Chân trần cứ vậy mà quê
Có ai từng đi chân đất thời tuổi thơ không? Có ai từng đi chân đất thời tuổi thơ nào. Có tôi ngày bé đấy. Đôi chân trần tôi bì bõm lội nhặt những chùm mưa. Đôi chân trần tôi răng rắc bẻ mảnh nắng hè trưa bên mùa trời sai trĩu. Bàn chân cứ mát lịm, êm đềm trộn vào rơm vào cỏ, khi lại thình thịch, nhăn nhó võng cả con đường làng, quanh co hình đá sỏi. Đôi chân tôi quên mỏi khi rong ruổi quê hiền. Tôi bỗng nhớ, chân trần cứ vậy mà quê.
Ngày còn nhỏ, tôi đi dép thì ít mà đi chân đất thì nhiều. Mẹ mắng thường xuyên : “Cái chân sạch nhỉ, có đi rửa ngay không ”. Tôi chỉ kịp múc gáo nước từ vại mà dội vào hai bàn chân cọ vào nhau qua loa rồi xỏ vội vàng đôi dép. Thú thật từ mắt cá chân đến đầu gối còn chưa được giọt nước nào thì chiếc quần cộc đã nhảy tót thấp cao ra nhập bọn “chiêm chiếp” đang chơi đầu ngõ. Thoăn thoắt cũng phải, rộn ràng cũng đúng. Đôi chân nhanh nhảu, tẩy tung khắp đường làng, khi nhảy dây, nhảy bước, đuổi nhau, lúc lại tập đi xe đạp cành cạch ngã sõng soài.
Vết tích này chưa khỏi, vết khác lại bầm lên. Những chiếc gai tre, gai mây, gai xấu hổ…nơi rìa sông rìa suối và bờ rào vẫn thường đâm vào gót chân mỗi lần đi câu cá, bắt ốc, lội nước, kiếm củi, tìm măng với lũ bạn. Cảm giác gai đâm rồi rút gai ra khỏi chân đều buốt nhói âm ỉ. Đứa nào bị gai đâm cũng chảy nước mắt và xuýt xoa nhưng một loáng rồi cũng quên ngay, lại í ới tiếng “tao, mày” đủ trò không biết muộn. Cây roi mẹ để chưa nóng chỗ trên mái bếp đã phải rút xuống rồi. Đôi chân tôi vẫn chứng nào tật nấy.
Chân trần
Ai cũng luôn có những kí ức thân thuộc cất giữ cho riêng mình. Những đôi chân nhỏ xinh dù được sinh ra lớn lên ở quê hay phố cũng đều có thể trở thành những đôi chân độc lập, khoẻ khoắn, vững vàng ghi dấu ấn cho đường đời đẹp mãi. Chân trần cứ vậy mà quê…
Vẫn đôi chân trần ấy, tôi theo bố mẹ ra đồng. Con đường trải thảm bằng thứ cỏ gà, cỏ bã trầu, eo ôi, thỉnh thoảng có cả phân trâu, tôi từng xéo chân vào khi anh trai tôi đang cưỡi trâu nhe răng cười nắc nẻ. Bờ ruộng lõm thụt, trơn nhão, tôi bước theo dấu chân bố mẹ đã đi, rồi bấm mười đầu ngón chân xuống đất bùn cho ăn chắc. Tôi mà ngã thì siêu nước vối của bố mẹ đi tong, lấy gì để hai người uống lúc nghỉ mệt. Vậy nên “bà cụ non” trong tôi dò dẫm, cẩn trọng, từ từ lắm. Khi được mấy cô, mấy chị ở ruộng bên khen thì dù mẹ có giục về, nắng có thành bóng tới nơi tôi vẫn còn thơ thẩn.
Mùa gặt về, con đường của xóm làng chỉ toàn một màu rơm. Rơm mới tuốt xong mát lịm, lại êm mềm, phức thơm. Giờ tôi mới hiểu hơn vì sao trâu bò lại có thể ăn rơm từ lúc tươi đến lúc rơm khô mãi được. Lũ trẻ chúng tôi nhảy nhót hò reo, chui rúc, lăn trèo, rồi bò toài chồng chéo lên nhau khanh khách. Ôi, những mùa rơm ươm vàng nụ cười thơm, mùi ấm no vô tận. Đôi chân tôi dũi thóc mẹ phơi thành từng vòng tròn uốn lượn. Cảm giác dằm dặm, ram ráp và nóng tới mức như tuột da bàn chân dưới nắng hè gắt gay. Tôi lại cuống cuồng đôi tay cầm chang cào thóc khẩn trương khi “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy”.
Không phải riêng tôi đâu, mà cả bọn cái An, thằng Toàn, cái Giang, cái Thuý cũng quen đi chân đất. Tôi nhớ ngày chú thợ ảnh đến nhà cái Thuý. Nó để quên dép ở đâu hay vì dép bị rách nhiều quá mà chạy vù sang mượn đôi dép của tôi vẫn ở trong gầm giường về chụp tạm, rồi đôi chân đất lại chạy túa đi như mọi ngày. Quê giống như một chiếc nệm đàn hồi, chúng tôi tha hồ tung chân mà bật nhảy dọc ngang, cao thấp. Trời quê âu yếm nhìn những đám mây chiều bồng bềnh hồn nhiên quấn quýt. Những con diều no gió hạnh phúc bay cao, mặt đất hiền dịu ngọt ngào bên hoa lá sum suê tranh nhau nói cười kể chuyện, đàn chuồn chuồn, đàn kiến, thong dong đẹp chưa kìa.
Chúng tôi lớn dần lên bên luỹ tre, dòng sông, ruộng đồng và những bữa cơm vấn vương làn khói bếp. Chẳng đứa nào mấy khi ốm đau, làn da đen nhẻm vì nắng, gót chân bất khuất nổi chai sần, thời gian nối vần, rồi cũng chạm ngày lũ trẻ chúng tôi phổng phao xa quê, mỗi đôi chân một hướng. Đứa thì học hành, đứa thì đi làm sớm, đứa lại lấy vợ gả chồng hết lượt. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chuyện trò hỏi thăm nhau và mừng cho nhau vì ai nấy đều có gia đình hạnh phúc và sự nghiệp ổn định. Những đôi chân trần của quê xưa dẫu ở đâu cũng tìm thấy chỗ đứng, chỗ bước cho riêng mình.
Chúng ta dường như ít kể về đôi chân nhưng quả thực khi con tim, khi trí não hình thành nên mọi nghĩ suy dù ngắn hay dài, thì đôi chân ngay lập tức sẽ đưa ta đến những nơi muốn đến và làm những việc cần làm. Mọi người có thể đi cùng ta, nhưng không ai có thể thay ta bước đi bằng đôi chân họ. Bởi họ cũng chỉ có một đôi chân duy nhất để đi trên con đường. Khi chân ai thời mệt mỏi, hãy cứ việc nghỉ ngơi.
Đôi chân của tôi được giũa rèn từ một miền quê đầy nắng gió. Tôi cảm ơn lúc nhỏ đã sải bước chân trần, để ngày sau bằng cân, dẻo dai về phía trước.
Ai cũng luôn có những kí ức thân thuộc cất giữ cho riêng mình. Những đôi chân nhỏ xinh dù được sinh ra lớn lên ở quê hay phố cũng đều có thể trở thành những đôi chân độc lập, khoẻ khoắn, vững vàng ghi dấu ấn cho đường đời đẹp mãi. Chân trần cứ vậy mà quê…