Từ khi được bà ngoại ru dạy bằng ca dao, cổ tích, cô bé còn “mong manh như một nhành lan” đã biết xót thương những ghềnh đá, bờ đá, núi đá… gặp đâu đó ven bờ sông suối bởi ý nghĩ trẻ thơ: biết đâu mỗi tảng đá kia cũng là một phận người vì oan uổng đắng cay mà hoá đá như người em trong câu chuyện Sự tích trầu cau, hay hóa đá vì buồn đau đợi chờ như bao người vợ mang tên chung với nàng Tô Thị!
T ôi đã nghĩ nhiều về sự uyên thâm, sâu sắc của trí tuệ dân gian trong văn học dân gian, ví như cách sắp xếp đầy ý nghĩa những sự hóa thân trong Sự tích trầu cau. Tình huống nhầm lẫn điển hình của motif dân gian hiện ra éo le, bẽ bàng khi người chị dâu không phân biệt được người em song sinh của chồng với chồng; sự hiểu nhầm đau đớn, cay đắng hơn khi người anh không thể tỉnh táo để xóa bỏ nghi ngờ còn người em không thể thuyết phục để anh trai tin mình.
Tác giả dân gian đã thật tinh tế khi cho người anh hoá thân thành cây cau, thân cau cứ gắng cao lên từng đốt, từng đốt như hiện hữu nỗi ân hận khắc khoải bồn chồn của anh muốn thật nhanh nhìn thấy em, tìm thấy em; còn nhân vật người vợ hoá thành dây trầu không mềm mại quấn quít quanh thân cau nương tựa, đó là những sự hoá thân dẫu đau buồn vẫn gợi cái linh diệu của vận động, cái ấm áp của lứa đôi, cái an ủi dịu dàng của giao cảm…
Chỉ riêng người em, đau đớn, tủi hổ mà hóa đá! Thông thường, khi tuyệt vọng, cùng đường vì đau khổ bất hạnh không được chia sẻ, vì những oan uổng uất ức không thể giãi bày, người ta sẽ tìm về với gia đình, người thân, những người cuối cùng trên trái đất mênh mông này luôn hiểu và tin họ, chở che, an ủi yêu thương họ. Nhưng người em đã không còn cha mẹ, nay cũng không còn anh chị, không còn gia đình, nhà cửa, người thân, một mình giữa trời đất cùng nỗi oan khuất không thể trần tình với bất kì ai trên đời, nhục nhã uất hận tới rắn đanh thành đá khối, âm thầm, cao ngạo, lạnh lùng, vạn triệu năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”…
Nghĩ về những sự hóa thân này, nhiều khi tôi cứ băn khoăn tự hỏi: không biết thực chất đây là sự hóa thân của cứng cỏi hay yếu mềm? Theo cốt truyện, tiền thân của cây cau hay dây trầu là những nỗi niềm ân hận, đau buồn, tuy nhiên, sau khi hóa thân, chúng vẫn quấn quýt trong màu xanh của sự sống, vẫn rời rợi sức sống – nghĩ theo cách tích cực thì đó là biểu hiện của sức mạnh giúp con người vượt qua nghịch cảnh, kể cả những nỗi đau đớn hay niềm ân hận tưởng không thể vượt qua. Nhưng trong tiềm thức âm thầm, tôi vẫn thật buồn về cái “vượt qua” hồn nhiên, nhẹ nhõm ấy, nó như một dạng thái của sự lãng quên trong trôi chảy, như khi tôi nghe những câu an ủi hoặc tự an ủi trong phim, trong truyện: “Mọi chuyện đã an bài, không thể thay đổi, mình vẫn phải tiếp tục mà sống chứ!” – dù biết câu nói ấy tuyệt đối đúng!
Bởi lòng tôi luôn canh cánh nghĩ về những nỗi đau hóa đá, nó không chỉ vĩnh viễn lặng câm mà còn như vĩnh viễn vô tri, nó là dạng tồn tại không sự sống, nó là cái mềm yếu đông kết, rắn đanh, là sự cô độc cao ngạo của lòng người; nó là biểu hiện rõ nhất của sự vĩnh hằng cho niềm yêu hoặc nỗi đau, vĩnh viễn không thay đổi! Có lẽ đó chính là những nghịch lí quen thuộc của cuộc đời khi sự mạnh mẽ mang hình mềm mại, còn khối rắn chắc cứng cỏi lại gói bọc yếu mềm.
Và hình như cũng chỉ có người Việt với quá nhiều những cuộc chia ly dù màu đỏ hay xanh, quá nhiều những lời hứa dù đá vàng hay mây gió, quá nhiều những chi phối của nghịch cảnh hoặc những phai nhạt của lòng người, để những mỏi mòn đau khổ “không hoá thạch kẻ ra đi mà hoá thạch kẻ đợi chờ” (lời thơ Chế Lan Viên); cũng có quá nhiều u uất đắng cay không thể hóa giải, không đặng trần tình, khiến “hoá đá” trở thành motif dân gian quen thuộc… Trong những chuyến đi, tôi nhận thấy một điều không hẳn là ngẫu nhiên: trải dọc từ Bắc vào Nam, tỉnh thành, huyện xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, và nơi nào có núi trông ra biển thì hầu như đều có những mỏm đá được đặt tên Vọng phu. Trong truyện ngắn Cỏ lau, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạc hình những người đàn bà bằng đá trầm mặc, u buồn giữa thung lũng vùng núi Đợi, nơi bạt ngàn cỏ lau hiu hắt xác xao giữa gió Lào bập bùng, nơi qui tụ đặc quánh đợi chờ và nước mắt cặn khô sắc đá, nơi những mảnh đời dang dở chỉ biết nương lòng mình bên đá cô đơn!
Câm lặng trong khối rắn chắc kết tụ ức triệu năm, đá không đơn thuần là hiện hữu của thân phận hay nỗi niềm, tính cách, đá đã trở thành biểu tượng cho trí tuệ trong sự im lặng thâm trầm mang màu triết học! Lẩn thẩn dông dài, lại nhớ tới tâm nguyện thanh sạch u buồn của Ức Trai xưa:
Hà thì kết ốc vân phong hạ?
Cấp giản phanh trà chẫm thạch miên
(Bao giờ làm được nhà dưới ngọn núi mây,
Để múc nước khe pha trà và gối đầu lên đá ngủ)!
Và cũng chỉ có Ức Trai tiên sinh mới cảm nhận kì lạ như thế khi “Côn Sơn hữu thạch/ Vũ tẩy đài phô bích/ Ngô dĩ vi đạm tịch” ( Côn Sơn có đá/ Mưa xối rêu xanh đậm/ Ta lấy làm chiếu êm) – có lẽ Người ghê sợ thế gian với “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh tựa nước non quanh” nên tới với đá tìm êm, tới với suối sông miên man trôi chảy đặng tìm bất biến thủy chung, tri kỉ chân tình! Mấy ngàn năm trước, Aesop của Hy Lạp cổ đại vì hiểu con người mà yêu con thú rừng; có khác gì Ức Trai của nước Việt thế kỉ XV sợ lòng người cứng lạnh mà tìm tới đá êm mềm để an nhiên thanh thản!
Tôi luôn bị ấn tượng bởi những ngọn núi đá lặng thầm và cô độc, trầm mặc và vô tri – sự tồn tại lặng lẽ ấy như nằm ngoài thời gian, ngoài trôi chảy, bất chấp sự nước chảy đá mòn…Những chênh vênh vững chãi, những cứng cỏi yếu mềm, những an nhiên đau khổ – chất triết học thâm trầm như được chiết ra từ những nghịch lí của đá. Để ta nhìn vào đá mà sống, mà hiểu những lẽ có thể và không thể của cuộc đời; để ta bình thản hóa thạch mọi nỗi đau hay sự yếu mềm vào tầng bậc điệp trùng, cứng rắn và lạnh lẽo.
Đi trên con đường quanh co, trập trùng đèo núi, chợt nhớ tới câu ngạn ngữ quen thuộc:“If the mountain will not come to Mohammed, Mohammed must go to the mountain.” (Nếu núi không đến với Mohammed thì Mohammed phải đến với núi)! Vẫn biết câu ngạn ngữ chỉ là một cách ví von cho muôn vàn tình huống xử thế cõi đời, nhưng không biết sao vẫn ngậm ngùi buồn. Bởi đâu phải nhân gian luôn có những Mohammed vứt bỏ tất cả để tìm tới tri âm; bởi đá núi lặng thầm và bất động vạn triệu năm chỉ có thể đợi chờ; và bởi trên đường tới với sự câm lặng lớn lao là muôn vàn líu lo nhỏ bé, quyến rũ, mê hoặc, cho người quên lãng. Nên ghềnh đá trong bài thơ Lermontov mới cô đơn đến thế sau những giao cảm dịu mềm:
“Đêm mây vàng ngủ lại.
Trên ngực đá khổng lồ.
Sớm lên đường bay vội.
Trên trời xanh nhởn nhơ.
Nhưng trán nhăn ghềnh đá.
Một vết ướt còn ghi.
Cô đơn đá ngẫm nghĩ.
Khóc thầm giữa hoang vu”