà về quanh co những bãi bồi Hà Nội. Mây trắng từ đôi mắt người Sơn Tây phải chăng cũng dìu dịu buông xuống nơi này. Họa mi cứ thế, hồn nhiên như một tình ca của hồn sông, của hình đất, của ưu tư lắm thay những nẻo mây trời…

     

    Tôi xa Hà Nội như một tiếng thở dài. Tôi quên Hà Nội như một lời vu vơ. Tôi yêu Hà Nội như cái nhìn ngang rất vội. Tôi phụ tình Hà Nội từng mùa, từng mùa bối rối họa mi. Ở bờ cõi nhân gian nào còn thứ màu trắng tinh khôi hơn cúc họa mi? Ở một cánh đồng ngôn tình nào còn có những yêu thương bè bạn như tôi và Phượng đã đi qua? Thế giới ồn ào. Thế giới cay nghiệt. Thế giới muôn trùng. Xin cho giữa đời này em chỉ là cúc họa mi…