Ô con Krông Knô, ơ con Krông Ana, mày gặp nhau ở đâu, sao không nói lên câu, để dòng Sêrêpôk chảy ngược, để những cánh đồng ngô ngã vào xanh mướt, như tao ngủ quên trong mắt cô gái Ê Đê? Thôi đám trai làng đừng cồng mà chiêng, thôi những nương rẫy còn vẫy mùa xuân, Tây Nguyên còn thở, chim kơ tia còn bay…
Người Tây Nguyên sinh ra để tìm nhau, sông Tây Nguyên uống nước phải lòng nhau, ngay cả đám tượng gỗ nhà mồ cũng tạc ra để hồn nhau. Cồng giục cồng, chiêng gọi chiêng và mùa xuân năm nào xanh non cũng gọi bầy kơ tia trở về trỉa bắp, trỉa lúa, rạo rực như ngực ai cao nguyên phập phồng, háo hức như người đi xa trở về nhìn đỉnh Cư M’ta tạ ơn mắt thần.
Khó mà tìm cho được, dễ mà tìm cho được, ở một nơi nào giống tựa nơi này. Là Tây Nguyên xưa, là Tây Nguyên nay những con sông dựa nhau mà chảy, những ngà voi giương nhau mà theo, những chiêng ché nghe nhau mà ngân, những nhịp cồng nhìn nhau mà nhảy, những mái nhà Rông nghênh theo đêm mà vươn, còn bầy kơ tia ai thèm tơ vương?
Tây Nguyên không dành cho những thứ đơn lẻ cô độc, Tây Nguyên là sức mạnh, là vẻ đẹp của sự cộng hưởng vậy nên mỗi khi trở về bầy kơ tia sặc sỡ sắc màu dũng mãnh, cứ thả tự do từ hun hút thinh không bổ nhào xuống mặt đất rồi vênh mỏ Đắk Krông… Đắk Krông…
Lần đầu đặt chân lên mảnh đất huyền thoại này, tôi đã vô cùng thú vị khi thấy những đàn kơ tia ồn ã Krông Pắk, sắc màu vẽ vào bức tranh Đắk Lắk, lên cả tháng ngày buồn vui đôi mắt, người mẹ Gia Lai… Loài kơ tia của tôi lại chính là những con vẹt tôi từng thấy được nuông chiều trong những lồng kiểng dưới xuôi, một loài chim sôi nổi, bù đắp cho sự tẻ nhạt nhiều khi vốn có của người thành phố.
Nhưng ở xứ cồng chiêng chẳng biết buồn phiền này kơ tia lại không được chào đón như sự rộn ràng của nó. Người Tây Nguyên đôi khi bỏ ngỏ cho những câu trả lời, tại sao mày không đợi kơ tia?
Đơn giản lắm vì kơ tia không biết hót, những âm thanh chẳng cần nắn nót mờ đục, giục nương rẫy hoang mang. Loài kơ tia không sống riêng lẻ, chúng sống theo bầy, xanh đỏ cùng bầy, chạnh chọe cùng bầy, dũng mãnh chao nghiêng rối rít cuống quýt theo bầy. Vào mùa lúa rẫy và mùa bắp, loài kơ tia trở về bày tiệc trong sự thấp thỏm vắng mặt của người trỉa lúa trỉa bắp. Kơ tia không biết mình đang phá hoại mùa màng, chúng chỉ ân cần, liều lĩnh, tung tẩy trình diễn thứ sắc màu của núi, thứ âm thanh của cây và sức mãnh liệt từ đại ngàn gửi gắm… Tây Nguyên ô Đắk Krông, Tây Nguyên ơ Đắk Krông…
Hùng vĩ bao đời trên dòng Sêrêpôk huyền thoại là thác Dray Nur nằm cách Buôn Ma Thuột 20km về hướng nam. Thác Dray Nur dài trên 250m, cao hơn 30m, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông như một cây cầu nước. Khi mùa xuân đến những cánh kơ tia như những nhà lượn dù chuyên nghiệp vẽ vời yêu thương ở xứ này.
Một ngày khi những non xanh gột rửa đại ngàn, tôi lang thang mê man trong hơi rừng, tôi lưng chừng trong hơi núi, tôi mỏi mắt nương, nhìn đám bụi mờ cầu vồng bảy sắc loài kơ tia chênh chao. Lạ kỳ thay một loài chim đã trở thành nỗi ám ảnh của buôn làng lại có sức sống mãnh liệt đến như vậy.
Kơ tia chẳng biết hót, thứ thanh âm của chúng mỗi khi hoan hỉ lại làm người ta mệt mỏi nhức đầu, chúng về ăn bắp, chúng về phá lúa, chúng về trêu chọc những người đặt bẫy bán chúng xuống thành phố làm thứ đồ chơi mua vui. Bản tính của kơ tia cũng ngây thơ như rừng, dại dột như con hươu con nai chẳng biết canh chừng, nên chẳng phải khó khăn mà hàng ngày sập bẫy.
Ám ảnh vậy thôi chứ người Tây Nguyên thừa hiểu rằng năm nào kơ tia về nhiều nghĩa là năm đó mùa được mùa, bắp được bắp, và lúa thì tròn vo màu lúa. Người Tây Nguyên sống chung với kơ tia như sống chung với thác, như sống chung với lũ, chư chấp nhận dòng sông đực và dòng sông cái một đục một trong. Đến ngay cả Sêrêpôk cũng chảy ngược đó thôi, đến cả lắm người cũng nghe bọn xấu xúi giục trốn vào rừng đó thôi, trách gì một loài chim kơ tia chỉ biết: Đắk Krông… Đắk Krông…
Một ngày giữa chốn phồn hoa, thành phố cũng đang mùa xuân khẽ khàng. Tôi đi du xuân mà nhớ rừng nhớ núi, nhớ đôi mắt người Ê Đê ngủ quên Ban Mê. Nhớ dòng Krông Ana giận ai đục ngầu, thương dòng Krông Knô bao dung mà trong veo. Xanh non lại trở về trong trí não tôi, bất chợt nhìn thấy ở khu chợ cây và thú kiểng những con kơ tia sặc sỡ, cái mỏ khoằm khoằm ngồ ngộ đang cúi mổ những cái cái mắt xích tù đầy dưới chân.
Tôi lặng đi, nghe đâu đây như tiếng thác Dray Sap bàng bạc, thương đâu đây như dòng Sêrêpôk chảy ngược tìm nhau, và sắc màu, lại là những sắc màu của bầy kơ tia bung ra như hoa trên nền trời Tây Nguyên. Rạo rực lại nhún nhảy trong lòng tôi, nhịp cồng lại đuổi bắt hồn tôi, từng tiếng chiêng ngân hay là tiếng kơ tia, mà âm thanh nức nở những ngôi nhà dài. Nghe như là: Đắk Krông… Đắk Krông… Chim kơ tia vẫn bay…