Đây là mảnh sân, khoảnh sân trước ngôi nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa. Người nông dân khi làm nhà, dù tuềnh toàng nhà gianh vách đất hay khá giả “nhà ngói cây mít” cũng đều phải có cái sân.
Mảnh sân có tác dụng tôn ngôi nhà lên, tạo khung cảnh hài hòa, đẹp mắt. Ngoài ngôi nhà, khoảnh sân, nếu có thêm mảnh vườn xanh trước sân, hàng cau cao vút, bờ rào xanh chạy quanh khu nhà… thì đó là một khuôn viên đẹp mà sau này người ta gọi là không gian kiến trúc của ngôi nhà truyền thống ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Ở nông thôn ngày trước, đời sống vật chất của đa số nông dân khó khăn, thiếu thốn. Nhà cửa hầu hết là nhà tranh vách đất. Trong một làng, những gia đình khá giả có nhà ngói khang trang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà mái gianh, tường đất, nền đất thì hiển nhiên là sân đất. Bấy giờ, sân đất là phổ biến. Khi làm ngôi nhà xong, người ta san mảnh đất trước nhà cho phẳng phiu, dùng cái “đầm tay” nặng trịch thình thịch nện đất, lèn đất cho chặt. Thế là được mảnh sân phẳng lì, vuông vắn dọc theo ngôi nhà. Thời ấy, cái sân gạch, sân lát gạch là niềm mơ ước của nhiều gia đình nông dân. Đọc tiểu thuyết “Cái sân gạch” của nhà văn Đào Vũ viết về cuộc sống của người nông dân vào cuối những năm 50 của thế kỉ trước ở một làng quê Bắc Bộ… càng thấm thía điều này.
Nhà nào có bát ăn bát để thì cùng với ngôi nhà khang trang là cái sân được lát gạch. Cũng có gia đình chả dư dả gì nhưng cố lát cái sân gạch, vì sân gạch thật tiện lợi trong đời sống nhà nông. Khi xây sân gạch, người ta cũng tạo mặt bằng, rồi chọn loại gạch nung già lửa, chín kĩ để lát sân. Gạch lát sân thường là loại gạch bìa, gạch thất vừa cỡ, vì gạch lục kích cỡ nhỏ, gạch bát hình vuông khuôn to dày dặn… thì hiếm và đắt đỏ. Vữa xây sân trộn vôi cát là chính, xi măng chỉ thêm thắt gọi là. Vì xi măng bấy giờ là của hiếm. Bao xi măng thời ấy người ta quý như vàng.
Ở làng tôi vào những năm 60 của thế kỉ trước, các gia đình có sân gạch khá nhiều. Một xóm chỉ có vài ba cái sân đất. Trong đó, ấn tượng sâu đậm đối với tôi là cái sân đất ở nhà một bà cụ neo đơn, trên lối ngõ mà ngày nào tôi cũng đi học, đi chơi qua đó. Ngày mưa, nhất là mưa dầm, mặt sân lầy lội, nhão nhoét. Chủ nhà phải đặt tấm gỗ mục hoặc mấy viên gạch lên mặt sân để đi lại. Về mùa hanh khô, mặt sân phồng rộp, nứt nẻ. Lớp đất mỏng trên mặt sân khô cứng lại, cong lên như lớp vảy. Chủ nhà phải dùng chổi tre để quét sân.
Nhà nào có sân đất thật cơ khổ. Vào vụ thu hoạch, muốn phơi phóng thóc lúa, phải rải cái nong, cái nia, tấm cót lên mặt sân rồi đổ thóc lên trên, thật bất tiện. Có nhà kiếm được tấm vải bạt khổ rộng thay cái nong, cái nia, còn đỡ. Thóc tươi mới thu hoạch, đổ thành đống, phơi không kịp, chỉ sợ mọc mầm, nên có lúc phải sang sân gạch nhà hàng xóm phơi nhờ.
Có cái sân gạch thì thật tiện lợi nhiều bề. Ngày mùa, lúa gặt ngoài đồng về chất đầy góc sân. Tối đến lại thậm thịch đập lúa đến khuya. Những hôm nhiều nắng, thóc lúa rơm rạ phơi đầy sân. Rơm mới thoảng thơm hương lúa, phải phơi khô thật nhanh để còn chất lên thành đống, thành cây cho gọn ghẽ. Thóc thì phải phơi một vài nắng, phải già nắng mới yên tâm quạt sạch. Ban ngày phơi thóc, tối đến lại phành phạch quạt thóc trên sân bằng cái quạt tay. Bất giác, nhớ cảnh phơi thóc giữa trưa hè chang chang nắng. Khoảng nửa tiếng một lần, đội nón, túm cao ống quần ra sân đảo thóc. Hai bàn chân lệt xệt di chuyển trên mặt sân nóng bỏng, cày đi cày lại để thóc mau khô (quê tôi gọi là “dũi thóc”). Nhưng cực nhất là cảnh dọn thóc, chạy thóc cấp tập vào nhà, tránh những cơn mưa rào đỏng đảnh chợt đến, chợt đi. Tất bật, mướt mải việc nọ việc kia từ sáng sớm đến đêm muộn trong những ngày thu hoạch bận rộn. Cái sân dường như cũng phải gồng mình chia sẻ sự nhọc nhằn, vất vả của con người.
Mùa nào thức nấy. Đến vụ thu hoạch hoa màu, lại có đủ thứ nông sản, nào ngô nào khoai nào sắn… được phơi phóng trên sân. Lủng lẳng những bắp ngô vàng ươm kết thành chùm được treo trên dây phơi trước sân. Những ngày nắng nỏ, lấp lóa trắng ngần những lát sắn, lát khoai thái mỏng được rải phơi trên mặt sân. Món khoai khô, sắn khô là thứ lương thực dự trữ quan trọng phòng khi giáp hạt tháng tám ngày ba… Có thể nói mùa vụ của người nông dân in dấu trên mảnh sân mộc mạc. Cái sân dầu dãi nắng mưa là người bạn gần gũi, sớm tối có nhau, ngọt bùi chia sẻ đối với nhà nông. Bỗng nhớ tới mấy câu ca dao quen thuộc:
Giã ơn cái cối, cái chày
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Giã ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Giã ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày
Chưa hết, khi nhà có việc, từ giỗ chạp, ma chay, cưới xin…, hết thảy đều diễn ra trên khoảnh sân trước nhà. Trong đám giỗ, anh chị em, con cháu, họ mạc xa nhau lâu ngày gặp lại, tíu tít chuyện trò. Mỗi người một chân một tay, nào nhặt rau, thái thịt, sắp mâm… xúm xít việc nọ việc kia, ồn ào cười nói. Khoảnh sân trở thành nơi sum vầy, đoàn tụ… Nhà nào có đám hiếu, đám hỉ, bà con trong xóm ngõ xúm lại cùng lo toan chia sẻ công việc, chia sẻ buồn vui… Sân gạch thấm đượm tình nghĩa xóm làng.
Trong gia đình người nông dân, nhiều sinh hoạt thường ngày cũng đều diễn ra trên mảnh sân nhỏ. Chiếu trải ra sân, cả nhà quây quần ấm cúng bên bữa cơm chiều đạm bạc, vừa ăn vừa rì rào trò chuyện. Cơm chiều xong, ông bà bố mẹ ngồi uống nước trên chiếc chõng tre. Ông khoan khoái nhả đám khói thuốc lào, bà rỉ rả câu chuyện làm ăn, xóm ngõ… Chiều chiều, sân là nơi bà ngồi têm trầu, bện chổi…, ông ngồi chẻ lạt, đan cái rổ cái rá… Sân còn là nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên trong đời của em bé chập chững tập đi. Những ngày giáp Tết, mảnh sân là nơi diễn ra và chứng kiến sự tất bật, bận bịu chuẩn bị Tết của người lớn, sự náo nức của trẻ nhỏ, không khí tưng bừng nhộn nhịp của làng quê… Khoảnh sân gần gụi gắn bó với những sinh hoạt thường ngày trong đời sống nhà nông.
Nhưng vui nhất trong nhà có lẽ là lũ trẻ. Tối đến, cơm nước xong, mấy chị em trải chiếu ra sân. Những đêm trăng sáng, ngồi nghe bà kể chuyện đời xưa, nào Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây khế…, nào Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa… Rồi ngắm nhìn thỏa thích vầng trăng vằng vặc sáng, nghe chuyện chị Hằng, chú Cuội cung trăng. Những đêm tối trời, bầu trời như tấm thảm nhung đen đầy sao lấp lánh. Mấy chị em đua nhau đếm sao:
Một ông sao sáng
Hai ông sáng sao
Ba ông sao sáng
Hai ông sáng sao
Ba ông sao sáng
Sáng chiếu muôn ánh vàng
Nguyễn Duy viết:
Bao giờ cho tới tháng Năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
là vậy!
Rồi ngắm nhìn dải Ngân Hà mờ mịt, bàng bạc, lênh láng chảy tới tận cuối trời, ngắm ông Thần Nông đang khom lưng cấy lúa hay mò cua bắt ốc ven sông Ngân… Đơn giản vậy thôi, nhưng sẽ là những kí ức tuổi thơ theo ta suốt cả cuộc đời.
Ngày xưa, trong một làng, chỉ có đình làng là địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng mỗi khi có hội hè, có việc làng (như hát chèo, hát cửa đình…). Vì vậy, chỉ có sân nhà, mảnh sân rộng rãi gần gũi của gia đình, là địa điểm tụ tập vui chơi phù hợp nhất với lũ trẻ trong chòm xóm. Cái sân trở thành tụ điểm câu lạc bộ ngoài trời, trở thành “vương quốc thần tiên” của trẻ em nông thôn thời bấy giờ. Những đêm trăng sáng, bọn trẻ kéo nhau đến sân của một nhà nào đó trong xóm, nô đùa hò hét ồn ĩ.
Các trò chơi dân gian kèm những lời hát đồng dao vần vè, vui nhộn. Nào là nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, chi chi chành chành, rồng rắn lên mây…, nào là thả đỉa ba ba, xỉa cá mè đè cá chép, bịt mắt bắt dê, chồng nụ chồng hoa… Bây giờ, hãy duỗi thẳng đôi chân trên chiếu nhé: “Nu na nu nống / Đánh trống phất cờ / Mở hội thi đua / Chân ai sạch nhất…”. Nào, bạn xòe bàn tay ra nhé: “Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa chết trương / Ba vương ngũ đế…”. Nắm tay nhau, đưa tay lên xuống nào: “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi / Đến ngõ nhà trời / Lạy cậu lạy mợ…”. Túm vạt áo sau thật chặt nhé: “Rồng rắn lên mây / Có cây lúc lắc / Hỏi thăm thầy thuốc / Có nhà hay không?”. Đứng thành vòng tròn, quay mặt vào trong nào: “Thả đỉa ba ba / Chớ bắt đàn bà / Phải tội đàn ông / Cơm áo như bông / Gạo thuyền như nước…”… Cái sân dường như cũng vui lây, cũng hòa đồng, nâng niu niềm vui con trẻ.
Nhà thơ nhí Trần Đăng Khoa vào cuối những năm 60 của thế kỉ trước có một số bài thơ, câu thơ viết về cái sân. Một trong những bài thơ đầu tay của Trần Đăng Khoa viết năm 8 tuổi (1966) là bài “Cái sân”, có những câu:
Em thường rải cái nong
Ra góc sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya
Thường là xỉa cá mè
Hay làm mèo đuổi chuột…
Ra góc sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya
Thường là xỉa cá mè
Hay làm mèo đuổi chuột…
Cái sân dầu dãi nắng mưa từng chứng kiến, sẻ chia những nỗi vất vả nhọc nhằn khuya sớm của người nông dân, từng gắn bó sâu nặng với người nông dân những lúc vui buồn, sướng khổ. Cái sân ở nông thôn xưa gợi bao điều suy ngẫm về cuộc sống của người nông dân một thời gian khó.
Cái sân cũng là “cái nôi” của những kỉ niệm ngọt ngào, những kí ức tuổi thơ không dễ nguôi quên của những người sinh ra từ làng, lớn lên từ làng. Nếu quan niệm hồn quê, hồn làng được chứa đựng, được thăng hoa từ cái vỏ vật chất, vật thể như cây đa, bến nước, sân đình… thì cùng với ngôi nhà truyền thống, mảnh vườn xanh trước sân, hàng cau ngát hương đêm hè, bờ rào xanh bao quanh khu nhà… và đây là mảnh sân trước nhà, cái sân nhà… cũng là một mảnh hồn làng, hồn quê.