Cứ độ xuân, cô lại hai lượt qua eo Nầm , chỗ khúc quanh của con sông Ngàn Phố để về nhà. Cảnh tựa tranh. Một bên là núi thông sừng sững, một bên là dòng xanh trong dưới sâu lấp lóa nắng. Qua chốn này không khi nào cô nguôi nhớ tuổi thơ, nguôi nhớ cha.
Khúc eo Nầm trước tựa một con đèo nhỏ, giờ đã được đẽo sâu vào núi làm giảm bớt độ gấp nên chỉ còn là một con dốc lớn. Cô vẫn thường ước ao đủ thời gian để có thể vòng lên núi thông rồi băng qua đồi trện, đồi bổi mà về nhà, vừa đi vừa hít mùi hăng hắc của nhựa thông, của thân trện, thân bổi mà ống tay áo phượt qua cũng dậy cả tuổi thơ êm đềm cùng cha những buổi chiều kiếm củi trên đồi.
Dãy núi ấy ăn sâu vào hồn đến độ ngay cả khi đọc sách, thấy kể chuyện có núi là y như rằng trong óc cô hiện lên dãy Nầm xanh hùng vĩ từ quê mình tỏa đi muôn ngả. Hết thảy màu xanh cây cối núi rừng trong sách đều là màu xanh thẫm của thông, của bổi và trện. Ngay cả mùi hương hăng hắc của tử đinh hương hay ngải cứu thảo nguyên trong sách Aimatop cô từng yêu thích cũng là mùi hăng hắc của cây cối tuổi thơ nơi núi Nầm mà thôi.
Kí ức của cô là những buổi chiều khi nắng đã êm, khi cô lên chín đã biết thùa khuy áo rất khéo, đợi cha may nốt đường chỉ cuối cùng cho món đồ nào đó của khách bằng cái máy khâu rất cũ để đến giờ được lên đồi kiếm củi. Chỉ cần cha sập cái hộp máy khâu, với tay lên vách lấy cái đài nhỏ bọc da nâu đeo vào hông rồi qua nhà củi lấy xe đạp dắt ra hiên, là cô vui sướng leo tót lên gác gacbaga theo cha đi khắp dãy núi Nầm. Nhỏ xíu ngồi sau lưng cha, líu lo hơn cả cái “Nationan” đang phát thanh hẳn là cô cũng đã khiến cha cảm thấy rất nhiều hạnh phúc bên con thơ thiếu.
Men theo đường mòn quanh chân núi, đôi lúc hai cha con phải xuống đi bộ vì quá ghập ghềnh. Cha cao lớn , một tay xách ngang khung xe đạp, một tay đỡ con gái nhảy vút qua những con hào giao thông thời chiến, qua những hố bom chưa liền, cả những miệng mồ người ta cất bốc hài cốt tự bao giờ nơi chân đồi đã kịp vun đầy dương xỉ và trện thơm. Lúc ra về,khi được ngồi trên yên xe, lọt thỏm giữa hai bó củi chất đầy trước khung ngang và sau giàn gacbaga để cha đẩy bộ về nhà, cô đã ao ước biến thành cái kim khâu gài vào bâu áo của cha cho cha đỡ nặng tay .
Những buổi chiều kiếm củi cùng cha trên đồi là những buổi rong chơi thú vị nhất đời. Cứ ngỡ sẽ mãi chân sáo cùng cha trên đồi quê hương, cho đến một ngày cha vẫy tay từ biệt con gái đi vào miên viễn. Cô ngơ ngác mãi giữa những buổi chiều hun hút và tưởng như cha chỉ đang “vào thăm anh em trong trong đơn vị xưởng may thương binh mai mốt ra “, như lời cha nói mỗi khi phải đi đâu đó vài ngày…Quãng đời đẹp nhất đã trôi qua. Bóng cha lồng vào bóng núi vẫn về trong giấc mơ đến tận bây giờ. Nhập nhòa giữa xanh thẳm , gương mặt cha khi mờ khi tỏ dù cô cố hình dung cho thỏa nhớ thương. Cô đã khóc mỗi lần khi xem bộ phim ngắn Father and doughter của một đạo diễn nước ngoài, kể chuyện người con gái mồ côi chiều nào cũng đạp xe ra bến đợi người cha đi biển trở về và thấy mình giống cô gái trong bộ phim ấy.
Với con gái, kí ức về cha không bao giờ dừng, cảm giác mồ côi sẽ không bao giờ nguôi. Giấc mơ đợi cha sẽ vẫn lặp đi lặp lại trong giấc ngủ của họ. Cả cuộc đời, nhiều khi là những cuộc kiếm tìm vô thức không dứt hình bóng cha trong những người đàn ông mà họ đã gặp. Nhiều khi họ biết ơn và gắn bó với một người cũng bởi những cảm giác ấm áp yêu thương mà họ ngỡ là của cha mình gửi lại qua ai đó, để an ủi và thay thế dần bóng cha qua những giấc mơ.
Nhưng không ai có thể thay thế được hình bóng cha trong lòng con gái mồ côi. Cô cho rằng mình không được quên nghĩ về cha mỗi ngày. Nghĩ về cha, mơ thấy cha là cách cô nghĩ để linh hồn cha được ấm áp trong cõi phiêu diêu, như cái cách cha vẫn gửi những ấm áp xuống đời ấp ủ cho linh hồn con gái vậy.
Cô định bữa nào về qua eo Nầm, nhất định phải xuống xe, phải bỏ con dốc đã ăn sâu vào nửa thân núi, để vòng lên con đường mòn ngày trước mà hít mùi trện mùi bổi, mà chụp ảnh dòng sông lấp lóa nắng từ trên cao như nét vẽ kim tuyến, mà cất vào anbum điện thoại để thỉnh thoảng giở ra ngắm, phòng khi tuổi thơ thưa về trong những giấc mơ sẽ chật căng kí ức theo tuổi.
Nhưng bữa nay về qua eo Nầm lại vẫn phải ngồi trong xe mà trôi qua con dốc lớn, chỉ vì chiều đã phải quay lại thành phố mất rồi, vì cả những cảm giác mơ hồ, rằng biết đâu con đường mòn cũ bỏ hoang lâu ngày để trện và bổi đã bịt mất lối về. Mà cha thì đã rất xa. Không còn ai dắt cô qua những con hào cũ, qua những hố sâu đã khỏa lấp bổi xanh… Đành đêm về, khi một ngày bận rộn đã qua, cô lặng lẽ khoanh tròn, ủ mình trong bóng núi, bóng cha…